Tỉnh hội Bến Tre HƯNG QUANG TỰ

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH HỘI BẾN TRE

 

Bến Tre – quê hương xứ dừa – là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có một mặt giáp biển Đông, ba mặt giáp các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Được thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận, gió hòa, đất đai màu mỡ, cây trái bốn mùa tươi tốt. Người dân nơi đây chơn chất, hiền hòa, có duyên lành với Phật pháp từ rất sớm, là nơi được Đức Tông Sư Minh Trí mở đạo và chư vị tiền hiền có công gầy dựng cơ sở ban đầu, tạo nền tảng cho tỉnh hội hoạt động và phát triển cho đến ngày nay.

Tịnh độ Cư sĩ Bến Tre hiện có bảy hội quán, gồm một Tỉnh hội và sáu Chi hội 

      – Tổng số tín đồ hiện có:                3.441 vị

      – Chức sắc:                                          69 vị

      – Chức việc:                                       150 vị

      – Bác sĩ :                                               02 vị

      – Y sĩ đủ điều kiện pháp nhân:             17 vị

Đại hội đại biểu Ban Trị sự Tỉnh hội Bến Tre nhiệm kỳ III (2018-2023)

Tỉnh hội Hưng Quang Tự: tọa lạc số 39, đường Nguyễn Huệ, phường I, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Khởi thủy của Hội quán Hưng Quang Tự từ năm Nhâm Thìn 1952. Đầu tiên tín đồ của Tịnh độ Cư sĩ Tỉnh hội Bến Tre, hỏi mượn kho vựa muối của ông Trần Ký Tín, một tín đồ thuần thành của giáo hội, để làm Phòng Thuốc nam phước thiện.

Phòng thuốc nầy làm lễ khai trương vào ngày rằm tháng 8 âl năm 1952, có ông P. Hội trưởng Ban Trị sự Trung ương Lữ Huỳnh Anh đến tham dự, đồng thời bầu BTS lâm thời để điều hành công việc đạo hội. Ông Trần Ký Tín được bầu làm Hội trưởng Ban Trị sự (BTS) lâm thời đầu tiên.

Qua năm Quý Tỵ 1953, có hai ngôi nhà cổ gần kề với nhau: nhà ông Đội Sang bên trái, nhà ông Trần Văn Lắm bên phải. BTS lâm thời đa số đồng ý mua nhà ông Đội sang vì nhà ông nầy rộng rãi đồ sộ hơn, thiểu số đồng ý mua nhà ông Trần Văn Lắm, ngôi nhà nầy rẽ hơn vì không đẹp bằng ngôi nhà kia.

Do không thống nhất, nên BTS lâm thời cử 4 ông về Sài Gòn thỉnh thị ý kiến Tông Sư. Chuyến đi nầy gồm có ông Trần Ký Tín, ông Thượng Công Thuận, ông Trần Kỳ Thắng, ông Thái Văn Bút. Qua sự trình bày của 4 ông, Tông Sư phán rằng: “Mấy ông nên mua nhà ông Trần Văn Lắm, mặc dù ngôi nhà nầy không khang trang bằng ngôi nhà kia, nhưng sau nầy bền vững và phát triển hơn”.

Được sự thọ ký của Tông sư, Ban Trị sự thống nhất mua ngôi nhà ông Trần Văn Lắm. Sau khi chồng tiền bạc và làm giấy tờ xong trong thời gian khoảng trên mười ngày, ngôi nhà kia có sự tranh chấp trong nội bộ giữa anh em trong gia đình (Huệ của Tông Sư hết sức tuyệt vời).

Nhà mua xong được sắp xếp làm nơi thờ Phật và trụ sở của BTS Tỉnh hội Bến Tre, Đức Tông Sư ban hiệu là Hưng Quang Tự, được BTS Trung ương ký quyết định thành lập từ năm 1953.

Cũng trong năm này, phòng thuốc được dời về ngôi chùa Hưng Quang. Lúc bấy giờ ông Trần Văn Mẫn là y sĩ Trưởng phòng, Ban Trị sự tỉnh trao trả kho vựa muối lại cho ông Mười Tín.

Vào cuối năm 1953, ông Hội trưởng Trần Ký Tín có công việc đi Pháp, nên ông xin nghỉ việc, có báo cáo về Tông Sư và BTS Trung ương. Được Tông Sư chấp thuận cho Tỉnh hội Bến Tre bầu cử BTS chính thức. Ông Thượng Công Thuận được bầu làm Hội trưởng vào cuối năm 1953, đến nữa năm 1955 ông Thượng Công Thuận liễu đạo với chứng bệnh đột quỵ. Ông Phó Hội trưởng Huỳnh Thiện Nhiều, được bầu làm Hội trưởng BTS Tỉnh hội Bến Tre đến năm 1960.

Đại hội mùng 8 tháng 4 ở Trung ương xong, Tông Sư có đi thăm các Tỉnh hội trên toàn quốc, gồm Long An, Gò Công, Mỹ Tho, rồi đến Bến Tre. Cùng đi có ông Lữ Huỳnh Anh, Cô Hai Chợ Lớn, do ông Thái Văn Bút lái xe, Cậu Ba Lương Văn Lan chụp hình, đến Bến Tre vào tháng 5 năm 1957, lúc bấy giờ Ông Hội trưởng Huỳnh Thiện Nhiều tiếp Tông Sư và đoàn. Khi đến Tông Sư có mang theo chiếc quạt lông tặng cho Tỉnh hội. Sau này Tỉnh hội tặng lại cho BTS Trung ương, chưng bày tại Nhà Lưu Niệm, tỉnh Đồng Tháp.

“Kỷ niệm Bến Tre “chiếc quạt lông”

Tông Sư cầm quạt đạt Chân không

Ngôi Hưng Quang Tự còn lưu giữ

Kính tặng về nguồn “Chiếc quạt lông”

Năm Canh Tý 1960, ông Đỗ Văn Đốc được bầu làm Hội trưởng đến năm 1966.

Từ năm Bính Ngọ 1966, ông Trần Văn Mẫn được bầu làm Hội trưởng.

Trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, Tết Mậu Thân 1968, ngôi chùa bị hư hại nặng. Đầu năm Canh Tuất 1970, ông Hội trưởng Trần Văn Mẫn đề xướng chủ trì, hiệp cùng chức sắc, chức việc, tín đồ và những nhà thiện tâm xây cất lại ngôi chánh điện lần thứ nhất, bằng bê tông cốt thép, xây cất theo lối kiến trúc cổ hình chữ “Công”. Trên nóc ngôi tam bảo có dựng chữ Nhứt, biểu tượng đặc trưng của TĐCSPHVN. Mặt dựng phía trước có chạm khắc bốn bông sen trắng, mang ý nghĩa cho giới cư sĩ : “Cư trần bất nhiễm trần”.

Tầng trệt làm Phòng Thuốc nam và Nhãn khoa phước thiện. Trên lầu thờ Phật A di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Tông Sư Minh Trí.

Ngôi Chánh điện xây dựng đến cuối năm Tân Hợi (1971) mới xong và  tổ chức lễ khánh thành trong năm. Cũng trong năm 1971, BTS, Ban Giảng huấn Trung ương đến Tỉnh hội mở khóa giáo lý Thuyết trình viên Đạo Đức, từ ngày 24/9 đến 10/10/1971. 

Diện tích hội quán Hưng Quang Tự hiện nay là 953.5 m2, nằm trên tuyến giao thông thuận lợi, mặt chùa hướng ra đường Nguyễn Huệ có điều kiện để khách thập phương tới lui thăm viếng, chiêm bái tâm linh và đồng bào bệnh nhân đến khám trị bệnh hốt thuốc nam miễn phí.

Năm Đinh Dậu 2005, cô Châu Thị Thu, P. Hội trưởng BTS Tỉnh hội, vận động hội viên, tín đồ góp sức xây dựng lần thứ 2, gồm 1 trệt 3 lầu. Tầng trệt làm phòng khám trị bệnh cho đồng bào, lầu một làm Chánh điện và giảng đường để hội họp và học tập, sinh hoạt đạo đức, lầu hai nơi trữ thuốc và nhà phơi thuốc khép kín, lầu 3 là phòng nghỉ ngơi cho y sĩ, y sinh, cùng với hàng rào và cỗng chánh, cỗng phụ. Tổng kinh phí trên 1 tỷ 680 triệu đồng.

Quí chư vị Hội trưởng BTS Tỉnh hội Hưng Quang Tự qua các thời kỳ:

  1. 1952 – 1953 : ông Trần Ký Tín.
  2. 1953 – 1955 : ông Thượng Công Thuận.
  3. 1955 – 1960 : ông Huỳnh Thiện Nhiều.
  4. 1960 – 1966 : ông Đỗ Văn Đốc.
  5. 1966 – 1994 : ông Trần Văn Mẫn.
  6. 1994 – 2013 : ông Dương Văn Mẫn.
  7. 2013 – 2018 : ông Huỳnh Công Trận.