Cuộc đời vừa tỉnh giấc vu san, Cõi tạm trăm năm nghĩ lại càng, Tìm chốn Tây phang mau trỗi gót, Ngõ lìa khỏi cuộc biến thương tang. Từ xưa nghe đạo Phật mà chưa thấu căn nguyên, Cũng bởi vì thất học di truyền, Bày sớ điệp trông mong tế hưởng, Chớ thật anh linh vô thượng, oai đức cao thâm, Khuyên thiện nam gắng chí mà tu tâm, Bảo tín nữ bền lòng mà luyện tánh..
TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
——
夫妻言論佛教歸元
PHU THÊ NGÔN LUẬN
PHẬT GIÁO QUY NGUYÊN
Thay lời tựa
Cuộc đời vừa tỉnh giấc vu san,
Cõi tạm trăm năm nghĩ lại càng,
Tìm chốn Tây phang mau trỗi gót,
Ngõ lìa khỏi cuộc biến thương tang.
Từ xưa nghe đạo Phật mà chưa thấu căn nguyên,
Cũng bởi vì thất học di truyền,
Bày sớ điệp trông mong tế hưởng,
Chớ thật anh linh vô thượng, oai đức cao thâm,
Khuyên thiện nam gắng chí mà tu tâm,
Bảo tín nữ bền lòng mà luyện tánh.
Giấc xuân mộng như chớp kia sáng ánh,
Cuộc giả trần như mây gió thổi qua,
Bởi vì câu ái tỏa tình già,
Nên mới có oan khiên nghiệp cảnh.
Cửa địa ngục nhiều người không lánh,
Chốn thiên đường ít kẻ tìm lên,
Chí tang bồng ai gắn bó thì nên,
Tình quỉ quyệt ai mê thì đọa.
Nghĩ mà sợ lưới thưa Tạo hóa,
Làm làm sao đến cõi thiên đài,
Đêm ngày hằng tưởng Phật Như Lai,
Có thuở sẽ qua đường thắng cảnh.
Cuộc phú quí như dây chỉ mảnh,
Ráng lo sao trung hiếu vẹn toàn,
Chữ lợi danh chẳng khác đám mây tan,
Gắng mà giữ tiết liêm cho bền chặt.
Đừng làm điều oan ngặt,
Chớ tính sự gian tà,
Ma thất tình nó phải lánh xa,
Quỉ lục tặc nào đâu dám dựa.
Hình Địa ngục thảm thương dầu với lửa,
Lạc Thiên đường thuyền Bát nhã nước Ma ha.
Mừng vui lo sợ xiết đâu mà,
Vậy nên mới than dài thở vắn,
Sợ, là sợ giọt nước sương sa ra xương trắng,
Lo, là lo gió mưa ủ dột nát da vàng,
Vui, là vui đạo cả khắp dinh hoàn,
Cứu kẻ trầm luân qua biển khổ.
Mừng sẽ thấy Từ Thoàn ra tế độ,
Vớt kẻ trầm luân khỏi chốn sông mê,
Quyết tu tâm đường cả mong về,
Thì ắt phải công viên quả mãn.
Một may đặng siêu thăng trực vãng,
Cửu tổ đồng thượng chỉ Ngọc Kinh,
Làm sao cho dứt chữ hữu tình,
Thì mới thấy tức tâm tức Phật.
Xét loài ong còn làm nên sáp mật,
Để cho đời hữu ích cần dùng,
Nghĩ cho tằm là loại tiểu trùng,
Còn rút gan ruột đền ơn cho chủ.
Ngẫm vạn vật linh vi chi bửu,
Ai cũng đều có khiếu linh minh,
Cũng bởi vì mang chữ hữu tình,
Vậy nên mới lấp che gương trí huệ.
Siêu với đọa hóa công hữu lệ,
Thánh với phàm cũng một chữ tâm.
Sớm lều tranh gác gối ngửa nằm,
Luận cho rõ sao trong sao đục.
Đừng nương theo thế tục,
Gặp kẻ mù gạt thẳng hang sâu,
Xưa thầy Nhan co cánh gối đầu,
Một bầu nước vui mùi đạo Thánh.
Tu mà chuông mõ kệ kinh không chánh,
Làm sao tìm vô Tướng vô Danh,*
Đạo vô vi sau trước viên thành,
Thần thánh cũng hộ người tâm hảo.
Nay mà gặp Minh sư chỉ giáo,
Ráng rèn lòng cho thành Phật với Tiên,
Nhớ ngày xưa cổ đế Hiên Viên,
Trọng vì Đạo mấy lần đến động.
Còn Phật Tổ Như Lai lo hằng sống,
Sáu năm tròn chánh quả viên thành,
Làm làm sao tâm thành thì đạo mới thành,
Quan Âm trước gìn mười hai nguyện.
Khuyên già trẻ gắng công tu luyện,
Máy trời then nhặt khó bày ra,
Lời quê diễn cạn thật thà,
Trai lành, gái tín ráng mà xét suy.
Bỏ bê công đức uổng thân hình,
Cuộc thế khuyên ai ráng xét mình.
Tu ấy trau dồi đường phước thiện,
Lòng là căn bổn tánh sơ sinh.
Say mê đã lậm ba hồn mộng,
Đánh thức may nhờ mấy tiếng kinh.
Nghe đặng nương theo làm đặng Đạo,
Tự nhiên tâm tánh thấy quang minh.
PHU THÊ NGÔN LUẬN
PHẬT GIÁO QUI NGUYÊN
—————
Hai vợ chồng anh nọ, hãy còn tuổi đương thời, lo làm ăn tấn bộ với đời, lòng chẳng chút bạc bài tửu thực. Chồng thì ưa phước đức, vợ lại mến lợi danh. Từ tơ duyên kết nghĩa chí thành, nên sự nghiệp mấy ngàn trở lại. Chồng thì tâm quảng đại, vợ thì tánh lẫn kiên ; chồng hằng ngày lo những phước duyên, vợ thấy vậy mới kêu chồng mà can gián:
— Nầy anh nó ôi! Hơn trót cả năm dư mấy tháng, không thấy anh lo bề xử thế tề gia, sớm khuya anh cứ ở trong nhà, lạy tới, lạy lui, niệm Phật. Vậy em xin hỏi thật, anh có việc gì, mà coi như mất trí, mất tâm? Thấy có khi hay ngủ, hay nằm, lại có lúc la đau, la nhức. Làm hạnh người khổ cực, tương rau, trai giới mà thôi. Anh làm vậy sợ không rồi, nhứt thân sanh nan bảo.
CHỒNG RẰNG: Em ôi! Vừa lúc rảnh rang bề gia đạo. Xưa nay Tam giáo là chánh chơn, suy cho cùng Trời đất chẳng giận hờn, xét cho tột Phật Tiên đều cứu độ.
Nay nhờ ơn thầy dạy dỗ, ráng Tu tâm luyện tánh cho cần. Đạo chánh chơn truyền khắp xa gần, lo niệm Phật dồi mài gương trí huệ.
Tu tâm tánh chớ không bày kinh kệ, nếu giữ mõ chuông thì trễ việc công phu.
Khuyên Thiện nam, Tín nữ ráng tu, đời loạn biến nhiều điều tai họa. Kinh truyền dạy khắp trong thiên hạ: “Cuộc hồng trần dối giả chớ mê, chốn Tây phương mau tưởng trở về, di phước thiện thi ân bố đức.” Khuyên em chớ thấy vầy than cực, niệm Phật cầu Lễ bái lục phương. Tấm lòng thành Thần Thánh cũng thương, có công quả rồi thấy nghe (*) mới rõ. Phú diễn giải đôi hàng phân tỏ, nghe kệ nầy mới biết ngỏ tu.
Kệ rằng:
Hội thông Tam giáo có đâu xa,
Độ khắp Ta-bà hạnh Thích Ca.
Luyện tánh tu tâm do Phật pháp,
Dồi gương trí huệ hóa Liên hoa.
VỢ RẰNG: Đương lúc xuân xanh tuổi trẻ, không lo công nghệ tính làm ăn, thế gian lời nói rõ rằng: “Hữu tiền tắc sanh, vô tiền tắc tử.”
Anh là người hiểu thông kinh sử, tính tu tâm luyện tánh là gì? Việc giàu nghèo sao không biết xét suy, mà lại kể: “Hội thông Tam giáo?”
CHỒNG RẰNG: Đó nghe đây chỉ bảo! Trong kinh nói như vầy: “Lão quân, Thích Ca, Khổng Phu Tử, Tam giáo nguyên lai qui nhứt môn.”
Nghĩa là:
Đạo Phật dạy tu tâm thành Phật.
Đạo Tiên thì luyện tánh thành Tiên.
Đạo Nho thì giữ dạ thảo hiền, người trung nghĩa mới thành Thần Thánh.
Lại trong sách có giải chữ Tâm [心] như vầy: “Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà, phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha.” Nghĩa là: Ba chấm [î] như tượng sao, hoành ngang [乚] như mặt trăng xế, muốn mang lông cũng tại tâm, mà muốn làm Phật cũng tại tâm [心]. Phải suy lỗi lầm, nếu làm quấy thành ra ma quỉ.
VỢ RẰNG: Anh nói sao không kỹ. Nếu mình muốn tu thì sắm mõ, sắm chuông, chùa cao, Phật lớn cho đủ vai tuồng, trông ngày khác họ có tôn mình làm hòa thượng.
CHỒNG RẰNG: Em ôi! Câu: Dinh hư tiêu trưởng. Trong sách nói như vầy: “Phụ mẫu phản bái viết Thượng [尚], Thiên địa tương tụ vị chi Hòa [和].” Nghĩa là: Mình tu cho thành chánh quả, cha mẹ kêu mình là ông Phật, lạy trở lại mình, kêu là “Thượng,” còn mình luyện khí Trời đất nhóm lại đặng, kêu là “Hòa.” (*)
Lại trong sách có nói rõ như vầy:
Thiên hữu Tam bửu: Nhựt, Nguyệt, Tinh.
Địa hữu Tam bửu: Thủy, Hỏa, Phong.
Nhơn hữu Tam bửu: Tinh, Khí, Thần.
Trời có ba vật báu là: mặt trời, mặt trăng, sao.
Đất có ba vật báu là: nước, lửa, gió.
Người có ba vật báu là: tinh, khí, thần.
Mình phải trau dồi, giữ gìn, tập luyện “Tinh, Khí, Thần.” Luyện thành chánh quả trường sanh, kêu là “Hòa.” Ấy là muốn làm Hòa thượng theo lời nói trước đây. Chớ người tôn mình làm hòa thượng không ích gì. Chỉ cầu chứng quả mà thôi. Hai chữ hòa thượng đã giải rồi ; đây phân qua “Sắc Tướng Thinh Âm” bốn chữ:
Sắc, là cạo đầu, hồng y, bá nạp.
Tướng, là Phật hình, cốt, bài sám.
Thinh, là tụng tán, kệ kinh.
Âm, là trống, mõ, chuông, đẩu.
Trong Tỉnh Thế nói như vầy: “Sắc tướng thinh âm chư ngoại giáo, chơn truyền cụ thất đạo nan thành.” Nghĩa là: Sắc tướng thinh âm là các việc ngoài, nếu thất chơn truyền thì khó thành Phật.
Lại trong kinh Kim Cang có nói: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.” Nghĩa là: Bằng dùng sắc mà ra mắt ta, lấy âm thinh cầu ta, thiệt là người làm tà đạo, chẳng hề ra mắt đặng Phật tổ Như Lai bao giờ. (*)
Trong kinh luật sậm sờ, tại nơi mình làm sái. Kinh luật đều nói phải. Bảo tu tâm luyện tánh là gì? Minh tâm sao chẳng xét suy? Kiến tánh cũng không nhớ đến?
Vậy thì lo giữ gìn tâm tánh, lo tác phước thiện duyên, luyện trường sanh chứng quả.
VỢ RẰNG: Anh nói nghe cũng lạ. Kinh luật để làm gì, mà lại không cho tụng?
CHỒNG RẰNG: Đó hỏi nghe cũng trúng, mà chưa thấu căn nguyên. Lời Cổ Thánh di truyền: “Độc thư cầu lý, tạo chúc cầu minh.”
Nghĩa là: Đọc sách tầm lý, thắp đuốc cầu sáng. Hà huống trong kinh nói rõ rằng: Phật tại Tây phương tâm bất viễn, kinh lai Đông độ niệm vô cùng. Nghĩa là: Phật ở Tây phương, lòng mình tưởng thì không xa. Kinh đem đến Đông độ tụng sao cho hết.
Bởi Phật có lục thông thiên nhãn, thiên nhĩ, soi tỏ khắp lòng người. Miệng tụng tán nghe chơi, chớ thành Phật sao cho đặng. Sách có câu rằng: “Tụng kinh dã minh Phật chi lý.” Nghĩa là: Đọc kinh cho rõ lý nhà Phật mà thôi, thành Phật sao cho đặng. Chỉ cho biết ông Phật nào hồi trước tu làm sao? Làm khổ hạnh gì? Còn nay mình tu đây, phải làm sao cho thành chánh quả.
VỢ RẰNG: Xin anh cho em thong thả, hỏi trong Phật giáo các lễ nghi: Chữ Bồ Tát nghĩa gì, mà nghe họ niệm “Nam Mô Bồ Tát?”
CHỒNG RẰNG: Em ôi! Ấy ví như họ hát, mở miệng nói “ù ơ” nghĩa lý thật sậm sờ, mà không ai xét. Chữ “Bồ dã phổ dã, Tát dã tế dã, tế nhơn chi cấp, cứu nhơn chi nguy, nải thị Bồ Tát.” Nghĩa là: Chữ Bồ là chữ Phổ, chữ Tát là chữ Tế. Cứu người cơn gấp ngặt, giúp kẻ buổi nghèo nàn. Chữ thì miệng đọc rõ ràng, lòng không làm một mảy.
Lại trong kinh Minh Thánh nói: “Vật dĩ thiện tiểu nhi bất tố, vật dĩ ác tiểu nhi khả hành, thiên võng khôi khôi phân khúc trực, thần linh hích hích định khuy vinh.” Nghĩa là: Đừng nói lành nhỏ mà bỏ, đừng nói dữ nhỏ mà làm, lưới trời lồng lộng chia ngay vạy, thần linh tỏ xét việc đầy vơi. Em xét kỹ mấy lời, thì rõ thông đạo lý.
VỢ RẰNG: Anh nói nghe kỳ dị, tu sao chẳng chùa chiền, đầu để tóc còn nguyên, mà cũng không y khậu?
CHỒNG RẰNG: Em còn nghe chưa thấu, cứ hỏi quấy hoài hoài, bởi vậy thành Phật có mấy ai, câu sắc tướng đã phân hồi sớm. Trong Trực Chỉ Qui Nguyên nói: “Đông phương hữu tội cầu Tây phương.”
Mình là người phàm tục, lo tu hành về cõi Phật, sự kim sắc kim thân là Phật. Còn mình là người phàm, làm giả mà chi ; ấy là để dắt kẻ vô tình, thấy vậy bớt lòng dữ tợn.
Còn nay làm chùa cho lớn, bạc cho nhiều, của bá gia tiền bá tánh, làm như vậy sao cho rằng chánh. Tu giùm cho thiên hạ không rồi, đi phú quyến các nơi, còn thân mình ai độ. Ấy là làm theo chữ “Phổ” mà thiên hạ phổ cho mình.
Dạy người lánh dữ làm lành thật phải lắm. Ngặt còn chưa đặng, chớ chi xuất của nhà bố thí, làm như vậy mới nên. Thôi, ráng trau dồi đức hạnh cho bền, luận nhiều quá sợ mang câu tổn ngữ.
VỢ RẰNG: Xin anh phân nghe thử. Câu “Phật giả vô ngôn.” Nếu nói ra mà thiên hạ đặng bảo tồn, thì có ơn ích với kẻ hậu lai đường hậu tấn.
CHỒNG RẰNG: Nói ra thì người giận, vì cũng máu Lạc Hồng, anh không phải người học thức cao thông, mà sách có chữ “Trung ngôn nghịch nhĩ.”
Em phải suy nghĩ: Phật giả là cây, mới mướn thợ thầy, cưa bào, đục chạm, lau chùi giấy nhám, rồi mới phết vàng. Lựa ngày thiết lập trai đàn, đem để trên bàn, kêu là ông Phật. Chí chơn chí thật, không nói, không ăn, bổn đạo lạy lăng xăng mà cũng không ừ không hử.
VỢ RẰNG: Còn bốn chữ nầy: “Xả thân cầu đạo,” mà sao anh lại bảo ở nhà lạy Lục phương(*)? Tu như vậy khác thường, làm sao mà thành chánh quả?
CHỒNG RẰNG: Em nói nghe thiệt lạ, bốn chữ ấy là ở đạo Tiên. Lời Lão Tử di truyền: “Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.” Nghĩa là: Bỏ giàu tìm nghèo, bỏ thân cầu đạo.
Không phải tìm đâu xa. Trong Tỉnh Thế nói: “Đạo bất viễn, nhơn dung tại nhĩ, khiếu phi điểm phá bất thông thần.” Nghĩa là: Đạo chẳng xa, bởi người làm biếng, khiếu thông minh ai cũng có, mà không xét vạch thì không thông đặng.(**)
Chữ Xả thân cầu đạo là trường trai khổ hạnh, rồi lần đến không ăn, không uống, không ngủ, không nằm, luyện thân thể cho nhẹ nhàng như lá cây, thì mới chứng quả thành Tiên đặng. Còn chữ Xả phú cầu bần, là không tham phú quí công danh, không mến hồng trần khổ hải, chớ ở đâu tu lại không được. Thường mấy người tu hồi trước, hay tự khiêm là “Bần đạo bần tăng,” lo làm chi phú quí lăng xăng, chỉ lập hạnh khổ cực.
VỢ RẰNG: Anh nói vậy còn ức. Vậy chớ sự cất chùa thờ Phật, cúng Phật và cạo đầu, không trúng lý hay sao? Sự chơn giả lẽ nào, xin anh phân nghe thử?
CHỒNG RẰNG: Em hay bày nhiều sự, hỏi những việc lạ lùng ; hễ niệm Phật là đạo chung, bày nhiều chuyện là tại nơi người thế. Chớ trong kinh nói như vầy: Kim ngân, Lưu ly, Xa cừ, Pha ly, Xích châu, Mã não, San hô, Hổ phách, Trân châu đẳng bửu vật nhập ư đại hải.” Nghĩa là: Đất nhà Phật là kim sa bố địa, kinh luật đều nói thổ sanh kim, của Phật là muôn triệu cũng không tìm, châu, ngọc, báu còn bỏ nơi biển cả.
Làm chùa là sự giả, mà cũng có câu: “Dĩ huyễn độ chơn.” Đặng dắt kẻ vô tình, đến chùa thấy Phật tượng, cốt hình, hối ngộ làm lành lánh dữ. Tưởng nghĩa Chúa, nhớ ơn Thầy, biết tình Cha mẹ, thương chữ Đồng bào sanh đẻ, nhớ câu thập ngoạt hoài thai, cũng có ích cho nhơn quần xã hội. Ngặt một điều còn lỗi, là làm không trúng luật kinh. Sách có câu: “Hữu hình thì ắt là hữu hoại.”
Còn đầu cạo không chi là sái, bởi có câu “Phản bổn huờn nguyên.” Lại nhớ câu “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện.” Nghĩa là: Người mới sanh, tánh vốn lành. Mình mới phát nguyện tu hành, ví cũng như con nít mới sanh, ai bảo chi thì nói nấy, không đổi lòng nói bậy. Lớn lên rồi tâm ý mới buông lung, cũng không chi lạ lùng, làm như vậy đặng buộc tâm viên ý mã. (*)
Việc xây dựng chùa cũng không chi lạ. Trong kinh có nói như vầy: “Ông Cấp Cô Độc dữ đại tỳ kheo, hay thương kẻ khó, độ người nghèo, nuôi kẻ mồ côi không cha mẹ. Tuy là không sanh đẻ, chớ nuôi lớn lên rồi định cưới gả lứa đôi, cho bạc vàng nhà cửa đủ rồi, Ngài phát nguyện xuất của nhà làm chùa tưởng Phật.”
Nay làm theo sợ trật, của bá tánh không xong, người vay tiền ngày, kẻ bạc tháng khó lòng. Làm như vậy sợ không đặng phước. Còn cúng Phật làm sao được, trong kinh nói như vầy: “Phật vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.” Nghĩa là: Phép nhà Phật cao sâu vô cùng, mà chẳng biết làm cho khỏi đói hay sao? Nếu nay Phật qua đây có người cúng, còn ở Tây phương ai cúng? Không lẽ Phật còn ăn.
Lại sách nho có nói rằng: “Thiên địa vô tư, thần minh ám sát, bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa.” Nghĩa là: Trời đất không riêng, vì thần minh tỏ xét, chẳng vì tế hưởng mà cho phước, chẳng vì thất lễ mà cho họa hay sao?
Em nghe coi phải quấy lẽ nào? Có phải là bảo thương người thương vật. Luận ra cho thật, Phật độ tận chúng sanh. Trong kinh luật chỉ rành, bảo thương đến loài bò, bay, máy, cựa. Bởi vậy có câu: “Nhơn sanh vạn vật tối linh.” Nghĩa là: Trong muôn vật, loài người linh hơn hết.
Lại có câu: “Nhơn nhơn hữu tánh Như Lai.” Nghĩa là: Mỗi người đều có tánh Phật Như Lai.
Sách nói không sai, người tu niệm thì thành ra Phật. Xét ra cho thật, mình chẳng thiếu vật chi, bởi có tánh hồ nghi, nên không lo giữ cho tròn mối đạo. Trong Tỉnh Thế nói: “Nhơn nhơn tỉnh ngộ, nhơn nhơn thánh, tại tại hôn mê, tại tại luân.” Nghĩa là: Mỗi người tỉnh ngộ, người là thánh. Ai giữ hôn mê phải luân hồi.
Luận bấy nhiêu bậu cũng hiểu rồi. Nếu tùy tục anh e sợ trật.
VỢ RẰNG: Vậy bấy lâu em đem tiền cúng Phật, phụng tự ông bà, ngày đơm tháng quải mẹ cha, anh nói vậy thì không có phước. Còn em nghe hôm trước, họ nói như vầy: “Bạc cúng chùa cũng như thể cho vay, tuy không tờ giấy mà lời rất lớn.” Câu ấy là nói giỡn hay là có sách ghi, việc ấy đáng hồ nghi, hay là nên tin chắc?
CHỒNG RẰNG: Đây xin nói tắt, lời tục nói không sai. Tuy không sách không bài, mà làm vậy cũng là đặng phước. Để anh nhắc chuyện xưa tích trước, bà Thanh Đề với đức Mục Liên. Nhắc chuyện tích để truyền đặng cho em xét lấy.
Có một vị đại đức thiền sư thuở ấy, tu đã phát huệ rồi, biết hết các việc đời, hiểu quá khứ vị lai. Bổn đạo gái trai, muôn ngàn dư có. Thiền sư ngài hiểu rõ, đến mai nầy có lễ đại cúng đến dưng, giờ thìn đã đến chừng, thì có người đem tới. Bảo một tiểu tăng ra đứng đợi, hầu thâu đại lễ của người. Nhắc đến chuyện tức cười, cho bà là dốt nát. Lột lúa, cạo gạo trắng ra một bát mà thôi, làm vậy đã phải rồi, đội đến chùa chờ không thấy ai thâu lễ. Ngày càng trưa càng trễ, trong bụng đói phát nóng, lục tặc nổi hành hung, đổ chén gạo hai chơn chà đạp nhẹp. Lòng đã tốt còn làm điều phi phép, án tội nầy cũng tại tiểu tăng. Vưng lời đi sau không hỏi cho có ngằn. Tưởng đại lễ là nhiều mâm nhiều quả.
Phật(*) bắt tội tiểu tăng mắc đọa, đầu thai làm con gã Thanh bà. Sanh người ra tuổi mới nên ba, đã biết niệm Phật lo bề trai giới. Bởi Thanh Đề ở nhiều điều oan trái, khi thác rồi mang tội khổ hình. Đến ngày đức Mục Liên đắc liễu quang minh, mới xin phép Phật(**) xuống cứu Thanh Đề khỏi tội.
Đó có phải là một người bị lỗi, bắt tội cả hai. Khuyên già trẻ, gái trai, có tưởng Phật trọng tăng thì phải. Tại lòng người làm sái, hơi đâu cãi việc đời, lòng tu thiệt chớ chơi, thì ắt phải về miền Thắng Cảnh.
Còn tế tự là điều đức hạnh, ấy là ngày kỷ niệm ông bà. Suy cùng xét cạn xa, thì đống xương rụi về ăn sao đặng. Cuộc ở thế phải theo dùn thẳng, nếu nói ngay trái tục mích lòng. Phận khuê phòng em ráng giữ cho xong, phần phụ nữ thì tề gia nội trợ. Nếu hỏi lắm càng thêm mắc cỡ, để chỉ luôn cho bậu nghĩ suy. Trong Tỉnh Thế nói như vầy: “Linh sàng cúng dường thùy năng khiết, mộ hạ khô lâu hóa quỉ lân, phiêu sa mê hồn hà xứ tú, tùy phong phiêu lãng hảo bi tân.” Nghĩa là: Giường linh cúng kiếng tuy sạch sẽ, người chết ở dưới mồ bất quá là một đống xương rụi mà thôi, hồn phách không hiểu rõ đã xiêu lạc theo gió bụi.
Nay mình có cúng đi nữa là dọn lên để đó, rồi đem xuống còn nguyên như cũ. Trong sách có dạy: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã.” Nghĩa là: Lập thân hành đạo tên để đời sau, Hiển tên cha mẹ trọn chung thảo.
Vậy mình phải lập thân danh với đời. Làm Đạo lý phải thông chơn giả. Tu cho thành chánh quả, để danh tiếng về sau, ấy là trọn thảo cùng cha mẹ mới mầu, phần nhơn tử phải giữ gìn như vậy.
Trong đạo Phật cũng kẻ nhầm người quấy, là Thuyền lâm, Thích giáo chia hai. Bên Thuyền thì chuông mõ giữ hoài, bên Thích bày điệp đàn nhiều chuyện ; không lo điều phương tiện, không tính việc tu hành. Việc mình đã không tu niệm cho rành, lại bày điều chẳng phải. Khuyên già trẻ gái trai xét lại ; cũng đầu tròn kẻ phải người không. Của đem cúng chùa niệm Phật có công, mà đừng khắc cũng là khỏi tội. Phần ở thế chớ làm điều lỗi, giữ cho tròn bổn phận thảo hiền. Khi lâm chung cầu Phật với Tiên, mình không tội Thánh Thần cũng hộ.
Dầu đau ốm cũng đừng than khổ, người lo tu hay vận chuyển ngũ hành: sửa tâm, can, tì, phế, thận cho rành,(*) rồi mới luyện Trường sanh bất tử. Đây anh đã tỏ phân tâm sự, vậy em nghe hiểu đặng cùng chăng?
VỢ RẰNG: Giảng kinh luận, anh phân ra nghe phải. Ngặt vì em là phận đờn bà, con còn nhỏ khóc la, tu làm sao cho được. Phần việc giàu nghèo lo lắng, rảnh giờ đâu mà lạy Lục phương, lễ tứ thời sau trước chưa tường, anh nói hết cho em nghe với.
CHỒNG RẰNG: Anh đã phân tường áo lới, theo cách lạy Lục phương, anh nói cạn cho em tường là: Nam, Bắc, Đông, Tây, Hoàng Thiên, Hậu Thổ.(*) Cầu ơn trên bảo hộ, cho khỏi về đường lục đạo luân hồi. Trong Trực Chỉ Qui Nguyên nói:
“Đức Thi-Ca vâng lời cha dạy: khuya, trưa, chiều, sáng, giữ thường một lòng niệm Phật, lạy sáu phương. Sau phát huệ tâm, huệ ý giữ một lòng tu rất kỹ, đặng chứng quả chẳng sai. Bởi một lòng thiện niệm nhớ hoài.”
Lại trong kinh Di Đà có nói: “Sáu phương thế giới, Phật sa số Hằng hà.” Đây nói sơ qua, nếu phân kỹ giấy đâu mà viết.
Ai niệm Phật xin lòng cho thiệt. Lạy sáu phương niệm Phật Di Đà. Phải phát nguyện sâu xa, là cầu cho thành Phật đặng cứu cửu huyền thất tổ. Đền ơn Thầy dạy dỗ, trả nghĩa bạn đồng bào. Niệm Phật có công lao, thì phát tâm trí huệ. Phải tin chắc theo lời kinh kệ, đã chỉ rõ như vầy: “Lục tự Di Đà vô biệt niệm, bất lao đờn chỉ đáo Tây phương.” Nghĩa là: Sáu chữ Di Đà không tưởng khác, chẳng nhọc khảy tay đến Thiên đường.
Lại cũng có chữ: “Thiên kinh vạn quyện bất quá lục tự Di Đà.” Nghĩa là: Ngàn kinh muôn quyển, chẳng bằng sáu chữ Di Đà.
Nếu tin chắc thì thành chánh quả chẳng sai.
Còn bốn thời là: mẹo, dậu cùng tý, ngọ. Trong bốn thời chỉ đó, thì tục thế rảnh việc lo, ráng lạy cầu Phật sẽ chứng cho. Em nên giữ cho tròn mối Đạo. Cứ theo kinh chỉ giáo, không thêm bớt chỗ nào. Có bấy nhiêu mà giữ không đặng hay sao? Bao nhiêu việc mà lo chẳng đặng, sau luân hồi lục đạo dễ đâu. Trong Tỉnh Thế nói rằng: “Nhứt kiếp bất tu vạn kiếp khổ, nhứt thời thố ngộ vạn thời trầm.” Nghĩa là: Một kiếp không tu muôn kiếp nhọc, một giờ lầm lỗi muôn thuở luân hồi.
Lại nhớ câu: “Nhi tử mãn đường nan thế đại, kim ngân mãn ốc bất an ninh.” Nghĩa là: Có con trai, con gái đầy nhà, cũng không thay thế cho mình đặng, có vàng bạc đầy nhà cũng không yên ổn đặng.
Đây lấy lời phân ngay thẳng, khuyên em khá tu hành, cứ Kinh luật giữ rành, em muốn tu hay còn hỏi?
VỢ RẰNG: Nghe những lời anh nói, kinh luật giữ như vầy, đã tu học có thầy mà phép tắc đâu không thấy. Nếu mà tu như vậy, già cũng chết ngay, đau la lết tối ngày, mỏi tứ chi bát mạch. Khi bụng đau phát ách, lúc thì ngủ li bì, khi nhức cẳng không đi, đau như vậy tôi không chịu đặng.
CHỒNG RẰNG: Em ôi! Vì đồng loại anh mới chỉ đường ngay thẳng, nếu em không tu cũng bởi tại tiền căn. Trong kinh có nói rằng: “Cánh Phật hữu dơn, cánh Phật hữu ơn.” Nghĩa là: Kiếp trước có căn tiền, kiếp này về theo Phật.
Giác như vầy cũng không trật: cũng như con cháu khách tổ phụ ở bên Tàu, không rõ Trung Quốc làm sao, mà hễ lớn làm có bạc thì mong về Trung Quốc. Còn như người muốn lên cốt Phật thờ Tam Bảo,(*) phải kêu thợ mộc đẽo bào, như không cưa đục ồ ào, làm sao mà ra hình tượng. Muốn tu theo bực thượng, phải vận chuyển ngũ hành.
Trước hết chuyển tạng Tâm, máu vận chuyển hay nằm, tâm phát huệ thì thông tam giáo. Tuồng mặt coi lơ láo, là sửa cái tạng can ; chuyển gân máu rõ ràng, làm tay chơn nhức mỏi. Chảy nước dãi lao lư hay ói, sửa cho đến bàng quang, cùng thận thủy cho toàn thì nhức xương đau cốt. Muốn hiểu mau cùng tột, thì sửa cái tạng tỳ, hông đau mỏi li bì, làm no hơi đau bụng. Còn sửa tạng phế tứ chi bủn rủn, chuyển hơi đều là phế thuộc kim. Chuyển châu thân run rẩy khó kềm, là sửa trên não chỉ.(*) Sửa sang rất kỹ, khắp hết cả mình, muốn ngày sau đắc liễu quang minh, thì phải luyện bửu châu mới được. Học theo hạnh đức Thích Ca hồi trước, Huệ Mâu Ni thấy đặng quỉ thần. Trong ngũ hành vận chuyển định phân, thì mới biết quỉ ma tà mị.
VỢ RẰNG: Anh phân nghe cũng kỹ, mà em còn thấy như vầy: Đờn bà học không thầy mà cũng có khi ngủ khi nằm, dã dượi hoài trót tháng cả năm, lời tục kêu là đàng dưới.
Hằng ngày coi dã dượi, thế khi vận chuyển ngũ hành, riết càng ngày càng ốm xanh, thầy pháp chữa hết hơi không mạnh, vậy có khi thần thánh bảo hộ đó hay sao? Sự chơn giả lẽ nào, xin anh phân nghe thử?
CHỒNG RẰNG: Bởi em không biết chữ, hỏi những việc lạ lùng. Trong thế giới là cuộc chung, hễ có Phật thì có ma, có Thần thì có quỉ. Em phải coi cho kỹ, nó có tu niệm hay không. Bởi nó gần nhau như vợ với chồng, quen hơi hám càng ngày càng truyền nhiễm. Nó có phép chi linh nghiệm, đâu hiểu việc nhơn gian. Làm ma quỉ rõ ràng, đâu có thông nhơn đạo. Bất quá là làm cho máu ngưng lơ láo, rồi nói bậy loạn tâm. Nó làm hơi ngưng nên rung rẩy không cầm, có biết gì vận chuyển. Xem qua như làm biếng, máu không thông nên dã dượi là tại bịnh mê tâm, nếu tưởng Phật thì quỉ ma phải hết.
VỢ RẰNG: Em thấy người nhập đạo, đau hoài la lết. Anh nói rằng Thần Thánh sửa châu thân, bỏ công chuyện không mần, chắc phải mang bần khổ. Lo vận chuyển không còn một chỗ, có rảnh đâu nấu nướng đồ ăn, ráng đua nhau cầu sửa cho bằng, thì nhịn đói có ngày phải chết. Phần nhức mỏi đau hoài la lết, tu như vầy tôi chẳng tu đâu, chi cho bằng tính việc làm giàu, anh thành Phật đem em theo với.
CHỒNG RẰNG: Em nói vậy sao cho nhằm đạo lới. Trong kinh nói như vầy: “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc; bất tu bất đắc.” Nghĩa là: Chồng tu chồng thành, vợ tu vợ thành; không tu không thành.
Để anh phân cạn giải rành cho em dễ nghe, dễ hiểu. Tiếng vợ chồng bận bịu, thì nói rằng: “Đồng tịch đồng sàng.” Nghĩa là: Ăn một mâm ngủ một mùng.
Tuy tiếng nói ngủ chung, chớ ai ngủ thì nấy khỏe, ai ăn thì nấy no. Ăn ngủ giùm sao đặng. Hà huống chi những việc tu hành, hễ ai ráng tu thì nấy thành, ai dữ thì mang đọa. Cũng không phải làm cho dư dả, có tiền lo thành Phật được đâu. Đây nói tóm tắt một câu: Việc tu hành cũng như việc học. Hễ ai hết lòng cực nhọc, thì đậu làm quan, bằng không học thì không biết chữ ; dầu đến ngày thi cử, thì sao đặng làm quan, có bạc tiền chất chứa mấy ngàn, cũng phải làm dân mãn kiếp. Anh nói cho cạn đặng em nghe cho kịp. Trong Tỉnh Thế nói: “Thiên đường hữu lộ tùng tâm ngộ, địa ngục vô quang tự tánh hôn.” Nghĩa là: Cõi Thiên đường có lộ vì lòng xét, chốn địa ngục không ánh sáng tại lòng mê muội.
Có phải là làm lành thì đặng thung dung, làm dữ phải sa nơi khổ cực?
Người tu hành cũng chia ra ba bực: Thượng, Trung và Hạ thừa. Người mới vào qui y xin tu hành, ăn chay hai ngày, giữ lòng niệm Phật hôm mai, lo công việc làm ăn như kẻ thế, cầu cho mạnh giỏi, lần hồi lên đến bực trung, có biết chi vận chuyển. Ngặt mấy người làm biếng, nghe người tu bắt chước tu theo, không giữ lòng trợ khó giúp nghèo, lại chửi mắng tôi đòi khổ khắc. Tính những điều thắt ngặt, một vốn bốn lời, thấy người có gia tài thì để thả lơi, lâu lâu có dỡ nhà lấy đất. Dầu có lòng thành thật, tu như vậy sao rồi, như cắm câu mà chẳng có mồi, thì có trông gì mắc cá. Đến ngày sau mang đọa thì lỡ rồi, khó nỗi ăn năn. Còn những kẻ khổ bần, tu dối giả, đặng nương thời thế, ngõ gạt lường cho dễ. Lòng trộm cướp giữ hoài hoài, bắt chước người niệm Phật hôm mai, lại giữ tánh siểm gièm bợ đỡ. Phép âm không sợ, Phật chẳng tư vị đâu, nếu cứ việc khẩn cầu, thì khẩu nghiệp hại nhơn thân, khỏi làm sao cho đặng.
Trong đạo Phật dạy lòng ngay thẳng, ai có tu giữ dạ làm lành, lo các việc cho thành, rồi tu theo bực thượng. Trong thế giới có chi là trượng, hễ người đạo đức là cao. Em suy nghĩ lẽ nào, bụng muốn tu hay còn hỏi?
VỢ RẰNG: Nghe những lời anh phân lại, hồn em dường như tỉnh giấc chiêm bao, trong cuộc thế khác nào “tang điền sanh thương hải.” Bây giờ em nghĩ lại, trước sau gì em cũng tính việc tu hành, để em hỏi lại cho rành, rồi sẽ qui y lạy Phật.
Lấy lời ngay hỏi thật, Phật giáng thế hồi nào? Bởi công đức làm sao mà thiên hạ ngày nay sùng bái?
CHỒNG RẰNG: Để anh phân lại sau trước em tàng, nói vắn tắt ít hàng đặng em xét lý.
Thiên khai ư tý, Bàn Cổ sơ khai, từ khai tịch dĩ lai, Phật tạo ra trời đất. Trong Khai tịch diễn nghĩa có nói rằng: Khi chưa có trời đất thì là một khối tự nhiên, sau mới đặt biên là ngôi Thái cực. Ông Tì-đa-băn-bà-na ra sức vưng lịnh Phật Thế Tôn, xuống Khai tịch Càn khôn, phân lưỡng nghi định vị. Nói đây không kỹ, coi Khai tịch mới tường. Sau hóa sanh vạn vật, rồi đạo Phật truyền khắp vạn phương. Ngài hóa ra hội bàn đào, về Phật để tên là Bàn Cổ thị. Đạo truyền chung thỉ, lục vạn dư niên, cả Nam, Bắc, Đông, Tây đều tôn kính.
Còn Phật Tổ Như Lai vưng lịnh xuống thế gian nầy là Thái tử Sĩ-Đạt-Tha, làm con Đầu-Đồ-Ra, tại nước Ca-tì-la-vệ, sự nầy thiệt có lịch sử lược biên. Đạo Phật truyền khắp hoàn cầu thế giới.
Đây anh nhắc lại vắn tắt ít hàng. Thôi để nói chuyện thế gian, em lo tu hành kẻo trễ, trong sách có câu rằng: “Sơn trung dã hữu thiên niên thọ, thế thượng nan phùng bá tuế nhơn.” Nghĩa là: Trên núi có cây sống ngàn năm. Trong đời ít thấy người trăm tuổi.
Lo giàu nghèo lụi đụi, kế già chết tay không, tiền bạc có mấy đồng, khó chuộc phần tội lỗi, hết sáng rồi lại tối, ngày tháng tợ thoi đưa.
Trong Mãnh Tỉnh nói rằng:
“Nam lai, bắc vãng, tẩu tây đông, khán đắc phù sanh tổng thị không. Thiên dã không, địa dã không, nhơn sanh yếu yếu tại kỳ trung ; thê dã không, tử dã không, huỳnh tuyền lộ thượng bất tương phùng ; kim dã không, ngân dã không, tử hậu hà tàng tại thủ trung.— Đại Tạng kinh: “Trung không thị sắc.”— Bát Nhã kinh: “Trung sắc thị không.”
Nghĩa là: Xét cùng Nam, Bắc, Đông, Tây, nghĩ trong chốn phù sanh thì không chi hết. Trời cũng không đất cũng không, người sanh trong cõi tạm trăm năm cũng như luồng khói. Vợ cũng không, con cũng không, khi lên đường huỳnh tuyền chẳng hề gặp đặng. Vàng cũng không, bạc cũng không, khi chết rồi cũng ngửa tay không. Trong kinh Đại tạng nói: “Không là Sắc.” Trong kinh Bát Nhã nói: “Sắc là Không.”
Em nghe coi có phải thiệt buồn lòng, chi cho bằng tâm hành từ thiện, ráng răn lòng ăn kiệm ở cần, có dư tiền làm phước làm nhơn, cầu chứng quả về miền Cực Lạc.
VỢ RẰNG: Nghe mấy lời anh giác, cuộc trăm năm nghĩ có ra gì, vậy thì em tính qui y cho thuận tình chồng nghĩa vợ. Ai nghèo khổ ta lo bề giúp đỡ, nước cam lồ rưới sạch sông mê. Quyết tu tâm thắng cảnh toan về, mê trần tục sợ sau mang đọa. Nay nghe cạn các điều chơn giả, xin anh chỉ giùm nẻo tắt đường quanh, lòng em đã chí kỉnh chí thành, làm duyên phước lo bề đạo lý.
CHỒNG RẰNG: Nay em đã hồi tâm suy nghĩ, hãy lóng nghe cho kỹ chớ lầm, mấy vị thuốc nầy em ráng uống vào tâm, ngày sau khỏi luân hồi lục đạo. Trong sách có câu: “Dư kỳ bịnh hậu năng cầu dược, bất nhược bịnh tiền năng tự phòng.” Nghĩa là: Đã phát bịnh rồi mà cầu thuốc, chẳng bằng trước khi chưa có bịnh mình ngăn ngừa.
Để anh nhắc lại tích xưa, thì em hiểu thông thời cuộc. Hồi đời Tam Quốc có ông Khổng Minh, làm thuốc cầu Đông phong mà trị bịnh nghịch khí của Châu Lang. Thiệt giá đáng mấy muôn ngàn, mà còn chưa hay mấy. Một điều anh còn thấy, trong Trực Chỉ Qui Nguyên, thang thuốc của ông Vô Tế để truyền và dạy cách làm, luyện. Khuyên tín nữ thiện nam ráng hết lòng nhớ lại:
- Tấm lòng ngay một cái,
- Nhớ hai chữ Từ Bi,
- Gia ôn nhu nửa lượng,
- Với ba phân Tín hạnh,
- Cầu hơn hết khối óc cho minh chánh,
- Đạo lý có ba phân,
- Hiếu thuận phải mười phần,
- Thành thiệt cứ ân cần,
- Âm chất làm quân chủ,
- Phương tiện đặng bao nhiêu cũng đủ.
Hiệp để vào một dạ khoan nhơn, cũng chẳng khá giận hờn, và không nên táo bạo. Phải giảm bớt ba phân tiêu táo, để lòng bình đặng nghĩ lo. Lấy Ba-la-mật luyện ra hột Bồ đề (*) mới đặng. Lời ông căn dặn, ngày uống bốn thời. Phải hòa huởn thân hơi, thì tự nhiên không bịnh. Thuốc nói nghe bình tịnh mà có bảy chứng khắc mới lạ thường, để anh phân bày việc khắc cho em tường, ráng dặn lòng giữ lấy:
- Khắc người làm quấy mà miệng nói sạch trong,
- Túi tham chứa cả lòng, hại người không thương xót,
- Mưu độc,
- Kế sâu,
- Ngoài miệng cười mà trong bụng chứa những gươm đao,
- Làm rắn độc hai đầu đều có nọc,
- Không ai kêu chọc mà làm sóng dậy giữa đất bằng.
Bảy điều nầy lòng ráng phải răn, nếu lầm lỗi thì không thầy điều trị. Dầu có cầu kiếm mưu thần chước quỉ, bịnh trong mỡ xương thì không phép bí phương mầu. Giữ mấy lời có tốn kém chi đâu, mà cũng chẳng nhọc lòng sôi nấu.
Có bài kệ như vầy:
Thử phương tuyệt diệu hiệp thiên cơ,
Bất dụng Lư sư Biến Thước y,
Phổ khuyến thiện-nam tinh tín-nữ,
Cấp tu đối trị mạc hồ nghi.
Nghĩa là:
Phương hay tuyệt diệu thuận thiên cơ,
Chẳng dụng Lư-Y chẳng Biến-Y, (*)
Khuyên hết thiện nam cùng tín nữ,
Mau mau niệm Phật chớ hồ nghi.
Mấy lời ông Vô Tế nói phải ghi, lo tu niệm cho tròn nhơn đạo, học hành theo Tam giáo, giữ một lòng qui chánh cải ta, bỏ lòng quỉ dạ ma. Ngày sau cũng đồng đăng bỉ ngạn.
Lời quê kịch, một thiên cạn cạn, vì muốn chấn hưng Phật giáo nước nhà, cần mấy ông học thức cao xa, ra ơn chỉ cho người đồng chưởng. Miền Cực Lạc ngày sau chung hưởng, còn hiện nay cũng có ích cho nhơn quần.
Trai hiền lành khỏi nhọc dạ lính quân,
Gái đức hạnh, khỏi nhục cùng tha quốc.
Ít lời thành thật, đãi lượng cao minh.
KẾT LUẬN
Chồng khuyên vợ:
Cuộc thế nhộn nhàng nẻo thị phi,
Em còn chưa rõ máy “Từ Bi.”
Áo cơm no ấm qua cơn khổ,
Dưa muối chay lòng khỏi lúc nguy.
Sáu chữ Di Đà quen miệng niệm,
Muôn loài ma chướng tránh đường đi.
Kìa gương Diệu Thiện Quan Âm đó,
Soi lấy làm theo có khó chi.
Vợ hỏi chồng:
Khó chi niệm Phật với ăn chay,
Ngặt nỗi tình duyên vướng những ngày,
Cha mẹ phụng thờ chưa thỏa dạ,
Trẻ con bồng ẵm vẫn liền tay.
Phần lo cấy gặt, phần cơm nước,
Lớp liệu gạo tiền, lớp vá may.
Một gánh gia đình vai trĩu nặng,
Bao giờ thong thả quyết tu ngay.
Chồng khuyên vợ:
Quyết tu ngay thảo ấy tu tâm,
Bậu chớ bơ thờ để sái lầm.
Lạy Phật Lục phương không mấy chút,
Niệm kinh sáu tiếng có bao lăm.
Ăn chay là rửa lòng tham ác,
Lễ bái ấy chừa mối họa dâm,
Cây có sớm trồng ăn quả sớm,
Đừng đừng lần lựa trễ chầy năm.
Vợ đáp rằng:
Trễ chầy năm tháng uổng công trình,
Anh giảng em nghe rất hiệp tình,
Lạy Phật ăn chay phương sửa tánh,
Thờ cha, kính mẹ giữ răn mình.
Năm giềng luân lý thành gia đạo,
Sáu chữ Di Đà độ chúng sanh.
Từ đây mỗi ngày lo một mối,
Ngõ noi đàng chánh rộng thinh thinh.
— CHUNG —
Phụ trang
TAM BẢO
(Ba món báu có ích cho đời)
Phật đà, Đạt ma và Tăng già, gọi là Tam Bảo.
Phật đà (Bouddha) nghĩa là sáng suốt, tự mình đã sáng suốt, lại ra khai sáng cho đời. Mình sáng và làm cho người sáng đều đặng viên mãn (trọn đủ). Phật là một danh từ để chỉ tất cả những người đã hoàn toàn giác ngộ. Bởi vậy cho nên mười phương chư Phật đều là Phật bảo.
Đạt ma (Dharma): là giáo pháp của Phật, ba món qui y, năm giới cấm, mười điều lành, bốn đế, mười hai nhơn duyên, sáu độ, pháp môn niệm Phật, v.v… là Pháp bảo.
Tăng già (Sangha): nghĩa là hòa hợp chúng. Tức là những người xuất gia và cư sĩ hiệp thành Giáo hội, phải có đủ “Tăng tướng” và “Tăng đức,” gọi là Tăng bảo.
Tăng tướng là những người ăn mặc nâu sồng, hình dung khác tục, đầu tròn vai vuông, lánh dữ làm lành, nhứt tâm giữ giới luật, tam tụ không phạm, lục hòa không tranh, mới gọi là Tăng tướng.
Tăng đức, tức là những nhà chơn tu, hoặc cư sĩ, hoặc xuất gia, tấm lòng trong sạch, không dính bụi trần, có công dìu dắt người đời lướt khỏi sông mê bể khổ. Thời đại nầy, những bực tại gia Bồ-tát-tăng, chẳng phải hiếm có như bấy lâu nay nữa: Họ ra hoằng pháp lợi sanh, giữ giới tịnh hạnh cũng như các bực xuất gia không khác. Vả, chữ “xuất gia” là ra khỏi nhà lửa Tam giới, vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tọa cụ Như Lai, đều là những danh từ chỉ về chơn tâm bổn tánh chớ chẳng phải cạo đầu, mặc áo dà, ở chùa mà gọi là xuất gia.
Lục Hòa
- Thân hòa đồng trụ, là cùng nhau hòa nhã chung ở.
- Khẩu hòa vô tranh, là không cãi lẫy.
- Ý hòa đồng duyệt, là thích nhau không trái.
- Giới hòa đồng tu, là cùng nhau chung giữ giới luật.
- Kiến hòa đồng giải, là chỗ nghe thấy học hỏi tỏ cho nhau biết.
- Lợi hòa đồng quân, là quyền lợi chia nhau đồng đều.
Chú thích trang 18
Do quyết nghị của ban Trị sự Trung ương, thể theo tôn ý của đức Tông sư Minh Trí, cải cách việc hành lễ như dưới đây:
Các cuộc lễ cúng nơi chánh điện, thì hướng vào bàn Phật chính giữa, lạy 24 lạy. Khi xá thì xá phía trong, phía ngoài, và xoay vô phía trong xá một lần nữa là đủ lễ.
PHU THÊ NGÔN LUẬN
TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Biên tập: TRẦN XUÂN LÝ
Trình bày: LÊ ĐỨC THẮNG
Bìa: TỊNH ĐỘ
Sửa bản in: TRẦN XUÂN LÝ