Giới luật

Nhân ngày lễ kỷ niệm Trung nguơn, ngày chư Phật hoan hỷ, chư Thánh Tăng tự tứ, chúng tôi có đôi lời thành thật xin trình bày cùng quí Ngài “Những quan điểm của người tu Phật đối với vấn đề Giới luật.”

GIỚI LUẬT

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

Cư sĩ THIỆN MẪN

TÌM HIỂU GIỚI LUẬT PHẬT PHÁP TU HÀNH

  

LỜI NGỎ

Nam Mô A Di Đà Phật,

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính đức Tông sư Minh Trí tác đại chứng minh.

Xin chào Ban Trị sự cùng quí vị viên quan quới chức và chư Thiện hữu nam nữ.

Nhân ngày lễ kỷ niệm Trung nguơn, ngày chư Phật hoan hỷ, chư Thánh Tăng tự tứ, chúng tôi có đôi lời thành thật xin trình bày cùng quí Ngài “Những quan điểm của người tu Phật đối với vấn đề Giới luật.”

Phật duyên đã tới! Có được sự trợ giúp của các giới chuyên môn, sự tìm hiểu – những quan điểm – của chúng tôi đã đến được với quí vị gần xa. Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự thiện tâm quý báu đó.

Sự thật tìm hiểu về vấn đề Giới luật quá mênh mông rộng lớn không thể tránh khỏi được những khiếm khuyết. Xin quí vị hoan hỷ, chỉ giáo để bước bước đường sau được viên mãn hơn.

Thiện Mẫn

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM VỀ VAI TRÒ GIỚI LUẬT

 Phật pháp vốn vô thượng siêu nhiên, song không kém phần phương tiện đối với bịnh căn của chúng sinh. Vì căn hạnh của chúng sinh không đồng, cho nên Phật phải tùy nhân duyên, bày ra vô lượng pháp môn phương tiện, nhưng cũng không ngoài cái mục đích là Giác ngộ cho chúng sinh được chóng thoát ly ra ngoài vòng trầm luân khổ hải. Chúng tôi, người sơ cơ học Phật, đã mệnh danh là một phật tử, lẽ dĩ nhiên phải có cái hạnh nguyện như Phật là từ bi tế nhân lợi vật. Vì vậy, chúng tôi cũng phải tùy theo năng lực của mình đem chỗ ngộ giải — mặc dù là thô sơ nông cạn, nhưng vì nhiệm vụ phổ cập lợi tha của người thích tử — hầu góp phần công đức trong sự kiến thiết nền Phật giáo tương lai cho nước nhà.

Nhận thấy Tạng Luật có nhiều ảnh hưởng đến sự hoằng pháp lợi sinh, nhứt là trong thời kỳ mạt pháp hiện đại, đa số phật tử cư sĩ vì mải bận việc gia đình hoặc chức vụ, không đủ thời giờ hay điều kiện để khảo cứu kinh luận cho tinh tường; nhưng, nếu có thể chuyên trì phần giới tướng thật tinh nghiêm, thì cũng sẽ được thành tựu viên mãn.

Kinh Phật dạy: Tạng Luật là mạch mạng của Phật pháp. Vì lẽ ấy, muốn duy trì chánh pháp thì cần phải giữ vững tinh thần giới luật, bởi giới luật đối với người phật tử là một nhu dụng thiết yếu, không khác nào hơi thở đối với mạng sống con người, không thể phủ nhận được.

Vẫn biết giới luật dung nhiếp tất cả cái ý nghĩa bí ảo siêu việt, người tu hành chỉ lý hội trong cảnh giới thiền định mà thôi, nay chúng tôi lại dùng văn tự để biên tả, vậy đối với chân tướng của giới thể, ắt có phần sai lạc ít nhiều. Nhưng dầu sao, chúng tôi vẫn trông mong nơi lòng khoan dung của quí ngài và xin quí ngài vui lòng phủ chính cho những chỗ khuyết điểm, chúng tôi rất đa tạ.

Thưa quí ngài,

Đạo Phật là Đạo giải thoát, mà giới luật lại là căn bản phương tiện giải thoát, vì Phật có dạy: “Giới là kho diệu pháp, là của xuất thế. Giới là tàu bè lớn đưa người qua biển khổ sanh tử. Giới là pháp vô úy phá tan tà kiến độc hại. Giới là tướng dõng mãnh phá tan ma quân.Giới là hào thành ngăn được giặc phiền não. Giới là đất bằng để kiến tạo lầu đài Định Huệ. Do sức Định Huệ trang nghiêm, muôn hạnh tròn đủ để thành tựu cái công đức Giải thoát. Như thế, đều do Giới làm cội gốc.”

Ngài Đàm Nhất Luật sư có nói: “Tam thế Phật pháp, Giới vi căn bổn. Bổn chi bất tu, Đạo viễn hồ tai.” (Ba đời Phật pháp, đều nói Giới Luật là cội gốc, thế mà không tu theo cội gốc ắt phải xa cách Đạo). Vì vậy cho nên, hầu hết những người chân chính học Phật tu cầu giải thoát, đều phải thâm nhập yếu lý căn bổn của Giới Luật.

Giới Luật lại là phần cốt cách, là cái tinh hoa của Tam tạng giáo hải nhà Phật. Người phật tử phải biết sử dụng Giới Luật trong đời sống hằng ngày, đúng với cái chơn tinh thần bình đẳng của Phật pháp, thì mới có thể làm tròn cái bản nguyện: “Tự độ độ tha, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.”

Khi Phật gần nhập diệt, Ngài không quên để lời di chúc lại khuyên các môn đệ: “Nầy các thầy tỳ kheo, sau khi Ta diệt độ rồi, các người nên y theo giáo lý của Ta đã dạy, là phải lấy Giới Luật làm thầy. Dẫu Ta có trụ mãi ở cõi nầy mà các người không trì trai giữ giới, tịnh hạnh tinh nghiêm, thì cũng không lợi ích chi cả.”

Xét như thế thì chẳng luận kẻ tại gia cư sĩ cùng người xuất gia tăng chúng, ai ai cũng có cái nhiệm vụ là phải bảo tồn chánh pháp. Nhưng muốn hoàn thành cái sứ mạng cao cả ấy, thì chẳng những phải tự mình tinh nghiêm giới luật, đồng thời phải khuyên dạy cho mọi người phát tâm dõng mãnh tinh tấn thọ trì qui giới, thì mới có thể gọi là người phật tử biết hoài bão cái gia nghiệp của Đức Như Lai sau này.

Kinh Cố Đại Luật có đoạn: “Tỳ-ni tạng giả thị Phật pháp thọ mạng, tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ, tỳ-ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt.” (Tạng Luật là mạng sống của Phật pháp, tạng Luật còn là Phật pháp còn, tạng Luật mất là Phật pháp mất). Thế thì, Phật pháp vẫn phải lập trên nền tảng của tạng Luật mới có thể tồn tại ở thế gian để phổ cập trong quảng đại quần chúng phật tử, mà chúng ta cần phải quan tâm, nhận định cái chân giá trị và sự liên quan mật thiết của Giới Điều đối với sự “Hoằng khai pháp giới” là trọng đại.

Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Cụ túc thọ trì oai nghi giáo pháp, năng linh tam bảo bất đoạn.” (Chỉ giữ gìn đầy đủ pháp giới oai nghi, thì ba báu chẳng đoạn diệt được).

Để cúng dường ngôi Tam Bảo “Phật, Pháp và Thánh Tăng,” không chi quí bằng cách tuyên truyền giáo hóa cho đến một người nào cũng đều tin hiểu vâng giữ oai nghi giáo pháp của Phật, thì cái công đức cúng dường ấy mới thật là bất khả tư nghì. Vậy ai ai cũng cần phải nương theo Giới Luật, lấy đó làm chỗ qui hướng trọn đời. Nếu muốn cho sự tu tỉnh của mình được phần tiến triển khả quan, thì phải có nhiệt tâm ứng dụng Giới Pháp hợp thời. Như thế, chẳng những nhân cách đã được hoàn bị, mà đạo quả cũng có cơ thành thục viên mãn.

Bậc Thánh đức có nói: “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong.” Chính như thế, Đời vẫn phải có luật pháp phù hợp với Đời, còn Đạo thì cũng phải kiến lập giới điều của Đạo, nhưng dầu cho Pháp luật hay Giới điều chi chi cũng không ngoài cái mục đích duy nhất là phòng phi các nghiệp hoặc, và đình chỉ các ác duyên.

Đối với Đời thì Pháp Luật có phận sự là bắt buộc mọi người vì hạnh phúc chung, tức là vì sự an ninh và trật tự trong xã hội, cần phải tuân theo kỷ luật. Còn đối với Đạo thì Giới Luật của Phật không bắt buộc ai cả, nhưng vì lòng từ bi, Phật không thể không giải thích những sự lợi ích của Giới Điều để cho mọi người tự nhận cái giá trị chân thực, hầu tự tu tiến cho được giải thoát sanh tử phiền não mà chứng đạo Bồ đề.

Song, Pháp Luật của Đời thì chỉ có thể ngăn đón các hành vi hay ngôn ngữ vô liêm, vô sỉ, bất nghĩa, bất chính mà không như Giới Điều của Phật là phương tiện đối trị vọng tâm điên đảo. Vì các hành vi ngôn ngữ tà dối đều thoát sinh bởi nơi tâm niệm vọng chấp, do tâm niệm tà tư mới có sự luân hồi khổ hải. Chỉ có Giới Luật của Phật mới có thể trị tận gốc mê lầm, Phật chỉ cho biết các sự mê lầm không ngoài tâm niệm điên đảo ấy quá sâu kín, và rất tinh tế, không thể dùng mắt mà thấy được, cho nên đối với Pháp Luật thế gian không thể điều phục cho được.

Vẫn biết Pháp Luật của Đời không có những đặc điểm như Giới Điều của Phật, nhưng cũng không kém phần lợi ích, là vì nếu ngoài đời mà không có qui định Pháp Luật nghiêm khắc để làm mục tiêu cho nhân cách, thì sự sống còn của nhân loại, của xã hội trở nên phức tạp và xuẩn động vô cùng.

Về phần của Đạo, muốn tránh sự diệt vong, thì cũng cần phải chế lập qui điều cương giới để duy trì trật tự trong tăng chúng và cũng để làm chuẩn đích cho sự hoằng thông chánh giáo.

Như thế thì chẳng luận ở vào thời đại nào, trường hợp nào, từ các tổ chức chánh trị cho đến các đoàn thể tôn giáo, đều phải lấy cương giới pháp luật làm đầu. Vẫn biết rằng tùy thời cơ, và hoàn cảnh có khác nhau, nhưng cũng không thể ly khai Giới Cương Pháp Luật mà được sinh tồn toàn thiện toàn mỹ.

Sở dĩ ngày nay, nhân loại phải một phen đưa nhau vào vòng cương tỏa của nạn chiến tranh tàn khốc gớm ghiếc, là vì phần đông đã phủ nhận cương kỷ giới điều của Phật, cho rằng Giới Luật là chế độ mục nát, là thành kiến hủ bại, và là phương sách ngu dân của thời phong kiến lưu lại; như thế chỉ làm giảm giá trị con người và làm mất cả tự do hạnh phúc của nhân loại, nên cho rằng giới luật không còn phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại hiện hữu. Vì không khứng giữ gìn những điều ngăn cấm, nên càng ly khai cương duy giới luật để được tự do, thì con người lại càng phải thống khổ, càng bị giam hãm bó buộc trong vòng phiền não, và vẫn bị lệ thuộc nơi lòng tham dục, si mê. Do đó, tạo các nghiệp ác: “Sát, đạo, dâm, vọng,” luống chìm nổi trong biển khổ luân hồi sanh tử.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm có câu: “Những người tu hành mà chẳng dứt đường sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ mà muốn nên đạo Phật, thì ví như người nấu cát mà muốn thành cơm, luống nhọc công vô ích.”

Muốn cho nhân loại tránh khỏi các mầm đau khổ vì chiến tranh tương tàn tương sát, điêu đứng loạn lạc, thì những ai đã mệnh danh là người phật tử, đều phải nhận định cái sự nghiệp vĩ đại cứu đời của mình, nghĩa là phải cải tạo xã hội nhân loại bằng cách tuyên truyền và giáo hóa cho tất cả mọi người đều cố gắng lấy Giới Luật để làm kim chỉ nam cho mọi hành vi ngôn ngữ và tư tưởng của mình hằng ngày. Vì Giới Luật có đủ năng lực dõng mãnh điều phục các căn, khiến cho ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý đều được thanh tịnh. Ba nghiệp có trong sạch thì mới có thể thành tựu trí huệ giải thoát. Nếu mọi người đều được giải thoát thì cái cảnh Phật hóa đại đồng phải sớm thực hiện.

Có thể nói: chỉ có người trì giới tinh tấn là ngươi đã giữ tròn phần nhân đạo và Phật đạo. Phật chế định Giới điều cũng không ngoài cái mục đích là làm cho mọi người đều sống trong phạm vi của nhân đạo và Phật đạo. Vì nếu đi đúng với nhân đạo và Phật đạo, thì sự sống của mỗi người mới có ý nghĩa, mới có giá trị, mới có thể gọi là người phật tử hiểu sống và biết sống đúng với cái tinh thần vong kỷ lợi tha của chư Phật, chư Thánh.

Có đi đúng với nhân đạo, tức là thực hành cái chủ nghĩa bình đẳng, có đi đúng với Phật đạo tức là thực hành cái chủ nghĩa bác ái từ bi. Thế thì Phật đạo tức là nhân đạo, vì nhân đạo không ngoài Phật đạo mà có, và Phật đạo cũng không thể thoát ly ra ngoài nhân đạo mà được tồn tại. Nhưng Phật đạo hay nhân đạo cũng đều là những con đường quang minh chánh đại, siêu việt tại thế gian, không ngoài phương sách tích cực, là bảo vệ hòa bình và mưu cầu hạnh phúc chung cho nhân loại vạn vật.

ĐỊNH NGHĨA CỦA GIỚI LUẬT

Phạn ngữ gọi là Tỳ-ni, Trung Hoa dịch âm là Thi-la, chúng ta quen gọi là Giới luật.

Giới: là những điều răn cấm không nên phạm, là phương thức phòng lỗi, ngăn ác, điều phục thân tâm và thiện hóa hành vi ngôn ngữ.

Luật: là phép ngăn, phép trừ, phép xử đoán, qui tắc mực mẹo để chỉnh đốn hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng đúng với chánh lý, có công năng đào thải các vọng tưởng mê lầm và diệt trừ các nghiệp ác.

Tóm tắt Giới Luật bao hàm tất cả ý nghĩa, là “Ngăn đón các nghiệp duyên phiền não, đoạn trừ các tập khí sâu dày và năng dồi tịnh đức.”

HÀNH TƯỚNG CỦA GIỚI LUẬT

Giới cũng là cái nhân chánh để kiến tạo hai nội dung Định Huệ, vì nhơn giữ giới mà sanh định, do tịnh định mà phát sanh trí huệ, có đủ trí huệ kiên cố mới mong giải thoát ra ngoài tam giới. Theo kinh Vị Tằng Hữu, Phật có dạy: “Bát Nhã tức thị giải thoát trí giả sở thọ, thánh sở hành xứ.” (Trí huệ tức là sức giải thoát, chỗ ấy là chỗ thực hành của bậc thánh hiền, mà người trí cần phải vâng làm). Vì vậy, nếu luận đến căn bản pháp môn giải thoát tức là phải có Định Huệ, nghĩa là phải thừa nhận Giới Luật là nền tảng căn nguyên của sự Giải thoát vậy. Vì Giới, Định, Huệ ba phần nầy đều dung thông tương nhiếp lẫn nhau, cho đến bậc Tam thừa thánh nhân liễu đạt cái trí huệ thật tướng, cũng không ngoài cái công phu năng trì Giới Báu.

Sở dĩ Giới, Định, Huệ được gọi là ba món vô lậu học, tượng trưng cho sức vĩ đại cầu trực ngộ chơn tâm bổn lai, là vì có đủ công năng đánh bạt tất cả các nghiệp dữ Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà Kiến là những nguyên nhân làm cho chúng sinh phải lênh đênh trong biển khổ sanh tử.

Phật cũng đã nói cái lý do vì sao mà Phật phải dùng Tam học để làm phương tiện hạn chế Tam độc của chúng sinh. Trong Qui Sơn Cảnh Sách có đoạn: “Phật tiên chế luật giả cái do chúng sanh phiền não xí thạnh. Tam độc thạnh hưng điên đảo loạn tưởng thất trí huệ minh, tạo sanh tử nghiệp, thị cố Như Lai ứng cơ thiết giáo; thử dĩ mộc-xoa phòng phi chỉ ác. Thứ dĩ thiền định tức diệt lự vọng duyên. Hậu dĩ trí huệ phá hoặc chứng chơn.” Nghĩa là: Phật trước tiên lập luật, bởi chúng sanh phiền não lẫy lừng, ba độc lố lăng điên đảo loạn tưởng mất trí huệ sáng suốt, gây nghiệp sanh tử, cho nên Đức Như Lai xem cơ lập giáo đều dùng giới Ba-la-đề-mộc-xoa ngăn ác, dứt quấy, kế dùng pháp thiền định dứt niệm lự bỏ duyên trần, sau lấy trí huệ phá vọng hoặc mà chứng chơn như.”

Nếu người biết giữ tròn Ba vô lậu học mà tu tập, có thể nói là người đã thông suốt ba tạng giáo điển của Phật, và thành tựu công đức tuyên truyền giáo pháp khai ngộ quần sanh sau nầy. Vì Giới gồm trong Luật tạng, Định thuộc về Kinh tạng, và Huệ dung nhiếp Luận tạng. Như thế, nếu chúng ta không thận trọng tinh giữ Giới Luật, thì không thể có Định Huệ được, mà không đủ Định Huệ thì khó mong Giải thoát.

Chính đức vua A Dật Đa cũng vì nhờ sức cần khổ tu tập Định Huệ, tuy trong khi lỡ gây nghiệp ác mà phải sanh trong đường ác thú, nhưng do sức Trí Huệ, nhớ lại túc mạng, nên bỏ dữ về lành, chóng được giải thoát, cảm động chư thiên tiếp tế cúng dường, ấy cũng nhờ sức Định Huệ vậy.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển bánh xe pháp trong 49 năm, bày dạy vô số pháp môn phương tiện, khi đốn, khi tiệm, khi quyền, khi thiệt, nhưng không ngoài cái lý trừ tam độc tham, sân, si đổi thành tam học Giới, Định, Huệ, vì Giới là một trong ba món Học Vô Lậu, làm đầu đề cho cái công đức tu tập trí huệ giải thoát.

Để chỉ cho cách thức dùng Tam Học điều phục ý căn, vì tâm ý buông lung cho nên ba độc mới bộc khởi, Ngài Nam Sơn có dạy: “Khi thân nghiệp, khẩu nghiệp phát ra, sự cần nhứt là phải lấy Giới luật ngăn cấm. Ba độc khởi lên cốt do tâm sai khiến, vì thế cho nên, trước lấy Giới luật mà bắt, kế lấy Thiền định mà trói, sau rốt lấy Trí huệ mà sát, lẽ phải thứ lớp như vậy mới được.” (Đản thân khẩu sơ phát, sự tại giới phòng, tam độc bộc hưng yếu do tâm sử. Cố tiên dĩ giới tróc, thứ dĩ định phược, hậu dĩ huệ sát, lý thứ nhiên hồ).

Tóm lại, Giới Luật của Phật được kiến lập trên nền tảng của chủ nghĩa Từ Bi, Bác Ái và Bình Đẳng, Hỷ Xả, có năng lực hấp dẫn mọi người đến chỗ giải thoát hoàn toàn. Vậy người chân chính tu Phật nên tự mình phát nguyện rộng lớn, nhứt tâm thọ trì quy giới mà không ỷ lại thần quyền, làm những điều mê tín dị đoan, hoặc trông mong cầu cạnh nơi tha lực mà không tự vào sức mình để chóng đạt thành chí nguyện.

ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA GIỚI LUẬT

Giới luật của Phật chế lập tuy nhiều, nhưng cũng không ngoài sự hạn định của hai thừa:

— MỘT LÀ ĐẠI THỪA GIỚI LUẬT, gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh (theo như kinh Phạm Võng có dạy), hoặc từ 250 đến 500 giới của các hàng xuất gia tỳ kheo, tỳ kheo ni, lấy sự giữ mình lợi người, độ mình cùng độ người đồng đến chỗ an vui tự tại.

Luận về 10 giới trọng của Bồ tát thừa, Phật có nói: “Có 10 giới trọng, ai đã thụ giới Bồ tát mà không tự mình tụng học giới này, thì chẳng phải là Bồ tát, chẳng phải là dòng giống Như Lai. Ta cũng tụng như thế. Tất cả các Bồ tát đã học, sẽ học và đang học, Ta lược nói qua giới tướng này, vậy nên đọc học và kính tâm phụng trì.”

Thứ nhất là GIỚI SÁT SANH

Nếu phật tử, hoặc tự mình sát sanh (giết hại), dạy bảo người sát sanh, hoặc dùng phương tiện mà sát sanh; cho đến khen ngợi sự sát sanh, thấy sự sát sanh mà phát tâm hoan hỉ, hay dùng chú thuật mà sát sanh; chẳng luận nhân sát sanh, duyên sát sanh, pháp sát sanh, nghiệp sát sanh. Tất cả sanh mạng đều không được cố ý sát hại, từ loài bò bay máy cựa cho đến loài người. Phật tử nên thường mở lòng từ bi, hiếu thuận, phương tiện cứu độ hết thảy chúng sinh, nếu trái lại buông lòng tùy hỷ sát hại, tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ hai là GIỚI TRỘM CƯỚP

Nếu phật tử, tự mình trộm cướp, xúi giục người trộm cướp, dùng mọi phương tiện để trộm cướp, hoặc dùng chú thuật mà trộm cướp, bất luận nhân trộm cướp, duyên trộm cướp, pháp trộm cướp, nghiệp trộm cướp, những vật có chủ hay vô chủ, tất cả tài vật dầu là một vật nhỏ như cây kim ngọn cỏ, cũng không được cố ý trộm cướp. Phật tử nên sanh lòng hiếu thuận, lòng từ bi, thường giúp đỡ cho chúng sinh được hạnh phúc yên vui, nếu trái lại trộm cướp tài vật của người, tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ ba là GIỚI TÀ DÂM

Nếu phật tử, tự mình làm việc tà dâm, xúi người làm việc tà dâm; cho đến không được dấy khởi lòng tà dâm với tất cả người nữ nhơn. Bất luận nhân tà dâm, duyên tà dâm, pháp tà dâm, nghiệp tà dâm, cho đến các loài, hành dâm bằng cách phi đạo, cũng cấm hẳn. Phật tử nên thường sanh lòng hiếu thuận, giữ phép trong sạch đối với mọi người, và thường phát lòng từ bi chỉ dạy đầy đủ các phép trong sạch cho chúng sinh. Trái lại, không sinh lòng từ bi, để chúng sinh khởi lòng tà dâm đối với mọi người, không cứ loài vật, cho đến trong sáu ngành thân thuộc mà hành dâm, tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ tư là GIỚI VỌNG NGỮ

Nếu phật tử, tự mình vọng ngữ, dạy người vọng ngữ, bất luận nhân vọng ngữ, duyên vọng ngữ, pháp vọng ngữ, nghiệp vọng ngữ. Cho đến thấy nói là không thấy, không thấy nói là thấy, thân tâm đều phạm tội vọng ngữ. Phật tử thường nên sinh chính ngữ, chính kiến, cùng khiến cho chúng sinh theo chính ngữ, chính kiến, nếu trái lại gây cho tất cả chúng sinh tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ năm là GIỚI BUÔN RƯỢU, TRỮ CẤT RƯỢU

Nếu phật tử, tự mình buôn rượu, trữ rượu, xúi người buôn rượu, cất trữ rượu, bất luận nhân buôn hay trữ rượu, duyên buôn hay trữ rượu, pháp buôn hay trữ rượu, nghiệp buôn hay trữ rượu, tất cả các thứ rượu không được buôn bán hay cất trữ, vì rượu là nguyên nhân gây ra tội lỗi. Phật tử nên giúp hết thảy chúng sinh phát huệ sáng suốt, nếu trái lại làm cho chúng sinh có lòng điên đảo, là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ sáu là GIỚI NÓI NHỮNG SỰ LẦM LỖI CỦA TỨ CHÚNG

Nếu phật tử, tự mình nói những sự lầm lỗi của Bồ tát xuất gia hay tại gia, của tỳ kheo hay tỳ kheo ni, xúi giục người nói sự lầm lỗi đó, bất luận nhân nói, duyên nói, pháp nói, nghiệp nói như thế nào, tức là mình hủy báng Phật Pháp vậy. Khi phật tử nghe thấy những ác nhân ngoại đạo, ác nhân Nhị thừa nói trong Phật Pháp chẳng có Pháp, chẳng có Luật thì nên sinh từ tâm mà giáo hóa những người ấy, khiến cho họ sinh lòng chân chính tin pháp Đại thừa. Nếu trái lại, phật tử nói các sự lầm lỗi của tứ chúng trong Phật Pháp tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ bảy là GIỚI TỰ KHEN MÌNH CHÊ NGƯỜI

Nếu phật tử, tự khen mình, chê đè khinh miệt người, cùng xúi người tự khen lấy và chê người, bất luận nhân khinh chê, duyên khinh chê, pháp khinh chê, nghiệp khinh chê người như thế nào, phật tử nên thay thế hết thảy chúng sinh chịu mọi điều hủy nhục, phải tự nhận những sự xấu, còn sự tốt để nhường cho người. Nếu tự khoe đức của mình mà giấu sự hay của người, khiến cho họ bị chê bai khinh miệt, tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ tám là GIỚI BẨN TIẾC, BỎN SẺN

Nếu phật tử, có tính bẩn tiếc bỏn sẻn, xúi bảo người bẩn tiếc bỏn sẻn, bất luận nhân bẩn tiếc, duyên bẩn tiếc, pháp bẩn tiếc, nghiệp bẩn tiếc như thế nào. Phật tử khi thấy hết thảy những người nghèo khổ đến xin thì phải cấp cho đủ mọi thứ mà họ cần đến. Nếu trái lại, sinh lòng tham tiếc, bỏn sẻn, cho đến một vật nhỏ cũng không bố thí, hoặc có người đến hỏi Phật pháp cũng không vui lòng chỉ bảo, lại còn chê bai mắng gắt, tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ chín là GIỚI SÂN HẬN

Nếu phật tử, tự mình sân hận, xui khiến người sân hận, bất luận nhân sân hận, duyên sân hận, pháp sân hận, nghiệp sân hận như thế nào. Phật tử nên gây mầm thiện không tranh đua cãi lẫy với mọi người, thường sinh lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Nếu trái lại, đối với hết thảy chúng sinh cho đến chẳng phải chúng sinh, vì cớ sân hận, dùng ác khẩu mắng nhiếc, sỉ nhục, lại đánh đập bằng chân, tay, dao, gậy, lòng còn chưa nguôi, người kia đã cầu xin lỗi, dùng lời khéo tạ lỗi mà phật tử vẫn còn cáu giận không thể giải đi được, tức là phạm tội trọng của Bồ tát.

Thứ mười là GIỚI KHINH BÁNG VÀ PHÁ HỦY NGÔI TAM BẢO

Nếu phật tử, tự mình khinh báng Tam bảo, xúi người khinh báng Tam Bảo, bất luận nhân khinh báng, duyên khinh báng, pháp khinh báng, nghiệp khinh báng như thế nào. Phật tử khi thấy những ngoại đạo cùng ác nhân khinh báng chế nhạo Tam Bảo, như trăm mũi dao nhọn đâm vào miệng, hà huống là tự miệng mình khinh báng, chế nhạo, hoặc làm những việc phá giới, khiến cho người khinh báng, chế nhạo, đã không sinh lòng tín thuận, lại còn giúp cho kẻ tà kiến ác nhân khinh báng, chê hủy, tức là phạm tội trọng của Bồ tát vậy.

***

 — HAI LÀ TIỂU THỪA GIỚI LUẬT, gồm có 5 giới Nhân thừa, 10 giới Thiên thừa hoặc 10 giới của hàng Nhị thừa sa di.

Người giữ giới Tiểu thừa chỉ chuyên tu phần lợi kỷ, có thể giữ mình khỏi hủy phạm mà không hay mở rộng tâm địa để giúp ích chúng sanh cùng vào đàng hạnh phúc.

Sở dĩ Phật chế định ra có Tiểu thừa và Đại thừa giới luật là vì căn tính của chúng sanh không đồng, sự tu tập có chậm mau, mê ngộ, ngu trí có sai khác. Vả lại, bản ý của Phật chế lập Tiểu thừa giới luật không phải chỉ muốn cho tất cả chúng sinh phát tâm nhỏ hẹp, tự trì tự lợi, mà vì lòng từ bi tùy phương tiện và trình độ của những người căn tính yếu hèn, không đủ năng lực giữ giới Đại thừa, có thể tiệm tu, tiến từ cấp bực để đến chỗ toàn thiện toàn mỹ. Thế thì người phát tâm nhỏ hẹp giữ giới Tiểu thừa đáng khiển trách hơn là người chế lập Tiểu thừa giới luật. Vì người giữ giới Tiểu thừa chỉ có thể chứng bực Thinh văn hay Duyên giác mà thôi, chỉ có người trì giữ Đại thừa Bồ tát giới mới có thể tự tại giải thoát, chứng đại quả Niết Bàn.

Giữa Đại thừa và Tiểu thừa giới luật, chỉ khác nhau ở chỗ phát tâm và dụng tâm. Kinh Phật dạy: “Trong khi thọ giới, phải phát tâm cho cao thượng hoạt bát, thì được giới mới thù thắng.” Cho nên hàng Bồ tát và hàng Nhị thừa khác nhau ở chỗ phát tâm rộng lớn hay nhỏ hẹp, chứ không khác nhau về thể lượng của giới luật. Do chỗ phát tâm như vậy mà chúng ta có thể định nghĩa rõ ràng danh vị của người trì giới là Bồ tát tỳ kheo hay Thanh văn tỳ kheo.

Cũng do chỗ phát tâm mà người cư sĩ chỉ giữ 5 giới hoặc 10 giới thiên nhơn thừa, biết phát tâm rộng lớn tự độ mình cùng độ người đồng thoát ly sanh tử khổ hải, thì giới ấy sẽ chuyển thành giới thể đại thừa, vì đại thừa giới luật lấy sự giữ mình lợi người và tùy phương tiện thiện xảo độ mình cùng độ người thoát khỏi biển khổ vô minh, đến bờ chánh giác.

Cũng do chỗ phát tâm, nếu người xuất gia tăng già thọ 10 giới trọng 48 giới khinh, chỉ phát tâm nhỏ hẹp, tự độ mình mà không thể độ người thì cũng gọi là người sa mắc ở Tiểu thừa giới thể, vì trọn phần lợi kỷ mà thiếu phần lợi tha, hoặc có thể độ người mà tự thân tâm mình vẫn còn nhiễm ô, vọng chấp nơi ngoại cảnh lục trần thì cũng không thể gọi là Bồ tát Tăng được, mặc dù là hành vi của người ấy có đủ tính cách lợi tha.

Và cũng do chỗ dụng tâm phải cho thanh tịnh, thì được giới mới thù thắng, nên Phật dạy: “Có người chính ở chỗ nhiều Đức Phật thọ trì giới cấm, cũng không được pháp giải thoát. Trái lại có người chỉ trong một ngày một đêm thọ giới bát quan trai, lại được giải thoát. Có người trong nhiều đời ở nơi vô số đức Phật, thọ trì đọc tụng 12 bộ kinh, cũng không được pháp giải thoát; có người chỉ đọc một bài kệ bốn câu mà được giải thoát. Vì sao? Vì Tâm của tất cả chúng sinh không đồng. Nếu người không nhứt tâm quán sát tiêu diệt sanh tử tội lỗi, hướng thú Niết bàn an vui, người như vậy mặc dù có giữ giới và nghe nhiều, học rộng, cũng khó được pháp thể giải thoát.”

Do chỗ phát tâm, và xứng với lý tánh, thì Phật đối với người trung căn hạ trí mà tạm nói có Đại thừa và Tiểu thừa giới luật; còn đối với bậc thượng căn thượng trí, thì Phật chỉ nói có một thừa, là Phật giới thừa, tức là Phật giới thể tính, cũng gọi là Vô tận tạng giới thể, hay là cái chân tính giới thể mà tất cả chúng sinh cùng chư Phật và Bồ tát đều có như nhau, đồng một bản chất viên dung tịch chiếu, bình đẳng như như. Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Biến quán pháp giới tánh, nhứt thế duy tâm tạo.” Thế thì, tất cả vũ trụ vạn hữu, cho đến thiên đàng địa ngục, chúng sanh hay Phật, dầu quá khứ, hiện tại, vị lai, cho đến ba tạng giáo nghĩa của Phật, tám vạn oai nghi, bốn muôn tế hạnh của Bồ tát, cũng không ra ngoài phạm vi của cái Phật giới thể tính ấy được.

Để chứng cho lý luận trên đây, kinh Phạm Võng có đoạn: “Đức Thích Tôn, Ngài vì hết thảy chúng sinh ở cõi Diêm phù là những phàm phu si ám, lược nói một Giới pháp trong pháp môn tâm địa của đức Lô Xá Na, mà người mới phát tâm cần phải trì đọc, ấy là giới Quang minh kim cang, rất quí báu, là nguồn gốc của chư Phật và Bồ tát, cũng là chủng tử của Phật tính, mà tất cả chúng sinh đều có tính Phật. Cho đến các loài ý thức sắc tâm phàm tình đều ở trong Giới của Phật tính. Giới ấy quyết định là nhân để thành Phật, là quả của thường trụ pháp thân. Thế cho nên, mười ba-la-đề-mộc-xoa xuất hiện ở trong giới thể này, là giới pháp mà chúng sinh ba đời đều vâng giữ; Phật vì đại chúng nên lược nói lại Giới Phẩm Vô Tận Tạng là giới của tất cả chúng sinh, mà tự tính nguồn gốc vốn trong sạch.”

Tóm lại, ý nghĩa cụ thể của Giới Luật, dầu Đại thừa, dầu Tiểu thừa, không ngoài cái lý: “Tự tâm tịnh định thành ư Đạo nghi, tự tánh thanh bạch viên ư giới phẩm.” (Tự tâm của mình trong sạch mà thành đặng nghi tiết đạo đức, tự tánh của mình vốn trong ngần sáng suốt mà giới phẩm tròn đủ).

Kinh Bồ Tát Giới có dạy: “Chúng sinh thọ Phật giới, tức nhập chư Phật vị, vị đồng đại giác, dĩ chơn thị chư phật tử.” Nghĩa là: “Chúng sinh thọ giới của Phật tức là đứng vào địa vị với Phật, đồng một bực đại giác ngộ như Phật, thiệt là đệ tử của Phật.” Người đã thọ Phật giới tức là người đã phát tâm bồ đề, tu hạnh thanh tịnh mà chứng bực Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vì thế cho nên, kinh Phật nói đó là bậc thánh nhơn thọ đặng chỗ không thọ, tức là chứng đặng cái tâm không tham chấp nhiễm trước, nên nói là thọ Phật giới. Chư Phật quá khứ đều tu hạnh thanh tịnh vô thọ ấy mà thành đặng Phật đạo. Ngày nay, nếu chúng ta có người tu tập như vậy, tỏ được cái lý thiệt tướng của các pháp, thì cái công đức trì giới sánh với chư Phật cũng không khác.

Vì lẽ đó, Phật thường để lời dạy cho chỗ phát tâm bồ đề, để tự tu tự chứng được cái bản thể viên minh tịch chiếu, hầu tránh các sự vọng chấp phân biệt. Bởi do chỗ mê chấp phân biệt mà tạo tác các nghiệp ác, vì các nghiệp ác mới có đặt ra Giới Luật.

Phật nói: “Dĩ yếu ngôn chi, sở chế cấm giới, chánh vị si nhơn vô phương tiện huệ, phi vị trí nhơn tri thời nghi dã.” Nghĩa là Phật bắt giữ giới cấm, chính vì người mê không huệ phương tiện, chớ chẳng phải vì người trí biết rõ thời nghi. Thế nên Giới Luật đối với kẻ sơ cơ không ngoài sự hạn chế cái tà tư vọng niệm, là nguồn gốc của sự luân hồi sanh tử.

Nếu người biết nhứt tâm trực niệm chân như thể tính của mình, thì tất cả Giới Luật dầu Đại thừa dầu Tiểu thừa không phải bận lòng chấp giữ, vì tâm thể không còn dính mắc trong vòng triền phược, nên nói Hữu Giới Bất Trì Giới là thế. Vả lại, Có Giới, mà Không Giữ Giới cũng có nghĩa là có giới nhưng không thiên chấp ở giới, cũng không chấp mình có giữ giới. Bộ Phụ Hành có đoạn: “Phàm bực Đại thừa thì chớ nhọc gì phải chấp giới luật, không chấp là chính bực Đại thừa. Giữ Giới mà Không Chấp mình giữ giới mới đúng với cái nghĩa không chấp, bằng Không Giữ Giới mà gọi rằng Không Chấp thì chính đó là Chấp cái sự Phá Giới, như thế thì không đúng với cái lý Hữu Giới Bất Trì Giới.”

Trực niệm chân tâm tức là bỏ vọng tâm mà huờn về chơn tánh, nghĩa là lấy cái Chân để đối trị với cái Vọng, lấy cái tâm Vô Trụ để đối trị cái tâm Mê Chấp. Người mà còn mãi vọng niệm mê chấp tức là người phá giới triền miên. Muốn điều trị cái tâm niệm quá tinh tế ấy, chúng ta chỉ có phương pháp vừa nói trên, là lấy Chân thay Vọng, dùng Giác trừ Mê, tức là người dùng trí huệ quán chiếu vọng niệm quá sâu kín của mình, như vậy mới có thể trị tận gốc vô minh, thì sự giữ giới mới được thù thắng.

Tóm lại, muốn cho đặng hoàn toàn giải thoát, thì chúng ta phải nhận định chỗ phát tâm và chỗ dụng tâm của mình. Có phát tâm dõng mãnh thọ trì Đại thừa Bồ tát giới, dẫu rằng chúng ta là người tại gia cư sĩ cũng vậy; có giữ Đại thừa Bồ tát giới mới có thể thẳng tiến dễ dàng đến ngôi Phật địa.

Vì Đại thừa Bồ tát giới bao gồm tất cả Tạng Luật, kiến lập trên nền tảng của ba diệu lý cụ thể này:

1- Nhiếp luật nghi giới: Có nghĩa là Chư ác mạc tác, tức là các điều ác không nên làm, có năng lực thâu nhiếp hết mọi uy nghi, giữ gìn thân tâm không phạm các nghiệp dữ.

2- Nhiếp thiện pháp giới: Tức là Chúng thiện phụng hành, có nghĩa là vâng làm các điều lành, có công năng thâu nhiếp các thiện pháp, khắp làm lợi mình lợi người.

3- Nhiêu ích chúng sanh giới: Tức là Tự tịnh kỳ ý, nghĩa là có uy lực hóa độ và cứu khổ cho tất cả chúng sinh, từ nội tâm đến ngoại cảnh, tức là có công năng nhập vào đồng thể đại bi, khắp giúp ích cho hữu tình, đồng thoát khỏi tam giới.

Tất cả ba phần này đều dung thông với nhau, nếu vâng giữ có Nhiếp luật nghi giới mà không có hai phần sau, thì gọi là người thọ trì Tiểu thừa giới luật. Bởi vì Nhiếp luật nghi giới chỉ trọn phần lợi kỷ mà thiếu phần lợi tha là Nhiêu ích chúng sinh giới, và lòng đại bi là Nhiếp thiện pháp giới, nên nói là Tiểu thừa giới luật.

Theo kinh Ưu-bà-tắc giới, Phật có dạy:

“Nếu muốn được pháp thể giải thoát, thì phải phát lòng đại bi thực hành phần Nhiêu ích chúng sinh giới. Nếu có người chuyên cần cầu giới Ưu-bà-tắc trong nhiều đời, y như điều đã nghe mà thực hành cũng không được giới. Hoặc có người xuất gia cầu giới tỳ kheo, tỳ kheo ni trong nhiều đời đúng như pháp đã nghe mà thọ trì, cũng không được giới, là vì sao? Vì không được pháp thể giải thoát, tức là thiếu lòng đại bi là Nhiếp thiện pháp giới, có thể gọi là người Tu Giới (thọ giới nhưng không hiểu ý nghĩa của giới) mà không được gọi là người Trì Giới (giữ giới đúng với ý nghĩa của giới và dung hợp với tinh thần cao thượng của giới). Thiện nam tử! Nếu các vị Bồ tát được pháp thể giải thoát, không còn tạo nghiệp cầu sanh ba cõi nữa, chỉ thường nguyện sanh trong chỗ nào có Lợi Ích Chúng Sanh, hoặc tự quyết định biết có nghiệp sanh về cõi Trời, liền xoay nghiệp ấy cầu Sanh Cõi Người. Hành vi ấy, chính là trọn hạnh Bố thí, Giữ giới và Tu định vậy.”

Đó cũng do vì chỗ dụng tâm của người phật tử, dầu cho bố thí nhiều, chỉ cầu phước báo cho mình, hoặc giữ giới chỉ cầu giải thoát cho mình, hoặc học rộng nghe nhiều, nhưng vì lòng vị kỷ tham chấp không có lòng từ bi cứu độ muôn loài, việc làm trở nên nhỏ hẹp, vì chỗ dụng tâm nhỏ hẹp, thì cũng không thể giải thoát được.

Thế nên, nếu mình phát nguyện thọ trì Đại thừa Bồ tát giới, gặp điều lành đáng làm lợi ích cho chúng sinh mà không vui làm, gặp chúng sanh khổ não, nên độ mà không phát tâm từ bi cứu độ, thì cũng gọi là chỗ phát tâm nhỏ hẹp, không phải người tu pháp Đại thừa, không thể gọi là đệ tử của Phật.

Ngài Châu Hoằng có để lời luận như vầy:

“Cái do phàm phu tùng vô thỉ lai, vị vô minh sở phú chơn tánh, khởi chư vọng tưởng, phan duyên trần cảnh, tình nhiễm thế gian ngũ dục, dĩ thân, khẩu, ý tạo chư quá thất, đọa lạc tam đồ, luân hồi lục thú, vô hữu xuất kỳ. Như Lai mẫn thử chế dĩ luật giới, linh chỉ tức thân, khẩu, ý chi quá ác, nhi chứng tịch diệt Niết Bàn chi thánh đạo. Nhiên ác tuy chỉ, tức nhi vô từ mẫn chi tâm, bất năng tu hành lục độ, châu tế tứ sanh, toại đọa thiện tiểu, bất vi đắc xưng thiện, huống năng thành đẳng chánh giác, ngộ đại bồ đề. Thị cố sử hành từ tế, dĩ viên vạn hạnh, trực thú bảo sở bất trệ hóa thành.”

Nghĩa là: Bởi chúng sanh phàm phu, từ vô thỉ đến nay bị màn vô minh che lấp chơn tánh, thường khởi các vọng tưởng, duyên theo ngoại cảnh lục trần, tình nhiễm vui theo năm dục thế gian, do thân, khẩu, ý tạo nhiều tội lỗi đọa lạc nơi ba đường, luân hồi trong sáu thú, không có thời kỳ ra khỏi. Bởi cớ ấy, Đức Như Lai thương xót lập ra Giới Điều, khiến cho chúng sanh dứt các tội ác của thân, khẩu, ý mà chứng đặng đạo quả Niết Bàn tịch tịnh. Song các điều ác tuy đã dứt hết, nhưng không phát tâm từ mẫn và không thực hành pháp Lục Độ khắp giúp bốn loài, khiến đọa vào cái lành của hàng Tiểu thừa; như thế chưa đặng gọi là vô lậu thiện, hà huống là đặng thành bực Chánh đẳng Chánh giác, chứng quả Đại bồ đề ư? Thế nên Phật dạy: Tuy dứt hết các điều ác, nhưng phải làm các điều lành và thường làm lợi ích chúng sanh thì mới tròn đủ muôn hạnh và mới mau quay về chốn Bảo sở, chẳng sa mắc nơi Hóa thành.

* * *

Ý NGHĨA CỦA SỰ THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG

Về sự thọ trì thì Phật luôn luôn khuyên các hàng phật tử nên phát tâm dõng mãnh trì giữ Đại thừa Bồ tát giới, tức là 10 giới trọng 48 giới khinh. Vì có trì giữ Đại thừa Bồ tát giới, thì mới có thể đạt đến quả vị Bồ tát hay Phật được. Ngài Vân Thê cũng để lời khuyên: “Giới luật thị tam thừa thánh chúng sở lý, nhi thông chí Niết Bàn chi thành; cố trì thử thập giới, thiệt vi xuất thế chi giai thê, Niết Bàn chi do hộ dã.” (Giới luật là bực tam thừa, các thánh đồng noi mà thẳng đến thành Niết bàn, cho nên biết rằng mười giới luật đây thật là thềm thang ra khỏi đời, là ngỏ đến cõi Niết Bàn vậy).

Phạm Võng kinh có dạy: “Có mười giới trọng, ai đã thọ giới Bồ tát mà không trì giữ giới này, thì chẳng phải là Bồ tát, chẳng phải là dòng giống Như Lai.” Phật muốn cho mọi người đều phát tâm rộng lớn căng trì Đại thừa Bồ tát giới, mà không nên phát tâm nhỏ hẹp như hàng Nhị thừa, nên Phật đã dạy: “Nếu phật tử, có kinh luật Đại thừa của Phật, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân mà không siêng cần tu tập, khác nào bỏ của bảy báu trở học theo thế tục, Nhị thừa, ngoại đạo, những tà thuyết, tà kiến; đó là nguyên nhân ngăn đạo, dứt mất Phật tính, chẳng phải tu hạnh Bồ tát!”

Thế thì, muốn làm người phật tử chân chính, chẳng những phải phát tâm rộng lớn căng trì Giới báu Đại thừa, mà còn cần phải thức thời sử dụng Giới luật nữa. Vả lại, đứng về phương diện thọ trì, cái tinh thần sử dụng cũng rất quan hệ, nhưng cũng không ngoài tâm niệm thanh tịnh hay ô nhiễm. Sự thọ trì không phải là một việc giản dị như phần đông đã ngộ nhận. Người giữ giới chẳng khác gì người sử dụng một con dao bén, nếu ứng dụng thích hợp thì sự lợi ích rất lớn, nhưng nếu không biết áp dụng hợp thời thì tai hại cũng chẳng phải nhỏ. Theo trong kinh Vị Tằng Hữu, Phật có dạy các thầy tỳ kheo như vầy: “Phù nhơn nhập hành, như bã nhẫn trì độc bất năng kham giả, bất như bất vi, hà dĩ cố? Chấp trì bất cẩn phản vi hại cố, nhữ đẳng kim giả, tin ư nghiệp báo, hữu tàm quí tâm, tàm quí nhơn cố, diệt trừ quá tội, tăng trưởng thiện căn.” Nghĩa là: Luận như người làm Đạo như cầm dao bén, như bưng chén thuốc độc, nếu người nào không kham nổi, thì chi bằng đừng làm tốt hơn… Vì sao? Vì Giữ Giới không tinh tấn thì trở lại hại mình, mà nay các người biết tin nghiệp báo, có tâm tàm uý, phải có tâm tàm quý thì mới diệt trừ được tội lỗi, căn lành mới tăng trưởng.

Biện chứng cho cái tinh thần sử dụng là quan trọng, kinh Bồ tát giới dạy: “Bồ tát tùy theo cơ duyên và hoàn cảnh có thể sát đạo để cứu độ chúng sanh, nhưng đối với giới thể, thì Bồ tát phải giữ cho trong sạch bực nhứt, không một mảy ô phạm; được như vậy, thì cái công đức trì giới sẽ không lường, bằng không giữ được như vậy, thì tội báo vẫn đồng như sự phá giới.”

Để ngăn ngừa những sự phạm giới có thể làm dứt mất căn lành của người phật tử, Phật dạy như vầy: “Chư tỳ kheo! Ngã nhược bất trì giới đương đọa tam ác đạo trung, thượng bất đắc vi hạ tiện nhơn thân, huống năng thành thục chúng sanh, tịnh Phật quốc độ cụ Nhứt thế chủng trí. Cố tri ninh xả thân mạng, thái như vi trần, bất khả hủy phạm cấm giới, truy đọa tam đồ, vĩnh thất Bồ đề chủng tử dả.” (Này các tỳ kheo, nếu Ta không giữ giới sẽ đọa trong ba đường ác, còn chẳng đặng làm thân hạ tiện, huống chi giáo hóa thành thục chúng sinh, và gây nên cõi nước thanh tịnh của Phật, đầy đủ cả trí huệ. Nên biết: thà bỏ thân mạng, nát như bụi trần, chớ nên hủy phạm giới cấm mà phải đọa trong ba đường dữ —địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh—vĩnh kiếp mất hột giống Bồ đề vậy).

Giới luật của Phật rất nghiêm khắc đối với người trì giới mà lại phạm giới, song không kém phần phương tiện trước bịnh căn của chúng sanh. Có nhiều trường hợp đặc biệt có thể khai giới, tức là chế cho khỏi phạm giới. Thí như một người có bệnh phải dùng rượu chẳng hạn. Như bà Mạt Lợi phu nhân đã phát nguyện giữ 5 giới, vì muốn cứu tánh mạng của tên trù giám (đầu bếp) mà bà đã phạm hai giới, một là uống rượu ăn thịt, hai là nói dối. Đức vua Ba Tư Nặc bạch với Phật những sự phạm giới như vậy, thì Phật cho đó mới thật là cái công đức trì giới. Phạm giới như thế được nhiều công đức, trái lại không có tội chi. Phật dạy rằng: “Những người y ngữ bất y nghĩa, phá giới tu thiện là hữu lậu thiện, còn những người y nghĩa bất y ngữ mà tâm tu thiện, gọi là vô lậu thiện.” Như bà Mạt Lợi phu nhân phá giới mà không khởi ra ác tâm, do cái công đức ấy, nên không mắc tội quả báo, cho nên nói là hữu lậu thiện. Nghĩa là bà đã làm việc lành, nhưng cái lành ấy không phải cái lành tuyệt đối, chỉ hưởng cái phước báo cõi nhân thiên, cho nên nói là hữu lậu thiện. Nếu bà Mạt Lợi không phá giới mà vẫn cứu đặng tánh mạng tên trù giám, thì mới gọi là cái lành tuyệt đối, tức là không còn dính mắc trong vòng sanh tử phiền não, là vô lậu thiện.

Phật vẫn đối trị các người thọ giới rồi mà không tu trí huệ, luống chịu ngu si, tối dốt, biếng nhác không thận trọng gìn giữ giới luật, tự giáo hóa làm cho Phật pháp được hưng thạnh thêm lên, khiến cho Phật pháp phải lu lờ. Vì lẽ ấy, người đời khinh dễ, hoặc ngoài hiện tướng thầy tu mà trong tâm làm việc tà trược; những người phá giới như vậy có thể đọa vào địa ngục A tỳ.

Khế kinh có câu: “Người không phạm giới, tức là người biết trì giới, cho đến người đã phạm giới rồi mà biết thành tâm sám hối, thì người ấy cũng được gọi là người có thọ giới.”

Luận về phạm giới có 2 cách: một là trực tiếp, hai là gián tiếp, đó là đứng về phương diện của người phật tử lập hạnh Bồ tát thọ trì Đại thừa Bồ tát giới, quyết chí tu tiến đến chỗ giải thoát hoàn toàn, thì không được phạm giới, dầu trực tiếp hay gián tiếp. Thí như tự thân mình gây tội sát sanh, hoặc tự miệng mình xúi giục người phạm tội sát sanh, hay dùng lời khen ngợi sự sát sanh, đều có thể nói là tự mình đã trực tiếp phạm giới sát sanh. Cho đến sự móng lòng muốn sát hại, hay toan tính việc sát hại; hoặc tìm nghĩ các phương pháp để sát hại; hoặc thấy người gây tội sát hại mà mình sanh lòng hoan hỷ, đều có thể nói là tự mình đã gián tiếp phạm giới sát sanh, thì đồng có tội như mình đã trực tiếp phạm giới sát sanh không khác.

Luận về người cư sĩ chỉ giữ 5 giới nhân thừa hay 10 giới thiên thừa, không có phát nguyện giữ Đại thừa Bồ tát giới, thì có hai trường hợp phạm giới khác nhau: một là hữu cớ nhi phạm, hai là vô cớ nhi phạmHữu cớ nhi phạm tức là phạm giới nhưng có duyên cớ. Thí như vì sự mưu cầu lợi ích chung cho quần chúng, hoặc vì chánh nghĩa mà phạm giới, hoặc vì sự sanh tồn của nhân loại, hoặc vì muốn cứu tánh mạng của người nào, hay là vì sự sanh sống của chúng ta hàng ngày mà vô tình phạm giới, thì đều không có tội chi. Vô cớ nhi phạm tức là không có duyên cớ mà đang tâm, hay là cố ý phạm giới, hoặc vì vui tai, vui mắt, ngon miệng, hoặc vì lòng ích kỷ tư lợi, hoặc vì lòng tham dục, sân hận mà phạm giới, đều là có tội vậy.

Cho đến người đã thọ Bồ tát giới rồi, khi thấy chúng sanh nào lỡ phạm giới, phá giới gây các nghiệp ác mà không khởi lòng từ bi bác ái, lòng hiếu thuận tùy phương tiện khuyên can ngăn dứt, cứu độ cho chúng sinh khỏi phải phạm giới, hoặc không giúp đỡ cho chúng sinh được phước an vui giữ giới thanh tịnh, khiến cho căn lành trí huệ dứt mất, cũng đều phạm giới cả, không thể gọi là Bồ tát tăng được.

* * *

Luận về sự thọ giới có người cho rằng: “Nếu ai chưa thọ giới, nhứt là những người cư sĩ tại gia chưa bao giờ có thọ giới, thì không được tụng đọc phần giới tướng, nếu muốn thọ giới thì phải cầu những vị hòa thượng hay A xà lê truyền trao, thì mới phải là đệ tử của Phật. Bằng không thầy truyền trao mà tự do đọc tụng là người ngạo mạn, là người phạm phép.”

Xin thưa, xưa kia Phật không có dùng lời di chúc dạy chúng ta phải thọ giới với những vị hòa thượng hay A xà lê. Trái lại, nếu có người thiện căn muốn tu học mà không thông giới luật thì có thể cầu người thiện hữu chỉ cho, người thiện hữu ấy dẫu là người tại gia cư sĩ chẳng hạn, cũng có thể truyền trao giới luật. Nhưng, điều cần yếu là người đứng truyền giới phải là người tinh thông giới luật và đạo hạnh phải hoàn toàn. Về phần người muốn thọ giới thì cũng phải phát tín tâm kiên cố đối với ngôi Tam bảo và phát nguyện sám hối, vâng giữ đúng theo nghĩa lý mỗi giới, y đó thiệt hành, thì sự truyền thọ mới có phần lợi ích. Hoặc nếu tự mình tụng đọc, hiểu rõ lý nghĩa của mỗi giới, tự mình nương theo đó tu tập, cốt giữ mình khỏi trái phạm, dầu là một tội nhỏ đi nữa, thì cũng có thể gọi là người có thọ giới, biết trì giới.

Kinh Phạm Võng có đoạn: “Nếu phật tử, sau khi Phật diệt độ rồi, muốn có hảo tâm thọ giới, thì đối trước tượng Phật hay Bồ tát, tự thệ thọ giới, nhưng tự mình phải sám hối bảy ngày trước khi được chiêm ngưỡng tướng tốt của Phật, tức là được thọ giới.”

Tóm lại, muốn cho sự thọ giới được có hiệu quả, không chi bằng phát tín tâm đối với Phật, Pháp và Thánh Tăng. Nhưng, cần nhứt phải sám hối, vì Phật có dạy: “Thọ giới chi pháp, tiên đương sám hối tịnh Thân, Khẩu, Ý.” Nghĩa là: Đúng pháp thọ giới thì trước hết phải sám hối cho Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh. Vì Thân có ba nghiệp dữ: Sát, Đạo, Dâm; Khẩu có bốn nghiệp ác: Vọng ngữ, Lưỡng thiệt, Ác khẩu, Ỷ ngữ; và Ý có ba độc: Tham, Sân, Si. Chúng sinh quen thói buông lung khiến cho Thân, Khẩu, Ý tạo các nghiệp dữ, cho nên Phật dạy: “Nếu muốn cho sự thọ giới được nhiều lợi ích thì trước hết phải nhứt tâm thành thật sám hối, tức là phải chừa bỏ các điều dữ ở nơi ba nghiệp đã, vì vô minh gây tạo vô số kiếp về trước, từ nay nguyện không bao giờ tái phạm lại nữa.”

Phật cũng có dạy tùy trường hợp, chúng ta cũng có thể thọ giới với một vị Pháp sư có thọ Bồ tát giới. Nếu thọ giới với vị này thì không buộc phải chiêm ngưỡng tướng tốt của Phật, vì vị pháp sư ấy có thầy nối truyền, nên không buộc thấy tướng tốt và khi thọ giới trước vị pháp sư ấy, nên sanh lòng chí trọng thì liền được giới ngay. Ví bằng trong một ngàn dặm mà không có người giới sư có đủ tam đàn cụ túc hay tam tụ lục hòa, thì đặng phép đứng trước tượng Phật hay Bồ tát tự thệ thọ giới, nhưng cần phải thành tâm trì giữ.

Chúng ta cũng nên thận trọng suy xét chỗ dụng ý của Phật: Ngài e cho người hạ căn hạ trí đọc sai hiểu lầm mà sự thiệt hành có hại, nên phải cần người thiện hữu hiểu biết, giải thích lý nghĩa mỗi giới. Nếu tự mình tụng đọc, hiểu được lý nghĩa chánh chơn thì cũng không phải bận lòng cầu người truyền dạy.

Vả lại, chúng ta cần phải nhận định: trong thời chánh pháp và tượng pháp, các vị Giới Sư, Luật Sư, Pháp Sư, đứng về phương diện đạo hạnh, đức tánh có phần ưu điểm hơn những vị trong thời mạt pháp bây giờ, nếu bình tâm suy xét thì chúng ta sẽ nhận thấy tất cả những sự sai biệt đáng chú ý. Như thế có lý nào chúng ta không khá cải cách những chỗ tệ hại ấy đúng với tinh thần tiến thủ, nhứt là phải vì tiền đồ của nền Phật giáo nước nhà, diệt cho hết những thành kiến mê chấp để kịp bước với trào lưu tiến hóa Phật pháp hiện đại.

* * *

VỀ SỰ TỤNG ĐỌC

Tụng đọc, cố nhiên không phải chỉ đọc suông bằng cách hời hợt, cầu họa vui tai vui miệng là đủ. Nhà nho có nói: “Độc thư cầu lý, tạo chúc cầu minh,” thế nên tụng có nghĩa là đọc, mà đọc cốt để tìm chơn lý, cũng như đốt đuốc để tìm ánh sáng. Vậy Tụng Giới nghĩa là Đọc Giới để tìm hiểu nghĩa lý của Giới, nương theo đó thiệt hành tu tập hầu mau quay về với bản thể diệu minh viên giác. Được như thế, thì sự Tụng Đọc mới không luống công vô ích.

Đức Hoằng Tán có để lời khuyên: “Người bốn phương học Đạo, những bực tu Đại thừa, nên đọc văn tìm lý, chớ chấp theo ý mình, gánh gai bỏ vàng, thật là người không trí vậy.”(Hạnh nguyện tứ phương đạo, nhơn hành Đại thừa giả, tụng văn tầm nghĩa, mạc thủ kỳ tình, đảm ma khí kim thù phi trí giả). “Bằng ai biết cải cách những cái hủ tệ theo lý chánh chơn, đúng lời dạy của Phật, thì người ấy là kẻ Đạt Nhơn. Vẫn biết Đạo vô thượng của Đức Như Lai, ai cũng có thể nhận lãnh không luận kẻ tăng người tục, nhưng mà phép truyền trì, thật ở trong Luật Nghi.” (Cách tệ tùng chánh, tư đắc Đạt Nhơn, ưng chi vô thượng Phật thừa, giải vô đạo tục, truyền trì chi quỹ, thành tại Luật Nghi). Ngài còn lập lại, khi Phật sắp viên tịch có nói: “Phò Luật đàm thường chính tại ư thử.” Nghĩa là, dù Phật có nhập Niết bàn, các tỳ kheo cũng phải giữ bộ Luật, chính nghĩa ở nơi đó vậy.

Về sự tụng giới, Phạm Võng Kinh có đoạn: “phật tử nên học cả 12 bộ kinh, muốn tụng giới thì hằng ngày sáu thời giữ Bồ tát giới, phải hiểu rõ nghĩa lý khế hiệp với Phật tính, nếu Bồ tát không hiểu giới luật, lại dùng nhân duyên gì mà nói dối là hiểu biết, tức là tự dối mình và dối kẻ khác. Hết thảy các pháp nhất nhất đều không hay không hiểu mà dám tự nhận làm thầy truyền giới tức là người phạm tội trọng.”

Căn cứ nơi lời dạy trên đây, Phật không quên ngăn ngừa về sau trong đời mạt pháp, đa số người dốt nát tự khoe mình thông suốt kinh luật, cống cao ngã mạn, không biết nói biết, không hiểu nói hiểu, truyền dạy giới pháp cho người. Vì có hại đến sự tu hành của mỗi người nên Phật hạn định như thế. Ngày nay ai là người mệnh danh Luật Sư, Giới Sư, Pháp Sư nên thận trọng chỗ ấy.

Vậy ai ai cũng có thể thọ giới, tụng giới, trì giới chẳng luận sang hèn giàu nghèo, kẻ tăng người tục, chẳng luận xuất gia, tại gia, ai ai cũng có thể chỉ dạy cho nhau, truyền trao cho nhau, nhưng cốt yếu là người truyền trao không vì lợi dưỡng danh suông. Trái lại, phải là bậc phước huệ tròn đủ, tinh thông kinh luật, thì sự truyền dạy mới có phần hữu ích và người thọ lãnh cũng phải hiểu rõ chánh lý, phát nguyện tin giữ, thì mới có thể phát huy cái chân tinh thần của Giới Pháp.

Phật dạy: “Người hiểu được lý nghĩa của Giới tức là người có thọ giới và cũng là người trong sạch bực nhứt, mà người chịu vâng giữ giới của Phật ấy là người đã được vào ngôi chư Phật.”Chúng ta ngày nay cũng phải nương theo Giới Luật của Phật làm cội gốc, bền lòng tin giữ không bao giờ trái phạm, dầu cho tội nhỏ. Nếu năng đọc học, như thế là chúng ta đã cúng dường chư Phật, chư Tổ.

Phật pháp rất gắt gao đối với người mệnh danh Luật sư, Giới sư háo danh, tham lợi, phá giới của Phật. Bằng chứng là Kinh Phạm Võng có đoạn: “Phật tử đã có hảo tâm xuất gia, nay lại vì danh suông lợi dưỡng thuyết giới của Phật cho quốc vương cùng trăm quan nghe, còn đối với bực tỳ kheo hay tỳ kheo ni, hoặc người cư sĩ muốn thọ Bồ tát giới, thì không dạy nói. Như thế là chính phật tử lại phá Phật pháp, chẳng phải người ngoại đạo thiên ma phá. Đã thọ giới của Phật rồi, nên hộ trì như giữ gìn con đẻ, như phụng thờ cha mẹ, không nên phá hủy, cho đến Bồ tát thấy kẻ ngoại đạo, ác nhân dùng lời phỉ báng phá giới, thí như trăm ngàn mũi dao nhọn đâm vào người. Thà tự vào địa ngục hằng trăm ngàn kiếp còn hơn nghe ác nhân dùng một lời phỉ báng Phật pháp, phương chi lại tự mình phá giới của Phật ư?” Phật cũng khuyên những người xuất gia, nếu muốn giữ đúng danh nghĩa của người Hảo Tâm Xuất Gia, thì chẳng nên vì hoàn cảnh thế lực nhà vua ép bức, chẳng vì tham cầu mạng sống, chẳng vì danh lợi, chẳng vì sự cung kính thế gian, mà vốn vì mong cầu chánh pháp, vì lòng chánh tín vào trong cửa Phật và cũng vì sự giải thoát khỏi đường sanh tử, một lòng gìn giữ giới cấm, dốc ý tuân giữ vâng lấy Giới làm phao nổi qua biển khổ, làm chuỗi ngọc trang nghiêm pháp thân, nên phải cẩn thận luôn, không để hào ly có chỗ sái phạm.

Tóm lại, một lòng trong sạch tin giữ giới điều, tức là nêu cao tinh thần vô thượng của Phật pháp, và cũng là phương thức để duy trì chánh pháp ở thế gian, khắp làm lợi lạc cho pháp giới hữu tình, đó là người phật tử đã hoàn thành cái trọng trách của mình vậy.

Để khen ngợi cái công dụng của sự giữ giới, kinh Phạm Võng có đoạn: “Người giữ giới như tối gặp sáng, như kẻ nghèo đặng của báu, như người bịnh đặng lành, như người tù ra khỏi ngục, như người đi xa được về nhà.” (Trì thọ thử giới như ám ngộ minh, như bần nhơn đắc bảo, như bịnh giả đắc ta, như tù hệ xuất ngục, như viễn hành đắc qui). Xưa kia, chư vị thánh hiền cũng không ngoài sự năng trì giới báu mà được đắc pháp cao quý, nhưng không bao giờ có sự giãi đãi, tật đố, kiêu mạn. Phương chi chúng ta là người sơ cơ học Phật, cũng nên noi theo cái gương của các bực tiền bối, khảo cứu Luật tạng, nhận định lý nghĩa thâm sâu của giới pháp và thiệt hành đúng với cái tinh thần cứu cánh giải thoát của chư Phật và Bồ tát, để khỏi phụ cái bản hoài xuất thế của Đức Từ phụ.

* * *

Muốn thực hiện cõi Tịnh độ tại thế gian thì người phật tử, chính là người chơn chánh tu Phật, tự mình lãnh đạo, truyền dạy oai nghi giáo pháp của Phật, hầu cải tạo thế giới nhân loại bằng cách nêu cao tinh thần đạo đức, cảm hóa và hướng dẫn cho tất cả các dân tộc khắp hoàn cầu thế giới, không phân biệt màu da, tiếng nói, xứ sở, sớm diệt trừ lòng chấp ngã chấp nhân, để mau quay về với Phật pháp. Nhưng, điều tối cần là phải chỉ dạy cho mọi người phát tâm rộng lớn, thọ trì Đại thừa Bồ tát giới, thì mới có thể đoạn trừ tất cả các hoặc nghiệp vô minh: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà Kiến là cái nguyên nhân đã tạo nên những cảnh tượng hãi hùng, tương sát tương tàn, thảm đạm thê lương như ngày nay chúng ta đã thấy. Rốt ráo, Phật cũng chỉ dạy pháp Lục độ (vì Giới là một trong sáu độ) và Tứ vô lượng tâm để làm phương tiện tu tập giải thoát, mà kinh Vị Tằng Hữu có đoạn:

“Vì xét các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã và mười hai nhân duyên trói buộc đường sanh tử, và tu pháp tứ chơn đế, thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, thực hành sáu pháp Ba la mật và Tứ vô lượng tâm, thế mới gọi là phương tiện điều phục các căn. Vì các căn được điều phục nên Định Huệ được thành tựu; vì Định Huệ thành tựu nên tâm mình được ngay thẳng; vì tâm mình được ngay thẳng nên sanh ra siêng cần, do tâm siêng cần mới có sự giữ Giới; vì giữ Giới được hoàn toàn nên Định Huệ sáng tỏ; vì trí huệ sáng tỏ làm đủ muôn hạnh, thông suốt không ngăn ngại, nên gọi là giải thoát, cái tâm giải thoát ấy tức là Niết Bàn vậy.”

(Vị quán vô thường, khổ, không, vô ngã, thập nhị nhân duyên, phược trước sanh tử, tu tứ chơn đế, kiến khổ đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, hành lục Ba la mật, Tứ vô lượng tâm, thị vi phương tiện, điều phục chư căn, căn điều phục cố, thị Định Huệ thành tựu; Định Huệ thành tựu cố, kỳ tâm chánh trực, tâm chánh trực cố, năng khởi tinh tấn, tinh tấn tâm cố, năng khởi Giới thận, Giới thận cứu cánh, Định Huệ minh liễu, huệ minh liễu cố, du chư vạn hạnh thông đạt vô ngại, hạnh vô ngại cố, danh vi giải thoát. Giải thoát tâm giả, tức Niết Bàn dã).

Vậy chúng ta nên áp dụng pháp Lục độ và Tứ vô lượng tâm (từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, xả tâm), để làm phương tiện tu tập hàng ngày, tùy theo cái bản nghiệp riêng của mỗi người, mới có thể chuyển đổi cái cõi uế độ của chúng sinh thành cõi Tịnh độ của chư Phật.

Do đâu mà nói pháp Lục độ và Tứ vô lượng tâm là phương tiện điều phục các căn?

Vì nếu mọi người đều phát lòng từ bi, hỷ xả làm việc Bố thí, hoặc tài thí, hoặc pháp thí hay vô úy thí, thì còn có ai sanh lòng xan tham bẩn tiếc, đến phải tranh giành xâu xé, bóc lột của ai.

Vì nếu mọi người đều phát lòng từ bi hỷ xả vâng giữ Giới luật tinh nghiêm, thì có ai dám làm những việc si mê, tà kiến, đến phải phạm những tội trọng: sát, đạo, dâm, vọng bao giờ.

Vì nếu mọi người đều phát lòng từ bi hỷ xả, lập hạnh Nhẫn Nhục, hoặc sanh nhẫn, hoặc pháp nhẫn, thì còn có ai sanh lòng sân hận, oán ghét, thù hiềm với ai và làm gì có cái thảm họa chiến tranh như ngày nay.

Vì nếu mọi người đều phát lòng từ bi hỷ xả, lập hạnh Tinh Tiến, hoặc Bị giáp tinh tiến, hay Nhạo lợi tinh tiến, siêng làm các việc lành, lấy sự cứu khổ cho nhau làm vui, thương yêu đối đãi nhau như người thân thuộc, thì có ai vì lòng kiêu mạn, tật đố, toan gây khổ cho ai.

Vì nếu mọi người đều phát lòng từ bi hỷ xả lập hạnh Tu Thiền, thâu nhiếp thân tâm, nhận biết các khổ báo đều do tâm vọng chấp điên đảo mà ra, thì ai ai cũng tự tìm phương châm để đối trị cái vọng tâm ấy mà huờn về chơn tâm (Phật tính của mình), nhận mình và người đồng một nguồn gốc, đồng một bản thể như nhau, thì có ai còn những tà kiến vọng chấp, phân chia nhân ngã, hầu tạo các khổ báo cho ai.

Vì nếu mọi người đều phát lòng từ bi hỷ xả tu hạnh Bát Nhã thì ai ai cũng đều được sáng suốt, đầy đủ trí huệ phương tiện, dứt trừ được gốc nghi hoặc, tiêu diệt được mầm vô minh, quán chiếu cái thiệt tướng của vạn hữu, soi thấu nhân duyên các pháp, thì còn có ai dám tạo các nghiệp ác, để phải chịu các khổ báo về sau. Chừng ấy mới có thể kiến tạo nền hòa bình vĩnh viễn, chấm dứt chiến tranh, thực hiện cõi đại đồng thế giới, tức là mưu cầu hạnh phúc chung và đem lại tự do, bình đẳng cho muôn loài.

Vậy xin các hàng phật tử, nam, nữ, không luận tại gia hay xuất gia, nên vì cái nghiệp chung của quần chúng là trọng đại, gắng công tu tập, khuyến khích lẫn nhau, tinh tấn thọ trì qui giới, tịnh nghiệp tinh chuyên, nhứt tâm nhứt trí, quyết gánh vác Phật sự, nguyện chuyển đem công đức trí huệ hồi hướng theo đàng lối của chư Phật, phát lòng đại bi, mở điều thiện xảo phương tiện, tùy thuận căn cơ cứu độ muôn loài, đúng với cái bổn nguyện lợi kỷ lợi tha của chư Phật.

Nam mô Thường tinh tấn Bồ tát ma ha tát.

P H Ụ   N G Ô N

Luận về sự mong cầu nơi tha lực, chúng ta có thể nói: Người niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ là người có đủ tự lực và tha lực.

Tự lực, tức là phải ra sức trì niệm, lại cũng phải ra sức thực hành đúng theo lời niệm, sau khi tự mình đã phát tín tâm kiên cố.

Tha lực, tức là tin nơi Đức Phật A Di Đà, tin nơi nguyện lực tiếp dẫn của Ngài, vì Ngài có 48 lời thệ nguyện độ tận chúng sanh. Danh hiệu của Ngài là vô lượng thọ, vô lượng quang. Tin nơi sự hộ trì cứu độ của Ngài, mong cho được Ngài tiếp dẫn thì ít nhất chúng ta cũng phải ra sức mình để thực hành đúng theo lời dạy của Phật, thì sự cầu mong nơi Phật lực hộ trì mới có hiệu quả. Vì lẽ đó mà người niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc thế giới phải hiểu ý nghĩa của phép niệm Phật. Kinh A Di Đà có đoạn: Nếu trai lành gái tín phát tâm tu hành gần lúc lâm chung, nhớ trì niệm danh hiệu của Đức A Di Đà, hoặc 1 ngày, 2 ngày cho đến 7 ngày, Nhứt Tâm Bất Loạn, thì Ngài và thánh chúng đến tiếp dẫn không sai. Cho đến người nào có lòng tin Phật, thường niệm danh hiệu của Phật, phát nguyện sanh về Cực lạc thế giới, thì người ấy quyết chắc thành Phật, không phải đọa lạc nơi tam đồ lục đạo nữa. Niệm Phật không phải chỉ niệm bằng một cách thờ ơ hay vô ý thức, mong đến ngày lâm chung Phật đến tiếp dẫn mà được, điều tối cần hơn hết là phải niệm cho đến chỗ Vô Biệt Niệm, tức là đến chỗ Nhứt Tâm Bất Loạn vậy. Tức là cốt niệm thế nào cho Tâm Tánh mình đến chỗ hoàn toàn thanh tịnh, đó cũng là phương pháp trừ diệt vọng tâm để trở về với chơn tánh (do cái tâm vọng động, mà chúng sanh phải chịu đọa lạc nơi tam đồ). Và sau nữa, cũng phải tự mình ra sức trì niệm, cốt làm thế nào cho Lòng Tin của chúng ta đối với Phật pháp thành thật kiên cố. Tin Phật là người sáng suốt hoàn toàn, vì lòng từ bi cao cả ra khai sáng cho đời, có đủ năng lực cứu khổ cho muôn loài. Tin Ở Giáo Pháp Của Phật, có đủ phương tiện để đưa chúng sanh từ bến mê qua bờ giác. Tự tin mình, tự tin ở nghị lực của mình, tự tin mình cũng có Tâm Bồ Đề sáng suốt không lường, thọ mạng vô cùng như Phật, phát nguyện tự mình giác ngộ cho mình, cho đến khi tự chứng được cái bản thể viên minh tịch chiếu như Phật mới thôi. Phép niệm Phật chỉ là một phương tiện để thúc liễm thân tâm, vì Tâm chúng sanh ví như con Vượn, Ý của chúng sanh ví như con Ngựa, quen thói buông lung, nên buộc phải mượn sợi dây lục Tự để trói buộc con vượn Tâm và con ngựa Ý của mỗi người, nên Phật mới dạy cho phép niệm Phật.

Tóm lại, nghe phép niệm Phật cũng không ngoài cái ý nghĩa là dạy cho mọi người tự mình trừ diệt Vọng tâm huờn về Chơn tánh, vì do Tâm vọng niệm điên đảo, nên mới gây các nghiệp dữ: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà Kiến, mà Phật dạy dùng phép niệm Phật để làm phương tiện đào thải các nghiệp duyên phiền não cho chúng sinh.

Và khi cái hoặc nghiệp vô minh ở mỗi chúng sinh đã dứt, Tâm của mỗi chúng sinh đều được thanh tịnh, tức là trong sạch được giống thất tình, lục dục, Tam độc, Tứ tướng thì tự nhiên trí huệ phát sanh. Do sức trí huệ hiểu biết sáng suốt, soi thấu các Pháp, muôn hạnh tròn đủ, tự tại vô ngại, vì lẽ đó mà Phật nói tâm mình tịnh là cái quốc độ rất trong sạch của chư Phật. Tánh mình hiểu biết sáng suốt, đầy đủ tánh đức, soi thấu vạn hữu, là Tánh Đức của Phật A Di Đà.

Phật cũng có dạy: Cõi Tịnh Độ cực vui, cực đẹp của Phật không có ba đường dữ là tham, sân, si. Muốn cầu vãng sanh về cõi ấy thì phải diệt cho hết ba đường dữ. Cho nên người niệm Phật muốn cầu vãng sanh, dầu là đới nghiệp vãng sanh đi nữa, cũng phải tự mình diệt dứt Tam độc: Tham, sân, si thì mới có thể quay về với đức Phật A Di Đà và mới có thể huờn về với Chơn Tâm Phật Tính của mình.

Vậy muốn cho sự niệm Phật có hiệu quả, chúng ta phải nương theo Tánh Phật của mình, là lòng ngay thẳng, lòng trong sạch, lòng bình đẳng của mình, khởi các diệu dụng khắp làm lợi lạc cho phép niệm Phật.

Khế kinh có câu: “Trực tâm thị đạo tràng, trực tâm thị Tịnh độ,” nghĩa là: Lòng ngay là trường học Đạo, lòng ngay là cõi trong sạch của chư Phật.

Sau đây, chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện cho âm siêu, dương thới, lưỡng lộ tồn vong, giai cộng thành Phật đạo./-