Tiểu sử Đức Huấn Sư Như Pháp

Cư sĩ Như Pháp, tộc danh Lê Văn Phước, sanh năm Canh Tuất 1910. Ông là con thứ bảy của ông Lê Văn Tiểng và bà Lại Thị Út, sinh quán tại xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu.
Cư sĩ Như Pháp, tộc danh Lê Văn Phước, sanh năm Canh Tuất 1910.
Ông là con thứ bảy của ông Lê Văn Tiểng và bà Lại Thị Út, sinh quán tại xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu.

Năm 1933, mới 24 tuổi, ông đã theo Đức Tông Sư để giúp việc Giáo hội, làm tùy bút của tạp chí Pháp Âm, vừa viết bài, vừa phụ trách sửa bản in. Qua năm 1934, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã lan tới Việt Nam, tờ nguyệt san chỉ ra được 13 số thì phải đình bản do kiệt quệ tài chánh.

Năm 1949, với pháp danh Như Pháp, được Tông Sư cho phép chú giải và xuất bản quyển Kim Cang chú giải. Năm này ông giữ chức Phó Thơ ký Ban Trị sự. Được Tông Sư Minh Trí sắc phong Phó Giảng sư, những năm kế tiếp, ông soạn thảo các quyển Phật Học Vấn Đáp, Tịnh Độ Tông, Phương Pháp Kiến Tánh và các tài liệu cho Ban Đạo Đức trung ương.
Từ 1960, ông được phân công soạn thảo tài liệu để mở các khoá Thuyết trình viên Đạo Đức, nhằm đào tạo nhân sự chuyên môn. Sau đó, ông lần lượt cho ra đời các bộ giảng luận như Duy Thức Học giảng luận, Pháp Bửu Đàn Kinh biên giảng, Phước Huệ Trang Nghiêm, Tu Tâm Quyết trích giảng, Đốn Ngộ Yếu Môn Luận trích giảng, Chơn Tâm Minh Luận Vấn Đáp…
Vào khoảng những năm 1980-1990, ông thường xuyên lui tới Long Sơn để dìu dắt bà con tín đồ và từng bước gầy dựng lại cơ sở Giáo hội TĐCSPHVN tại Long Sơn bị ly tán trong thời chiến tranh. Đến năm 1988 mở phòng thuốc Nam phước thiện tại thôn 2, xã Long Sơn. Năm 1990, ông đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi Tam bảo Hưng Long Tự tại thôn 1, xã Long Sơn. Sau đó, do sức khỏe kém, ông trở về ở hẳn tại gia đình, trong căn nhà phía sau Hội quán Tân Hưng Long Tự, Tp. Hồ Chí Minh.

Những năm cuối đời, ông chỉnh lý quyển Phật Học Vấn Đáp. Sau đó, ông viết quyển Phước Huệ Song Tu do yêu cầu của hai tín đồ.

Ông liễu đạo ngày 27/7/1993, nhằm mùng 9/6 năm Quí Dậu, thọ 83 tuổi.
Theo Quyết Nghị của Hội nghị toàn đạo ngày 09/05/2011 (mùng 7 tháng 4 năm Tân Mão, ông được truy tấn giáo phẩm Huấn Sư. Lễ truy tấn và trao Bằng Chứng Nhận được tổ chức tại Trung ương Hội Tổ đình Hưng Minh Tự ngày 20/9/2011 (23/8 năm Tân Mão). Hội quán Hưng Long Tự (Bà Rịa-Vũng Tàu) đại diện nhận Bằng Chứng Nhận.