Ông Huỳnh Văn Dơn sinh năm 1897 tại làng Lai Hưng, quận Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương, con của ông Huỳnh Văn La và bà Nguyễn Thị Thanh.
Ông Huỳnh Văn Dơn sinh năm 1897 tại làng Lai Hưng, quận Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương, con của ông Huỳnh Văn La và bà Nguyễn Thị Thanh.
Năm 1924 ông tốt nghiệp trường luật ở Hà Nội, được nhà nước đương cuộc bổ nhiệm làm tri huyện tỉnh Tây Ninh. Làm việc được 2 năm, ông từ nhiệm về quê. Năm 1929 ông khởi nghiệp bằng cách lập đồn điền cao su, xây nhà phố ở Bình Dương, sau đó tham gia làm cầu đường ở miền Tây.
Nhờ túc duyên, ông được gặp Đức Tông sư Minh Trí, thường nghe giảng đạo, sau đó quyết tâm về với giáo hội.
Năm 1948, ông phụ trách xây dựng Hội quán Tân Hưng Long Tự ở Nguyễn Tri Phương, quận 10, Tp. HCM.
Năm 1953, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Liên thành lập hai Hội quán tại quê nhà:
1/ Hội quán Hưng Đức Tự, tỉnh hội Bình Dương.
2/ Hội quán Hưng Sơn Tự, Bến Cát, Bình Dương (nay là Hưng Mỹ Tự).
Niên khoá 1954-1955, ông Huỳnh Văn Dơn đắc cử chức danh Chánh Hội trưởng. Kể từ đây giáo hội phát triển mạnh, các chi hội trong toàn quốc lần lượt được thành lập với điều kiện là: Phải có Phòng thuốc Nam phước thiện, phải có Y sĩ đảm nhiệm phòng thuốc.
Năm 1963, ông mua đất, lập nhà máy xay đá xây dựng ở phường Thắng Tam, Bãi Dâu, Vũng Tàu.
Năm 1964, ông thành lập Hưng Thắng Tự, mở Phòng thuốc Nam phước thiện, vườn thuốc Nam, trung tâm an dưỡng. Khai phá đất dài lên núi hơn 10 mẫu, dựng miếu Quán Thế Âm trên đỉnh núi.
Năm 1966, ông phụ trách xây dựng Tổ đình Hưng Minh Tự. Các loại đá xây dựng đều được lấy từ nhà máy ở Bãi Dâu.
Năm 1968, do tuổi cao sức yếu, ông liễu đạo ngày 18/9 âm lịch, được an táng ở đất nhà tại đường Lê Quang Định, Gò Vấp, nay là Hội quán Hưng Gia Tự, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.
Lúc sinh thời, ông miệt mài làm việc phước thiện với lòng từ bi, hạnh nhẫn nhục. Kể từ lúc Đức Tông sư Minh Trí giới thiệu năm 1954, ông liên tục đắc cử chức vụ Chánh Hội trưởng BTS TW cho đến khi qua đời. Ông chăm sóc, bảo bọc Y sĩ Y sinh của Giáo hội như các con cháu của ông. Sau khi ông liễu đạo, bà Huỳnh Thị Lợi (vợ kế) đã làm tờ hiến đất Hưng Thắng Tự cho giáo hội.
Ông để lại quyển Phước Huệ Song Tu, kể từ khi xuất bản năm 1955 đến nay đã được tái bản liên tục, trở thành quyển Giáo lý căn bản của giáo hội.
Theo Quyết Nghị của Hội nghị toàn đạo ngày 09/05/2011 (mùng 7 tháng 4 năm Tân Mão, ông được truy tấn giáo phẩm Huấn Sư. Lễ truy tấn và trao Bằng Chứng Nhận được tổ chức tại Trung ương Hội Tổ đình Hưng Minh Tự ngày 20/9/2011 (23/8 năm Tân Mão). Hội quán Hưng Gia Tự (Tp.HCM) đại diện nhận Bằng Chứng Nhận.