Phần đầu của bài giảng về hai chữ Đạo đức của Đức Tông Sư Minh Trí tại giảng đường Tân Hưng Long Tự ngày 06/01/1957. Cư sĩ Như Pháp ghi chép.
ĐẠO ĐỨC – PHẦN KHAI DUYÊN
TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
PHẦN KHAI DUYÊN “ĐẠO ĐỨC”
(Phần đầu của bài giảng về hai chữ Đạo đức của Đức Tông Sư Minh Trí tại giảng đường Tân Hưng Long Tự ngày 06/01/1957. Cư sĩ Như Pháp ghi chép)
Thưa quí Ông Bà,
Ban Đạo Đức Trung Ương đã khai giảng hai tháng rồi, hôm nay tôi mới có dịp đến giảng đường, trước là viếng thăm sự học Đạo của quí Ông Bà, sau nữa tôi có đôi lời trình bày cùng quí vị.
Tôi nhận thấy người tu hành như chúng ta, trên vai đã gánh vác rất nhiều bổn phận, lẽ tất nhiên trong đó bổn phận làm người đứng đầu trong các bổn phận. Hôm nay chúng ta gánh vác thêm một bổn phận nữa, tức là Bổn Phận Học Tập Đạo Đức vậy. Bổn phận nầy rất thiêng liêng đối với người tu hành theo Phật-pháp. Phật tử tuy có rất nhiều bổn phận đối với đạo pháp, nhưng trong đó bổn phận học Đạo phải được xếp vào hàng đầu.
Tại sao thế? Bởi vì, nếu quí Ông Bà không học Đạo, thì không biết bổn phận của mình đối với Tam Bảo ra làm sao, không biết bổn phận của mình đối với chúng sanh như thế nào, v.v…
Có học Đạo mới có thông lý lẽ, có thông lý lẽ mới có biết đường lối để đi, mới hiểu rõ phương pháp thực hành đạt Đạo. Lý do Phật tử phải học Đạo là như thế, và cũng là một lý do xếp sự học Đạo đứng hàng đầu của người tu hành.
Quí Ông Bà muốn hiểu Đạo ư? Lẽ cố nhiên phải học Đạo.
Quí Ông Bà muốn thành Đạo ư? Lẽ cố nhiên phải học Đạo.
Quí Ông Bà muốn đáp ân Tam Bảo ư? Lẽ cố nhiên phải học Đạo.
Quí Ông Bà muốn chóng kết quả trên con đường tu học Phật pháp ư? Lẽ cố nhiên phải học Đạo.
Còn biết bao nhiêu lý lẽ cần phải học Đạo của một Phật tử, tôi không tiện nói ra. Nói tắt là, trăm ban vạn sự gì về Phật pháp, cũng cần phải học Đạo cả.
Quí Ông Bà chớ khá nghe tôi nói như vậy, rồi so bì với Ngài Lục tổ Huệ Năng. Thử hỏi căn cơ của chúng ta như thế nào mà có thể so sánh phân bì như vậy chăng? Hơn nữa, Lục tổ cũng có học Đạo chớ chẳng không. Tuy nhiên, chỗ học Đạo của Ngài, ít có người hiểu được cho tinh tường, phần nhiều chúng ta chỉ biết được đại khái, là Ngài học Đạo với cái Trí vô sư của Ngài mà thôi. Hiện tại, quí Ông Bà chưa mở Trí vô sư, cần phải học Đạo với Thầy, Bạn, đó là một việc không thể tránh được.
Hai tháng trôi qua, quí Ông Bà đã học tập Đạo Đức, hôm nay tôi trình bày vấn đề Đạo Đức; nhưng, trước hết tôi phải phớt qua vấn đề Học Tập Đạo Đức ở phần khai duyên nầy, để cho quí Ông Bà thấy rõ chỗ quan trọng và lợi ích hết sức lớn lao về sự học Đạo. Quí Ông Bà có thể thấy thế giới văn minh ngày nay là do nơi đâu không? Văn minh của thế giới dù là văn minh vật chất hay tinh thần, cả hai cũng đều do học tập mà ra. Nếu nhân loại trên thế giới xưa kia mà không học tập, thì ngày hôm nay làm sao thoát khỏi cảnh tối tăm, làm sao đủ tiện nghi trong đời sống hiện tiền, nhứt là làm sao có đủ thuốc men cho các thứ nhu cầu của bệnh chứng?
Tôi dám quả quyết rằng, từ xưa, nếu nhân loại trên thế giới không học tập, thì ngày hôm nay ai nấy cũng còn đi bộ, đi xuồng, chưa có đèn điện sáng choang, chưa có xe hơi, chưa có tàu bè, máy bay đi cùng khắp thế giới.
Trước khi giảng giải vấn đề Đạo Đức, tôi xin hỏi quí Ông Bà: quí Ông Bà có biết lý do nào mà tôi đặt tên là Ban Đạo Đức chăng? Nói Ban Đạo Đức là nói tắt cho gọn, nói đủ tiếng, thì gọi là BAN HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC. Có nhiều vị hội viên đề nghị lấy tên là Ban Giáo huấn Phật pháp, Ban Học Hỏi Giáo lý Phật đà, v.v… nhưng tôi không nhận, tôi lại chọn cái tên BAN ĐẠO ĐỨC.
Dụng ý của tôi là muốn cho các sắc hội viên cùng toàn thể thiện nam tín nữ, ai ai cũng phải hiểu rõ Đạo Đức là gì, thực hành Đạo Đức ra sao, nên tôi mới chọn cái tên đó.
Người xưa học cái gì hành cái đó, Học và Hành đi đôi, ai cao hơn nữa thì đạt được cảnh giới Học tức Hành, Hành tức Học. Người đời nay phần nhiều vì thiếu Nho học, nghe nói Học, tưởng đâu học để hiểu mà thôi, chớ không dè học để hành đến bực Chí thiện. Vì lẽ đó, tôi mới dùng bốn tiếng HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC đặt tên cho Ban Giảng Huấn, Ban nầy thay thế cho tôi để giảng dạy và huấn luyện nhơn tài cho Giáo hội.
Quí vị nào có nghiên cứu về Nho học, mới thấy cái học của người xưa, chẳng phải mục đích của sự học là để thành một người đa văn quảng kiến suông. Cứu cánh của sự học là để thành thánh hiền, vì vậy cho nên, người xưa học bao nhiêu, hành bấy nhiêu.
Người đời nay phân tách cái Học và cái Hành ra làm hai phần, vì vậy mới có lời nói: Lý thuyết là một lẽ, còn thực hành là một lẽ khác nữa. Thật ra, đang lúc học phần lý thuyết, chưa bắt tay phần thực hành, cũng là hành rồi. Cái hành nầy thuộc về trí hành, tâm hành, chớ chẳng phải thân hành. Người học Đạo cao sâu, ai cũng biết rằng, cái hành động của thân không ngoài tâm, ngược lại, cái hành động của tâm cũng không ngoài thân thể mà có. Thế thì, trong cái hành động nào cũng vậy, dù về tay chưn hay bằng tâm trí, luôn luôn gói trọn trong tinh thần lẫn thể xác.
Quí Ông Bà nên biết thêm rằng, sau khi học về trí não, đến lúc bắt tay làm việc, con người cũng vẫn chưa thoát ly được cái sở học của mình. Bởi vì, trong lúc bắt tay thực hành, con người gặp thêm những cái học mới nữa, tức là những kinh nghiệm trong khi làm việc. Những kinh nghiệm nầy không bao giờ có trong lúc ta còn đang đi sâu vào sự học hỏi phần lý thuyết. Do đó, người xưa nói rằng: Tri dẫn lối cho hành, hành bổ khuyết cho tri, tri hành hiệp nhứt.
Căn cứ vào lời nói trên đây, quí Ông Bà có lẽ đã hiểu rằng, trong cái Học đã có cái Hành rồi vậy. Như thế, quí Ông Bà chớ khá nghe người ta nói “Học Đạo Đức là học nói chớ chẳng phải tu hành,” rồi chán nản mà không học. Những người nói như vậy là tại họ không hiểu cái nghĩa chữ Học đồng với chữ Hành và chữ Học đồng nghĩa với chữ Tu. Tu học hay tu hành phải hiểu rành như vậy mới được.
Giáo pháp nhà Phật toàn là Đạo Đức luân lý, để cho chúng ta thực hành từ trong tâm trí ra đến hành vi cử chỉ và ngôn ngữ. Như vậy, chúng ta tu cả tâm trí, cả miệng mồm lẫn tay chưn, chớ đâu phải chỉ có một việc làm phước thiện mà gọi là tu hành. Thế thì, nói học tập Đạo Đức, tức là nói học và hành theo giáo pháp nhà Phật, hầu xây dựng các đức tánh chân, mỹ, thiện. Do lẽ đó, học tập Đạo Đức không có nghĩa là góp nhặt một mớ hiểu biết suông qua triết lý nhà Phật, đặng làm giàu cho tri thức của mình, hầu trở nên một Phật tử có tài biện luận giỏi về Phật pháp.
Không. Không phải cách thức học Đạo như vậy. Nó sai với giáo lý nhà Phật, để rồi mang tiếng một người học nói, cũng như mang tiếng có ăn, thực sự thì ăn bánh vẽ. Nếu học viên nào chỉ biết học nói, không trau giồi đạo pháp từ trong tâm ra ngoài hành vi ngôn ngữ, thì làm sao gọi là tu học Phật pháp hay gọi là học tập Đạo Đức? Học Đạo như vậy, chẳng những không thành được người Hiền, huống hồ thành bực giải thoát.
Hôm nay tôi đem vấn đề Đạo Đức bàn cùng quí Ông Bà, ý của tôi là muốn cho quí Ông Bà, trước hết đầy đủ đức hạnh, tức là đầy đủ tác phong Đạo Đức của một Phật tử chơn chánh, kế đó tiến tới chỗ đầy đủ công phu tu chứng giải thoát. Muốn tu chứng giải thoát mà đức hạnh không có, muốn ra thay mặt tôi để dạy Đạo mà tác phong Đạo Đức lỏng lẻo buông trôi, thử hỏi, cái muốn đó có đem lại kết quả gì chăng?
Đành rằng, bổn phận dạy Đạo là bổn phận của tôi, nhưng nếu cái gì tôi cũng cam một mình, làm sao Giáo hội phát triển cùng khắp các Chi hội trong toàn quốc?
Khi tôi còn tại thế, tôi chứng minh sự dạy Đạo và học Đạo cho toàn thể hội viên thiện tín; nhưng, thử hỏi, khi tôi vắng bóng, chẳng lẽ cái gì cũng bỏ phế hết? Nỗi lo của tôi là ở chỗ đó. Vì vậy mà tôi thành lập Ban Đạo Đức, để sau nầy có người tài đức ra gánh vác Phật sự, để có người hậu lai truyền kế, cùng là những bực có khả năng về Phật pháp, làm sứ giả cho nhà Phật (Như Lai sứ giả), từ thế hệ nầy truyền qua thế hệ khác.
Có hiểu rành như những lời tôi nói trên đây, mới gọi là Học tập Đạo Đức. Không hiểu và không làm như trên đây, thì không được gọi là HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC. Tôi thiết tha kêu gọi, bất luận là Ban nào, dù là Ban Trị sự đi nữa, cũng phải ở trong Ban Đạo Đức, cho đến toàn thể hội viên thiện tín cũng đều vào Ban nầy y như bản Nội qui Ban Đạo Đức mà tôi đã ấn định./-