Hiến chương của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG

——————

HIẾN CHƯƠNG

GIÁO HỘI TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

(Ban hành năm 2014)

LỜI NÓI ĐẦU

Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam do Đức Tông Sư Minh Trí sáng lập, chính thức hoạt động từ năm 1934. Vào lúc mới mở đạo, Giáo hội theo tôn chỉ Lục Phương Tông, nương theo cốt lõi của kinh Lễ Bái Lục Phương để ứng dụng cho người tại gia cư sĩ. Việc tu học thì chú trọng trước hết đến pháp môn niệm Phật vì có thể thực hành ngay trong các sinh hoạt bình thường. Ngoài xã hội lo trọn đạo làm người, trong Phật đạo tùy duyên, phương tiện mà lập hạnh giúp người, giúp đời.

Năm 1950, nhằm nâng cao trình độ tu học của Hội viên, Tín đồ, Đức Tông Sư Minh Trí nêu ra tôn chỉ Phước Huệ Song Tu với pháp môn niệm Phật làm căn bản, dùng Y đạo làm phương tiện phát triển Chi hội khắp các tỉnh Nam bộ. Để thống nhứt hoạt động, Giáo hội xúc tiến việc tu chỉnh, ban hành Điều lệ – Nội qui.

Mở đầu bản Nội qui ban hành năm 1954, Đức Tông Sư Minh Trí nhắn nhủ: “Các tôn giáo trên thế giới đều có kỷ luật riêng, tức là Nội qui. Tổ chức nào mà Hội viên không tôn trọng kỷ luật, thế nào rồi cũng tan rã.”

Trải qua nhiều thăng trầm, Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam vẫn vững bước cùng thời đại, đến nay đã phát triển hơn 200 Chi hội, khẳng định tôn chỉ Phước Huệ Song Tu với phương châm Tu học, Hành thiện, Ích nước, Lợi dân.

Điều lệ Nội qui là kim chỉ nam, vừa giúp Ban Trị sự chu toàn công tác lãnh đạo toàn Giáo hội, vừa giúp các Hội viên, Tín đồ nắm vững đường lối hành đạo của Giáo hội. Ngoài ra, còn có những Nội qui nhằm xác định hoạt động của các ban trực thuộc Ban Trị sự như Ban Y tế Phước thiện, Ban Chấp hành Đạo Đức, Ban Hộ đạo, v.v…

Để phù hợp với những đổi thay của thời đại, bản Điều lệ và Nội qui được điều chỉnh theo thực tế xã hội và được nâng lên thành bản Hiến chương.

CHƯƠNG I

TÔN CHỈ  HỘI QUÁN TRUNG ƯƠNG

ĐẠO KỲ – PHÙ HIỆU  ĐẠO CA

Điều 1. Tôn chỉ hành đạo

Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam tu theo pháp môn niệm Phật và hành theo tôn chỉ “Phước Huệ Song Tu,” hoằng dương Phật pháp, phát triển, tu bổ các Chi hội trực thuộc, lấy y đạo làm phương tiện thành lập các phòng thuốc nam phước thiện hốt thuốc chữa bệnh cho đồng bào.

Phương châm hành đạo: “Tu học, Hành thiện, Ích nước, Lợi dân.”

 Điều 2. Hội quán Trung ương

Hội quán Trung ương đặt tại Tổ đình Hưng Minh Tự, 45 Lý Chiêu Hoàng, phường 10 quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Có các Chi hội khắp lãnh thổ Việt Nam. Nếu có điều kiện sẽ mở rộng khắp năm châu thế giới để truyền bá tôn chỉ, giáo lý của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam.

Điều 3. Đạo kỳ – Phù hiệu – Đạo ca

Đạo kỳ màu vàng, hình tròn màu trắng ở trung tâm có viết chữ Nhứt (chữ Hán cổ tự) màu đỏ, đường kính bằng 2/3 chiều ngang, đuôi lá đạo kỳ hình chữ bát ( Ʌ ), bằng 1/4 chiều dọc.

Đạo kỳ của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam
Đạo kỳ của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam

Phù hiệu của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam hình tròn, đường kính 32mm, ở giữa có chữ Nhứt (chữ Hán cổ tự) màu đỏ trên nền trắng, vòng ngoài có hàng chữ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam chữ trắng trên nền vàng.

Phù hiệu của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam

Đạo ca của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam là bài “Vịnh lá Đạo kỳ,” thơ Tịnh Độ, nhạc của Tâm Đạo.

CHƯƠNG HAI

TÍN ĐỒ – CHỨC SẮC – CHỨC VIỆC – HỘI VIÊN

Điều 4. Tín đồ, chức sắc, chức việc

Tín đồ của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam không phân biệt nam nữ, thành phần, dân tộc, theo đạo có làm lễ qui y, tuân hành giáo lý, giáo luật và tuân thủ pháp luật của Nhà nước, giữ gìn sự trong sáng của giáo lý chơn truyền, đoàn kết tôn giáo, đạo đời và thừa nhận bản Hiến chương của giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam.

Tất cả các tín đồ xuất phát từ lòng mến đạo, tùy năng lực, được tham gia vào hoạt động Phật sự, làm công tác từ thiện xã hội hợp pháp và đóng góp ý kiến, công, của cho công việc chung của đạo. Tín đồ mỗi Chi hội được tính theo danh sách sổ qui y tại Chi hội đó.

Những tín đồ có chân tu, có tâm đạo, là công dân Việt Nam từ 30 tuổi trở lên, tùy trình độ, năng lực, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn qui định của Giáo hội, được ứng cử hoặc bổ nhiệm vào tổ chức Ban Trị sự các cấp và các Ban khác.

Tất cả tín đồ có thẻ đạo đều có quyền bầu cử theo đơn vị cư trú hoặc theo Hội quán đã làm lễ qui y.

Chức sắc của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam là những người đã qua các khoá học Giáo lý hoặc Y lý, thi và đỗ tốt nghiệp, hội đủ những tiêu chuẩn theo qui định của giáo hội, được tấn phong và bổ nhiệm. Ngoài ra chức sắc phải đáp ứng được các điều kiện của tín đồ nêu trên.

Hệ thống chức sắc của giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam có các chức danh:

– Một vị Tông sư;

– Môn Tu Huệ gồm các vị Huấn sư, Giảng sư, Phó Giảng sư, Giảng viên, Thuyết Trình viên;

– Môn Tu Phước gồm các vị Huấn sư Y khoa, Giảng sư Y khoa, Phó Giảng sư Y khoa, Huấn viên Y khoa, Y sĩ.

Chức việc là những người giữ các vị trí trong các Ban, được bầu cử theo nhiệm kỳ. Ngoài ra chức việc phải đáp ứng được các điều kiện của tín đồ nêu trên.

Điều 5. Hội viên

Hội viên của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam bao gồm:

Hội viên Sáng lập: là những người đồng chung lo sáng lập Chi hội.

Hội viên Danh dự: là những người có địa vị trong xã hội, đồng chung lo cho Giáo hội hoặc những người mà Giáo hội muốn tặng cho vẻ vang.

Hội viên Phước thiện: là những người giúp tài, vật lực vào công việc phước thiện, xã hội cho Giáo hội.

Ban Trị sự sẽ phát cho mỗi tín đồ và hội viên một thẻ chứng nhận. Tín đồ, hội viên của Tỉnh, Thành hội nào thì Ban Trị sự Tỉnh, Thành đó cấp và phải được Ban Trị sự Trung ương chứng nhận thẻ đó mới hợp lệ. Mọi chi phí in ấn thẻ do Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội chịu trách nhiệm, không thu tiền tín đồ, hội viên.

CHƯƠNG III

NHẬP ĐẠO – TỪ CHỨC – TRỤC XUẤT

Điều 6. Nhập đạo

Những người tán thành đường lối tu học và tôn chỉ Phước Huệ-Song Tu của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam muốn vào đạo thì phải làm lễ quy y tam bảo tại Giáo hội và tuân thủ Hiến chương của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước. Người dưới 18 tuổi muốn gia nhập giáo hội phải được cha mẹ hoặc người giám hộ cho phép.

Điều 7. Từ chức

Mỗi thành viên trong Ban Trị sự các cấp muốn ra khỏi chức vụ đang đảm nhiệm trong Ban, chỉ cần gởi đơn từ chức đến Ban Trị sự nơi đang làm việc. Sau khi được Ban Trị sự cấp trên chấp thuận và bàn giao những vấn đề liên quan trong thời gian làm việc thì được ra khỏi Ban Trị sự.

Điều 8. Trục xuất

Tín đồ, hội viên sẽ bị trục xuất ra khỏi Giáo hội của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam nếu vi phạm một trong các điều cấm sau:

– Không tuân thủ theo Hiến chương Giáo hội.

– Cố ý làm tổn hại quyền lợi và danh dự của Giáo hội.

– Cư xử thất lễ nghiêm trọng với tín đồ, hội viên khác, làm chia rẽ nội bộ (phá hòa hiệp chúng).

– Bị án làm tổn thương danh tiếng Giáo hội.

Những tín đồ, hội viên từ chức hay bị trục xuất không được đòi lại những gì đã hỷ cúng.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC, CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA BAN TRỊ SỰ CÁC CẤP

Điều 9. Tổ chức

Tổ chức của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam gồm có 03 cấp theo hệ thống dọc như sau:

  1. Cấp Trung ương có Ban Trị sự Trung ương, đứng đầu là chức danh Chánh Hội trưởng. Ban Trị sự Trung ương là cấp quản lý–điều hành cao nhất của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam.
  2. Cấp Tỉnh, Thành có Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, đứng đầu là chức danh Hội trưởng.
  3. Cấp Chi hội (Quận, Huyện, Phường, Xã) có Ban Trị sự Chi hội, đứng đầu là chức danh Trưởng ban.

Muốn thành lập Chi hội phải có ít nhất 50 (năm mươi) tín đồ, hội viên. Mỗi phường, xã dù đông tín đồ cũng chỉ được phép thành lập một Chi hội mà thôi.

Ban Trị sự các cấp có tư cách pháp nhân, có con dấu tròn để sử dụng và được đăng ký tài khoản ở Ngân hàng. Các ban chuyên môn, văn phòng (trực thuộc Trung ương) có con dấu sử dụng lưu hành nội bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Thành phần Ban Trị sự các cấp

Ban Trị sự các cấp của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam do Đại hội đại biểu tín đồ bầu ra theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp và kín. Các Ban Trị sự có nhiệm kỳ là 5 năm với các chức danh:

Cấp Trung ương:

Một vị Chánh Hội trưởng

Hai vị Phó Hội trưởng

Một vị Tổng Thư ký

Một vị Phó Tổng Thư ký

Một vị Thủ bổn

Một vị Phó Thủ bổn

Ba vị Kiểm soát

Hai vị Cố vấn

Ba vị dự khuyết

Cấp Tỉnh, Thành hội:

Một vị Hội trưởng

Hai vị Phó Hội trưởng

Một vị Chánh Thư ký

Một vị Phó Thư ký

Một vị Thủ bổn

Một vị Phó Thủ bổn

Ba vị Kiểm soát

Hai vị Cố vấn

Hai vị dự khuyết

Cấp Chi hội:

Một vị Trưởng ban

Một vị Phó Trưởng ban

Một vị Thư ký

Một vị Phó Thư ký

Một vị Thủ bổn

Một vị Phó Thủ bổn

Hai vị kiểm soát

Bốn vị Cố vấn

Những thành viên trong Ban Trị sự Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Trị sự Chi hội phải từ 30 tuổi trở lên và có 5 năm tuổi đạo, làm việc không hưởng lương.

Điều 11. Ban thường trực của Ban Trị sự

Ban Trị sự cử ra Ban thường trực để điều hành công việc hàng ngày. Thành phần gồm có:

Cấp Trung ương:

01 Chánh Hội trưởng

02 Phó Hội trưởng

01 Tổng Thư ký

01 Kiểm soát 1

Cấp Tỉnh, Thành hội:

01 Hội trưởng

02 Phó Hội trưởng

01 Chánh Thư ký

01 Kiểm soát 1

Cấp Chi hội:

01 Trưởng ban

01 Phó Trưởng ban

01 Thư ký

01 Kiểm soát 1

Điều 12. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Trị sự, Thường trực Ban Trị sự các cấp sẽ được cụ thể hóa ở Nội quy do Ban Trị sự Trung ương ban hành sau khi thông qua Hội nghị thường niên.

Điều 13. Các Ban phụ tá cho Ban Trị sự các cấp

Để thực hiện công tác quản lý tổ chức, kinh tế, xã hội theo đúng tôn chỉ của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, Ban Trị sự các cấp được thành lập thêm những ban phụ tá, gồm:

  1. Ban chấp hành Đạo đức: Phụ trách công tác đạo đức, đào tạo và giảng dạy giáo lý.
  2. Ban Y tế Phước thiện: Phụ trách các phòng thuốc Nam Y Dược–Đông Y–Tây Y, đào tạo và giảng dạy.
  3. Ban Hộ đạo: Phụ trách việc liên lạc và đoàn kết của nữ Tín đồ, hỗ trợ các hoạt động của Ban Trị sự.
  4. Ban Kinh tế: Phụ trách phát triển kinh tế.
  5. Ban Thanh thiếu nhi Tịnh Độ phụ trách các hoạt động Thanh thiếu nhi trong Giáo hội.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban phụ tá sẽ được cụ thể hóa ở Nội quy do Ban Trị sự Trung ương ban hành sau khi thông qua Hội nghị thường niên.

Điều 14. Thành viên nào trong Ban Trị sự các cấp không dự họp ba lần liên tiếp mà không cho biết trước lý do, thì xem như tự ý ra khỏi chức vụ. Ban Trị sự sẽ trình Hội nghị thường niên chọn người khác thay thế, sau đó làm thủ tục trình cấp trên phê duyệt.

Điều 15. Các Ban nhóm họp tại Hội quán mỗi tháng một lần, ngày rằm hoặc ngày đầu tháng âm lịch. Hội trưởng hoặc Trưởng ban được phép triệu tập họp bất thường nếu có việc cần thiết.

Điều 16. Nghiêm cấm thảo luận những việc chính trị và phê bình các tôn giáo trong các Hội quán.

Điều 17. Ban Trị sự Trung ương có quyền tổ chức kiểm tra các hoạt động của các Ban phụ tá cho Ban Trị sự Trung ương và Ban Trị sự các cấp. Khi có vấn đề vi phạm Hiến chương nghiêm trọng, quan hệ với chính quyền và các tổ chức xã hội để tìm biện pháp giải quyết nhằm ổn định hoạt động của Giáo hội.

Điều 18. Sau khi có kết quả bầu cử của Đại hội Đại biểu Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương ra quyết định chuẩn y Ban Trị sự cấp Tỉnh, Thành hội; Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội ra quyết định chuẩn y Ban Trị sự Chi hội. Sau đó trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận mới hợp lệ.

CHƯƠNG V

ĐẠI HỘI, HỘI NGHỊ, NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC

Điều 19. Đại hội Đại biểu Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam được tiến hành 5 năm một lần, ở cấp nào thì do cấp đó triệu tập để thông qua chương trình Phật sự và tổ chức bầu cử Ban Trị sự nhiệm kỳ tới theo Nội qui bầu cử của Giáo hội. Đại hội hợp lệ khi có trên 2/3 Đại biểu triệu tập có mặt.

Đại hội đại biểu cấp toàn đạo được thành lập Hội đồng Tư vấn để lãnh đạo tinh thần của Giáo hội và tư vấn cho hoạt động của Ban Trị sự Trung ương.

Khi có thành viên của Ban Trị sự bị khuyết thì Ban Trị sự được triệu tập hội nghị bất thường cử điền khuyết và báo cáo cấp trên chuẩn y mới hợp lệ.

Điều 20. Ban Trị sự các cấp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm và tổng kết cả năm. Tổ chức Hội nghị thường niên các Ban phụ tá của Ban Trị sự.

Điều 21. Nguyên tắc làm việc

  1. Ban Trị sự Trung ương, Ban Trị sự cấp Tỉnh, Thành hội, Ban Trị sự Chi hội và Thường trực của Ban Trị sự làm việc theo nguyên tắc dân chủ đa số.
  2. Ban Trị sự cơ sở phải tuân hành sự lãnh đạo của cấp trên.
  3. Các Tỉnh, Thành hội chưa có Ban Trị sự thì Chi hội được quyền nối hệ thống với Trung ương. Trong trường hợp đặc biệt Trung ương sẽ ra quyết định để các Chi hội nối hệ thống trực tiếp với Trung ương.

Điều 22. Cấp có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam là Đại hội Đại biểu cấp toàn Đạo. Cấp có thẩm quyền cao nhất giữa hai kỳ đại hội là Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam.

CHƯƠNG VI

TÀI SẢN – TÀI CHÁNH CỦA GIÁO HỘI

 Điều 23. Tài sản của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam gồm có:

Các tài sản của Giáo hội được pháp luật công nhận; các tài vật được hiến cúng và tài trợ hợp pháp; hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp mà có; do chư thiện tín tự nguyện đóng góp.

Các Hội quán, cơ sở Phòng Thuốc Nam Phước thiện (bao gồm các động sản và bất động sản) đều do Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam đứng tên quản lý (Ban Trị sự làm đại diện).

Tài chánh của Giáo hội: Tiền hỷ cúng, tiền thu từ tủ Phước thiện, tiền và tài vật của thiện nam tín nữ tặng cho Giáo hội.

Điều 24. Thủ bổn được giữ một số tiền mặt chi dụng: Trung ương và Tỉnh, Thành hội không quá 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng). Chi hội không quá 10.000.000đ (Mười triệu đồng). Còn tiền dư thì nhân danh Giáo hội gởi vào ngân hàng, khi có nhu cầu rút tiền thì Hội trưởng (hoặc Trưởng ban), Thủ bổn và Kiểm soát ký tên mới hợp lệ.

Tài chánh chỉ được phép sử dụng trong mục đích chung của hoạt động Giáo hội. Không được cho cá nhân mượn. Tài sản đã hỷ cúng không được đòi lại.

Điều 25. Ban Trị sự các cấp phải có:

  1. Sổ Thu, Chi.
  2. Sổ Tài sản.
  3. Sổ danh sách Tín đồ, Hội viên.
  4. Sổ chức sắc, …

CHƯƠNG VII

TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC VÀ KỶ LUẬT

Điều 26. Tuyên dương

Chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam có công đức sẽ được Ban Trị sự các cấp đề nghị Nhà nước xem xét tuyên dương và khen thưởng.

Chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam có công đức sẽ được Ban Trị sự các cấp tuyên dương và được ghi nhận vào sổ tuyên dương công đức của đạo.

Điều 27. Kỷ luật

  1. Chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên củaGiáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam nếu vi phạm những điều răn cấm của đạo và Hiến chương Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam làm tổn hại đến thanh danh Giáo hội, sẽ do Ban Trị sự xử lý theo luật Đạo. Nếu có hành vi phạm pháp thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
  2. Những chức sắc, chức việc đương nhiệm các cấp nếu bị toà án kết tội, bị quản chế hành chính do cấp có thẩm quyền quyết định, đương nhiên bị bãi nhiệm.
  3. Các đơn vị trực thuộc hệ thống tổ chức giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam nếu vi phạm Hiến chương của Giáo hội và Pháp luật Nhà nước sẽ bị khiển trách, đình chỉ hoạt động hoặc bị giải tán. Trường hợp bị đình chỉ hoạt động hoặc giải tán thì Ban Trị sự Trung ương sẽ chỉ định 01 Ban mới hoạt động lâm thời.
  4. Ban Trị sự Trung ương ban hành quy chế tuyên dương và kỷ luật trong hệ thống đạo sau khi thông qua Hội nghị thường niên.

CHƯƠNG VIII

SỬA ĐỔI – THI HÀNH HIẾN CHƯƠNG

Điều 28. Hiến chương này là Văn kiện pháp lý, điều hành mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội từ cấp Trung ương, Tỉnh, Thành hội đến cấp Chi hội. Chỉ có Đại hội Đại biểu toàn quốc với ít nhất 2/3 Đại biểu thông qua mới có quyền sửa đổi Hiến chương này.

Điều 29. Bản Hiến chương này gồm có Lời mở đầu, 08 chương và 29 điều, được Đại hội toàn quốc thống nhất thông qua tại kỳ Đại hội ngày 05 tháng 05 năm 2014 (nhằm ngày 07-04-Giáp Ngọ) tại Tổ Đình Hưng Minh Tự, P.10, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

Ban Trị sự các cấp và toàn thể chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên nghiêm túc chấp hành bản Hiến chương này. Ban Trị sự Trung ương ban hành và thực hiện Hiến chương sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn./-

GIÁO HỘI TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM