LƯỢC SỬ HỘI QUÁN TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI

LƯỢC SỬ HỘI QUÁN TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI – TỔ ĐÌNH HƯNG MINH TỰ

45 Lý Chiêu Hoàng, P10 Q6 – Tp HCM

(Giai đoạn từ 1934 đến 2007)

Nguồn gốc

Năm 1934, một đệ tử của Đức Tông Sư Minh Trí là điền chủ Quách Thị Mười hiến đất tại hộ số 16 Phú Định, Chợ Lớn, diện tích 1 ha 120 sào theo bằng khoán số 205 năm 1935. Giáo hội khởi công xây dựng Hội quán Trung ương Tân Hưng Long (hiện nay là Tổ đình Hưng Minh Tự).

– 1936 làm lễ lạc thành. Năm 1937 hoàn tất thêm Đông lang.

– 1948 Hội quán Tân Hưng Long bị thiêu hủy bởi chiến cuộc, năm sau dời Hội quán Trung ương ra Chợ Lớn, 282 Đại lộ Lacaze [la-cai], nay là đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Tp. HCM.

– 1958 Đức Tông Sư Minh Trí viên tịch, an táng tại Phú Định. Ông Huỳnh Văn Dơn, Chánh Hội trưởng TƯ thời bấy giờ, xây dựng Liên Hoa Điện ngay phía sau mộ thầy, và bắt đầu tạo lập lại với tên chùa mới là Tổ đình Hưng Minh Tự.

– 1959 xây dựng Đông lang.

– 1962 cất thêm Tây lang và mở cơ sở Phòng thuốc nam Phước thiện độ bệnh miễn phí cho đồng bào theo đường lối tu học của Giáo hội TĐCSPHVN.

– 1963 tái thiết cơ sở thờ tự, xây mới ngôi chánh điện, hậu đường, thành lập Ban Y tế Phước thiện gồm các vị: Ông Trần Văn Đẹt, Trưởng ban, Bà Lê Thị Lép, Phó ban, Ông Huỳnh Văn Trừ, Thư ký.

– 1968 (Mậu Thân) Tổ đình Hưng Minh Tự bị chiến tranh thiêu cháy nhà hậu, hư hại chánh điện khi đó vẫn chưa hoàn thiện. Các công việc xây dựng bị đình trệ, dang dở.

– 1969 Đại hội thường niên của Giáo hội thống nhất hoàn thiện, trùng tu các công trình, nhưng tòa nhà chánh điện bị lún, phải gia cố và chờ thời gian bình ổn phần chân móng.

– 1970–1974 tu sửa lại các phần xây dựng phía hậu đường.

– 1975 Tổ đình được Ông Lê Minh Xuân, Viện trưởng Viện YHDT tổ chức làm nơi bào chế thuốc nam.

– 1982 Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chủ trương mở Tuệ Tĩnh đường tại phòng thuốc của Tổ đình. Chức sắc hội viên không đồng tình, tranh đấu để giữ vững sinh hoạt. Đây là giai đoạn nội bộ lủng củng, xảy ra nhiều tranh chấp trong nhiều năm, nhưng rồi sau đó Phòng thuốc nam phước thiện được khôi phục đúng với đường lối giáo hội, tình hình tạm ổn.

– 1988 Ông Trần Văn Đẹt liễu đạo. Ông Huỳnh Văn Trừ làm Trưởng ban.

– 1992 Ông Huỳnh Văn Trừ liễu đạo. Ông Nguyễn Quang Lộ làm Trưởng ban.

– 1993 Nhân ngày Đại lễ kỷ niệm ngày viên tịch Đức Tông Sư viên tịch (23/08 âl) hội nghị tại Tổ đình gồm nhiều chi hội đã thống nhất cử Ban cố vấn tối cao Tổ đình Hưng Minh Tự để chỉnh trang, tái thiết Tổ đình và củng cố giáo hội, trong đó có:

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban

Ông Định Minh Lý, Phó ban

Ông Huỳnh Văn Nở, Tổng Thư ký

1992 – 1993 tiến hành xây dựng phần Tam bảo tháp hoàn thành phần nóc chánh điện hoàn thành và các công tác chống gia cố nền Liên Hoa điện hoàn tất.

Đại hội (mùng 08 tháng 4âl) năm 1994, thay đổi danh xưng Ban cố vấn tối cao thành Hội đồng Quản trị và đề cử 47 thành viên gồm các vị Hội trưởng, Hội phó tỉnh/thành, các chức sắc ưu tú. Hội đồng Quản trị sẽ quản lý – điều hành, củng cố lại Giáo hội do lúc bấy giờ nhiều vị chức sắc cao cấp Giáo hội đã liễu đạo, và nhiều người già yếu, chưa có nhân sự kế thừa.

Trong hội nghị 1995, HĐQT đã bầu Ông Nguyễn Phương Hiếu làm Hội trưởng để thay mặt giáo hội làm các thủ tục pháp lý và lãnh đạo Giáo hội đúng với Điều lệ Nội qui, đồng thời quyết định chọn Tổ đình Hưng Minh Tự làm cơ quan Trung ương giáo hội.

– 1998 Tổ chức triển lãm Nam Y Dược Thảo gồm 600 vị (báo Tuổi Trẻ đăng ngày 09/10/1998). Tổ đình được trùng tu dần dần, nâng nền, mở rộng hậu đường. Lúc này Phòng thuốc phát triển mạnh, rất nhiều người ủng hộ.

Kể từ năm 1995 trở về sau, ông Nguyễn Phương Hiếu được Đại hội toàn đạo tín nhiệm, giao trách nhiệm tái lập tư cách pháp nhân cho giáo hội. Trải qua một hành trình dài 12 năm, Đến 2007, giáo hội đã được Ban Tôn giáo Chính phủ trao giấy công nhận tổ chức hoạt động tôn giáo.

Cư sĩ Huỳnh Văn Tâm

Hội quán Trung ương Tân Hưng Long năm 1936