Phương pháp thực hành Đạo Đức

Mùng 6 tháng Chạp năm Bính Thân, nhằm ngày mùng 6 tháng Giêng dương lịch năm 1957, là ngày đáng ghi chép trong lịch sử hoằng pháp của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam. Ngày ấy Đức Tông sư Minh Trí chủ toạ phiên nhóm hằng tuần của Ban Đạo Đức Trung ương, và cũng là ngày Đức Tông sư giảng giải phân minh hai chữ Đạo Đức.

ĐẠO ĐỨC

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH ĐẠO ĐỨC

I. THAY LỜI TỰA

Mùng 6 tháng Chạp năm Bính Thân, nhằm ngày mùng 6 tháng Giêng dương lịch năm 1957, là ngày đáng ghi chép trong lịch sử hoằng pháp của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam. Ngày ấy Đức Tông sư Minh Trí chủ toạ phiên nhóm hằng tuần của Ban Đạo Đức Trung ương, và cũng là ngày Đức Tông sư giảng giải phân minh hai chữ Đạo Đức.

     Chữ ĐẠO có hai nghĩa:

     Nghĩa thứ nhứt phù hợp liên quan đến đời sống thực tế của nhơn loại. Cho nên Cổ đức ví ĐẠO với con đường đi. “ĐẠO giả lộ dã.”

     Đường, là đường lối phải noi theo, hầu đi đến nơi đến chốn; do ý nầy, người ta nói: “Thinh Văn Đạo, Bồ Tát Đạo, vân vân…

     Đường lại hàm súc những giềng mối, những phong tục tập quán, khiến nhơn loại dù kết đoàn hợp lũ, sống chung lộn mà vẫn có thượng hạ tôn ty, cang thường luân lý, trật tự kỷ luật phân minh. Như nói đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo bằng hữu là theo ý nghĩa nầy.

     Đạo là đường lối phải theo, tức là theo lẽ phải, theo cái quang minh chánh đại. Trong sách Trung Dung, Khổng Tử có nói: “ĐẠO giả dã, bất khả tu du lị dã, khả lị phi ĐẠO dã.” Nghĩa là: Đạo thì không thể xa lìa, nếu xa lìa được thì chẳng phải ĐẠO vậy.

Nghĩa thứ hai thuộc Hình nhi thượng học:

     ĐẠO là nguyên lý của Vũ trụ vạn hữu, tức là cái khí Tiên Thiên của Trời Đất (cái khí có trước Trời Đất). Do lẽ nầy, Ngài Trang Tử nói: ĐẠO sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Thế thì nguồn gốc của Vũ trụ vạn hữu, cưỡng danh là ĐẠO.

     Đức Lão Tử lại nói: “Đạo khả đạo phi thường Đạo, danh khả danh phi thường danh.” Nghĩa là Đạo mà nói ra được, thì chẳng phải Đạo chơn thường, danh mà kêu gọi được, thì không phải danh chơn thường. Đại ý Đức Lão Tử nói rằng: Nín thinh thì thể chơn thường của Đạo vẫn như như, bằng nói ra hay đặt tên bày hiệu, thì thể chơn thường đã biến rồi vậy. Biến, là con người mê chấp danh ngôn của ĐẠO, chứ ĐẠO nào có biến thiên di dịch.

     Văn cú trên đây là lời mở đầu của ĐẠO ĐỨC KINH. Mặc dù Đức Lão Tử chủ trương lối tu yếm thế, chớ triết lý của Ngài vẫn đồng với triết lý của Đức NHƯ LAI. Hai đấng vĩ nhân đều đồng quan niệm: cái nguồn cội của vạn vật, cưỡng danh gọi là ĐẠO, CHƠN KHÔNG, NIẾT BÀN DIỆU TÂM, BỒ ĐỀ CHƠN TÂM, vân vân, không có một tướng gì khá đặng, bặt đường tư tưởng nói năng. Đạo Lý uyên thâm, lời lẽ lệch lạc, lời thốt, lý tán vậy.

     ĐẠO có hai nghĩa, thì ĐỨC cũng như thế.

     Theo thực tế, người có đức là người có tánh hạnh tốt lành, là người hay cứu thế độ nhơn, tức là người thiệt hành hai chữ “NHƠN NGHĨA” của Nho giáo.

     Chúng ta nên biết người có hành động đứng đắn đàng hoàng, nhứt cử nhứt động đều giữ đúng LỄ, TRÍ, TÍN, cũng là người có Đức. Đó là Đức độ của một cá nhơn.

     Thánh Hiền xưa lại nói: “Thượng đức bất chấp đức.” Nghĩa là bực Đức cao không hề cho mình có Đức. Đặng như vậy, mới đáng gọi là người Đạo Đức, là người đức hạnh hoàn toàn theo giáo lý của Đức Từ phụ Bổn Sư.

     Bởi vậy, hàng phật tử chúng ta, chẳng những tu tập về đức độ của cá nhơn có tư cách, mà cũng tu tập về đức tánh từ bi bác ái nữa. Bởi vì, nếu chỉ tu đức tánh từ bi mà không tu về đức độ, thì trong khi lập hạnh bố thí, thế nào cũng thiếu tư cách. Nếu thiếu tư cách, thì người thọ thí phải tủi hổ buồn rầu. Làm cho người khác buồn rầu tủi nhục trong cơn thọ thí, thì làm sao gọi là ban vui (từ năng dữ lạc), cứu khổ (bi năng bạt khổ).

     Theo Phật giáo, muốn có Đức thì phải lập hạnh, gọi là hạnh đức. Hạnh có hai thứ: hạnh lợi ích cho người, thuộc về cứu thế độ nhơn; hạnh lợi ích cho mình, thuộc về Đức độ, như diệt trừ thói xấu tật hư và tu các pháp giải thoát, như Lục độ Ba-la-mật chẳng hạn.

     Đạo Phật có muôn Hạnh để cho người tu hành lập được muôn Đức. Chỉ có đức hạnh của hàng phật tử mới có thể phổ cập Đạo Đức trong thế giới, hầu xây dựng một thế giới lành mạnh, an lạc, hoà bình.

     Nói tóm lại, Đạo Đức rộng lắm, lớn lắm, bao trùm cả hai pháp: nhập thế nhơn đạo và xuất thế Phật đạo. Nếu là bao trùm rộng lớn, thì người tu hành chơn chánh, bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, ở chỗ nào, làm việc chi, cũng đều Đạo Đức cả.

     Đạo Đức là một món đáng tôn trọng và quí báu vô cùng. Nếu con người xa lìa Đạo Đức rồi, thì không còn đáng tôn quí, kính trọng; nghĩa là không còn xứng đáng là con người nữa. Cái nhơ của một vật ô uế còn có thể kham chịu và ít hại hơn cái nhơ của con người không Đạo Đức.

II. ĐẠO TRONG CHỖ

NHỰT DỤNG THƯỜNG HÀNH

     Tất cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy, nếu xa lìa Đạo Đức ngày nào, thì khổ ngày nấy. Nói về cá nhơn, nếu xa Đạo một giờ, thì khổ một giờ, cho đến xa lìa một ngày, một tháng, một năm và suốt đời, thì khổ đủ một ngày, một tháng, một năm, một đời.

     Cá nhơn như thế, thì gia đình, xã hội, quốc gia cũng vậy; xa Đạo Đức bao nhiêu thì khổ bấy nhiêu. Đạo Đức đối với cá nhơn, đối với toàn thể gia đình, xã hội như vậy, thì Đạo Đức rất liên quan đến chỗ nhựt dụng thường hành của nhơn loại. Bất cứ giới nào: sĩ, nông, công, thương, bất cứ ở giai cấp nào, địa vị ra sao, ở cửa công, hay sở tư, ở chốn quan trường hay trên đường thương mại, con người luôn luôn phải có Đạo Đức.

     Một anh thợ trong xưởng, cũng như chị đàn bà nấu bếp, cho đến cô đỡ, bà giáo, ông tham, ông ký, anh nông phu, người quân nhân, kẻ buôn gánh, người bán bưng, đều phải có Đạo Đức trong lúc ăn, ở, đi, đứng, ngồi, nằm, tiếp khách, làm việc, vân vân…

III. CÁ NHƠN KHÔNG THỂ

XA LÌA ĐẠO ĐỨC

     Con người sanh ra có tánh linh hơn muôn vật. Sở dĩ được như vậy, là vì con người biết sử dụng trí não của mình một cách linh động, biết sử dụng lý trí của mình để ăn ở đúng với Đạo Đức. Nhơn vật đạo đồng, nếu con người thiếu Đạo Đức, thì người vật khác chi! Người khác vật về lý trí, chớ không khác về bản năng.

     Ngày nào mà nhơn loại hoàn toàn xa lìa Đạo Đức, không chịu ăn ở theo lý trí, nghĩa là chỉ ăn ở theo bản năng thị dục, thì ngày ấy, đời khoa học văn minh nầy, sẽ biến thành địa ngục. Trái lại, ngày nào con người hoàn toàn ăn ở theo Đạo Đức, theo lý trí của mình, thì địa ngục sẽ biến thành thiên đường. Đó là nước Cực Lạc của Phật A Di Đà tại thế gian vậy.

     Người tu Phật, bất luận đi, đứng, nằm, ngồi, hành động, nói năng, tư tưởng, không được phép xa lìa Đạo Đức. Nghĩa là luôn luôn ăn ở theo lý trí; tư tưởng, hành vi, ngôn ngữ, đều phải trong sạch, khiến cho ba nghiệp thân, khẩu, ý, chẳng những được thanh tịnh, mà lại trọn đủ mười điều lành.

     Đạo Đức bao gồm sự thanh tịnh ở cõi lòng, mà cũng bao gồm nhân cách nữa. Thế thì, người thiếu Đạo Đức, tức là người mê nhiễm, bị vật dục trần gian lôi cuốn.

     Người tu hành phải có đủ oai nghi trong bốn tướng: hành, trụ, toạ, ngoạ, nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng là Đạo Đức cả.

     ĐI cũng Đạo Đức, là đi đàng hoàng, không nhảy nhót, không vụt chạc, không chen lấn, không giành lối đi, lỡ có đụng ai phải xin lỗi; biết nhường bước cho người tuổi tác bịnh hoạn.

     ĐỨNG cũng Đạo Đức, nghĩa là đứng ngay thẳng, tề chỉnh, không phải chỗ không nên đứng.

     NẰM cũng Đạo Đức, nghĩa là không nằm dọc nằm ngang, không hở hang trống trải, không phải chỗ không dám nằm.

     NGỒI cũng Đạo Đức, nghĩa là ngồi tề chỉnh nghiêm trang, ngồi phải coi hướng, theo tục xưa thường nói.

     ĂN cũng Đạo Đức, nghĩa là không khen ngon chê dở, vì ăn để nuôi sống, chớ không phải sống để ăn.

     NGỦ cũng Đạo Đức, nghĩa là an nhiên tự tại, không dấy những điều hoan lạc, mà cũng không khởi phiền não, nhứt là không nhắm mắt để toan tính mưu thần chước quỉ, lợi mình hại người.

     THƯƠNG cũng Đạo Đức, nghĩa là tình thương của người chân chính tu Phật phải sáng suốt rộng lớn, chớ để tình thương chật hẹp trói buộc nhận chìm trong biển trầm luân. Thương làm sao cho kẻ xa người gần đều nên người Đạo Đức. Thương cách nào cho tương lai của người người được xán lạn vui tươi.

     GHÉT cũng Đạo Đức. Người chân chính tu Phật hằng xét lỗi mình. Đối với thói đời đen bạc, sự vu oan giá hoạ, người Đạo Đức tự cho mình nghiệp chướng sâu dày, đức bạc mỏng manh. Thay vì cưu thù kết oán, lại gắng công tu tập, tác phước thiện duyên, hầu cho kẻ xa người gần, kẻ oán người thân đều đẹp dạ thoả lòng.

     Thánh nhơn đã dạy: “Trách kỷ mạc trách tha.” Chớ trách người, mà luôn luôn trách lấy mình, đó là con đường giải thoát cho phật tử chúng ta vậy.

     NÓI cũng Đạo Đức. Sách có câu: “Khẩu bất đạo phi lễ chi ngôn,” nghĩa là miệng không nói điều phi lễ, tức là không chửi rủa mắng nhiếc người, hoặc nói điều bất chánh làm mất danh giá của người, dầu kẻ nghèo nàn kém học cũng đều có danh giá cả. Đừng nói vọng ngữ, đừng nói hai lưỡi, đừng nói tục tĩu hoa nguyệt, đừng chửi rủa.

     NÍN cũng Đạo Đức, nghĩa là có nhiều điều, tuy là sự thật, nhưng không nên nói ra (hoạ tùng khẩu xuất), nói ra sanh đôi chối thù hiềm, hoạ sẽ lây đến mình. Nếu miệng nín thinh mà lòng không sanh diệt, đó là bực Thánh vậy.

     Nói tắt là nhứt cử, nhứt động của một người tu hành phải xứng với hai chữ Đạo Đức. Bằng không, thì thiếu trang nghiêm, thiếu trang nghiêm thì bốn oai nghi không có. Bốn oai nghi không có thì thói xấu tật hư và những tội lỗi tràn tới, ba nghiệp thân, khẩu, ý dấy lên, chừng đó có giữ giới, có kềm chế cũng không kịp.

IV. GIA ĐÌNH KHÔNG THỂ

XA LÌA ĐẠO ĐỨC

     Gia đình là chỗ ăn ở chung đụng của một nhóm người. Có sự chung đụng tức là có sự phiền hà trách móc, gấu ó lẫn nhau, nhiều khi sanh ra đánh đập đến mất mạng. Thế thì, nếu có gia đình, thì trong gia đình cần phải có Đạo Đức để kềm chế tánh hung hăng ích kỷ của mọi người. Mọi người phải nhịn nhục, nhẫn nại để cho gia đình đầm ấm. Cũng như cá nhơn, gia đình không nên xa lìa Đạo Đức giờ phút nào hết.

     Chúng ta có thể xét biết, hoặc tưởng tượng một gia đình không Đạo Đức, nó sẽ hỗn loạn như thế nào: vợ chồng đối kỵ nhau, cha con tranh biện, anh em chống chọi, gia đình tất nhiên phải suy vi rời rã.

V. XÃ HỘI KHÔNG THỂ

XA LÌA ĐẠO ĐỨC

     Trong một xã hội, Đạo Đức là điều tối cần. Một xã hội gồm nhiều giai cấp hợp lại. Nếu có nhiều giai cấp, tất nhiên có nhiều địa vị, trình độ tiến hoá bất đồng. Do chỗ bất đồng mà có mâu thuẫn về quyền lợi, về tinh thần cùng vật chất. Phải biết rằng: mâu thuẫn là mầm tranh đấu bất an. Thế thì, bất cứ xã hội nào, văn minh hay bán khai, đều cần có Đạo Đức cả. Thiếu Đạo Đức là thiếu lòng nhân, thiếu lòng nhân thì sự hỗn loạn phát sanh vậy.

     Đành rằng, mâu thuẫn không bao giờ chấm dứt; bởi vì, hết mâu thuẫn nầy, phát sanh mâu thuẫn khác. Đó là luật tiến hoá; dứt mâu thuẫn là dứt sự tiến hoá. Nhưng, phải làm thế nào cho sự mâu thuẫn đừng thiếu Đạo Đức, dầu có giải quyết cũng giải quyết trong vòng Đạo Đức.

     Một xã hội mà thiếu Đạo Đức, thì sanh ra gian tham, trộm cắp, cờ bạc, điếm đàng, gây nhiều tội lỗi.

VI. QUỐC GIA KHÔNG THỂ

XA LÌA ĐẠO ĐỨC

     Một nước mà không có Đạo Đức, nước ấy phải tiêu vong. Nước nào thiếu Đạo Đức, thì nước ấy không còn thuần phong mỹ tục nữa; luân lý sẽ đổ nát. Vì nhận thấy như thế, nên Chánh phủ hiện hữu đang xúc tiến bảo vệ nền luân lý cố hữu, để giữ cho được thuần phong mỹ tục. Phải làm sao cho xứng đáng một dân tộc độc lập, một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến.

     Tân dân độc lập cần tu đức,

     Hưng phát từ bi bát chánh truyền.

     Nghĩa là: người dân một nước độc lập hùng cường, phải tu Đức đặng trau dồi các tánh tốt. Muốn trau dồi đức tánh tốt để xứng đáng với một dân tộc độc lập, thì người dân cần phát động hưng khởi chủ nghĩa từ bi bác ái của Phật giáo là thượng sách, là đắc chánh truyền.

     Trai hiền lành chẳng nhọc dạ lính quân,

     Gái đức hạnh không thua cùng tha quốc.

     Sở dĩ các quốc gia trên hoàn cầu ban hành pháp luật, là để ngăn ngừa nết xấu tật hư của dân chúng trong xứ. Kinh nghiệm chỉ cho ta: Pháp luật càng bành trướng thì nền Đạo Đức lại suy đồi. Trái lại Đạo Đức càng phát huy thì pháp luật lại càng thu hẹp.

     Như thế thì hùng cường cũng như nhược tiểu, các quốc gia cần phải kiến thiết và phát triển trên nền tảng Đạo Đức. Văn minh ngày nay là văn minh khoa học vật chất. Ước mong nhơn loại sớm theo đời văn minh Đạo Đức, thì nhơn loại mới sớm thực hiện cảnh hoà bình hạnh phúc mà mọi người đều mong muốn.

KẾT LUẬN

     Vấn đề Đạo Đức thật là lớn lao, bao trùm cả tư tưởng hành vi và lời nói của con người, bao trùm cả vũ trụ vạn hữu. Vấn đề Đạo Đức thật là vấn đề sanh tồn của nhơn loại. Nhơn loại muốn sống còn, muốn văn minh, phải tự có Đạo Đức. Không phải khoa học là cái then chốt của văn minh, chính Đạo Đức mới là then chốt vậy.

     Ngày hôm nay quí Bà, quí Ông tuy gia công tu hành từ lâu, nhưng đối với Đạo Đức chưa phải là đủ vậy. Tôi muốn nói: tự mình có Đạo Đức cũng còn thiếu sót. Phải làm thế nào truyền bá Đạo Đức cho toàn thể gia đình hấp thụ, rồi từ gia đình lan rộng ra xã hội, từ xã hội phổ biến đến quốc gia, từ quốc gia đến quốc tế.

     Đến nguơn chót, là nguơn tiến hoá chung, năm châu bốn biển hiệp một nhà, thì người tu hành không thể nào tu một mình được. Phải làm sao cho tất cả nhơn loại trên địa cầu đều lãnh thọ hai chữ Đạo Đức. Ta có Đạo Đức, kẻ khác nhứt định phải có Đạo Đức. Nếu kẻ khác không Đạo Đức, chỉ có ta mà thôi, đó là ta tự diệt vậy.

     Đạo Đức, có thể đến với mọi người, vì nó chẳng phải là một tôn giáo, nó không phân biệt tôn giáo nào hết, vì nó không có ranh giới như các giáo điều của các tôn giáo.

     Điều cần thiết là hôm nay, quí Bà, quí Ông học tập kinh, luật, luận nhà Phật đây, là vì vấn đề Đạo Đức mà học, vì nhơn loại, vì thế giới mà học. Quí Bà, quí Ông ngày nay tuy là số ít, nhưng đó là hạt giống. Mỗi hạt giống Đạo Đức, có thể gặp duyên lành, sanh ra vô số bông trái Đạo Đức. Thế thì, nhân sanh ra quả, quả trở lại làm nhân, nhân quả trùng trùng điệp điệp. Một ngày kia, thế giới sẽ hưởng nhờ cái nhân Đạo Đức của quí Bà quí Ông đang gieo ngày nay vậy.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT