Pháp Môn Niệm Phật

Đạo Phật có rất nhiều pháp môn, trong đó có pháp môn niệm Phật, một pháp môn hết sức cao sâu mầu nhiệm, kiến tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ..

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

 PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Cư sĩ Như Pháp

(Ghi chép từ băng giảng lúc Cư sĩ còn sanh tiền, không rõ thời gian và địa điểm)

 

 

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Di Lặc tôn Phật

Nam Mô Tông Sư Minh Trí tác đại chứng minh.

Thưa quí ông, thưa quí bà, chúng tôi bàn đến pháp môn niệm Phật trong buổi giảng này, nếu có chỗ nào sơ sót, xin quí ông, quí bà biểu chính cho, chúng tôi thành tâm cảm tạ, Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính thưa quí vị,

Danh hiệu Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam nói lên danh nghĩa của pháp môn niệm Phật. Danh hiệu này chúng ta thấy có hai chữ đầu là Tịnh Độ, như vậy cho chúng ta biết đường lối pháp môn niệm Phật là do Đức Tông Sư Minh Trí vạch ra.

Đạo Phật có rất nhiều pháp môn. Từ xưa đến nay chúng ta thấy rằng các pháp môn nào rồi cũng trải qua sự hưng thịnh một thời gian, rồi cũng lần lần tiêu trầm, trái lại pháp môn niệm Phật càng đi xa thời gian chừng nào thì càng thịnh hành chừng nấy. Sự thịnh hành của pháp môn niệm Phật, xét chung lại hiện nay đa số người ta kính trọng về pháp môn niệm Phật, người ta niệm Phật A Di Đà.

Trước khi đi sâu vào sự thảo luận về pháp môn niệm Phật, chúng tôi xin được nêu nghĩa pháp môn niệm Phật là gì? Pháp môn là cái cửa pháp; niệm Phật, niệm là ghi, là nhớ, là tưởng, là gắn chặt vào trí, trong tâm luôn niệm, Phật đây là rõ Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Tây phương Tịnh độ.

Pháp môn niệm Phật là một cửa pháp, ai đi sâu vào cửa pháp này thì người đó phải trải qua từ thấp lên cao. Trong pháp môn niệm Phật, ở bực cao thì sánh với thiền tông đốn giáo về pháp trực chỉ thiền, hay là trực chỉ minh tâm kiến tánh thành phật. Thế thì pháp môn này cũng minh tâm kiến tánh thành phật y như thiền tông vậy. Pháp môn này người ta kiến tự tánh A Di Đà, ở thiền tông người ta kiến Phật tánh, người ta kiến Như lai tự tánh, ở bên này kiến tự tánh Di Đà thấy được bổn tánh A Di Đà của mình.

Nói về bổn tánh thì có nhiều danh từ, ở nơi này thì đặt ra cái danh từ này, ở nơi kia thì đặt ra cái danh từ kia, do lẽ đó tuy là khác danh từ mà đồng một nghĩa lý. Ở phái Thiền đặt ra từ ngữ Phật tánh để cho người tu học minh tâm kiến tánh, còn Tịnh độ thì có từ ngữ A Di Đà Phật, để cho người niệm Phật kiến tự tánh A Di Đà. Tuy nhiên nếu xét lại thì từ ngữ “Phật tánh” nó chỉ về phần bản thể chơn như bất biến thường hằng tự tại, còn về phần sự tướng thì Thiền tông đốn giáo không có nói tới. Riêng về pháp môn niệm Phật gồm sự và lý, do lẽ đó “sự” niệm Phật thì ông Phật mình niệm đó là một vị giáo chủ của cõi Tây phương, còn về “lý” đó là bổn tánh chơn như của chúng ta, tức là tự tánh A Di Đà. Như vậy thấy rằng đối với pháp môn này ta có đủ về sự tướng, lý tánh và phần thực dụng.

Người tu về pháp môn niệm Phật chúng ta cần phải hiểu thế nào là sự tướng? thế nào là lý tánh? Như vậy mới có thể tu học pháp môn niệm Phật được.

Cửa pháp về môn niệm Phật hết sức cao sâu mầu nhiệm, đi từ thấp lên cao. Ở bực thấp dù là bực mới tu đi nữa chúng ta cũng phải hiểu thế nào là về sự tướng, rồi lần lần lên cao chúng ta mới bắt đầu hiểu qua lý tánh; cái lý tánh này trong Đại thừa Khởi Tín Luận nói là Chơn như, còn ở môn niệm Phật thì gọi đó là tự tánh A Di Đà. Tự tánh A Di Đà là gì? tức là vô lượng quang, vô lượng thọ.

Pháp môn niệm Phật này nó đòi hỏi nhiều sự trợ duyên, tức là có nhiều sự giúp sức để cho chúng ta thành công.

Pháp môn niệm Phật có tha lực và tự lực, còn các giáo-tông khác thì chỉ dùng tự lực, chứ không có được tha lực. Tha lực nghĩa là cái sức giúp đỡ bên ngoài, ở đây nói “tha” là người khác, là kẻ khác, là kẻ ngoài, tức là ngoài cái sức tự lực. Như vậy pháp môn này có hai khía cạnh không thể nào là lìa nhau được, hai khía cạnh này phải đi liên tiếp nhau, liền lạc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tương sinh lẫn nhau. Về phần tha lực nghĩa là gì? tức là sự giúp đỡ của Phật A Di Đà và các vị thánh chúng như Quan Âm, Thế Chí chẳng hạn.

Như vậy tu về pháp môn này quí vị thấy rõ về hai cái lực đó: tự lực và tha lực. Nếu mới chỉ biết có tự lực mà không cần tha lực đó là một điều đại khiếm khuyết ở pháp môn niệm Phật. Ngược lại nếu chỉ biết có tha lực mà không có tự lực nghĩa là cái gì cũng nhờ Phật hết: nhờ Phật độ, nhờ Phật cứu vớt, v.v… riết rồi người đó cũng muốn cho Phật tu dùm cho mình nữa, nghĩa là không có tự lực, chỉ có tha lực, như vậy là sai hẳn với giáo lý này.

Thế thì hai phần, cái phần cố gắng tự lực của mình và cái phần giúp dỡ của bên ngoài, của Phật, Thánh, Tiên, hai cái đó phải đi đôi. Có như vậy pháp tu này mới có thể chóng thành công.

 

***

Kính thưa quí vị,

Pháp môn niệm Phật cần phải trải qua những khía cạnh mà chúng tôi sẽ trình bày lần lượt để quí vị thấy rằng pháp môn này đòi hỏi cái gì giúp đỡ cho nó.

Ở trên thế gian này chúng ta nhận thấy rằng bất luận là việc làm nào cũng cần có sự giúp đỡ ở bên ngoài, thí dụ như đi buôn, đi học, đi làm việc gì chẳng hạn, luôn luôn có sự giúp đỡ ở bên ngoài. Nếu không có sự giúp đỡ ở bên ngoài, người đó muốn thành công thì hết sức gian lao, trải qua không biết bao nhiêu đường khổ cực. Do vậy, từ việc làm ở thế gian cho đến việc tu hành, nếu có ngoại duyên trợ giúp là điều hân hạnh hơn hết.

Người đi buôn không ai giúp vốn, không ai chỉ đường, ngược lại có người đi buôn nhờ kẻ này giúp vốn, kẻ kia chỉ đường, như vậy hai cái quí vị thấy cái nào có lợi hơn?

Nói về sự thế là như vậy, mà nói về việc đạo cũng không khác, bởi vì đạo với đời nói về tánh lý hai cái không khác nhau, chẳng qua cái thí dụ khác nhau mà thôi.

Pháp môn này dùng để làm gì? niệm Phật để chi? Ai thường niệm Phật mấy chục năm nay mà không nhấn mạnh về cái đó, không để ý những câu hỏi đó, không theo dõi về câu hỏi đó thì kể như sự tu học của mình còn bê trễ lắm, chưa có tiến bộ được. Làm một việc gì mà không biết mình làm việc đó để chi, cái đó chỉ những người khùng mới làm chớ người sáng suốt không ai như vậy.

Do lẽ đó mình học cái gì, phải biết nó dùng để làm chi. Thí dụ như nhiều người nói họ dùng lầm cái môn học, như cái việc bố thí chẳng hạn: người ta không biết công dụng của pháp bố thí dùng để làm cái gì? Người ta bố thí rồi cầu phước, như vậy thì hiểu sai giáo lý nhà Phật, mà cũng do chỗ hiểu sai đó nên công dụng và tác dụng cũng sai luôn. Nếu ai hiểu rằng bố thí để bòn cho được phước đức, thì người đó không hiểu pháp bố thí. Do đó cái sự tu chứng không đúng với cái pháp.

Bây giờ chúng tôi thí dụ: cái bàn để làm chi? cái ghế để làm gì? cái dĩa cái chén để làm chi? Những cái đó có công dụng khác nhau. Công dụng của cái dù để che mưa che nắng, công dụng của cái bào để làm cho ván trơn láng, công dụng của cái cưa để cắt xẻ gỗ. Công dụng của mỗi món đó khác nhau, hiệu quả của nó phải khác nhau. Bây giờ một người không hiểu gì hết, lấy dao cắt gỗ, lấy cưa để chẻ thì có hại không? hại! v.v…

Thí dụ bây giờ đi học thuốc mà chúng ta biết cái vị sài-hồ này, cái vị ké-đầu-ngựa này, tất cả những vị đó, cái nào dùng để trị bệnh chi mà chúng ta dùng đúng với phép trị liệu, đúng với tánh dược của nó thì nó công hiệu và không có hại. Trái lại một vị thuốc mà nó trị bệnh này mà ta đem dùng để trị bệnh khác, đó là hại rồi, đó là đau nam chữa bắc, có khi thuốc nó khắc với chứng bệnh có thể chết. Một người bệnh có chứng hàn, nếu ta không biết cho uống thuốc mát vào thì “hàn ngộ hàn tắt tử”; ngược lại nếu bệnh sốt, nhiệt độ lên cao chúng ta cho uống thuốc nóng vô nữa thì “nhiệt ngộ nhiệt tắt cuồng.”

Phật pháp cũng như các vị thuốc vậy, cũng như vật dụng vậy, chúng ta phải biết công dụng của mỗi pháp. Xưa nay chúng ta nghiên cứu về pháp môn niệm Phật mà chúng ta bỏ qua tác dụng của một pháp môn thì làm sao mà tiến bộ cho kịp, làm sao tu cho đúng, làm sao mà mau chóng được thành công với pháp môn niệm Phật. Sở dĩ chúng ta bê trễ ở pháp môn niệm Phật là như vậy, đó là chưa nói sự bê trễ khác là thiếu trợ duyên.

Đưa ra những thí dụ cụ thể như vậy rồi chúng tôi mới lần lượt trình bày pháp môn niệm Phật là để làm chi?

 

***

Kính thưa quí vị,

1- Trước hết, “niệm Phật để không niệm chúng sinh”. Người tu học pháp môn niệm Phật không rõ hiểu chúng sinh là gì? Phật là gì? Niệm Phật mà không biết Phật là ai? Phật là ở đâu? Phật ở chỗ nào? Phật ra làm sao? Cái gì là Phật? Như vậy mình mất biết bao nhiêu là cái hay, cái đẹp, cái quý. Mình niệm Phật mà không biết Phật là gì hết, thì cái sức niệm đó mất không biết bao nhiêu tác dụng hay ho.

Dẹp bỏ tất cả để niệm Phật, gom tất cả niệm chúng sinh để niệm Phật mới đúng pháp môn này, ai không làm như vậy là người đó không đi đúng với pháp môn niệm Phật. Bây giờ nếu chúng ta niệm Phật tinh chuyên, chúng ta không còn niệm chúng sinh nữa, ngược lại nếu chúng ta vừa niệm Phật vừa niệm chúng sinh, nghĩa là khi niệm Phật khi niệm giận, niệm hờn, niệm thương, niệm ghét, niệm khen, niệm chê, thương người này, ghét người kia, đả kích người nọ nói xấu người khác, cứ mải ở trong vòng lẩn quẩn của cái tâm niệm chúng sinh. Như vậy công phu niệm Phật đó không được thuần nhứt.

Quí vị thấy rằng pháp môn này thì nó hay, cao sâu và hiệu quả đến đỗi người ta gác lại các môn khác. Pháp môn này đả phá tất cả vọng niệm, đả phá tất cả các niệm của chúng sinh, mà chúng ta không làm y như vậy, thử hỏi chúng ta làm gì đi đúng với pháp môn này, làm gì thành công với pháp môn niệm Phật được. Do lẽ đó khi một người biết pháp môn niệm Phật rồi thì người đó phải đánh dẹp cái niệm chúng sinh, chỉ còn tinh ròng một niệm Phật mà thôi, như vậy mới chóng thành công.

 

2- Ở khía cạnh thứ nhì, nó quan trọng lắm, nghĩa là chưa có ai giảng nói, chưa có sách nào nói. Đây là do sự tham thiền nhập định của chúng tôi và nó được sự chỉ điểm của Ơn trên. Niệm Phật để làm gì? Là để thâu nhiếp phóng tâm. Thâu nhiếp phóng tâm là cái gì? Nghĩa là cái tâm vọng khởi của mình đó, mình phải thâu nhiếp nó lại, mình đừng có phóng nó ra, hễ phóng nó ra thì nó thành cái vọng niệm, mà cái vọng niệm đó nó níu kéo lâu dài thì nó thành cái sự sanh diệt tương tục. Phân tách như vậy, quí vị nào có học về Duy thức mới thấy cái quan trọng của nó; quí vị chưa nghiên cứu về Duy thức học thì không thấy được cái sự quan trọng của vọng niệm tương tục.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Thế tôn nói với A Nan thế này: “Này A Nan! Sở dĩ chúng sanh tu hành từ kiếp này sang kiếp kia mà không có giải thoát được, là vì không tỏ ngộ được hai nguồn gốc, một là nguồn gốc sanh diệt vô thường, hai là nguồn gốc bất sanh bất diệt.” Đó, ở đây mới thấy rằng vấn đề niệm Phật thâu nhiếp phóng tâm hết sức là quan trọng.

Nguồn gốc sanh diệt vô thường là gì? Đó là vọng tâm tương tục. Nếu mình không thâu nhiếp nó lại thì nó có cái nghiệp, là cái nghiệp căn bản của sanh tử luân hồi. Niệm Phật là phá tan sự luân hồi sanh tử khổ ải, mà chúng ta không phá được là do cái gì? là do chúng ta không biết được pháp môn này đả phá tận gốc nguồn gốc sanh tử luân hồi như kinh Thủ Lăng Nghiêm mà Đức Thế tôn nói đó là cái sự sanh diệt vô thường, đó là kêu bằng vô thỉ sanh tử. Khi chúng ta đả phá được cái sanh diệt vô thường đó, vọng niệm tương tục đó nó phản vọng qui chơn, trở lại nguồn gốc bất sanh bất diệt. Nguồn gốc bất sanh bất diệt là gì? là Bồ đề Niết bàn vô thỉ.

Như vậy pháp môn này đâu phải tầm thường; nó thuộc về phản vọng qui chơn.

Đức Thế tôn nói rằng người tu hành không giải thoát được, dầu tu ở kiếp này, kiếp kia, kiếp nọ, có muôn ngàn kiếp mà không giải thoát được cũng tại vì không hiểu rõ hai cái nguồn gốc đó. Nguồn gốc sanh diệt vô thường là gì? là vọng tâm. Nguồn gốc bất sanh bất diệt là gì? là chơn tâm là Phật tánh đó.

Tu theo pháp môn niệm Phật mà không biết cái nào là vọng tâm, là nguồn gốc sanh diệt vô thường; không biết cái gì là chơn tâm, là nguồn gốc bất sanh bất diệt, thử hỏi làm gì thoát khỏi cái vòng luân hồi sanh tử khổ hải được? Đó là nguyên tắc chánh, dầu cho ở pháp nào cũng phải y như vậy.

 

Kính thưa quí vị,

Nếu quí vị nào công phu lâu năm, thì mới thấy vọng tâm sinh khởi của mình trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Khi tâm này nó vọng khởi lên, người nào sáng suốt lắm mới thấy được vọng tâm sinh khởi, không sáng suốt thì không bao giờ thấy được. Cái vọng tâm sanh khởi, nó là tâm chúng sinh chớ không có cái gì khác lạ.

Người nào có trí huệ sáng suốt mới thấy được cái vọng tâm sanh khởi của mình, người nào tu hành khá khá vừa vừa thì khi cái vọng tâm nó nổi lên một thời gian rồi mới thấy được. Còn cái bực thiệt cao, bực hết sức là tối cao, bực minh tâm kiến tánh, hễ vọng tâm vừa chớm nở người ta thấy liền. Trong Duy thức học phân định chỗ đó, rằng cái vọng niệm khởi ra một thời gian rồi mới biết để thâu nhiếp cái phóng tâm lại, cái đó thuộc về hàng Tam hiền: Thập trụ, Thập hạnh, Thập Hồi hướng. Còn bực ở hàng Thập địa khi vọng tâm vừa chớm thì người ta phá tan nó liền, bởi vì người ta thấy vừa chớm nở là thấy liền, biết nó hồi ở trong trứng nước cho nên cái vọng niệm tương tục không có; cái nghiệp đầu thai, nghiệp luân hồi cũng bị phá tan luôn, vì cái nghiệp đầu thai, nghiệp luân hồi đó nó là vọng tâm tương tục, nó là nguồn gốc sanh diệt vô thường chớ không có cái gì khác.

 

Qua phần nói trên đây, quí vị thấy rằng pháp môn này không thể có pháp môn nào khác so bì được. Niệm Phật được như vậy thấy Phật hiện tiền, niệm Phật như vậy không cần phải chết bỏ xác mới về Tây phương Cực lạc, chính hiện tiền đây cũng là Tây phương là Cực lạc. Tại sao vậy? Tại vì mình đạt đến mức thanh tịnh rồi, hễ cái tâm phóng của mình mà mình bị thâu hồi thì cái đó nó gọi là phản vọng qui chơn, cũng như sóng hoàn về nước. Hễ cái vọng tâm mà mình được thâu hồi, thì cái cảnh giới thanh tịnh hiện ra, mà cái cảnh giới thanh tịnh hiện ra đó là gì? mà thanh tịnh là gì? là pháp thân, là Niết bàn là giải thoát, là tự tại, là vô ngại. Đó, thanh tịnh là như vậy.

Chính cái chỗ đó là cảnh Tây phương, Tịnh độ ở tại lòng mình, không cần phải đi tìm ở đâu, không cần phải cầu vãng sanh, bởi vì tâm của mình là Tịnh độ, tánh của mình là A Di Đà. Chứng được cảnh duy tâm Tịnh độ do cái gì? Do nơi sự thanh tịnh của chúng ta.

Chúng tôi xin đưa ra bằng chứng để quí vị thấy. Đức Thế Tôn nói trong kinh Duy Ma: “Dục cầu Tịnh độ tiên tịnh kỳ tâm, tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh,” nghĩa là muốn cầu về cõi Tịnh độ trước hết phải thanh tịnh lòng của mình, hễ lòng mình thanh tịnh đó là cõi Tịnh độ của Phật. Như vậy Tịnh độ này chính trong lúc mình còn sanh tiền đây, chớ đâu phải đợi chết rồi rước về cõi Tây phương Tịnh độ.

Có nhiều người nghiên cứu kinh Phật chưa tới nơi tới chốn, thấy rằng trong lúc Đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết bàn, người ta nói Niết bàn là cái cảnh giới tịch diệt, cảnh giới đó sau khi bỏ xác rồi mới hưởng được.

Tại cái gì mà người ta hiểu kỳ khôi như vậy? là tại vì người ta thấy Đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni trước khi nhập Niết bàn, Ngài bệnh sau khi thọ thực của ông Thuần Đà dâng cúng. Ngài tới Tha La song thọ nằm tại đó, nói kinh Niết bàn rồi Ngài nhập diệt luôn. Người ta cho rằng Niết bàn là cảnh giới tịch diệt, một cảnh giới sau khi bỏ xác phàm rồi mới hưởng được cái phước đó, tương tợ như cái thuyết bỏ xác phàm rồi về Tây phương Tịnh độ. Bằng chứng trong kinh Duy Ma cho chúng ta thấy Niết bàn Tịnh độ ở tại Tâm chúng ta, hễ Tâm chúng ta thanh tịnh là cõi Tịnh độ, chớ đâu có đợi tới lúc bỏ xác này.

 

***

Kính thưa quí vị,

Chúng ta học cái đạo thuộc về pháp môn niệm Phật và cần phải hiểu rõ sự thanh tịnh của pháp môn. Một biểu hiện để tượng trưng cho sự thanh tịnh pháp môn, đó là hoa sen. Người ta thường nói hoa sen mọc ở bùn mà không hôi tanh mùi bùn, gọi là cư trần bất nhiễm trần.

Niệm Phật phải đạt đến cảnh giới thanh tịnh mới gọi là pháp môn niệm Phật, không đạt được cảnh giới thanh tịnh thì chưa đi tới nơi tới chốn, chỉ mới đi một khúc đường thôi. Khi niệm Phật mà cái tâm không còn [bị chi phối bởi] giận, hờn, thương, ghét, phải, quấy, khen, chê, sang, hèn, vinh, nhục thì mới đạt được, thành tựu được pháp môn niệm Phật.

Bây giờ có nhiều vị chưa hiểu thanh tịnh là gì, rồi hiểu lầm cái vẻ thanh vắng bên ngoài. Học đạo mà không hiểu từ ngữ “thanh tịnh” là nguy lắm. Thanh tịnh là chơn như, thanh tịnh là Phật, thanh tịnh là giải thoát, thanh tịnh là Niết bàn, thanh tịnh là pháp thân. Vậy thì thanh tịnh đâu phải là một danh từ tầm thường, nó là cái quả của sự tu chứng, nó là trạng thái khi mà chúng ta đã diệt hết cả thói xấu tật hư và diệt tất cả các sự ô nhiễm nó mới hiện ra. Nếu chúng ta còn có sự ô nhiễm thì không bao giờ cái cảnh giới thanh tịnh hiện ra. Thanh tịnh là gì? chữ “thanh” là trong, chữ “tịnh” là sạch tức là trong sạch.

Tâm không còn dính mắc hệ lụy trần thế, không còn nhiễm sắc, tài, danh, lợi mới gọi là thanh tịnh, chớ đừng có lầm rằng cái chỗ vắng vẻ trong cửa chùa. Không! cái đó chỉ là thanh vắng, cái chỗ đó không bị ai khảo đảo rồi mình cho là thanh tịnh. Người thanh tịnh là người không ô nhiễm việc gì cả, cho nên người đó dầu ở giữa chợ đời vẫn không bị sắc, tài, danh, lợi kéo níu mới gọi là thanh tịnh. Người đó chẳng khác nào như hoa sen, ở nơi bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, là cư trần bất nhiễm trần. Hiểu như vậy mới đúng với Phật pháp.

 

***

3- Chúng tôi đã đưa ra hai khía cạnh hết sức quan trọng của pháp niệm Phật này. Và chúng tôi đưa ra một khía cạnh thứ ba nữa để quí vị thấy rằng pháp môn này siêu việt trên sự siêu việt, không gì so sánh được.

Đó là: Niệm Phật để làm chi? Niệm Phật để phản vọng qui chơn. Vấn đề phản vọng qui chơn hết sức quan trọng đối với người tu giải thoát. Vọng là gì? Vọng là giả dối không thật, không bền, không chắc, có tánh cách sanh diệt, có tánh cách vô thường. Qui chơn nghĩa là gì? Là trở về cái chơn. Chơn là gì? Chơn là chơn thật, là bất biến, thường hằng, tự tại, vô ngại.

Pháp môn niệm Phật này có công năng và mục đích đưa tâm của chúng ta từ chỗ vọng về chỗ chơn. Ai hiểu mục đích của pháp môn niệm Phật như vậy thì người đó mới chóng thành công và mới đi tới cái chỗ cao sâu mầu nhiệm của pháp niệm Phật. Ai không hiểu như vậy, dễ dầu gì đạt được tới chỗ huyền diệu của pháp môn.

Phản vọng qui chơn là gì? Nghĩa là chữ “phản” là trở lại, cũng như bây giờ nói người đó lưu lạc giang hồ, bây giờ chán rồi, họ trở lại gia đình của mình. Cũng như mấy cô mấy cậu ngày nay nghe người ta nói yêu cuồng sống vội, bỏ gia đình đi sống theo bụi đời, tới chừng chán rồi trở về gia đình.

Như vậy phản vọng qui chơn nghĩa là bấy lâu nay chúng ta triền miên ở trong tánh sanh diệt vô thường, triền miên ở trong cái phóng tâm hết giận tới hờn, hết thương tới ghét, mắc kẹt trong đó rồi dấy khởi tham, sân, si, tạo vô số nghiệp ác, nghiệp luân hồi, nghiệp sanh tử, chìm đắm trong đó ngàn đời muôn kiếp mà ra không được.

Pháp môn này vạch rõ cho chúng ta thấy cái sự lợi hại như vậy. Khi niệm Phật chúng ta biết thâu nhiếp phóng tâm, rồi thì cái phóng tâm của chúng ta không có địa bàn để hoạt động, đó là đem cái vọng trở về cái chơn.

Phản vọng qui chơn cũng có nghĩa là hoàn về chơn như. Quí vị nào có nghiên cứu ở Đại Thừa Khởi Tín Luận thì có thể hiểu rõ từ ngữ chơn như. Chơn như trong Khởi Tín Luận có hai môn, một là sanh diệt môn hai là chơn như môn. Sanh diệt môn tức là cái gì? Là cái vọng tâm sanh diệt vô thường. Chơn như môn tức là gì? Là cái Phật tánh, là chơn như, là cái tâm như như bất biến, là cái tâm bất động, là cái tâm này nó không còn chạy theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp để biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác, đó là chơn như.

Chơn như có hai môn, sanh diệt môn và chơn như môn, người niệm Phật mà hiểu rõ như vậy rồi thì đem từ cái vọng trở về cái chơn tức là hoàn về chơn như, chẳng khác nào như sóng hoàn về nước. Sóng là cái gì? Sóng là trạng thái ba đào. Nước là cái gì? Là trạng thái êm đềm. Đem từ cái trạng thái ba đào trở lại cái trạng thái êm đềm cũng như đem từ trạng thái dụng tâm sinh khởi mà trở về cái trạng thái bất sanh bất diệt của cái chơn tâm, đó là phản vọng qui chơn.

 

***

Pháp môn rất hay như vậy, khi mà quí vị làm được như vậy, đó là quí vị đã kiến tự tánh Di Đà, đã chứng được duy tâm Tịnh độ, nghĩa là việc thành Phật hiện ra trước mắt đây chớ chẳng phải đợi tới lâu xa gì. Ở trong một niệm phản vọng, thì lúc nào phản vọng được, lúc đó qui chơn, mà lúc qui chơn thì lúc đó có Phật tại tiền.

Một niệm là chúng sanh thì phật tức chúng sanh, một niệm là phật thì chúng sinh tức phật. Nói cách khác khi mê thì toàn chơn tức vọng, khi ngộ thì toàn vọng tức chơn, khi ba đào chuyển động thì nước tức là sóng, mà êm đềm lặng lẽ thì sóng tức là nước.

Có nhiều câu nói, có nhiều thí dụ hết sức cụ thể để cho quí vị thấy rằng vấn đề này nó lại quan trọng hết sức. Quí vị nào đã từng đi tắm biển, ví dụ ở Long Hải–Vũng Tàu chẳng hạn, quí vị đó thấy rằng khi biển động, ba đào chuyển động nổi lên các lượn sóng, lượn này chụp lượn kia, rượt bắt lẫn nhau, một lượn sanh ra là một lượn diệt đi, làm cho mặt nước không bao giờ yên tĩnh được.

Khi mặt nước không yên tĩnh thì tất cả sự trong trẻo của mặt nước không còn nữa, còn nếu quí vị thấy khi mặt nước yên tĩnh rồi thì lầu đài cỏ cây biệt thự gì, nó chiếu ở trên mặt nước một cách rõ ràng. Cái đó chẳng khác nào như gương không bụi soi mặt mà thấy tỏ rõ, còn trái lại lúc nào ba đào chuyển động bùn cặn nổi lên thì lầu đài biệt thự cỏ cây không soi chiếu được tỏ rõ.

Một thí dụ khác nữa: thí dụ như quí vị có hai cái ảng lớn, một cái ảng bên đây là nước trong, một cái ảng bên kia bỏ bùn đất vô quậy cặn lên, rồi ban đêm sáng trăng quí vị coi cái ảng nào thấy trăng nó hiện. Lẽ tự nhiên là cái ảng nước trong bên đây trăng nó hiện ra, cái ảng kia bùn cặn cáu rác rến thì trăng làm sao mà hiện rõ ràng được.

Cái tâm của chúng ta cũng vậy, cái ngọn trào lòng nó còn hơn ngọn sóng biển, nó nhấn chìm chúng ta đã từ xưa tới nay, từ vô thỉ kiếp chớ chẳng phải mới nhấn chìm đây. Như vậy thì cái ngọn trào lòng này nó là cái gì? Nó là các ngọn sóng sanh diệt vô thường, nó là cái nguồn gốc sanh tử vô thỉ, nó là cái nguồn gốc làm cho chúng ta luân hồi sanh tử khổ hải. Chúng ta phá được cái nguồn gốc đó là phá tan được cái luân hồi, phá tan được cái nguồn gốc sanh tử. Như vậy, trong kinh nói khi mà chúng ta phá được cái vọng tâm sanh diệt vô thường rồi thì cái đó là cái tâm không còn sanh diệt nữa. Hễ sanh diệt là mê, không sanh diệt là giác. Kẻ giác là phật, kẻ mê là chúng sanh là như thế đó.

 

***

Kính thưa quí vị,

4- Bây giờ chúng tôi nói về chuyện trợ duyên cho pháp môn niệm Phật chóng thành công. Đây là một phương pháp đặc biệt, nếu chúng ta không hiểu cái chỗ đặc biệt này thì chẳng khác nào đi buôn mà không có người giúp vốn, đi buôn mà không có ai chỉ đường thì sự đi buôn của chúng ta phải gian khổ như thế nào.

Những vị nào đã từng học hỏi về lý Nam y thì biết rằng trong một thang thuốc có nhiều yếu tố quan trọng, yếu tố thứ nhứt là quân, yếu tố thứ nhì là thần, yếu tố thứ ba là tá, yếu tố thứ tư là sứ. Nghĩa là những thành phần để làm nên một thang thuốc, kêu bằng quân, thần, tá, sứ. Quân là gì? Quân là vua, là thành phần chủ lực của một thang thuốc. Thần là gì, thần là tay chân bộ hạ để giúp đỡ cho vua gồm các vị quan. Tá là người phụ tá trợ lực. Sứ là gì? Là sự dẫn dắt của một vị thuốc.

Một thang thuốc phải đủ quân, thần, tá, sứ, thì một pháp môn cũng vậy, chúng ta cũng phải có quân, thần, tá, sứ. Pháp môn niệm Phật lấy cái gì làm chủ lực? Tức là cái sự thường niệm làm chủ lực, là chánh nhân. Nếu có chánh nhân mà không có trợ duyên thì pháp môn niệm Phật này làm sao thành công được.

Chúng tôi xin thí dụ để quí vị thấy rằng pháp môn niệm Phật này có trợ duyên mới chóng được thành công. Vấn đề trợ duyên đó rất quan trọng trong vấn đề tu hành, ai nghe được ai hiểu được ai biết được thì thấy rằng mình có trợ duyên hay không, quán chiếu trở lại, soi xét trở lại coi mình có đầy đủ trợ duyên hay không?

Thường người ta nói nhân-quả đó là nói tắt chứ nói không đủ, nói cho đủ là nhân-duyên-quả, ba cái đó hiệp lại một danh từ chớ chỉ nói nhân-quả thì không đủ nghĩa. Chẳng qua người ta lược bỏ chữ duyên, người ta nói là nhân-quả.

Nhân là cái gì? Nhân là nguyên nhân, cái phát sanh ra, cái sinh khởi ra. Thí dụ như tôi uống rượu là nhân, say sưa là quả, rồi có người khác ép tôi uống hoặc có đồ nhắm này kia làm cho tôi kích thích, cái đó là duyên tức là trợ tiếp cho tôi thích thú về cái sự uống rượu.

Bây giờ chúng tôi đưa ra thí dụ khác. Thí dụ hạt bắp là nhân, đem đi gieo trồng, rồi nhờ ánh sáng, nhờ phân, nhờ nước, nhờ sự chăm sóc mà nó kết ra hoa quả, đó là duyên, tới chừng nó thành ra trái bắp là quả.

Như vậy nếu không có cái gì trợ giúp cho nó sinh sôi nảy nở, cho nó mọc mầm cho nó sinh ra bông, ra trái thì nó không thể nào sanh được. Nó có tánh năng sinh nhưng ta thử cất nó vào trong hộc tủ, nó có mọc lên nổi không? Không!

Nếu nói rằng có nhiều loại củ để trong nhà nó cũng mọc lên được, thí dụ như khoai mỡ, sọ dừa chẳng hạn. Nhưng khi nó mọc lên được rồi thử hỏi nó sống được bình thường hay không? Kết cuộc rồi nó tàn, nó không sanh ra cái củ nào khác được. Đó là do thiếu duyên, không có đất, không có phân, không có nước, không có sự chăm sóc.

Mọi việc trên thế gian này có nhân mà thiếu duyên thì không bao giờ có kết quả được. Trên con đường tu học, nếu chúng ta niệm Phật mà không biết cái gì là trợ duyên của pháp môn niệm Phật thì có khác nào hạt bắp chúng ta để vào ngăn kéo.

 

***

Pháp môn này cần phải có nhiều trợ duyên để chóng thành công. Trợ duyên của nó là những gì? Là người niệm Phật cần phải ăn chay, phải giữ giới, phải lạy phật, phải sám hối, phải tu phước, phải tu huệ.

Nhờ sự trợ duyên như vậy mới chóng thành công pháp môn niệm Phật. Không có trợ duyên thì pháp môn niệm Phật cũng vẫn là pháp môn niệm Phật chứ không bao giờ thành công được.

Trước hết chúng ta phải lấy vấn đề giữ giới để trợ duyên cho pháp môn niệm Phật. Giới là ngăn, là cấm, là răn không cho chúng ta phạm; vì lẽ đó chúng ta gọi là giới cấm. Những việc làm nào phạm tới thanh qui, phạm tới lẽ phải, phạm tới chân lý, làm cho hư thân mất nết, những việc đó phải được ngăn cấm.

Muốn cho pháp môn này chóng thành công mà chúng ta không giữ giới thì không bao giờ thành công, bởi giới luật là căn bản của sự tu hành, bỏ giới luật tức là bỏ căn bản, bỏ giới luật tức là bỏ gốc. Người tu luôn luôn nương nơi gốc, gốc có vững thì ngọn mới vững. Bây giờ chúng ta bỏ gốc thì tức nhiên ngọn không vững được, do lẽ đó người tu pháp môn niệm Phật giữ giới cho tinh nghiêm chặt chẽ thì giữ vũng được cái gốc. Giữ được cái gốc thì cái ngọn bình an.

Người tu cần phải hiểu rõ mình giữ bao nhiêu giới? cần phải quan sát trọn ngày nay mình có phạm giới nào hay không? hễ phạm thì phải sám hối. Hiểu như vậy mới hiểu cách tu cho đúng.

Người nào chưa hiểu sự quan trọng của việc giữ giới, chúng tôi xin trình bày thêm một đoạn nữa. Thí dụ, chúng ta có một miếng vườn tốt, trong đó hoa màu, hoa quả cái gì cũng tốt, cũng xinh, cũng đẹp. Nếu súc vật mà nó lọt vô được trong vườn thì nó ăn cho no bụng. Miếng vườn chúng ta hấp dẫn như vậy đó mà chúng ta không rào sao được, mà rào lơ mơ cũng không được, phải rào cho thật chắc chắn, kiên cố.

Pháp môn niệm Phật cũng vậy, nếu chúng ta giữ giới được tinh nghiêm thì giới luật là một cái hàng rào bảo vệ người tu hành, bảo vệ được ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nếu chúng ta tu hành mà không giữ giới chẳng khác nào như cái vườn của chúng ta không có hàng rào, mặc sức cho lục tặc tam bành, mặc sức cho trâu, bò, heo, dê ở ngoài xâm nhập vào phá hoại hoa màu.

Như vậy thì biết rằng việc giữ giới đó bảo vệ chúng ta trên con đường tu học Phật pháp. Nếu không phạm giới thì chúng ta không mắc nợ trần gian, không mắc nợ trần gian thì không ai kéo níu, không ai kéo níu tức là tự do, là giải thoát; ý nghĩa là như vậy.

Bây giờ chúng tôi đưa ra một cái trợ duyên thứ nhì của pháp môn niệm Phật là tu phước. Tại sao vậy? Trong kinh A Di Đà, Đức Thế tôn có nói rằng: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc [Tịnh độ],” nghĩa là “Chớ nói rằng có ít phước đức ít thiện căn mà được vãng sanh Tịnh độ.”

Chúng tôi xin thí dụ như thế này để quí vị thấy rằng vấn đề tu phước rất quan trọng, thí dụ như bây giờ như chúng ta có một người bà con lưu lạc xứ người, muốn về quê cha đất tổ thì người đó cần phải có tiền để làm lộ phí. Cũng như thế, vấn đề vãng sanh là một vấn đề cần phải có lộ phí, mà lộ phí để vãng sanh là cái gì? là phước đức, là nền tảng âm chất, lấy âm chất để làm lộ phí.

Ở cõi dương dùng tiền bạc làm lộ phí, ở cõi âm dùng âm chất làm lộ phí. Âm chất và phước đức nó đưa ta về đất Phật, cái đó là tư lương của nhà Phật, đúng với Đức Từ phụ đã nói trong kinh A Di Đà.

Cái điều kiện đó cho chúng ta thấy rằng không tu phước thì không có lộ phí để về đất Phật. Có người lại còn sợ tu phước nữa, vì người đó dựa theo kinh Pháp Bửu Đàn mà nói rằng: Tu phước làm sao mà giải thoát được, tu phước còn mắc kẹt thêm bởi vì cái phước đó nó kéo lôi trong cõi nhơn-thiên hưởng phước, làm sao thoát ly sanh tử khổ hải được.

Người nào hiểu như vậy là hiểu sai, bởi vì trong kinh Kim Cang, Đức Thế tôn có nói như thế này: “Tu nhứt thiết thiện pháp tức đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề,” nghĩa là tu cả thảy pháp lành thì đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như vậy thì pháp lành đây kêu bằng vô lậu thiện chớ không phải hữu lậu thiện, nghĩa là pháp lành này thuộc về thanh phước chứ không phải là hồng phước; nếu chúng ta có thanh phước thì hồng phước không thể lôi kéo chúng ta ở cõi nhơn-thiên được.

Hơn nữa, nếu quí vị nào căn cứ vào lời nói của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư quở học trò của Ngài: “Thế gian sanh tử sự đại, nhữ đẳng chung nhựt duy cầu phước điền, bất cầu thoát ly sanh tử khổ hải. Tự tánh nhược mê, phước hà khả cứu.” Nghĩa là: “Thế gian này vấn đề sanh tử là lớn hơn hết, mà bọn ngươi trọn ngày chỉ lo gieo trồng ruộng phước, chẳng chịu cầu ra khỏi biển khổ sanh tử. Nếu tánh của mình còn mê thì phước đức nào cứu gỡ mình thoát khỏi luân hồi sanh tử khổ hải cho được.”

Học trò của Ngũ Tổ bị quở là do tu phước hữu lậu. Chúng ta nhờ có tu huệ nên tu phước vô lậu, mà muốn tu phước vô lậu thì chúng ta không trụ nơi sắc mà bố thí, không trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí, đúng với pháp Phật, đúng với vô lậu thiện.

 

Kính thưa quí vị,

Nếu như quí vị thấy rằng tu theo pháp môn niệm Phật cần phải có sự trợ duyên của giữ giới, sự trợ duyên của tu phước, bây giờ tới sự trợ duyên của tu huệ. Huệ là gì? Huệ là trí huệ tức là sáng suốt, sự sáng suốt này phân tách ra có hai thứ, một thứ của người phàm phu thế gian và một thứ của các bực tu chứng giải thoát.

Trí huệ của người đời thuộc về phàm trí, trí huệ này nó không thể tu chứng được, nó làm cho con người thông minh theo thế đời mà thôi. Cái trí huệ này là do nơi cái gì? Là do người ta học hỏi và sự kinh nghiệm. Cái thông minh đó, là văn hay võ giỏi, nghề nghiệp khéo, kỹ thuật tinh vi, khoa học, vật lý học, kỹ hà học, triết học cái nào cũng giỏi tất cả. Cái đó thuộc về phàm trí, là trí của phàm phu.

Còn xuất thế trí nói ở đây là cái trí làm cho người tu hành thoát ly sanh tử khổ hải. Như vậy thì người tu Phật mà không có trí huệ thì người đó làm sao hướng dẫn sự tu hành của mình cho được.

Chúng tôi xin thí dụ như thế này: cái trí sáng suốt nó chẳng khác nào như cây đuốc hướng dẫn người bộ hành đi đêm trong rừng sâu hang thẳm. Đi đêm mà có một ngọn đuốc lớn sáng chừng nào tốt chừng nấy, là điều kiện tối cần của người đi trong rừng sâu hang thẳm.

Không thoát ly sanh tử khổ hải được là tại vì chúng ta không có ngọn tâm đăng, không có ngọn đuốc trí huệ, mà không có ngọn đuốc trí huệ thì sự hiểu biết của chúng ta còn lầm lạc, mê mờ, tối tăm.

Như vậy vấn đề niệm Phật đây cần phải có sự tu huệ để trợ duyên, giúp cho chúng ta chóng thành tựu pháp môn niệm Phật. Đó là điều kiện tối cần.

************

Kính thưa quí vị,

Chúng tôi đã đưa ra nhiều sự phân tách. Sự phân tách ở giai đoạn đầu cho biết pháp môn niệm Phật này dùng để làm chi? Sự phân tách ở giai đoạn thứ hai cho biết rằng pháp môn niệm Phật này cần phải có sự trợ duyên, có ba cái khía cạnh; khía cạnh thứ nhất là giữ giới, khía cạnh thứ nhì là tu phước, khía cạnh thứ ba là tu huệ. Có ba cái đó rồi thì pháp môn niệm Phật chẳng khác nào như cọp mọc sừng vậy, bởi vì có tu huệ mới hiểu được Thiền, mà không tu huệ không hiểu Thiền.

Chư cổ đức có nói như thế này: “Hữu Thiền hữu Tịnh độ, dụ như đới giác hổ.” Có Thiền có Tịnh độ chẳng khác nào cọp mọc sừng. Thiền là cái gì? là Thiền tông đốn giáo minh tâm kiến tánh thành Phật. Tịnh độ là gì, là pháp môn niệm Phật. Pháp Thiền tông đốn giáo và pháp môn Tịnh độ, hai cái đó hiệp lại mà tu hành thì chẳng khác nào như cọp mọc sừng. Cọp là thứ mạnh dữ mà mọc sừng lại còn mạnh nữa.

Nếu chúng ta không tu huệ làm gì chúng ta hiểu nổi được, thấy được phật tánh của chúng ta. muốn thấy được phật tánh trước phải thấy tánh chúng sanh, cũng như chúng ta phải thấy được tâm sanh tâm diệt của mình, thấy được những cái giận cái hờn, cái thương cái ghét, cái phải cái quấy, cái khen cái chê, v.v… những cái đó là tâm chúng sanh.

Quí vị nào đã từng nghiên cứu kinh Pháp Bửu Đàn thì thấy rằng Lục Tổ có nói: “Người đời sau mê, nếu muốn thấy được phật tánh trước hết phải thấy được tánh chúng sanh, hễ thấy được tánh chúng sanh tức là phật tánh đó vậy.”

Lục Tổ nói như thế để cho chúng ta biết rằng cái vọng tâm sanh diệt là tâm chúng sanh. Muốn thấy được phật tánh mà không thấy được tâm chúng sinh thử hỏi làm gì thấy được phật tánh. Phật tánh với tâm chúng sinh hai cái đó chẳng khác nào như sóng với nước, hai trạng thái tương phản nhau, một đàng thì êm đềm lặng lẽ một đàng thì ba đào chuyển động.

Như vậy thì cái vọng và cái chơn, cái phật và cái chúng sinh cũng thế, một đàng thì sanh diệt vô thường, một đàng thì bất sanh bất diệt bất biến thường hằng tự tại.

Như vậy, theo lời Lục Tổ nói thì chúng ta cần phải thấy tánh chúng sanh trước, rồi chúng ta dẹp tánh chúng sanh tức là chúng ta phản vọng qui chơn. Khi mà chúng ta hiểu như vậy rồi thì tánh phật và tánh chúng sanh nó chẳng phải một mà chẳng phải khác, nói một cũng không nhằm mà nói khác cũng không đúng. Là tại làm sao? Thí dụ cũng như sóng với nước, không thể nói hai được mà cũng không thể nói một. Nói hai tại sao nó chỉ có một chất lỏng, còn nói một tại sao nó có hai trạng thái động và tĩnh. Trạng thái động người ta đặt cho nó cái danh hiệu là ba đào, là sóng; trạng thái tĩnh người ta đặt cho nó cái danh hiệu là nước, là êm đềm, là lặng lẽ. Như vậy trạng thái động và tĩnh chẳng qua do duyên hay không có duyên mà thôi.

Thế thì chúng ta thấy rằng chư Phật mười phương sở dĩ dẹp được ngọn sóng lòng là do phản vọng qui chơn. Còn chúng sinh đương tu hành đây chưa biết, thành ra cái công phu chưa được triệt để, vì lẽ đó cái vọng cũng vẫn còn, và nó còn phần nào, cho nên ba hồi vọng ba hồi chơn.

Như vậy chúng ta ráng một thời gian nữa, sẽ thấy rằng cái vọng sẽ hoàn về chơn hoàn toàn. Tới chừng đó chỉ còn một trạng thái tĩnh mà thôi, cũng như sanh diệt môn hoàn về chơn như môn, tới chừng đó chư phật chỉ còn chơn như môn và chúng sanh tu hành lâu năm cũng chỉ còn chơn như môn mà thôi.

Trước khi dứt lời chúng tôi xin thưa cùng quí ông, quí bà rằng cái pháp môn này đưa chúng ta tới chỗ thành công một cách cụ thể và cao sâu mầu nhiệm, từ thấp tới cao tùy theo khả năng, tùy theo trình độ, tùy theo sự học hỏi của chúng ta mà tiến lần lên.

Nếu quí vị thấy rằng pháp môn này là một pháp môn tu tắt, thí dụ như có cây tre 100 cái mắt, ở dưới gốc tre có hai con kiến, con kiến thứ nhứt đục từ mắt tre đi lên, nó đục riết tới chừng nào mà ra tới ngọn tre nó mới thoát được sự giam hãm. Còn con kiến kia nó đục ngang hông, nó đi ra cấp kỳ. Con kiến mà đi từ dưới lên trên, chết đi sống lại đầu thai không biết mấy lần mới ra khỏi cây tre. Như vậy pháp môn này nó như con kiến đục ngang hông.

Trên con đường tu học phật pháp, nếu chúng ta theo pháp môn nào khác, thí dụ như chúng ta học về các pháp tu của tứ thánh, trải qua cõi người, vượt cõi người, lên ba tầng cõi thiên (cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc). Rồi chúng ta cần phải lên hàng Thinh văn thừa bốn bực, lên Bích chi phật, rồi chúng ta mới vượt lên bực Bồ tát thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng rồi mới tới bực thập địa.

Đi như vậy có khác gì con kiến từ gốc tre đục lỗ để lên ngọn?

Theo pháp môn đó phải đi như vậy, ở bậc tiểu thừa phải bảy kiếp a tăng kỳ, ở bậc đại thừa phải ba kiếp a tăng kỳ mới được thành phật. Một kiếp a tăng kỳ là một con số hết sức dài không thể thí dụ đếm tính được, người ta mới thí dụ như thế này: một đống lúa đổ từ mặt đất lên tới cõi trời ở trên, mỗi một năm một con chim bay xuống sớt một hột lúa rồi bay về, qua sang năm cũng ngày đó tháng đó con chim mới ở cõi trời bay xuống sớt hột lúa rồi bay về, cứ như vậy cho hết đống lúa đó, mới hết một kiếp a tăng kỳ.

Như vậy dầu cho máy điện toán điện tử cũng không tính nổi con số đó. Tu mười kiếp a tăng kỳ mới thành phật thì đó là vấn đề đi vòng quanh không phải đi tắt như pháp môn niệm Phật. Với pháp môn niệm Phật, được vãng sanh rồi chúng ta nhờ Phật A Di Đà và các vị Bồ tát thánh chúng điểm hóa, như vậy thì chúng ta chắc chắn thành phật khỏi trải ba kiếp, bảy kiếp, mười kiếp a tăng kỳ.

Pháp môn tu tắt là như vậy.

Trước khi dứt lời chúng tôi thành tâm nguyện cầu âm siêu dương thới, lưỡng lộ tồn vong tổng giai thành Phật đạo.

Nam mô A Di Đà Phật.