Kim Cang Chú Giải – Phần Hai

ĐỜI DAO TẦN, NGÀI TAM TẠNG PHÁP SƯ CƯU-MA-LA-THẬP PHỤNG CHIẾU DỊCH CHỮ PHẠN RA CHỮ HÁN .

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

KIM CANG CHÚ GIẢI

(PHẦN HAI)

 

ĐỜI DAO TẦN,

NGÀI TAM TẠNG PHÁP SƯ CƯU-MA-LA-THẬP

PHỤNG CHIẾU DỊCH CHỮ PHẠN RA CHỮ HÁN

 

Chú giải: Cư sĩ NHƯ PHÁP

Năm Kỷ Sửu – 1949

 __________

 

XI

Khi ấy ông Tu-Bồ-Đề nghe Phật nói pháp như vậy, bèn tỏ cái nghĩa sâu xa, nên rơi nước mắt than thở mà bạch Phật rằng:

— Như đức Thế Tôn ít có! Ngài nói kinh điển sâu xa như vậy, từ khi đệ tử được huệ nhãn đến nay, chưa từng nghe được thời kinh nào như thế nầy.

Bạch đức Thế Tôn, nếu có người nghe đặng kinh nầy mà lòng tin trong sạch (thanh tịnh), bèn sanh Thiệt tướng,(1) phải biết người ấy thành tựu đặng cái công đức ít có thứ nhứt vậy.(2)

Bạch Thế Tôn, thiệt tướng ấy, tức chẳng phải tướng, vì vậy Như Lai mới gượng kêu là thiệt tướng.

Bạch Thế Tôn, nay đệ tử nghe đặng kinh điển như vậy, tin hiểu mà thọ trì, chẳng đủ là khó. Nếu qua đời vị lai, sau năm trăm năm sau, có chúng sanh nào nghe kinh nầy, tin hiểu mà thọ trì, thì người ấy thiệt là đệ nhứt ít có. Bởi cớ sao? Bởi người ấy không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả. Là sở dĩ sao? Tướng ta tức chẳng phải tướng, mà tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả cũng chẳng phải tướng. Bởi sao vậy? Là vì lìa cả thảy tướng, tức là chư Phật.(3)

Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:

— Như vậy! Như vậy! Nếu như có người nghe đặng kinh nầy mà lòng chẳng ngại, chẳng sợ, chẳng nhút nhát, phải biết người ấy rất là ít có.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI MỘT

 Từ khi ông Tu-Bồ-Đề hỏi Phật, Ngài trả lời và vấn đáp đến đây, ông Tu-Bồ-Đề mới biết được cái tông thú của thời thuyết pháp nầy, nên cảm xúc rơi nước mắt mà nói rằng: “Từ khi đệ tử được huệ nhãn đến nay, chưa từng nghe được thời kinh nào như thế nầy.”

Tông thú của thời kinh nầy như thế nào? Tức là Thiệt tướng ấn của Đại thừa vậy. Ông Tu-Bồ-Đề đã tỏ ngộ được lý Thiệt tướng, tức là tỏ ngộ được cái chơn lý viên dung bình đẳng của Đại thừa Bồ-tát, nhưng chưa có sự ấn chứng của Phật. Nay ông Tu-Bồ-Đề nghe Phật giảng giải cái chỗ mà ông đã tỏ ngộ, khác nào Phật ấn chứng cho ông. Bởi vậy ông mới nói: “Bạch đức Thế Tôn, nếu có người nghe đặng kinh nầy mà lòng tin thanh tịnh, bèn sanh Thiệt tướng, phải biết người ấy thành tựu đặng cái công đức ít có thứ nhứt vậy.”

Từ lúc khởi đầu thuyết pháp tới đây, chỗ nào Phật cũng phá chấp hết. Khi đa số trong đại hội đã “bắt” được cái lý mầu Thiệt tướng rồi, ông Tu-Bồ-Đề sợ nhiều vị còn chấp giả danh của Thiệt tướng, nên ông nói: “Bạch đức Thế Tôn, Thiệt tướng ấy, nhưng chẳng phải tướng, vì vậy Như Lai mới gượng kêu là Thiệt tướng.”

Theo trình độ học Phật của ông Tu-Bồ-Đề, thấy rằng Phật nói pháp như vậy, tin hiểu chẳng đủ là khó. Nên biết rằng tin và hiểu theo như lời của ông Tu-Bồ-Đề nói, là những bực đã gieo căn lành nhiều kiếp Phật, nên mới dứt được bốn tướng và tỏ ngộ lý mầu Bát-nhã, Phật bèn xác nhận lời nói của ông Tu-Bồ-Đề: “Như vậy! Như vậy! Nếu có người đặng nghe kinh nầy, mà lòng chẳng ngại, chẳng sợ, chẳng nhút nhát, phải biết người ấy rất là ít có.”

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI MỘT

 (1) THIỆT TƯỚNG: Thiệt tướng là tướng chơn thiệt. Chơn là không giả, thiệt là không hư, tướng không giả dối, không hư hoại là thiệt tướng. Thiệt tướng đối với giả tướng; giả tướng là những tướng giả dối, do nhơn duyên hội hợp, không thiệt có, không thiệt thể, còn sanh diệt biến đổi.

Lý Thiệt tướng rất cao siêu huyền diệu, nếu không phải là bực có trí huệ, thì không sao lãnh hội cho nổi, bởi vậy mới có câu: Trí huệ thiệt tướng hay là bát-nhã thiệt tướng.

Thiệt tướng là gì? Tức là cái chơn lý như như bình đẳng, vạn pháp tức chơn như, chơn như tức vạn pháp. Rời bản thể chơn như không có vạn pháp, rời vạn pháp ra không có bản thể chơn như. Chơn như và vạn pháp, kẻ mê thấy thành hai, người ngộ thấy chẳng phải hai. Cũng như phiền não với bồ-đề, có với không, động với tịnh, tà với chánh, sanh tử với niết-bàn, v.v… kẻ mê thấy thành hai, còn người ngộ thì thấy chẳng phải hai (cũng chẳng phải có một). Cũng như nước với sóng, danh tuy hai mà thể vốn đồng, ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng.

Trong chỗ tu chứng, thì bên Tiểu thừa chứng được Tam pháp ấn, còn bên Đại thừa thì chứng được Thiệt tướng ấn. (Tam pháp ấn nghĩa là có ba sự ấn chứng: Các hành vô thường, Các pháp không ta và Niết-bàn vắng lặng.)

Muốn chứng được Thiệt tướng, phải ngộ cái chơn lý viên dung, bình đẳng và như như bất biến.

Viên dung: là không sai biệt, không thiên lệch. Chúng sanh với Phật không khác, phiền não với bồ-đề, sanh tử với Niết-bàn không riêng không khác.

Bình đẳng: là không hơn không kém, không nhiều không ít, Phật với chúng sanh bình đẳng, chơn với vọng bình đẳng, số nhiều với số ít bình đẳng, bình đẳng với bất bình đẳng là bình đẳng.

Như như bất biến: là chơn như cứ như vậy hoài không thay đổi biến hoá. Với chúng sanh, chơn như không bớt, với Phật, chơn như không thêm, không động, không tịnh, không dời, không đổi, không tới không lui, không qua không lại, không nhiều không ít, v.v…

Thiệt tướng phải đủ ba nghĩa: Viên dung, Bình Đẳng và Như như. Nhưng xét lại cho kỹ, Thiệt tướng phải bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ nghĩ lường, lìa cả danh ngôn hý luận, chớ chẳng phải đủ ba nghĩa trên đây mà gọi là Thiệt tướng.

(2) THÀNH TỰU CÁI CÔNG ĐỨC ÍT CÓ THỨ NHỨT VẬY: Công đức khác với phước đức. Phước đức là do sự bố thí, còn công đức là do sự tu luyện. Công đức thứ nhứt là công đức của Đại thừa Bồ-tát, cũng gọi là Nhứt thừa.

Công đức thuộc về Pháp thân, phước đức thuộc về sắc thân. Công đức là như vậy chớ chẳng phải huờn tiền công đức như trả tiền công cùng là dưng bánh trái cho thầy tụng kinh mà gọi là công đức.

Công đức thuộc về Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát, đủ nghĩa lý Tánh Tịnh Niết-bàn của chư Phật. Chúng ta chẳng nên lầm phước đức với công đức.

(3) LÌA CẢ THẢY TƯỚNG TỨC LÀ CHƯ PHẬT: Câu nói nầy cũng đồng một ý nghĩa với câu: “Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai.” Thấy đặng Như Lai đây là rõ Phật, biết Phật mà cũng gọi là kiến tánh Như Lai nữa.

Lìa cả thảy tướng như lìa mê lìa giác, lìa ngu lìa trí, lìa chơn lìa vọng, lìa tà lìa chánh, v.v… mới tức là chư Phật được. Đến đây rồi đâu có chúng sanh mà nói Phật; đâu có sanh tử mà nói Niết-bàn. Đến đây chỉ có danh từ suông chớ không thiệt nghĩa.

Kinh Niết-bàn có nói: “Thấy đặng tánh Phật thì chẳng phải là chúng sanh. Chẳng thấy tánh Phật mới là chúng sanh.” Thế thì kiến tánh cũng tức là chư Phật.

Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Cả thảy chúng sanh từ vô thỉ trở lại đây, tuy tu hành tập luyện luôn luôn mà không thể ra khỏi sự luân hồi, đặng thành chánh quả, là vì không biết tới chỗ nguồn gốc. Một là nguồn gốc sanh diệt vô thường, hai là nguồn gốc thường trụ chơn tâm.”

Sở dĩ có tu mà không tới chỗ nguồn gốc, là tại người ta tìm Phật ngoài lòng, tìm Phật theo trên mặt giấy, tìm Phật ở chỗ sắc tướng, thinh âm, tụng tán.

Kim Cang là một pháp Bát-nhã chỉ thẳng lòng người đến chỗ nguồn gốc Phật tánh. Khi đã thấy được bổn tánh Như Lai của mình rồi, hằng ngày y theo tánh ấy, khiến sáu căn ra sáu trần, đều khế hiệp với chơn tâm thường trụ, tất cả trí dụng cũng như đức dụng, tự do tự tại cứu độ nhứt thiết chúng sanh đồng đặng viên mãn giác ngộ, như vậy mới là bực vô thượng bồ-đề. Như vậy mới gọi là “lìa cả thảy tướng tức là chư Phật.”

* * * * * *

XII

— Nầy Tu-Bồ-Đề, Như Lai nói Ba-la-mật(1) thứ nhứt, tức chẳng phải Ba-la-mật thứ nhứt, gượng kêu là Ba-la-mật thứ nhứt.

Tu-Bồ-Đề, Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như Lai nói chẳng phải Nhẫn nhục Ba-la-mật, gượng kêu là Nhẫn nhục Ba-la-mật.

Nầy Tu-Bồ-Đề, bởi cớ sao? Sự tích của Ta kiếp trước bị vua Ca-Lợi Vương cắt đứt thân thể,(2) trong khi ấy Ta không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.

Hồi kiếp đó khi Ta bị rã rời xương thịt, nếu Ta có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì lẽ tự nhiên sanh lòng hờn giận.

Nầy Tu-Bồ-Đề, Ta lại cũng nhớ hồi năm trăm đời về trước, Ta có làm ông Tiên tu hạnh nhẫn nhục, khi ấy Ta cũng không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.

Bởi vậy Tu-Bồ-Đề nầy, Bồ-tát nên lìa cả thảy tướng mà phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chẳng nên sanh tâm trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. NÊN SANH TÂM KHÔNG CÓ CHỖ TRỤ, bằng tâm có chỗ trụ, tức chẳng phải trụ. Bởi vậy cho nên Phật nói tâm của Bồ-tát chẳng nên trụ sắc mà Bố thí.

Nầy Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát vì lợi ích cho cả thảy chúng sanh, nên phải Bố thí như vậy.

Như Lai nói cả thảy tướng, tức chẳng phải tướng. Lại nói cả thảy chúng sanh, tức chẳng phải chúng sanh.

Tu-Bồ-Đề, Như Lai nói chơn chánh, nói chắc thiệt, nói đúng lý, chẳng nói giả dối, chẳng nói lạ kỳ.

Tu-Bồ-Đề, pháp của Như Lai, đặng pháp ấy không thiệt không hư.

Nếu lòng của Bồ-tát còn chấp pháp mà làm việc bố thí, thì cũng như người kia vào chỗ tối, không thấy chi cả. Còn như lòng của Bồ-tát chẳng chấp pháp mà làm việc bố thí, thì cũng như người kia đã có con mắt mà lại được ánh sáng của mặt trời chiếu rõ, thấy tất cả mọi việc.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI HAI

 Ba-la-mật thứ nhứt tức là Bố thí Ba-la-mật trong pháp Lục độ. Nhẫn nhục Ba-la-mật, thuộc về độ thứ ba. Ở đây Phật muốn phá pháp chấp, nên nói sáu độ Ba-la-mật mà chẳng phải sáu độ Ba-la-mật. Vì muốn cho trong Đại hội biết rằng không có thiệt pháp, nên mới nói “Như Lai nói Ba-la-mật thứ nhứt (tức là Bố thí Ba-la-mật) chẳng phải Ba-la-mật thứ nhứt, gượng kêu là Ba-la-mật thứ nhứt…”

Muốn làm bằng cớ cho các hàng Tỳ kheo biết rằng chẳng thiệt có cái ta, Phật bèn lược thuật sự tích của Ngài kiếp trước bị vua Ca-Lợi Vương cắt đứt thân thể, trong khi ấy Ngài không có ngã chấp, nghĩa là không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Nhờ phá cái ta mà thành tựu đặng pháp Nhẫn nhục Ba-la-mật. Bởi vậy Phật mới nói: “Hồi kiếp trước, khi Ta bị rã rời xương thịt, nếu Ta có tướng ta,… thì lẽ tự nhiên sanh lòng hờn giận.”

Nói về sự rã rời xương thịt, cắt đứt thân thể, chúng ta không thể lầm nhận cho là có thiệt như vậy, mà là một phép quán dùng trí huệ giải phẫu (mổ xẻ) thân ngũ uẩn giả hợp để diệt trừ bịnh ngã chấp, chớ chẳng phải thiệt có hôn quân vô đạo sát hại người tu hành bằng cách chặt tay, chặt chơn, móc mắt, lóc thịt, v.v…

Phật nhắc thêm một sự tích nữa gần hơn, để làm gương về sự phá pháp chấp: “Nầy Tu-Bồ-Đề, Ta cũng lại nhớ hồi năm trăm đời về trước. Ta có làm ông Tiên tu hạnh nhẫn nhục, khi ấy Ta cũng không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.”

Muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, phải lìa cả thảy tướng, chớ chẳng phải lìa nội bốn tướng, ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả mà thôi. Vì vậy Phật mới nói: “Tu-Bồ-Đề nầy, Bồ-tát nên lìa cả thảy tướng mà phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Lìa cả thảy tướng là nói tổng quát cả muôn sự muôn vật, nhứt là về pháp chấp, bởi tiếp theo đó Phật nói: “Chẳng nên sanh tâm trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nên sanh tâm không có chỗ trụ, bằng tâm có chỗ trụ, tức chẳng phải trụ.”

Bồ-tát dùng Bố thí ba-la-mật để hoá độ chúng sanh, nhưng không chấp trước hành vi của mình làm, nghĩa là gặp duyên liền bố thí, duyên qua rồi chẳng nhớ tưởng ôm ấp vào lòng. Bởi cái lẽ như vậy, nên Phật mới nói: “Tâm của Bồ-tát chẳng nên trụ sắc mà bố thí. Bồ-tát vì lợi ích cho cả thảy chúng sanh, nên phải bố thí như vậy.” Trong khi bố thí như vậy mà chẳng trụ tướng, thì cũng như người kia có con mắt, lại được ánh sáng của mặt trời chiếu rõ, thấy tất cả mọi việc. Trái lại, bố thí mà còn trụ tướng, nghĩa là còn pháp chấp, thì cũng như người kia vào chỗ tối, không thấy chi cả.

Phật nói rằng: “Tâm Bồ-tát chẳng nên trụ sắc mà bố thí… Bằng tâm có chỗ trụ, tức chẳng phải trụ.”

Chẳng trụ sắc tức là lìa sắc, thì chẳng còn chấp pháp tướng, chẳng còn chấp có chúng sanh. Bởi vậy Phật mới nói: “Như Lai nói cả thảy tướng, tức chẳng phải tướng, lại nói chúng sanh, tức chẳng phải chúng sanh.”

Trí của Phật là chơn như, Ngài dùng cái trí ấy mà tỏ chỗ Thiệt tướng, thì lời nói của Ngài phải là chơn chánh, là chắc thiệt, là đúng lý, chẳng nói giả dối, chẳng nói lạ kỳ. Một khi Phật đã hiển lộ cái lý chơn như thiệt tướng rồi, nếu ai đặng pháp ấy, thì không thiệt không hư.

Không thiệt không hư, không hơn không kém, không ta không người, không tà không chánh, không mê không ngộ… nghĩa là không tất cả đối đãi; vì nếu còn có đối đãi, thì còn có thiệt có hư. Đúng theo Trung đạo diệu đế, phải lìa tất cả hai tướng, thì đặng cái pháp y như lời Phật nói: “Pháp của Như Lai, đặng pháp ấy, không thiệt không hư.”

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI HAI

 (1) BA-LA-MẬT: Ba-la-mật có giải rồi, ở đây xin nói cái nghĩa rốt ráo của Lục độ ba-la-mật.

Vì cái chỗ ngã không, pháp không, nên Bồ-tát tu pháp Bố thí ba-la-mật, biết được tánh của mình vẫn viên dung bình đẳng, chẳng ngã chẳng nhơn, chẳng tự chẳng tha, chẳng nhơn chẳng pháp, cho nên chẳng thấy có ta tu pháp bố thí, chẳng thấy có kẻ thọ thí và chẳng thấy có pháp thí, tài thí, vô uý thí, nên gọi là “Bố thí ba-la-mật.”

Vì cái chỗ ngã không, pháp không, nghĩa là vì cái chỗ phá chấp, nên Bồ-tát tu pháp Trì giới ba-la-mật, biết được tánh của mình vẫn như như bất động, chẳng thấy có sự ô nhiễm nào mà phải trì giới, chẳng thấy có giới luật nào mà phải giữ, mà cũng chẳng thấy có ta trì giới, nên gọi là Trì giới ba-la-mật.

Vì cái chỗ ngã không, pháp không, nên Bồ-tát trong khi tu pháp Nhẫn nhục Ba-la-mật, biết được tánh của mình vẫn thường trụ diệu minh, không thấy có sự sân hận cần phải tu, không thấy có pháp nhẫn cần phải chứng, không thấy có ta tu pháp Nhẫn nhục, nên gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật.

Vì cái chỗ ngã không, pháp không, nên trong khi Bồ-tát tu pháp Tinh tấn ba-la-mật, biết được tánh của mình vẫn Viên mãn sáng soi, phiền não tức bồ-đề, không thấy có sự tinh tấn đặng lướt lên phiền não, không thấy có chướng ngại để lui sụt đạo tâm, không thấy có ta tu pháp Tinh tấn, nên gọi là Tinh tấn ba-la-mật.

Vì cái chỗ ngã không, pháp không, cho nên Bồ-tát trong khi tu pháp Thiền định ba-la-mật, thấy được tự tánh vốn sẵn tịnh định, chẳng động, chẳng loạn, thường tịch mà quang chiếu, quang chiếu mà thường tịch, cho nên chẳng cầu thiền, chẳng cầu định, chẳng thấy có ta tu thiền định, chẳng thấy có pháp thiền định cần phải tu, nên gọi là Thiền định ba-la-mật.

Vì cái chỗ nhị không chơn như, nên Bồ-tát trong khi tu pháp Bát-nhã ba-la-mật, thấy được tánh của mình vốn sẵn diệu minh viên giác, chẳng có vô minh nào mà phải trừ, chẳng có trí huệ nào phải tu và cũng chẳng có ai tu trí huệ, nên gọi là Trí huệ ba-la-mật (Bát-nhã ba-la-mật-đa).

Không thấy có ta tu pháp Lục độ ba-la-mật, không thấy có pháp Lục độ ba-la-mật để tu, đó là nhơn không và pháp không. Ba-la-mật cũng là một cái giả danh, giả pháp không thiệt có.

(2) CA LỢI VƯƠNG CẮT ĐỨT THÂN THỂ: Tâm ví như đất, tánh ví như vua, vua ở đất lòng, thường sanh ra trí huệ. Ca-Lợi Vương cắt đứt thân thể, là Phật dụng ý nói rằng: Năm trăm đời về trước, Ngài tu pháp Nhẫn nhục, dùng gươm trí huệ giải phẫu thân thể, chặt ra từng phần, nào là đầu, mình, tay, chân, nào là tinh thần thọ cảm, v.v… tìm không thấy có ta. Vì không ta nên phá được phân biệt ngã chấp, thuộc về bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.

* * * * * *

XIII

— Nầy Tu-Bồ-Đề, qua đến đời sau, nếu có trai lành gái tín nào mà hay thọ trì đọc tụng kinh nầy, tức thì Như Lai dùng trí huệ của Phật, biết chắc người ấy, thấy chắc người ấy đều thành tựu đặng cái công đức vô lượng vô biên.

Tu-Bồ-Đề, nếu có trai lành gái tín nào buổi mai dùng thân mạng bằng số cát sông Hằng mà bố thí, buổi trưa lại dùng thân mạng bằng số cát sông Hằng mà bố thí, buổi chiều cũng làm y như vậy. Dùng thân mạng mà bố thí đến vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp.

Đàng khác, bằng có người nghe kinh điển nầy, lòng tin chẳng nghịch, thì phước đức ấy hơn phước đức bố thí kia, huống chi là biên tả, thọ trì đọc tụng và vì người mà giảng giải.

Nầy Tu-Bồ-Đề, nói tóm lại kinh nầy có cái công đức vô biên, không thể bàn nghĩ đặng. Như Lai vì phát khởi cho bực Đại thừa mà nói, vì phát khởi cho bực Tối thượng thừa mà nói. Bằng có người hay thọ trì đọc tụng diễn thuyết rộng khắp cho mọi người, thì Như Lai đều biết cho người ấy, đều thấy cho người ấy, thành tựu đặng cái công đức vô số, vô biên không bàn nghĩ đặng. Những bực người như vậy, mới gánh vác nổi cái đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai.

Bởi cớ sao? Tu-Bồ-Đề nầy, bằng ai ưa theo pháp nhỏ, thì lẽ tất nhiên họ còn chấp trước về sự thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng sanh, thấy có thọ giả. Mấy người còn tà kién như vậy, họ không hiểu thấu kinh nầy, nên họ chẳng thọ trì, chẳng đọc tụng, và cũng chẳng vì người mà giảng giải.

Nầy Tu-Bồ-Đề, nơi chốn nào mà có kinh nầy, thì cả thảy thế gian, trời, người, thần, đều nên cung kỉnh làm lễ chung quanh, cùng là dùng các món hương hoa mà rải khắp nơi ấy.

Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu trai lành gái tín nào mà thọ trì đọc tụng kinh nầy mà bị chúng khinh dễ, là vì người ấy đời trước mắc nghiệp tội đáng lẽ đoạ vào ác đạo,(1) cho nên đời nay bị chúng khinh dễ! Như vậy, các nghiệp tội về đời trước mới tiêu diệt và sẽ đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Nầy Tu-Bồ-Đề, Ta nhớ đời đã qua, xa đến vô lượng kiếp a tăng kỳ, trước Phật Nhiên Đăng nữa, Ta đã có gặp được tám trăm ngàn muôn ức na-do-tha chư Phật, Ta đều cúng dường thờ phụng chẳng có bỏ qua.

Sau đời mạt pháp, nếu có người hay thọ trì đọc tụng kinh nầy, chỗ đặng công đức, sánh với công đức của Ta, thì Ta không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần muôn, cho đến cũng không bằng một phần thiệt nhỏ, tột số không thể mà đếm tính ví dụ đặng.

Tu-Bồ-Đề, bằng có trai lành gái tín nào sau đời mạt pháp thọ trì đọc tụng kinh nầy, chỗ đặng công đức, nếu Ta nói cho hết, có người nghe lòng bèn rối loạn, hồ nghi chẳng tin.

Tu-Bồ-Đề, phải biết nghĩa lý kinh nầy không thể nghĩ bàn đặng, và sự kết quả cũng không thể nghĩ bàn đặng.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI BA

Chắc có nhiều người lấy làm lạ rằng tại sao nghe kinh nầy chẳng nghịch với ý của mình mà đặng phước đức nhiều hơn kẻ đem thân mạng một ngày ba buổi mà bố thí đến vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp?

Nên biết rằng những kẻ không nghịch với lý nghĩa của kinh nầy, là những kẻ đã đủ sức tỏ ngộ pháp Nhứt thừa thiệt tướng. Phước đức của một người như vậy, lẽ nào chẳng hơn một người làm việc bố thí để cầu phước báo cõi nhơn thiên hay sao?

Bởi vậy Phật mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, Kinh nầy có cái công đức vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn đặng.”

Theo lời Phật nói, nếu trai lành gái tín nào thọ trì đọc tụng kinh nầy mà bị thiên hạ khinh dễ, là tại đời trước mang tội quá ư nặng nề, đáng lẽ phải đoạ vào đường ác. Nhưng vì nhờ thọ trì Kim Cang, nên nghiệp tội đời trước mới tiêu diệt, mà lại còn đặng đạo vô thượng bồ-đề nữa.

Đại ý nói: đáng lẽ đời nay là đời trả quả, nhưng nhờ công đức trì tụng kinh nầy, nên quả ấy khỏi trả, hưởng được trường hợp giảm khinh, là bị người ta khi dễ mà thôi, lại sẽ đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác nữa.

Thọ trì Kim Cang mà có hiệu nghiệm như vậy, là khi nào tỏ ngộ được ý kinh kìa. Nếu ai rõ được tánh tội vẫn không thì mới có thể tin tưởng lời nầy được.

Chỉ có tu hành mới dứt được nghiệp tội, chớ chẳng phải bố thí cúng dường mà dứt tội đặng. Nhiều người lầm tưởng rằng cúng Phật, lễ Phật, bông trái nhang đèn nghi ngút mà hết tội.

Đây là một cái bằng cớ hùng biện, những người tu hành đời nay nên lấy đó làm gương. Đời nay có ai thờ phụng cúng dường bằng tiền thân của Phật chăng? Phật đã tỏ thật rằng vô lượng kiếp về trước, Ngài mảng đeo theo bên ngoài, mà quên cái đạo tâm của mình là cái then chốt bên trong chắc chắn thành Phật.

Vả chăng những sự cúng kiến, vái lạy, tụng đọc, có thể làm tăng thêm những sự chấp trước các pháp, hay là tăng thêm cái chỗ trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp chớ không ích gì. Ấy là ta vô ý cột chặt vào pháp trần, dấn thân vào sự tướng.

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI BA

(1) NGHIỆP TỘI ĐÁNG LẼ ĐOẠ VÀO ÁC ĐẠO: Trong thế gian nầy, muôn sự muôn vật đều là giả tướng biến hiện, không có thiệt thể, cũng như chiêm bao, bọt nước. Tâm của chúng sanh tạo ra nghiệp tội đáng lẽ đoạ vào ác đạo, cũng như chiêm bao, bọt nước không khác. Cái đó gọi là tánh tội vẫn không, nghĩa là in hình có tội, chớ chẳng phải thiệt có. Nếu thiệt có tội, thì làm sao dứt được. Những cái nghiệp tội ấy là chơn không, nghĩa là chẳng thiệt có, mà cũng chẳng thiệt không.

Những tội nặng nề như tứ trọng tội của Tỳ kheo, tội ngũ nghịch và nhứt-xiển-đề,… là tội tánh, căn lành là Phật tánh. Tội tánh và Phật tánh cũng như chơn với vọng, như sóng với nước, một thể mà hai tên, chẳng phải một mà chẳng phải hai.

Chơn như Phật tánh tuy bất biến mà hay tuỳ duyên, trong lúc tuỳ duyên tạo ra các nghiệp dữ, thọ quả báo mà thành tội tánh. Đến lúc tu hành tỏ ngộ được thì tội tánh ấy tức là chơn như Phật tánh chớ chẳng phải cái gì khác, cũng như sóng hoàn lại bản thể mênh mông của nước, cũng như vọng tâm hoàn lại chơn tâm vậy.

Có một sự tích trong kinh Vị Tằng Hữu, xin chép ra đây cho biết rằng cái tánh của tội chẳng thiệt có.

………

Ngày kia đức Bồ-tát Diệu Kiết Tường thấy một ông sãi nọ phạm tội sát sanh. Ông sãi ấy tính chắc thế nào mình cũng phải bị đọa vào địa ngục, ông ngẫm nghĩ hoài, chẳng biết cách gì tự cứu lấy mình cho được; ông thất vọng và thối chuyển.

Đức Bồ-tát Diệu Kiết Tường thấy vậy động lòng từ bi, quyết ra tay cứu độ, bèn hoá ra một ông thầy tu, đi ngay đến sãi ấy. Sau khi chuyện vãn, Bồ-tát dắt thầy sãi đến Phật mà thưa rằng:

— Bạch Phật, đệ tử phạm tội sát sanh, chắc phải đoạ vào ác đạo, xin Phật từ bi cứu độ cho đệ tử yên lòng tu hành, đệ tử có lòng sợ sệt thái quá, nên tinh thần bất an.

— Nầy gã thiện nam tử, theo lời ngươi nói tạo nghiệp sát sanh đó, vậy ta thử hỏi: Do cái tâm nào mà gây ra nghiệp ấy, tâm đã qua, tâm hiện tại, hay tâm vị lai? Bằng nói rằng tâm đã qua thì tâm ấy đã diệt, cũng không có chi gọi là tâm tạo nghiệp. Mà tâm sẽ tới là tâm chưa đến, cũng không có chi gọi là tâm tạo nghiệp. Còn tâm hiện tại là tâm chẳng thường trụ, thế thì không có chi gọi là tâm tạo nghiệp. Ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có chỗ đặng, thì lấy chỗ nào mà động tác? Đã không động tác thì cái tướng của tội làm sao mà thấy cho đặng?

Nầy gã thiện nam tử kia, vả lại cái tâm không có chỗ trụ, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài và cũng chẳng ở chính giữa.

Tâm không sắc tướng, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, đen, trắng.

Tâm không chỗ tạo, vì bởi vốn không động tác.

Tâm chẳng phải huyễn hoá, vì vốn là chơn thiệt.

Tâm không bờ bến, vì vốn nó không hạn lượng.

Tâm không chấp bỏ, bởi vốn không lành dữ.

Tâm không chuyển động, bởi vốn không sanh diệt.

Tâm như hư không, bởi vốn không ngăn ngại.

Tâm không nhiễm tịnh, bởi nó không chấp trước cả thảy pháp.

Nầy thiện nam tử, nếu quán sát được như vậy, thì biết rằng cả thảy pháp đều không có chi cầu đặng cái tâm. Bởi cớ sao? Vì tự tánh của tâm là các pháp, tánh của các pháp đều không, cái tánh không là tánh chơn thiệt. Bởi cái lý ấy, thì ngươi cũng chẳng nên sợ sệt làm chi, cứ an nhiên tinh tấn mà tu hành, ráng công phu tập luyện đạo tâm cho được thuần thục, đạo quả sẽ viên thành.

Lúc ấy thầy tu (Bồ-tát Diệu Kiết Tường) nghe Phật thuyết pháp xong bèn bạch rằng:

— Nay đệ tử ngộ được tánh của tội vốn không, chẳng còn sợ sệt nữa.

Thầy sãi tạo nghiệp sát sanh nọ cũng bạch rằng:

— Bạch Thế Tôn, đệ tử cũng ngộ được tánh của tội vốn không, nên chẳng còn tư tưởng đến những điều sợ hãi ấy nữa…

………

Chúng ta thấy sự tích trên đây, thì biết rằng khi mê, in tuồng có nghiệp tội, khi ngộ in tuồng có dứt, thiệt ra thì chơn tánh như như, tuỳ duyên mà chẳng biến đổi, chẳng biến đổi mà tuỳ duyên, mê chẳng thiệt mê, mà ngộ cũng chẳng thiệt ngộ.

Tánh của tội là như vậy, cũng như tánh của các pháp, vốn chơn không chẳng thiệt có.

* * * * * *

XIV

Khi ấy ông Tu-Bồ-Đề bạch với Phật rằng:

— Bạch đức Thế Tôn, như có trai lành gái tín nào phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì nên trụ như thế nào? Nên hàng phục vọng tâm như thế nào?(1)

— Như có trai lành gái tín phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì phải sanh tâm như vầy: Ta phải diệt độ cả thảy chúng sanh, mà chẳng có một chúng sanh nào thiệt diệt độ cả.

Bởi cớ sao? Tu-Bồ-Đề nầy, nếu Bồ-tát mà có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ-tát. Là sở dĩ sao? Thiệt không có pháp chi mà phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác cả.

Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, khi Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, có pháp chi mà đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, không! Như đệ tử tỏ nghĩa của Phật nói thì thuở Ngài ở chỗ Phật Nhiên Đăng, không có pháp chi mà gọi là đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cả.

— Như vậy! Như vậy! Nầy Tu-Bồ-Đề, thiệt không có pháp chi mà Như Lai đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cả.

Tu-Bồ-Đề, bằng có pháp chi mà Như Lai đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì Phật Nhiên Đăng chẳng hề thọ ký cho Ta rằng: Ngươi qua đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Bởi thiệt chẳng có pháp chi mà đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ta và nói như vầy: Ngươi qua đời sau sẽ đặng làm Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Bởi cớ sao? Bởi Như Lai ấy, các pháp đều như.(2) Nếu có người nói Như Lai đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, Tu-Bồ-Đề nầy, thiệt không có pháp chi Phật đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cả.

Tu-Bồ-Đề, Như Lai đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, nơi trong đó không thiệt không hư. Bởi vậy Như Lai mới nói cả thảy pháp đều là Phật pháp.

Nầy Tu-Bồ-Đề, gọi là cả thảy pháp ấy, tức chẳng phải cả thảy pháp.

Tu-Bồ-Đề, ví như thân người to lớn…

— Bạch đức Thế Tôn, Như Lai nói thân người to lớn, nhưng chẳng phải thân lớn, mới là thân lớn.

— Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát cũng như thế đó. Nếu mấy ổng có nói lời nầy: Ta phải diệt độ vô lượng chúng sanh, thì chẳng gọi là Bồ-tát. Bởi cớ sao? Thiệt chẳng có pháp chi gọi là Bồ-tát cả. Bởi vậy, Ta nói: cả thảy pháp không có những tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả.

Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu Bồ-tát mà có nói lời nầy: “Ta phải có trang nghiêm Phật độ,” thì chẳng phải là Bồ-tát. Bởi cớ sao? Như Lai nói trang nghiêm Phật độ, tức chẳng phải trang nghiêm Phật độ, gượng kêu là trang nghiêm.

Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát mà tỏ thấu pháp vô ngã, Như Lai mới gọi thiệt là Bồ-tát.

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI BỐN

(1) HÀNG PHỤC VỌNG TÂM: Vọng tâm với chơn tâm, ai mới tu hành, cũng cho là hai thứ đặc biệt khác nhau. Bởi một đàng thì thanh tịnh vô vi, bản lai thường trụ, bất sanh bất diệt. Còn một đàng thì ô nhiễm đủ thứ, sanh diệt vô thường. Nhưng, sau một thời gian học hỏi lý thuyết Đại thừa Phật học, mới biết vọng tâm lấy chơn tâm làm bản thể, cũng như sóng dùng nước làm bản thể vậy.

Tiểu thừa nhận thiệt có vọng tâm, cũng như nhận thiệt có phiền não, nên dùng trí huệ chiếu phá phiền não. Còn bực Đại thừa thì phiền não tức bồ-đề, vọng tâm với chơn tâm không sai khác.

Vì chỗ thấy của hai bên khác nhau như vậy, nên có một vị thiền sư nói:

Dục trừ phiền não trùng tăng bịnh,

Siêu khởi chơn như tổng thị tà.

Nghĩa là: Nếu ai muốn diệt trừ phiền não, thì không khác nào làm cho bịnh tâm càng tăng thêm. Còn chơn như Phật tánh vốn chẳng sanh chẳng diệt, mà muốn dấy nó lên để siêu xuất đường sanh tử đều là tà kiến cả.

Vọng tâm là tâm vọng tưởng hằng ngày chạy theo pháp trần, có sanh có diệt, có thủ có xả, nên sanh ra thất tình lục dục. Vọng tâm vốn như huyễn như hoá, thì bịnh căn cũng là như huyễn như hoá. Biết được chơn tâm thì rõ được vọng tâm, rõ được vọng tâm thì biết được chơn tâm.

Ở đây Phật nói hàng phục vọng tâm, là nói về bực tu cao cấp của Đại thừa, chớ chẳng phải giải thích cách thức trừ diệt vọng tâm của Tiểu thừa.

Thượng thừa là những bực lòng từ bi chan chứa, bao giờ cũng quyết hoá độ chúng sanh đồng được giác ngộ. Trong khi hoá độ như vậy (hoá độ chúng sanh trong nội tâm, hay ngoại cảnh) nếu có sanh tâm chấp trước hành vi động tác của mình, tức là còn kẹt vào pháp chấp và ngã chấp. Vì cái lý như thế, nên chúng ta thấy phần thứ nhứt Phật trả lời cho ông Tu-Bồ-Đề về cách “hàng phục vọng tâm.” Phần thứ nhì Phật trả lời “trụ như thế nào.”

Phần thứ mười bốn nầy ông Tu-Bồ-Đề cũng hỏi như vậy, nghĩa là hỏi đủ hai thứ: hàng phục vọng tâm và trụ như thế nào. Nhưng tại sao ở đây Phật chỉ trả lời chung một lần và chẳng trả lời riêng biệt từng câu hỏi, như hồi mới vô đầu ở phần thứ nhứt và phần thứ nhì? Điều nầy chúng ta cũng nên xét cho kỹ:

Chẳng chấp có chúng sanh thiệt có diệt độ là câu trả lời thứ nhứt. Chẳng trụ vào pháp trần trong lúc diệt độ chúng sanh là câu trả lời thứ nhì. Hai câu nầy xét cho kỹ, tuy lời nói khác nhau, chớ thật ý nghĩa thì không khác, bởi sự liên quan của các pháp.

Phân tách ra cho kỹ: câu trước trả lời để dạy về “ngã không” câu sau dạy về “pháp không.” Theo lối đối đãi mà nói, có “pháp” tức có “nhơn,” bằng theo lý tánh thì pháp tức là nhơn mà nhơn cũng tức là pháp. Nhơn và pháp chẳng phải một mà chẳng phải khác, bởi vậy ở đây Phật chỉ trả lời ông Tu-Bồ-Đề có một câu mà thôi, gồm đủ cả ý nghĩa hàng phục vọng tâm và trụ như thế nào.

(2) NHƯ LAI ẤY, CÁC PHÁP ĐỀU NHƯ: Như Lai là Phật tánh, là Chơn tâm, là Pháp giới, là Chơn như v.v… Chơn như tức vạn pháp, vạn pháp tức chơn như. Chơn như tuỳ duyên mà sanh ra các pháp, các pháp huờn về chơn như, cũng như nước tuỳ duyên mà sanh ra sóng và muôn hình ngàn tướng, rồi hoàn về bản thể của nó là nước.

Thế thì bản thể của các pháp là chơn như, là Như Lai, mà bản thể với hiện tượng, theo chơn lý viên dung bình đẳng, thì chẳng phải hai, bởi vậy Phật mới nói “Như Lai ấy, các pháp đều như.” Nếu các pháp đều là Như Lai thì các pháp đều tự như, đều tịch diệt, nhưng tại làm sao phàm phu (gồm Nhị thừa) chẳng thấy đặng cái bản thể tự như của các pháp, mà lại chìm đắm trong chỗ sanh diệt vô thường của các pháp? Ấy cũng tại phàm phu chấp trước theo danh theo pháp, nên chẳng rõ được các pháp với bồ-đề diệu minh chơn tâm, nguyên lai chẳng phải khác.

Nói đến danh pháp, tôi nhớ bài kệ trong Trung Luận như vầy:

Nhơn duyên sở sanh pháp,

Ngã thuyết tức thị không.

Diệc danh thị giả danh,

Diệc danh Trung đạo nghĩa.

Nghĩa là: Do chỗ nhơn duyên hoà hợp mà sanh ra các pháp, ta nói tức là không (chơn không), cũng kêu là giả danh, cũng kêu là cái nghĩa của Trung đạo.

Chẳng lưu chuyển theo các pháp tướng, chẳng phân biệt chìm đắm theo giả danh, chứng đặng cái thể như như bình đẳng của các pháp, mới tỏ ngộ được cái lý “Như Lai ấy, các pháp đều như.”

* * * * * *

XV

— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Như Lai có nhục nhãn chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, thiệt vậy, Như Lai có nhục nhãn.

— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Như Lai có Thiên nhãn chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, thiệt vậy, Như Lai có Thiên nhãn.

— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Như Lai có Huệ nhãn chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, thiệt vậy, Như Lai có Huệ nhãn.

— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Như Lai có Pháp nhãn chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, thiệt vậy, Như Lai có Pháp nhãn.

— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Như Lai có Phật nhãn chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, thiệt vậy, Như Lai có Phật nhãn.

— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, như cát trong sông Hằng đó, Phật nói là cát chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, thiệt vậy, Như Lai nói là cát.

— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, như dùng số cát trong một sông Hằng mà ví dụ, có những sông Hằng khác, nhiều bằng số cát ấy, rồi có những thế giới Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thiệt là nhiều chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:

— Những chúng sanh trong các quốc độ ấy, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết tất cả. Bởi cớ sao? Bởi Như Lai nói cả thảy tâm, đều chẳng phải tâm, gượng kêu là tâm.(1)

Tu-Bồ-Đề nầy:

Tâm quá khứ không khá đặng.

Tâm hiện tại không khá đặng.

Tâm vị lai không khá đặng.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI LĂM

Phật nói Ngài có đủ năm thứ nhãn. Đầu tiên là mắt thịt như chúng sanh, kế đó là mắt của chư Thiên, mắt Huệ, mắt Pháp và mắt Phật.

Có người nghe nói như vậy lấy làm lạ cứ suy nghĩ hoài: Con mắt ở đâu mà nhiều như vậy kìa? Họ nghĩ mãi không ra.

Chúng ta nên biết rằng từ phàm phu cho đến chư Thiên, và bốn bực thánh, hễ tu chứng đến bực nào, thì nhãn lực đến bực đó. Tạm mà nói mắt thấy chớ thiệt là tâm thấy biết. Xem kinh Lăng Nghiêm về bảy chỗ hỏi lòng của Phật hỏi ông A Nan, thì biết rằng mắt thấy hay tâm thấy.

Vì có đủ năm thứ nhãn lực như vậy, nên chuyện gì Phật cũng thông biết tất cả, không có một sự vật gì che lấp sự hiểu biết của Ngài. Ví như tâm của chúng sanh trong vô lượng vô số thế giới, nhiều như cát sông Hằng, Phật đều biết tất cả.

Tâm của chúng sanh toàn là vọng tâm, bởi vậy cho nên Phật mới nói: “Cả thảy tâm đều chẳng phải tâm,” tức là vọng tâm vậy. Tâm của chúng sanh là tâm vọng niệm, là tâm không chơn thiệt, chẳng phải là chơn tâm thường trụ. Do cái chỗ sanh diệt của tâm ấy, bèn sanh ra có ba thứ tâm: hiện tại, vị lai và quá khứ, nhưng không có thứ tâm nào là có chỗ đặng cả.

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI LĂM

(1) NHƯ LAI NÓI CẢ THẢY TÂM, ĐỀU CHẲNG PHẢI TÂM, GƯỢNG KÊU LÀ TÂM: Tâm không thiệt có, nhưng nó có là do nơi bóng duyên của sáu trần dọi vào gương chơn tánh, mới sanh ra có tâm. Muốn nói cho rõ, cũng như phản ảnh của vật tượng hiện nơi gương. Pháp trần đã là giả dối không thiệt có, thì cái bóng của nó dọi vào chơn tánh lại thiệt có hay sao? Đó là giả trong cái giả vậy (giả trung chi giả).

Khi chúng ta vào rạp chiếu bóng, xem trên màn bạc, mê mết hình ảnh đang chiếu, nên tưởng là có thiệt, mới la ó vỗ tay cười vang, có lúc lại sợ sệt, hồi hộp, xôn xao… Thình lình đèn bật cháy sáng lên thì không có gì hết. Những tâm sợ sệt, mầng, giận, buồn, vui, thương, ghét,… không còn nữa.

Chúng sanh hiện nay ở trong giấc mê, cũng mầng, giận, buồn, vui, thương, ghét,… như người xem chớp bóng chớ không khác. Khi tu hành giác ngộ được tâm mê lầm, liền sáng suốt tỏ thông, cũng như người xem chớp bóng lúc đèn bật cháy sáng lên, các thứ vọng tưởng không còn nữa, những cái tâm giả dối biến mất, tức là thất tình lục dục đều vắng lặng.

Chúng sanh vì mê muội nên nhận thiệt có tâm có cảnh, ở trong tâm cảnh ấy, tưởng là thiệt có, nên chạy theo pháp trần mới có phiền não vấn vương. Một khi tu hành tỏ ngộ sáng suốt, biết được pháp trần là tuồng giả dối, như chiêm bao bọt nước, đó là giác ngộ chớ không chi lạ.

Câu: “Như Lai nói cả thảy tâm, đều chẳng phải tâm,” nó có hai nghĩa khác nhau theo như nhiều người xem Kim Cang đã bảo.

Nghĩa thứ nhứt: Tâm mà chẳng phải tâm, tức là chơn tâm.

Nghĩa thứ nhì: Tâm mà chẳng phải tâm, gượng kêu là tâm, bởi nó là vọng tâm. Nhiều người xem tới đây, không biết Phật muốn chỉ dạy cái tâm nào. Chiếu theo Hán văn thì như vầy: “Như Lai thuyết chư Tâm, giai vi phi tâm, thị danh vi tâm.” Nghĩa là: “Như Lai nói cả thảy tâm, đều chẳng phải tâm, gượng kêu là tâm.” Đó là cách dịch thứ nhứt, còn cách dịch thứ nhì: “Như Lai nói các thứ tâm, đều chẳng phải tâm, mới gọi là chơn tâm.”

Theo chỗ nghiên cứu của tôi, thì câu nói nầy thuộc về vọng tâm chớ chẳng phải chơn tâm. Bởi trong Hán văn có chữ CHƯ, dịch là các, là cả thảy, thuộc về số nhiều.

Tâm mà có số nhiều, tức là vọng tâm, nào tâm tham lam, tâm ích kỷ, tâm giận hờn, tâm thương ghét, tâm qua rồi, tâm hiện tại, tâm chưa đến, v.v… Cả thảy tâm trên đây biến hiện vô thường, giả dối không thiệt. Bởi vậy cho nên Phật mới nói: “Như Lai nói cả thảy tâm, đều chẳng phải tâm, gượng kêu là tâm.”

* * * * * *

XVI

— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, nếu có người dùng đồ bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới, rồi đem ra mà bố thí. Người ấy dùng nhơn duyên như vậy, có được phước đức nhiều chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, thiệt vậy, người ấy dùng nhơn duyên như thế, thì đặng phước đức rất nhiều.

— Tu-Bồ-Đề, nếu phước đức thiệt có (hữu vi) thì Như Lai chẳng nói là đặng phước đức nhiều. Bằng dùng phước đức không (vô vi), Như Lai mới nói là đặng phước đức nhiều.(1)

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI SÁU

(1) BẰNG DÙNG PHƯỚC ĐỨC VÔ VI, NHƯ LAI MỚI NÓI LÀ ĐẶNG PHƯỚC ĐỨC NHIỀU: Tuy rằng Phật so sánh phước đức hữu vi với vô vi, để cho biết về phẩm cũng như về lượng, vô vi là đáng quí trọng hơn hết. Sự so sánh nầy không phải cốt yếu là phân nặng nhẹ, đo vắn dài, chia nhiều ít theo thế pháp, mà nó có ẩn ý khuyên hàng Nhị thừa Thinh Văn, Duyên Giác biết rằng: Chủ nghĩa Từ bi của nhà Phật, bao giờ cũng lấy sự cứu độ chúng sanh và sự giải thoát hoàn toàn viên mãn làm cứu cánh. Ta tu đây là tu cho chúng sanh, ta giải thoát là giải thoát cho chúng sanh, vì chúng sanh mà tu mà giải thoát, chớ chẳng phải vì tư kỷ cá nhơn.

Lời nói của Phật có ý khuyên người tu hành nên tỉnh ngộ, đừng lấy sự bố thí làm cứu cánh trên con đường tu học Phật pháp, nhứt là phải có tinh thần tích cực và nhập thế.

Phật đã nói các pháp đều bình đẳng, không có cao thấp, thì còn so sánh vô vi với hữu vi, so sánh nhiều phước với ít phước làm chi cho mâu thuẫn? Nhưng đây là phương tiện mà nói với hàng nhị thừa đó thôi.

Theo luật nhơn quả, thì làm nhơn duyên gì, phải chịu lãnh quả báo nấy, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng có điều chúng ta muốn biết thêm, là nhơn quả tục đế khác với chơn đế như thế nào.

Đối với chơn đế mà nói, thì mặc dầu dùng đồ bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới để bố thí, cũng còn là ác duyên chớ chẳng phải thiện duyên. Bởi vì nhơn duyên của tục đế, dầu thiện, bất thiện, hay vô ký cũng còn trong nguồn gốc mê lầm, nghĩa là còn sanh diệt vô thường.

Định nghĩa thiện và bất thiện của chơn đế khác hẳn với tục đế như vậy, thì chúng ta biết rằng: Cái gì mà sự kết quả của nó còn sanh diệt vô thường, còn biến đổi theo cảnh, thì cái đó là bất thiện. Còn cái gì mà sự kết quả của nó thường trụ, vắng lặng, bất sanh bất diệt, thì cái đó là thiện.

Vậy thì phước đức hữu vi ở đây là bất thiện chớ chẳng phải thiện.

Trong chỗ làm duyên phước đức, dầu là thí tài đi nữa mà lòng không chấp trước, cũng được gọi là phước đức vô vi. Bồ-tát không chịu thọ lãnh phước đức, cũng gọi là phước đức vô vi. Bố thí bất trụ tướng, cũng gọi là phước đức vô vi.

Có hai thứ vô vi trong khi tu thiền định:

  1. Hư không vô vi:Nghĩa là nhận thức muôn pháp đều như hư không, chẳng có tự tánh; gốc của nó chẳng có năng tác và sở tác, tức là hư vô tịch diệt, không có tác dụng thực tại trong lúc tham thiền. Đó là cảnh giới vô ký vậy.
  2. Phi trạch diệt vô vi:Nghĩa là hiểu rỏ pháp tánh của muôn sự muôn vật vốn thường thanh tịnh, chẳng phải nhờ trừ diệt các duyên ô nhiễm mới được thanh tịnh.

Trong khi tu hành, ngoài sự khô định về vô ký như các cõi Trời nên tránh (là vì nó còn ở trong tục đế, hữu lậu, như định Tam thiền định Tứ thiền), mà còn phải dè dặt hiểu rõ vô ký trong chơn đế như hai phần vô vi đã nói trên đây.

Tục đế cũng có vô ký (như định của các cõi Trời) mà chơn đế cũng vô ký nữa (hai phần vô vi đã giải ở trên).

“Dùng phước đức vô vi, Như Lai mới nói là đặng phước đức nhiều,” thì trong lúc dùng ấy, nghĩa là trong lúc tu luyện các pháp vô lậu, nên hiểu rõ chơn đế và tục đế về thiện cũng như về ác; nên hiểu rõ cảnh giới vô ký về chơn đế và tục đế nữa.

* * * * * *

XVII

— Nầy Tu-Bồ-Đề, có nên dùng sắc thân đầy đủ… mà thấy Như Lai chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, không! Chẳng nên dùng sắc thân đầy đủ mà thấy Như Lai. Bởi cớ sao? Bởi Như Lai nói sắc thân đầy đủ… tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, gượng kêu là sắc thân đầy đủ.

— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, có nên dùng các tướng đầy đủ… mà thấy Như Lai chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, không! Chẳng nên dùng các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai.(1) Bởi cớ sao? Bởi Như Lai nói các tướng đầy đủ… tức chẳng phải đầy đủ, gượng kêu là đầy đủ. 

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI BẢY

Có nhiều người thấy sắc thân của Phật đầy đủ những tướng tốt, rồi để ý tò mò muốn biết Phật, xem Phật, nhưng không chịu lìa sắc thân của Ngài. Phật muốn cho những người ấy đủ tư cách quan sát và ngăn cái bịnh thông thường của thế tình, là xem bề ngoài mà võ đoán, nên mới hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, có nên dùng sắc thân đầy đủ… mà thấy Như Lai chăng?”

Ông Tu-Bồ-Đề cũng rõ như vậy, nên trả lời rằng: “Bạch đức Thế Tôn, không! Chẳng nên dùng sắc thân đầy đủ… mà thấy Như Lai. Bởi cớ sao? Bởi Như Lai nói sắc thân đầy đủ… tức chẳng phải đầy đủ, gượng kêu là đầy đủ.”

Ông Tu-Bồ-Đề trả lời và giải thích như thế, cho trong đại hội biết rằng những tướng tốt đẹp của sắc thân không thiệt có, chỉ giả hiện mà thôi.

Đã nói sắc thân đầy đủ rồi, bây giờ nói tới các tướng đầy đủ, tức là nói cái tướng hảo quang minh của Phật, thì cũng đồng một ý nghĩa với sắc thân, cũng chẳng thiệt có. Nếu chấp ba mươi hai tướng chánh, tám mươi tướng phụ, một vòng hào quang là thiệt có, thì cũng như chấp sắc tướng là thiệt có.

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI BẢY

(1) CHẲNG NÊN DÙNG CÁC TƯỚNG ĐẦY ĐỦ MÀ THẤY NHƯ LAI: Vật có tướng đã đành mà sự cũng có tướng nữa.  là tướng, mà không cũng là tướng. Xét bao nhiêu đó thì biết rằng tướng tốt, tướng xấu, tướng động tướng tịnh, tướng chơn tướng giả, tướng quang minh, tướng hắc ám, v.v… đều là tướng cả.

Phần thứ mười bảy nầy, Phật muốn phá mê cho những người còn đeo theo sắc tướng, nghĩa là đeo theo bề ngoài của vạn pháp mà quên mất bản–thể chơn như.

Muốn hiểu rõ tại làm sao có pháp tướng, nghĩa là nguồn gốc của pháp tướng là do nơi đâu, thì nên tìm hiểu ba cái Tế tướng và bốn cái Thô tướng mới biết đặng.

Khi đã rõ nguồn gốc tại làm sao sanh ra pháp tướng rồi, thì mới biết cái căn bản giả dối của nó tức nguồn gốc sanh diệt vô thường mà xa lìa, không chấp theo pháp tướng nữa.

Hễ rõ được nguồn gốc pháp tướng thì rõ được nguồn gốc sanh diệt vô thường, tức là cái vọng tâm giả dối của mình, tự nhiên ngộ được chơn tâm thường trụ diệu minh viên giác.

Ông Tu-Bồ-Đề nói rằng: “Chẳng nên dùng sắc thân đầy đủ và sắc tướng đầy đủ mà thấy Như Lai,” tức là ông muốn cho người ta xa lìa pháp tướng để rõ pháp tánh, xa lìa vạn pháp để nhận thức chơn như. Nếu không xa lìa như vậy, làm sao thấy được Như Lai, làm sao cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác?

Vả chăng Như Lai là cái chơn tâm diệu minh viên giác, mà chơn tâm là Bồ-đề, tức là tánh giác ngộ của mình, chớ không có gì lạ.

Chẳng nên dùng các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai: thấy Như Lai cũng kêu là thấy tánh, hay thấy Phật cũng một thứ, đó là nói về lý tánh bên trong.

Người tu hành ai ai cũng thấy Phật, thấy Như Lai được hết, miễn là mình tỏ ngộ được bổn lai diện mục. Nếu dùng sắc thân của Phật, dùng tướng tốt của Phật mà thấy Phật, chẳng khác nào thấy vạn pháp, mà cho là chơn như.

Cái lý kiến tánh không thể nói cho hết được, gặp đâu nói đó. Đức Lục Tổ Huệ Năng có nói: “Không nhớ không chấp trước, chẳng khởi vọng tưởng điên cuồng, tự mình dùng lấy tánh chơn như, đem trí huệ quán chiếu nơi cả thảy pháp, không chấp không bỏ, tức là kiến tánh thành Phật.”

Căn cứ theo lời nói nầy thì nó quan hệ ở chỗ trí huệ quán chiếu các pháp, dầu hữu vi hay vô vi, dầu hữu tưởng hay vô tưởng, dầu thế gian hay xuất thế gian,… đều là bình đẳng không hai không khác, chẳng lấy pháp nào, mà cũng chẳng bỏ pháp nào. Nếu như chấp không xả có, chấp chơn bỏ vọng, chấp chánh lìa tà, v.v… đều là biên kiến cả.

Cái nghĩa kiến tánh muốn luận bàn cho hết, dầu biển mực nói cũng không cùng, bởi nó là cái chơn lý của muôn sự muôn vật, trùng trùng vô tận, vậy tuỳ theo giấy mực có hạn mà thảo luận chỗ tối thiểu, hoặc tuỳ theo Kim Cang, chỗ nào Phật có nói thì bàn thêm.

* * * * * *

XVIII

— Nầy Tu-Bồ-Đề, ngươi chớ nói Như Lai tưởng như vầy: Ta nên có chỗ thuyết pháp. Ngươi chớ có tưởng như thế. Bởi cớ sao? Bằng người nào nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là “chê” Phật. Như vậy họ đâu có tỏ nghĩa lý mà Ta nói đó.

Tu-Bồ-Đề, thuyết pháp đó, không có pháp chi mà thuyết, gượng kêu là thuyết pháp.

— Bạch đức Thế Tôn, chúng sanh ở đời vị lai nghe nói pháp nầy, họ có sanh lòng tin chăng?

— Nầy Tu-Bồ-Đề, đó chẳng phải chúng sanh, nhưng cũng chẳng phải không chúng sanh.(1) Bởi cớ sao? Chúng sanh, chúng sanh ấy, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, gượng kêu là chúng sanh.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI TÁM

Bố thí theo Tam luân thể không: ta, người, pháp đều không, cái không đó cũng là không. Trong lúc nói pháp, đừng chấp có thiệt pháp để nói, đừng chấp có người nghe pháp, và ta cũng chẳng có nói pháp. Trong ba món nầy, kẹt một thì kẹt cả ba.

Ai nói Phật còn có chỗ thuyết pháp, thì không khác nào cho Phật là còn phàm phu, còn chấp sự chấp lý, còn kẹt đủ bốn tướng. Phật đã dạy vô trụ tướng bố thí, đã nói vô pháp khả thuyết, mà cho Phật còn có chỗ nói pháp, há chẳng mâu thuẫn lắm sao? Bởi vậy Phật mới nói: “Bằng người nào nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là “chê” Phật. Như vậy họ đâu có tỏ nghĩa lý mà Ta nói đó.”

Ông Tu-Bồ-Đề hỏi Phật: “Bạch đức Thế Tôn, chúng sanh đời vị lai nghe nói pháp nầy, họ có sanh lòng tin chăng?” Làm cho Phật phải đính chánh rằng không thiệt có chúng sanh. Phật nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, đó chẳng phải chúng sanh.” Nhưng nếu nói đó chẳng phải là chúng sanh, rồi người ta chấp thiệt không có chúng sanh, thì lọt vào biên kiến đoạn diệt, nên Phật nói liền theo: “Nhưng cũng chẳng phải là không chúng sanh.”

Chẳng phải có chúng sanh, chẳng phải không chúng sanh là cái lý viên dung bình đẳng, là cái lý chơn không bất không. Nếu chấp có chúng sanh thì kẹt vào bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, còn chấp không chúng sanh, thì lạc vào hư vô đoạn diệt.

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI TÁM

(1) ĐÓ CHẲNG PHẢI CHÚNG SANH, NHƯNG CŨNG CHẲNG PHẢI KHÔNG CHÚNG SANH, GƯỢNG KÊU LÀ CHÚNG SANH: Chúng sanh là một danh từ đối đãi với Phật. Nếu Phật là một giả danh, đặt ra để chỉ một bực đã giác ngộ, thì chúng sanh cũng là một giả danh để chỉ kẻ còn mê.

Nếu chấp có chúng sanh ở ngoài, thì kẹt vào bốn tướng, còn chấp có chúng sanh nơi lòng mình, thì chấp có thiệt pháp.

Biết được tánh chúng sanh thì biết được Phật tánh của mình. Pháp Bửu Đàn Kinh có nói: “Người đời sau mê, nếu biết được chúng sanh, thì tức là Phật tánh đó vậy. Bằng chẳng biết được chúng sanh, thì muôn kiếp tìm Phật không gặp. Nay ta dạy các ngươi, nếu biết được tâm chúng sanh của tự mình, thì thấy được Phật tánh của tự mình. Muốn cầu thấy Phật, phải biết chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê Phật, chớ chẳng phải Phật mê chúng sanh.”

Theo lời nói nầy, thì chúng ta trước hết nên biết tánh chúng sanh, mà tánh chúng sanh là những tánh phàm phu tục tử, ăn ngược nói ngạo, gian tà sủng nịnh, giận hờn si mê, bán nước hại dân, tham lam ích kỷ, sát sanh hại vật, khen chê phải quấy, còn mất có không, v.v… Biết được lòng mình có những thói xấu tật hư trên đây, tức là biết được tánh chúng sanh nơi mình.

Bởi vậy tiếp theo đó, Lục Tổ nói: “Tánh của mình bằng ngộ, chúng sanh là Phật. Tánh của mình bằng mê, Phật là chúng sanh. Tánh của mình nếu bình đẳng, chúng sanh là Phật. Tánh của mình nếu tà hiểm, Phật là chúng sanh. Bằng như các ngươi có lòng khúc mắc hiểm sâu, tức là Phật trong chúng sanh. Một niệm bằng phẳng tức là chúng sanh thành Phật.”

Như thế thì chúng sanh đáng cho chúng ta tìm biết học hỏi lắm. Chúng sanh có tánh của chúng sanh. Phật có tánh của Phật.

Vì cái lẽ chúng sanh chẳng thiệt là chúng sanh, nghĩa là một ngày kia tỏ ngộ, thì không còn là chúng sanh nữa. Nhưng chẳng phải là không chúng sanh, nghĩa là nói cái chỗ chưa tỏ ngộ, còn mê lầm, nên tạm gọi là chúng sanh.

Những kẻ cố chấp cho mình là chúng sanh không thể làm Phật được, hãy xét lấy đó mà dõng tiến tu hành.

* * * * * *

XIX

— Bạch đức Thế Tôn, Phật đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, là không có chi đặng sao?

— Thiệt vậy! Thiệt vậy! Tu-Bồ-Đề nầy, Ta đối với đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho đến không có một chút pháp chi mà gọi là đặng cả. Ấy mới gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Nầy Tu-Bồ-Đề, pháp vốn bình đẳng không có cao thấp, mới gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bởi không ta, không người, không chúng sanh, không thọ giả.

Tu cả thảy pháp lành, tức đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu-Bồ-Đề, gọi là pháp lành ấy, Như Lai nói chẳng phải pháp lành, gượng kêu là pháp lành.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI CHÍN

Chẳng phải ông Tu-Bồ-Đề còn nghi pháp, nên gạn hỏi Phật lần thứ tư nầy. Nếu ông còn nghi pháp thì đâu đủ sức vấn đáp với Phật cho tới đoạn nầy. Hoặc giả trong đại hội Bát-nhã hôm nay, còn có người chưa ngộ giải chăng? Còn chấp có chứng đắc chăng? Bởi vậy Phật mới trả lời: “Thiệt vậy! Thiệt vậy! Nầy Tu-Bồ-Đề, Ta đối với đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho đến không có một chút pháp chi mà gọi là đặng cả…”

Vô thượng chánh đẳng chánh giác là chơn tâm thường trụ diệu minh, bổn lai rỗng rang vắng lặng, tròn sáng, không có cái tướng hơn thua cao thấp, không có phải quấy nên hư, không có ta đây người đó, không có trên dưới vắn dài, nghĩa là không có trong vòng hạn lượng đối đãi, tánh ấy vốn viên dung bình đẳng, nên Phật mới giảng: “Nầy Tu-Bồ-Đề, pháp vốn bình đẳng không có cao thấp, mới gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. bởi không ta, không người, không chúng sanh, không thọ giả.”

Vì cái chỗ viên dung bình đẳng của các pháp, hễ chấp cái nầy tức là chấp cái kia, cho nên trong khi tu pháp lành (thiện pháp) chúng ta cũng chẳng nên chấp rằng có tu pháp lành. Bởi cái lẽ ấy Phật mới nói: “Tu-Bồ-Đề, gọi là pháp lành ấy, Như Lai nói chẳng phải pháp lành, gượng kêu là pháp lành.”

* * * * * *

XX

— Nầy Tu-Bồ-Đề, như trong ba ngàn đại thiên thế giới, có những núi chúa Tu Di, nếu có người góp tất cả đồ bảy báu bằng như thế dùng mà bố thí.

Đàng khác, bằng có người dùng kinh Bát-nhã Ba-la-mật nầy, cho đến những bài kệ bốn câu mà thọ trì đọc tụng và vì người khác mà giảng thuyết, thì phước đức trước kia, chẳng bằng một phần trăm, ngàn, muôn, ức, cho đến cũng không bằng một phần thiệt nhỏ, tột số không thể mà đếm tính ví dụ được.

* * * * * *

XXI

— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, các ngươi chớ nói Như Lai có tưởng như vầy: Ta phải độ chúng sanh.

Không! Chớ có tưởng như vậy. Bởi cớ sao? Bởi thiệt không có chúng sanh nào mà Như Lai độ cả. Nếu có chúng sanh nào mà Như Lai độ, tức là Như Lai có tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả.

Tu-Bồ-Đề, Như Lai nói có ta, nhưng chẳng phải có ta, mà kẻ phàm phu gọi là có ta. Phàm phu ấy, Như Lai nói chẳng phải phàm phu, gượng kêu là phàm phu.

* * * * * *

XXII

— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, có nên dùng ba mươi hai tướng mà xem là Như Lai chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, như vậy! như vậy! Cũng nên dùng ba mươi hai tướng mà xem là Như Lai.

— Nầy Tu-Bồ-Đề, bằng dùng ba mươi hai tướng mà xem là Như Lai, thì té ra Chuyển Luân thánh vương cũng là Như Lai chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, như đệ tử nay rõ nghĩa của Phật nói, thì chẳng nên dùng ba mươi hai tướng mà xem là Như Lai.

Khi ấy đức Thế Tôn cất tiếng kệ rằng:

Bằng dùng sắc thấy Ta,

Lấy âm thinh cầu Ta,

Kẻ ấy làm tà đạo,

Chẳng thấy đặng Như Lai. (1)

Nầy Tu-Bồ-Đề, bằng ngươi có tưởng như vầy: Như Lai chẳng dùng tướng cụ túc mà đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Không, chớ có tưởng như vậy, Như Lai há chẳng dùng tướng cụ túc mà đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác ư?

Tu-Bồ-Đề, bằng ngươi có tưởng như vầy: Phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác ấy, mà nói các pháp đều là đoạn diệt. Không! Chớ có tưởng như vậy. Bởi cớ sao? Bởi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác – theo pháp – thì chẳng nên nói cái tướng đoạn diệt.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN HAI MƯƠI HAI

Chúng ta thấy rằng ông Tu-Bồ-Đề đã nhiều lần biện luận với Phật về nghĩa thân tướng một cách rốt ráo. Từ trước đến đây, ông Tu-Bồ-Đề tỏ ra một bực hoàn toàn ngộ giải. Nhưng tại làm sao đến đoạn nầy, cũng nói về thân tướng, mà ông lại lầm lạc như thế? Chỗ nầy chúng ta cũng nên tìm hiểu.

Như ai nấy đều biết, nói có tướng cũng chẳng được, mà nói không tướng cũng chẳng nhằm. Ở đây ông Tu-Bồ-Đề muốn nói cái lý chẳng phải không tướng, để phá chấp cho những kẻ còn biên kiến, chưa ngộ được cái lý sắc không viên dung bình đẳng của muôn sự muôn vật, nên khi Phật hỏi: “Có nên dùng ba mươi hai tướng mà xem là Như Lai chăng?” Ông Tu-Bồ-Đề vội vã nhìn nhận ngay. Sở dĩ ông Tu-Bồ-Đề nhìn nhận như vậy là ý của ông muốn nói rằng: Lìa tướng ra thì chẳng có thể thấy tánh được, nghĩa là phải nương nơi hiện tượng mới thấy được bản thể thanh tịnh vô vi. Nhưng không dè Phật chẳng đồng ý với ông, nên mới gạn lại mà nói rằng: “Nếu dùng ba mươi hai tướng mà xem là Như Lai, thì té ra Chuyển Luân thánh vương cũng là Như Lai chăng?”

Ông Tu-Bồ-Đề cũng sáng suốt, biết rằng Phật trước muốn phá chấp, rồi sau sẽ đem lại cái lý Trung Đạo thiệt tướng, nên bỏ xuôi rằng: “Bạch đức Thế Tôn, như đệ tử nay rõ nghĩa của Phật nói, thì chẳng nên dùng ba mươi hai tướng mà cho là Như Lai.”

Chỉ có thế thôi! Vậy mà nhiều người cho rằng ông Tu-Bồ-Đề còn lầm lạc, còn chấp tướng, nên mới nhận ba mươi hai tướng là Như Lai, nên bị Phật quở. Ông Tu-Bồ-Đề là bực giải không đệ nhứt, có lý đâu lại lầm chấp như vậy sao?

Khi ấy Phật bèn cất tiếng kệ cho trong đại hội nghe. Chúng ta biết rằng chỗ thuyết lý của Phật không ngoài tự tánh, bởi vậy bài kệ có ý muốn cho mọi người đều thấy được cái chơn ngã của mình, nên hai câu đầu có chữ Ta. Ta đây là chơn ngã, là Phật tánh, là chơn tâm, là Pháp thân Như Lai. Chữ Ta ở trong bài kệ, ấy là chữ Ngã trong bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Muốn thấy được Pháp thân Như Lai, thì phải lìa sắc tướng thinh âm ra, bằng như dùng sắc tướng thinh âm mà cầu Như Lai, là kẻ làm tà đạo, chẳng thấy được Như Lai.

Tuy bài kệ nói lìa sắc tướng như vậy, nhưng chúng ta phải hiểu rằng chẳng phải lìa là đoạn tuyệt, hay là xa hẳn sắc tướng mà thấy được Như Lai, bởi chơn như với vạn pháp cũng như nước với sóng, ngoài nước không có sóng, ngoài sóng không có nước. Bởi cái lý chơn như không lìa vạn pháp, nên Phật mới nói tiếp: “Nầy Tu-Bồ-Đề, bằng ngươi tưởng như vầy: Như Lai chẳng dùng tướng cụ túc mà đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Không! Chớ có tưởng như vậy, Như Lai há chẳng dùng tướng cụ túc mà đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác ư?”

Phật nói như thế thì chúng ta biết rằng Pháp thân chẳng lìa sắc thân mà có, cũng như chơn như chẳng lìa vạn pháp vậy. Nếu lìa sắc thân cụ túc, thì lạc vào chỗ đoạn diệt, đâu biết được tánh tướng thể dụng như như bình đẳng, vốn là dung thông với nhau, cho nên Phật mới nói: “Phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác–theo pháp –thì chẳng nên nói cái tướng đoạn diệt.”

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ HAI MƯƠI HAI

(1) BẰNG DÙNG SẮC THẤY TA — LẤY ÂM THINH CẦU TA…:

Bài kệ nầy, nếu muốn nói Phật tiên tri về sau kẻ tu hành đi lạc đường, dùng sắc tướng thinh âm mà cầu Phật, cũng chẳng phải là trật.

Có người nói rằng: Bài kệ nầy có ý dùng vào lúc sanh tiền của Phật. Là vì trong hàng Tiểu thừa muốn quan sát Ngài, thì lấy bài kệ ấy mà làm tiêu chuẩn.

Nếu nói như vậy, thì ngày nay bài kệ ấy làm sao dùng đặng, bởi vì Phật đã nhập diệt trên hai ngàn rưỡi năm rồi, còn đâu nữa mà dùng bài kệ ấy để quan sát Ngài? Chúng tôi đã nói rằng chỗ thuyết pháp của Phật không ngoài tự tánh chơn như, thế thì bài kệ nầy là cái phản ảnh của như như tự tánh. Bài kệ có ý nghĩa dạy muốn tìm bên trong tự tánh, thì phải lìa sắc tướng bên ngoài, dầu là ba mươi hai tướng hảo quang minh, dầu là hào quang sáng chói, không thể lấy đó mà quyết định cho là Phật được.

Phật pháp là tâm pháp, mà tâm pháp thì không thể cầu nơi ngoài được. Bài kệ có ý dạy tìm chơn ngã là tự tánh, nghĩa là dạy tìm cái bổn lai diện mục, hễ ngộ được tức là kiến tánh vậy.

Tự tánh Phật, tức chẳng phải chúng sanh; tự tánh chẳng sanh chẳng diệt tức Niết-bàn; tự tánh bình đẳng tức không có cao thấp; tự tánh viên dung tức không sai biệt; tự tánh không dời đổi tức thường trụ; tự tánh sáng suốt nhiệm mầu tức diệu minh, v.v…

Tự tánh của mình là Phật chớ không có Phật nào khác nữa mà đi tìm cầu. Muốn cầu Phật, biết Phật thì phải cầu ngay trong tánh của mình, nghĩa là cầu cho tự tánh được viên minh, tự tâm cho được giác ngộ, đó là thấy Phật, đó là biết Phật, chớ không có sự thấy biết nào khác nữa (cũng kêu là tri kiến Phật).

Trong bài kệ có mấy tiếng: Thấy Ta, cầu Ta, thấy Như Lai, làm cho tôi nhớ đến bài kệ của đức Lục Tổ Huệ Năng như vầy:

Kim sanh nhược ngộ Đốn giáo môn,

Hốt ngộ tự tánh kiến Thế Tôn.

. . . . . . . . . . . .

. . . . . . . . . . . .

Bất kiến tự tánh ngoại mích Phật,

Khởi tâm tổng thị đại si nhân.

Nghĩa là: Đời nay bằng ngộ môn Đốn giáo–Chợt tỏ tánh mình thấy Thế Tôn…… Chẳng thấy tánh mình tìm Phật ngoài– Khởi tâm như vậy thiệt người mê.

Cái lý kiến Phật, kiến Như Lai hay kiến tánh là như vậy, chúng ta cũng nên chú ý, đừng nghe lời người nói rằng thấy Phật hiện xuống, hoặc thấy Phật bằng chiêm bao, hay là thấy Phật xuống cơ bút mà lầm chết.

Muốn biết mình thấy Phật thiệt hay Phật giả, xin xem bài kệ dưới đây, cũng của đức Lục Tổ Huệ Năng:

Nhứt thiết vô hữu chơn,

Bất dĩ kiến ư chơn.

Nhược kiến ư chơn giả,

Thị kiến tận phi chơn.

Nhược năng tự hữu chơn,

Ly giả tức tâm chơn.

Tự tâm bất ly giả,

Vô chơn hà xứ chơn?

Giải trắng:

Cả thảy trên thế gian không có cái gì là chơn thiệt,

Chẳng khá nhận cái gì về mắt thấy mà cho là chơn thiệt.

Bằng theo chỗ mắt thấy mà cho là chơn thiệt,

Thì chỗ thấy ấy toàn là giả dối (không chơn).

Bằng muốn cho mình có sự chơn thiệt,

Lìa giả tâm mới thiệt.

Nếu tâm của mình chẳng chịu lìa giả,

Thì đâu có thiệt. Và chỗ nào mới gọi là thiệt?

Ai muốn rõ Phật thiệt Phật giả để mà thấy biết, thì nên xét lại bài kệ trên đây cho kỹ. Bài kệ nầy cũng như bài kệ của Phật khi nãy bảo lìa sắc tướng là tuồng giả mỵ, mới thấy được Như Lai. Đại để hai bài kệ cũng đồng làm cho người tu hành kiến tánh cả.

* * * * * *

XXIII

— Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu Bồ-tát dùng đồ bảy báu đầy cả thế giới nhiều bằng số cát sông Hằng đem ra mà bố thí.

Bằng lại có người biết cả thảy pháp vô ngã mà thành tựu đặng cái pháp nhẫn,(1) thì phước đức Bồ-tát nầy hơn Bồ-tát kia. Bởi cớ sao? Bởi Bồ-tát nầy chẳng chịu thọ lãnh phước đức vậy.

—  Bạch đức Thế Tôn, thế nào là Bồ-tát chẳng chịu thọ lãnh phước đức?

— Nghĩa là Bồ-tát làm việc phước đức mà chẳng tham chấp, nên gọi là Bồ-tát chẳng chịu thọ lãnh phước đức.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ HAI MƯƠI BA

Chúng ta đã thấy nhiều lần Phật so sánh phước đức bố thí đồ bảy báu đối với phước đức trì kinh. Ở đây Phật cũng so sánh phước đức bố thí với một vị Bồ-tát đã thông đạt cả thảy pháp vô ngã. Lẽ tất nhiên phước đức của một vị Bồ-tát chứng được vô sanh pháp nhẫn, nhiều hơn vị làm duyên phước đức. Bởi vậy Phật mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu Bồ-tát dùng đồ bảy báu đầy cả thế giới nhiều bằng số cát sông Hằng, đem ra mà bố thí. Bằng lại có người biết cả thảy pháp vô ngã, mà thành tựu đặng cái pháp nhẫn, thì phước đức Bồ-tát nầy hơn Bồ-tát kia. Bởi Bồ-tát nầy chẳng chịu thọ lãnh phước đức.”

Cả thảy pháp vô ngã thì chúng ta biết rằng nhơn vô ngã và pháp vô ngã. Trong chỗ nhơn vô ngã, lại phân chia ra phân biệt ngã chấp và cu sanh ngã chấp.

Nhờ thành tựu được pháp vô ngã, cho nên trong lúc làm việc bố thí, chẳng thấy có ta thí, chẳng thấy có người thọ thí, chẳng thấy có sự vật để thí. Những vị Bồ-tát thành tựu được pháp vô ngã, trong khi làm việc bố thí chẳng có lòng tham chấp hay là thọ lãnh phước đức. Bởi vậy Phật mới nói: “Bồ-tát làm việc phước đức mà chẳng tham chấp, nên gọi là Bồ-tát chẳng chịu thọ lãnh phước đức.”

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ HAI MƯƠI BA 

(1) THÀNH TỰU ĐƯỢC PHÁP NHẪN: Bồ-tát tu hạnh nhẫn nhục có hai thứ, sanh nhẫn và pháp nhẫn.

Sanh nhẫn: Bồ-tát tu sanh nhẫn, khi người ta chê mình, hoặc vu oan nói xấu, cùng là bị mắng chưởi nhục mạ… nhưng lòng vẫn không sân hận, vẫn vui vẻ nói lời dịu ngọt, đó là “cảnh nghịch.”

Còn như lúc đi ra cứu độ chúng sanh, hoặc thuyết pháp, hoặc họ cúng dường quần áo, thuốc men… bởi họ có lòng cung kỉnh. Hoặc là khen ngợi công đức của mình, sùng bái hoan hô mình một cách long trọng, mà mình cũng không mầng, không ham, không tự kiêu tự đắc, không tự tôn tự đại… đó là “cảnh thuận.”

Dầu cảnh thuận hay cảnh nghịch, tánh của Bồ-tát vẫn vắng lặng, không thấy có cảnh nghịch mà phải xa lánh hoặc chán bỏ. Không thấy có cảnh thuận mà ưa thích theo đuổi.

Pháp nhẫn: Bồ-tát tu pháp nhẫn là chịu đựng được các pháp tánh của muôn sự muôn vật, như nóng, lạnh, bịnh tật, mưa gió, nuớc lửa, đói khát… dầu kham khổ thế mấy cũng vẫn thanh tịnh, không sanh phiền não, tâm tợ hư không chẳng lay chuyển.

Khi đã chứng được sanh nhẫn và pháp nhẫn, gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Chứng được vô sanh pháp nhẫn cũng có nghĩa là Bồ-tát quán chiếu bát-nhã, biết được các pháp gốc là vô sanh, là chơn không, mà chơn không thì rỗng rang vắng lặng. Trong cái tâm vắng lặng ấy, cũng chẳng thấy cái gì gọi là vắng lặng, cũng chẳng thấy cái gì gọi là chơn không. Như thế thì đâu có pháp nào sanh mà cần phải nhẫn, nên cũng gọi là Vô sanh pháp nhẫn.

* * * * * *

XXIV

— Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu người nào nói Như Lai là hoặc tới hoặc lui, hoặc ngồi hoặc nằm,(1) thì người đó chẳng hiểu rõ ý nghĩa chỗ Ta nói đó. Bởi cớ sao? Bởi Như Lai là chẳng phải từ đâu mà tới, cũng chẳng phải từ đâu mà lui, mới gọi là Như Lai.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ HAI MƯƠI BỐN

Phần nầy theo lẽ giảng chung với phần nói về thân tướng, sắc tướng, tướng cụ túc, ba mươi hai tướng… mới phải. Sao lại chen ở chỗ nầy có hai câu nói mà hệ thống của nó không ăn với đoạn gần hơn hết. Hơn nữa, cách giải thích về hai tiếng “Như Lai” hình như là lối định nghĩa của chữ Tàu (?)

Muốn giải nghĩa phần hai mươi bốn nầy, phải do theo hệ thống của phần hai mươi hai mà bàn luận, hoặc may còn phù hạp. Chúng ta đã biết rằng Pháp thân không ngoài sắc thân, nghĩa là muốn cầu Phật, muốn thấy Phật, chẳng nên lìa hẳn sắc thân cụ túc. Vì cái lẽ ấy, nên nhiều người thấy Phật cũng đi cũng đứng, cũng ăn uống, nằm ngồi như mọi người, rồi quan niệm rằng: Phật cũng tới lui đi đứng, nằm ngồi. Hơn nữa, cũng có người cho Phật có chỗ ở, nhưng tới cõi Diêm phù nầy để dạy đạo, rồi cũng sẽ có chỗ về… Vì quan niệm một cách sai lầm như thế, nên Phật mới đính chánh rằng: “Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu người nào nói Như Lai là hoặc tới hoặc lui, hoặc ngồi hoặc nằm, thì người đó chẳng hiểu rõ ý nghĩa chỗ Ta nói đó. Bởi cớ sao? Bởi Như Lai là chẳng phải từ đâu mà tới, cũng chẳng phải từ đâu mà lui, mới gọi là Như Lai.”

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ HAI MƯƠI BỐN

(1) NHƯ LAI LÀ HOẶC TỚI, HOẶC LUI…: Nhận thiệt Như Lai là có tới có lui, có nằm có ngồi, là nhận cái sắc thân giả hợp, chớ chẳng thấy được chơn tánh Như Lai.

Ở đời, lúc mê thì hiểu khác, khi ngộ thì hiểu khác. Đó là cái lẽ thực tế. Kinh Viên Giác có nói: “Cái lý chơn không của tự tánh Như Lai, kẻ mê thấy có tới lui, nằm ngồi, như người dại thấy mây bay mà tưởng trăng chạy, thấy thuyền đi mà tưởng bờ dời.”

Nếu có tới có lui, có đi có lại, là cái tướng sanh diệt vô thuờng của các pháp, mà cho là Như Lai thì thiệt là tà kiến điên đảo biết mấy!

Cái chơn tánh Như Lai ai ai cũng có, nên có câu: Nhơn nhơn hữu tánh Như Lai. Tánh ấy không nhiễm không tịnh, không nhiều không ít, không trước không sau, không qua không lại, không ở chỗ nào, mà chỗ nào cũng có cả.

Ông Duy Ma Cật có nói rằng: “Ta quán xét thấy được Như Lai chẳng trước, chẳng sau, qua khỏi sáu nhập, ra ngoài ba cõi (cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc) không ở tại phương nào, không lìa phương nào. Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, không thể dùng thức mà biết được, không thể dùng trí mà rõ được, không nói không bàn, bặt đường suy nghĩ. Quán sát như thế là chánh quán, nếu quán khác hơn thì chẳng thấy được Phật.”

Xem thế thì muốn thấy Phật, muốn thấy Như Lai có phải dễ dàng gì đâu. Nếu chưa kiến tánh, chẳng thế nào thấy được.

* * * * * *

XXV

— Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu có trai lành gái tín nào dùng ba ngàn đại thiên thế giới, đập nát nhỏ ra làm bụi trần, ý ngươi thế nào, những bụi trần ấy có nhiều chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều! Bởi cớ sao? Bởi nếu bụi trần ấy mà thiệt có, thì Phật chẳng gọi là bụi trần. Sở dĩ sao? Bởi Phật nói bụi trần, tức chẳng phải bụi trần, gượng kêu là bụi trần. Còn như Phật nói ba ngàn đại thiên thế giới, nhưng cũng chẳng phải thế giới, gượng kêu là thế giới. Bởi cớ sao? Nếu thế giới mà thiệt có, tức là tướng nhứt hiệp.(1) Như Lai nói tướng nhứt hiệp, tức chẳng phải tướng nhứt hiệp, gượng kêu là tướng nhứt hiệp.

— Nầy Tu-Bồ-Đề, tướng nhứt hiệp ấy nói chẳng đặng, chỉ vì phàm phu hay tham chấp sự tướng.

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ HAI MƯƠI LĂM

Phần nầy Phật chỉ vạn hữu trong hư không đều giả dối chẳng thiệt có, như từ vật nhỏ là bụi trần cho đến vật lớn là thế giới.

Có người thấy món nầy món kia phải chịu cái luật tan rã; còn như núi sông, bể cả, địa cầu, thì y nguyên, nên tưởng nó là vật thiêng liêng thiệt có và bất diệt. Trong cõi tự nhiên, thấy nó to lớn quá, hùng vĩ quá, vững vàng quá, nên không dám nhận có một ngày kia nó sẽ tan rã.

Còn một cái lý nữa để giải thích phần hai mươi lăm nầy, ấy là số nhiều của bụi trần trong khi đập nát ba ngàn đại thiên thế giới. Phật đã từng so sánh số nhiều bằng cát sông Hằng, không thể đếm tính được, bây giờ lại so sánh số nhiều bằng bụi trần. Trước kia so sánh phước đức nhiều bằng số cát của những sông Hằng, thì đáng lẽ ở đây cũng phải so sánh phước đức nhiều bằng bụi trần mới phải, tại sao ở đây không thấy so sánh cái gì? Đó là một điều khó giải ở phần nầy vậy. Tuy vậy, bụi trần cũng có nghĩa là sự nhiễm ô của trần thế.

Bụi trần là đơn vị hữu hình của thế giới. Cái đơn vị ấy không thiệt có, khi hiệp khi tan, không thiệt thể, không tự tánh, tỏ ra một vật giả dối, thì thế giới lại thiệt có hay sao? Bởi thế giới do bụi trần hội hiệp mà thành.

Ông Tu-Bồ-Đề nói thế giới không thiệt có, nếu thiệt có thì thuộc về tướng nhứt hiệp.

PHỤ GIẢI PHẦN THỨ HAI MƯƠI LĂM

(1) TƯỚNG NHỨT HIỆP: Trí phàm phu sự hiểu biết rất khác xa với các bực thánh. Ông Tu-Bồ-Đề có lẽ chứng được pháp nhãn rất vi diệu, nên biết căn nguyên cấu tạo sự vật do nguyên tố vật chất một cách khoa học, nên mới nói tới tướng nhứt hiệp.

Ở vào kỷ nguyên chưa có môn khoa học như trên hai ngàn rưỡi năm trước, mà ông Tu-Bồ-Đề biết được tướng nhứt hiệp, thì là một điều vẻ vang cho Phật giáo biết mấy. Các vị thánh thấy được cách cấu tạo của vật chất, do những phần tử tế vi mà con mắt thịt không thể thấy được. Những phần tử tế vi ấy hội hợp lại thành ra vật chất, nên nhà Phật mới gọi đó là tướng giả hợp, thật là đúng lời khoa học ngày nay đã phân chất ra các thức ăn uống và muôn loài vạn vật.

Những phần tử tế vi hợp lại thành vật chất, khoa học ngày nay gọi đó là nguyên tử vật chất, hay là nguyên tố vật chất, v.v… Nguyên tử không có đứng riêng một mình, nó phối hợp với nhiều nguyên tử khác mà thành một phân tử.

Vạn vật chung quanh chúng ta, mặc dầu có phức tạp vô lượng vô số và có đủ hình thể khác nhau, nhưng cũng chỉ cấu tạo do một số đơn chất không quá 92 thứ. Các chất ấy chỉ khác nhau ở cách sắp đặt của những nguyên tử chứa trong mỗi thứ…

* * * * * *

XXVI

— Nầy Tu-Bồ-Đề, bằng người nào cho Phật nói rằng: thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng sanh, thấy có thọ giả. Vậy ý ngươi thế nào, người ấy có tỏ cái lý của ta nói đó chăng?

— Bạch đức Thế Tôn, không. Người ấy chẳng tỏ nghĩa lý của Phật nói. Bởi cớ sao? Bởi Phật nói thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng sanh, thấy có thọ giả, tức chẳng phải thấy có ta, chẳng phải thấy có người, có chúng sanh, có thọ giả, gượng kêu là thấy có ta, thấy có người, có chúng sanh, có thọ giả.

— Nầy Tu-Bồ-Đề, phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác ấy, thì cả thảy pháp phải biết như vầy, phải tin rõ như vầy, là chẳng sanh pháp tướng.(1)

Tu-Bồ-Đề, chỗ nói pháp tướng ấy, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, gượng kêu là pháp tướng.

 CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ HAI MƯƠI SÁU

 Thấy có ta mới chấp có ta, nghĩa là có ngã kiến mới có ngã chấp. Có người nói ngã kiến là thấy được chơn ngã? Nếu ngã kiến mà nói là thấy được chơn ngã thì ông Tu-Bồ-Đề đâu có nói: “Bạch đức Thế Tôn, người nào cho Phật nói thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng sanh, thấy có thọ giả, thì người ấy không tỏ nghĩa của Phật nói.”

Bồ-tát trong lúc hành đạo, không thấy có ta, không thấy có thọ giả, và trong lúc bố thí không thấy có người, không thấy có chúng sanh. Như vậy thì ngã kiến không có nghĩa là kiến tánh.

Tâm sanh thì các pháp tướng đều sanh, tâm diệt thì các pháp tướng đều diệt. Phật biết như vậy, nên khuyên trong đại hội Tỳ-kheo, muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì “chẳng nên sanh pháp tướng.”

Phật cũng muốn cho trong đại hội lìa luôn cái danh của pháp tướng nữa, nên mới nói: “Chỗ nói pháp tướng đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, gượng kêu là pháp tướng.”

 PHỤ GIẢI PHẦN THỨ HAI MƯƠI SÁU

 (1) CHẲNG SANH PHÁP TƯỚNG: Tâm sanh pháp tướng sanh, tâm diệt pháp tướng diệt. Cái nghĩa tâm và pháp đã giải nhiều lần rồi, ở đây xin ví dụ cho dễ hiểu.

Địa cầu mới thành hình, cây cỏ có trước, thú vật có giữa, loài người có sau. Sanh sau muôn vật, cái cảm giác đầu tiên của loài người là nhìn xem và phân biệt các pháp. Họ phân biệt cây nầy khác với cây kia, con thú nầy khác với con thú nọ, rồi lần lần họ đặt tên cho muôn loài vạn vật, đó là “pháp sanh tâm.”

Những cảnh thiên nhiên như núi non sông bể, rừng rậm, thú vật, mưa gió, sấm chớp, v.v… bắt họ suy nghĩ tìm hiểu, nhứt là sự phân biệt của loài người giống nầy với giống khác, vật nầy với vật khác, gọi là “pháp sanh tâm.”

Ngày nay, những cảnh phồn hoa náo nhiệt, những cảnh ăn chơi vật chất xa xỉ, làm cho người đời chìm đắm trong biển mê, gọi là “pháp sanh tâm.”

Vấn đề sanh tồn của loài người, bắt buộc con người phải tạo ra món nầy, phát minh ra món nọ để cung cấp cho sự nhu cầu, cái đó gọi là “tâm sanh pháp.”

Nói tóm lại: Vừa nhìn nhận phân biệt các pháp, vừa phát minh thêm các món cần thiết cho sự nhu cầu, đó là tâm pháp sanh lẫn nhau. Thấy cảnh sanh lòng, là pháp sanh tâm. Dùng tâm phát minh và bày trí cảnh vật, là tâm sanh pháp.

* * * * * *

XXVII

— Nầy Tu-Bồ-Đề, bằng có người nào dùng đồ bảy báu đầy cả vô lượng vô số thế giới, đem ra mà bố thí, và lại có trai lành gái tín nào phát tâm vô thượng bồ-đề, giữ theo kinh nầy, cho đến những bài kệ bốn câu mà ghi nhớ đọc tụng, rồi diễn thuyết lại cho người khác nghe, thì phước đức nầy nhiều hơn phước đức kia.

Thế nào gọi là vì người mà diễn thuyết? Không chấp tướng, như như chẳng động. Bởi cớ sao?

Tất cả pháp hữu vi,

Như chiêm bao, huyễn mị.

Bọt bào, bóng, chớp, mù,

Nên quán tưởng như vậy.

Phật nói kinh nầy rồi, Trưởng lão Tu-Bồ-Đề, cùng tăng, ni, thiện nam tín nữ, cả thảy thế gian, trời, người, thần, nghe cái thuyết của Phật, đều rất hoan hỷ, tin chịu mà làm theo.

KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

 CHUNG 

 PHÁT MINH TỨ CÚ KỆ

Tôi đã có nói cái ý nghĩa vì sao Phật không chỉ ra tứ cú kệ, nếu nay tôi phát minh ra tứ cú kệ, chẳng là mâu thuẫn lắm ru! Nhưng vì lòng Từ bi vô hạn của đức Di Lặc và Lục Tổ Huệ Năng, thấy đại đa số người tu hành còn băn khoăn thắc mắc và khổ tâm tìm không ra tứ cú kệ. Hai Ngài thấy vậy mới chỉ ra, để cho người tu hành lấy đó mà ngộ giải.

Nhưng vì chỗ tiến hoá chẳng đồng, hoặc chưa đủ sức tỏ ngộ tứ cú kệ đã chỉ ra đó, cho nên đa số cũng còn hoài nghi, ngay đến Chư gia cũng chưa chánh thức công nhận.

Chúng tôi phát minh ra tứ cú kệ, chắc cũng không ai tin, vì không lẽ người ta bỏ Phật và Tổ mà đi tin một kẻ phàm phu như tôi. Nhưng xét ra câu mà chúng tôi tìm ra đó, ý nghĩa của nó trùm luôn cả tứ tướng và đại trí huệ đáo bỉ ngạn của đức Di Lặc và Lục Tổ? Vì vậy chúng tôi không ngần ngại mà trình bày theo chỗ thấy biết của mình.

Theo chỗ nghiên cứu của tôi, thì câu nầy là tứ cú kệ: “KHÔNG CHẤP TƯỚNG, NHƯ NHƯ CHẲNG ĐỘNG.”

Lý do nhận thức: Tôi chỉ nói nhận thức chớ chẳng dám nói tỏ ngộ.

Trong Kim Cang, trước sau những lần nói tứ cú kệ, đều có câu: “…giữ theo kinh nầy cho đến những bài kệ bốn câu, mà ghi nhớ đọc tụng, rồi diễn giảng lại cho người khác nghe.” (Trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị nhơn diễn thuyết).

Nhiều lần bảo ghi nhớ, đọc tụng, vì người mà giảng thuyết, nhưng không nói thế nào là ghi nhớ, thế nào là đọc tụng, và thế nào là vì người mà diễn thuyết.

Phần chót nầy nói tứ cú kệ, đột nhiên Phật lại thốt ra một câu hỏi, rồi tự Phật trả lời lấy, giải quyết lấy câu hỏi ấy, để cho người học Kim Cang biết cách thức thọ trì đọc tụng và vì người giảng thuyết. Thế là lần chót kết thúc quyển kinh, Phật mới chịu bày tỏ cái bí quyết “thọ trì đọc tụng và vì người diễn thuyết” sau nhiều lần khuyến khích người tu hành đối với Kim Cang và tứ cú kệ.

Cái bí quyết ấy được mở ra do Phật hỏi: “THẾ NÀO GỌI LÀ VÌ NGƯỜI MÀ DIỄN THUYẾT?” Rồi Phật tự trả lời: “KHÔNG CHẤP TƯỚNG, NHƯ NHƯ CHẲNG ĐỘNG.”

Vậy chúng ta ráng tìm hiểu chút ít nghĩa lý coi câu trả lời của Phật như thế mà có đáng là tứ cú kệ hay không. Trước hết tôi xin chia câu ấy ra làm hai phần, phần thứ nhứt: “Không chấp tướng,” phần thứ nhì “Như như chẳng động.”

  1. KHÔNG CHẤP TƯỚNG:Nội trong ba tiếng nầy cũng thấy trùm luôn bốn tướng mà đức Di Lặc cho là Tứ cú kệ rồi.

Không chấp tướng, tức là không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả. Không chấp tướng chẳng phải có bao nhiêu nghĩa đó mà thôi, đối với muôn sự muôn vật trong vũ trụ đều không chấp trước, mới là đầy đủ ý nghĩa cho.

Không chấp tướng cũng có đầy đủ ý nghĩa mà Phật trả lời cho ông Tu-Bồ-Đề cách thức hàng phục vọng tâm và trụ như thế nào. Nói về hàng phục vọng tâm, thì Phật dạy các vị Bồ-tát như vầy: “Bằng có cả thảy các loại chúng sanh, như sanh trứng, sanh con… ta đều dạy dỗ, khiến đặng nhập Vô dư Niết-bàn mà diệt độ. Diệt độ chúng sanh vô lượng, vô số, vô biên như vậy, nhưng thiệt chẳng có chúng sanh nào diệt độ cả.” Nếu Bồ-tát còn chấp có diệt độ, tức là còn ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thì chẳng phải là Bồ-tát.

Theo cái lý trên đây, thì chúng ta biết rằng: Nếu chấp có chúng sanh nhờ ta diệt độ, thì kẹt vào bốn tướng. Còn chẳng chấp có chúng snh nhờ ta diệt độ, thì lìa được bốn tướng, tức là “không chấp tướng,” mà cũng tức là hàng phục vọng tâm.

Người tu hành nên giữ đúng, đừng cho kẹt vào bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, cũng chưa trọn nghĩa “không chấp tướng,” vậy xin giải thích tiếp:

Bồ-tát ra làm việc bố thí (pháp thí, tài thí và vô uý thí), theo pháp thì chẳng có chỗ trụ, nghĩa là chẳng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Thế thì “không chấp tướng,” cũng có nghĩa là chẳng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nữa. Lý luận ra cho rõ hơn, thì chúng ta biết rằng có nhơn tất có pháp, có pháp phải có nhơn, nghĩa là có ngã chấp thì lẽ tự nhiên có pháp chấp, có pháp chấp thì có ngã chấp. Nếu không có ta, ai vô đó chấp pháp; không có pháp ai vô đó chấp có ta? Có ngã phải có nhơn, có nhơn thì có chúng sanh, có thọ giả.

Phân tách ra cho rõ thì biết rằng ngã chấp có hai thứ: phân biệt ngã chấp và cu sanh ngã chấp. Cu sanh ngã chấp là cái chấp khó phân biệt và rất nhỏ nhiệm, do đệ thất thức (hay mạt-na thức) chủ trì. Còn pháp chấp thì cũng có phân biệt pháp chấp và cu sanh pháp chấp.

Nói tóm lại đa số người học Kim Cang, còn ngờ rằng tứ cú kệ mà đức Di Lặc chỉ ra đó, sợ e không phải là tứ cú kệ. Vì họ cho rằng phá được bốn tướng, thì chưa đủ sức thành đạo, bởi họ đinh ninh rằng tứ cú kệ mà Phật giấu đó, ý nghĩa rất mầu nhiệm viên thông, siêu việt, hễ ngộ được thì thành Phật ngay.

Đối với sự phá bốn tướng, họ cho rằng mới chứng được “sanh không chơn như” mà thôi, còn “pháp không chơn như” thì chưa chứng được.

Nghi hoặc như thế thì chưa rõ được sự liên quan của các pháp, cũng như sự liên quan của đoạn hoặc chứng chơn.

  1. NHƯ NHƯ CHẲNG ĐỘNG: Như như chẳng động là tỏ cái lý bồ-đề diệu minh chơn tâm, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Phải! Chỉ có diệu minh chơn tâm mới đủ tánh đức Niết-bàn, đủ tánh đức Pháp thân Như Lai, đủ tánh đức Pháp giới trùng trùng vô tận, đủ tánh đức Đại trí huệ đáo bỉ ngạn v.v…

Như như chẳng động, là hàng phục vọng tâm;

Như như chẳng động, là chẳng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp;

Như như chẳng động, là vô trụ tướng bố thí;

Như như chẳng động, là vô sở đắc của đạo vô thuợng bồ-đề;

Như như chẳng động, là bát-nhã thiệt tướng;

Như như chẳng động, là đại trí huệ đáo bĩ ngạn;

Như như chẳng động, là chơn tâm thường trụ diệu minh;

Như như chẳng động, là bình đẳng viên dung, trung đạo diệu đế.

Như như chẳng độnglà nghĩa lý toàn quyển Kim Cang mà Phật đã diễn giảng theo lối đối thoại với ông Tu-Bồ-Đề, tức là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. Như như chẳng độngdứt đường ngôn ngữ, bặt chỗ nghĩ lường, chẳng dùng thức mà biết được, chẳng dùng trí mà rõ được, chẳng qua chẳng lại, chẳng tới chẳng lui, chẳng trên chẳng dưới, chẳng có màu sắc tiếng tăm, rỗng rang vắng lặng, thường tịch mà quang chiếu, quang chiếu mà thường tịch, có đủ tánh đức Tánh tịnh Niết-bàn của chư Phật, gồm ba đức Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát.

Đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đại sư có nói rằng: “Biết được bổn tâm mình, thấy được bổn tánh mình, chẳng sanh chẳng diệt, cả thảy trong giờ nào, niệm niệm thấy lấy mình, muôn pháp không ngăn trệ, một chơn lý cả thảy đều là chơn lý, muôn cảnh đều tự như như, tâm như như mới là chơn thiệt.”

Đại ý câu nầy chỉ rõ bản tánh tự như của mình, tức là bồ-đề diệu minh chơn tâm, toàn tâm tức cảnh, toàn cảnh tức tâm, tâm cảnh như như, trong ngoài như như, bởi vậy mới nói “muôn pháp không ngăn trệ.” Muôn pháp đều bình đẳng viên dung, nên nói “một chơn lý cả thảy đều là chơn lý.”

Tâm chẳng biến đổi là tâm như như, nên nói muôn cảnh đều tự như như.” Chơn như là thiệt tướng, thiệt tướng là chơn như, nên nói tâm như như mới là chơn thiệt.”

Dùng cái tâm như như mà quán chiếu các pháp, thì các pháp đều tự như như, chẳng sanh chẳng diệt;

Dùng cái tâm như như mà quán chiếu muôn cảnh, thì muôn cảnh đều không ngăn trệ, đều là bình đẳng viên dung, một chơn lý cả thảy đều là chơn lý;

Dùng cái tâm như như mà quán chiếu muôn tướng, thì muôn tướng đều là như như thiệt tướng;

Phật có nói (phần mười bốn) rằng: “Như Lai ấy, các pháp đều như.” Như Lai là cái tâm như như chẳng động của mình, của chúng sanh đều có. Phật dùng trí chơn như mà quán sát các pháp, các pháp đều trở thành cái tướng chơn thiệt như như bình đẳng, viên dung không sai biệt. Trí của Phật là năng như, thiệt tướng là sở như, Phật y như thiệt tướng mà nói pháp, nên kêu là chư pháp sở như, hay là “Như Lai ấy, các pháp đều như.”

Chơn như là lý tánh, lý tánh là chơn như. Thế thì chứng rõ chơn như là tỏ ngộ lý tánh, tức là kiến tánh Như Lai.

Bao nhiêu những lý nghĩa trên đây, chứng minh cho chúng ta biết rằng, ngộ được tứ cú kệ tức là kiến tánh chớ không có gì lạ.

Chư tôn đã thấy tứ cú kệ của đức Di Lặc đã được bổ túc về lý nghĩa, và đồng với câu “không chấp tướng.” Bây giờ tôi xin trình bày pháp “Ma-ha bát-nhã ba-la-mật” là tứ cú kệ của đức Lục Tổ Huệ Năng, cũng đồng nghĩa với câu “Như như chẳng động.”

Phẩm Bát-nhã thứ hai (trong Pháp Bửu đàn kinh), đức Huệ Năng có nói: “Thế nào gọi là Ma-ha? Ma-ha gọi là lớn, nghĩa là tâm lượng rộng lớn như hư không, chẳng có bờ mé, cũng không có vuông tròn lớn nhỏ, cũng không xanh, vàng, đỏ, trắng, cũng không có trên dưới vắn dài, cũng không mầng giận, không phải quấy, không lành dữ, không đầu đuôi, cho đến các cõi Phật hoá độ cũng đồng như hư không.”

“Ma-ha bát-nhã ba-la-mật thiệt cao, thiệt lớn, thiệt đệ nhứt, chẳng ở chẳng đi cũng chẳng tới, chư Phật ba đời cũng do đó mà ra.”

Không cần phải nói hết ra đây choán giấy, tới phần Tâm kinh (Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh), chư tôn sẽ thấy nghĩa lý của kinh nầy cũng đồng với nghĩa lý “Như như bất động.”

Muốn rõ nghĩa lý như như bất động, chư tôn nên xem đi xem lại nhiều bận trong kinh nầy, nhứt là những chỗ nói về “Thiệt tướng,” “Như Lai,” v.v…

KHÔNG CHẤP TƯỚNG, NHƯ NHƯ CHẲNG ĐỘNG, theo chỗ bày giải tóm tắt như vậy và chúng tôi chánh thức nhìn nhận là TỨ CÚ KỆ. Sự nhìn nhận nầy về lý cũng như về nghĩa của câu ấy, chẳng những không tách, không phản với tứ cú kệ của đức Di Lặc và Lục Tổ Huệ Năng, mà còn phụ giúp được đầy đủ ý nghĩa và phá nghi cho những ai chưa tín nhiệm tứ cú kệ của hai Ngài.

 Kết luận

Đoạn kết luận của quyển Kim Cang thiệt là tuyệt diệu, chỉ có một câu KHÔNG CHẤP TƯỚNG NHƯ NHƯ CHẲNG ĐỘNG mà gói trọn về nghĩa cũng như về lý toàn quyển kinh. Đã là câu kết luận gồm nghĩa lý toàn quyển kinh Kim Cang, thì, độc giả chư tôn nên xem đi xét lại cho nhiều bận toàn quyển kinh nầy, mới có thể ngộ giải và chứng được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Phát minh ra tứ cú kệ, đệ tử xin đảnh lễ các bực Thánh Hiền và chư vị Tổ Sư, sau nữa các hàng tinh thông Phật pháp, rộng lượng tha thứ cho những điều lỗi lầm của kẻ phàm phu nầy.

 KIM CANG CHÚ GIẢI CHUNG

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *

BỔ KHUYẾT TÂM KINH THỊ ĐẠI THẦN CHÚ

MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH

Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời.

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không-tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, thọ, tưởng, hành, thức;

Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý;

Vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp;

Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới;

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận;

Vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc;

Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đoả y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.

Tam thế chư Phật, y bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề. Cố tri Bát-nhã ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thật bất hư. Cố thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa chú.

Tức thuyết chú viết: Yết-đế! Yết-đế! Ba-la yết-đế. Ba-la-tăng yết-đế. Bồ-đề tát-bà-ha.

MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH

* * * * * *

BỔ KHUYÉT TÂM KINH LÀ THẦN CHÚ LỚN

TÂM KINH ĐẠI TRÍ-HUỆ-BỜ-KIA

 Đức Bồ-tát Quán Tự Tại tu hành sâu xa về môn Trí-Huệ-Bờ-Kia.

Khi ấy đức Bồ-tát Quán Tự Tại dùng Trí Huệ quán chiếu, bèn thấy được năm uẩn đều không, độ được tất cả khổ ách. Ngài mới nói với ông Xá Lợi Tử rằng:

— Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, mà không cũng chẳng khác gì sắcsắc tức là không, mà không cũng tức là sắcthọ, tưởng, hành, thức lại cũng giống y như vậy (nghĩa là như sắc với không đã nói đó).

Nầy Xá Lợi Tử, cả thảy pháp đều là không-tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.(1) Trong cái không đó, chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức;

Chẳng có nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý (sáu căn);

Chẳng có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (sáu trần);

Chẳng có từ nhãn giới cho đến ý thức giới (mười tám giới);

Chẳng có vô minh, và cũng chẳng có dứt vô minh, cho đến cũng chẳng có lão tử (sự già sự chết), và cũng chẳng có dứt lão tử;

Chẳng có khổ, tập, diệt, đạo, chẳng có trí cũng chẳng có đắc.

Do không có chỗ chi để đắc, nghĩa là không có chi gọi là đặng cả, Bồ-tát bèn nương theo Trí-Huệ-Bờ-Kia, nên tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không e sợ, xa lìa sự điên đảo mộng tưởng, đến chỗ cứu cánh là Niết-bàn.

Chư Phật trong ba đời, nhờ nương theo Trí-Huệ-Bờ-Kia mà đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bởi vậy mới biết Trí-Huệ-Bờ-Kia là thần chú Lớn, là thần chú Cực Sáng Tỏ, là thần chú Không Gì Cao Hơn, là thần chú Không Gì Bằng Được, hay trừ cả thảy khổ, rất chơn, rất thiệt, chẳng phải giả dối. Vì vậy mới nói Trí-Huệ-Bờ-Kia là câu chú.

Đức Quán Tự Tại Bồ-tát liền đọc chú như vầy: “Độ đi! Độ đi! Rốt ráo độ qua bờ kia đi. Rốt ráo độ chúng giải thoát đi. Cho đặng giác ngộ mau thành tựu.”

TÂM KINH ĐẠI TRÍ-HUỆ-BỜ-KIA

* * * * * *

CHÚ GIẢI ĐẠI Ý TÂM KINH

 Trí huệ là cửa mở vô trong nhà Phật pháp, ai tu hành mà chưa có trí huệ cũng như người còn đang lẩn quẩn ngoài vuông rào, chưa vào được cửa đạo.

Đại Trí-Huệ-Bờ-Kia là cái trí huệ rộng lớn, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn. Đức Bồ-tát Quán Tự Tại tu hành thâm sâu về pháp nầy.

Khi ấy Ngài dùng Trí Huệ Quán Chiếu, nên thấy năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đều là chơn không chẳng thiệt có, nên độ được cái khổ phiền não và cái ách luân hồi trong bánh xe nhơn quả.

Nhờ dùng Trí Huệ soi tỏ tánh mình, nên ngộ được năm uẩn chẳng thiệt có, vốn là chơn không bất không, mà cũng vốn là bình đẳng viên dung (chẳng hai tướng đối đãi), nên Bồ-tát mới nói: “Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, mà không cũng chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, mà không cũng tức là sắc; những món thọ, tưởng, hành, thức lại cũng giống y như vậy.” Nghĩa là cũng đều là chơn không, bình đẳng và viên dung.

Chẳng phải nội năm uẩn là chơn không mà thôi, cho đến cả thảy pháp như tâm pháp hay sắc pháp, cũng đều là vật sở hữu của chơn tâm diệu minh viên giác, của Như Lai tạng: Nào là sáu căn, sáu trần, sáu thức; nào là sanh lão bệnh tử; nào là các pháp tu hành của Đại, Tiểu thừa, v.v… đều không thiệt có. Bởi cái lý ấy nên Bồ-tát mới nói: “Nầy Xá Lợi Tử, cả thảy pháp đều là Không-tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Trong cái Không đó, chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng có nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý; chẳng có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; chẳng có từ nhãn giới cho đến ý thức giới.”

Còn dùng trí tức là còn vô minh, chưa tỏ ngộ được diệu minh chơn tâm. Cái diệu tánh nầy chẳng những không có vô minh đã đành mà cũng không có trí huệ nữa. Bởi vậy Bồ-tát mới nói: “Chẳng có vô minh, và cũng chẳng có dứt vô minh.”

Vô minh chẳng có, thì đâu có cái gì phát nghiệp mà có sắc thân giả hợp. Nếu chẳng có sắc thân giả hợp, thì chẳng có lão tử (sự già sự chết), mà cũng chẳng có dứt hết lão tử. Sự già sự chết đã không, thì đâu có nguyên nhân nào kết tập sự khổ, đâu có đạo nào để diệt khổ. Bởi cái lý ấy, Bồ-tát mới nói: “Chẳng có khổ, tập, diệt, đạo.”

Có thân mới có lo sanh tử, có trí mới có lo tu chứng, năm uẩn đã không, thì nào đâu có vấn đề sanh tử. Mê dứt thì trí cũng chẳng có, trí chẳng có thì lấy cái gì mà chứng mà đắc. Bởi vậy Bồ-tát mới nói: Chẳng có vô minh, và cũng chẳng có dứt vô minh, cho đến cũng chẳng có lão tử (sự già sự chết), và cũng chẳng có dứt lão tử; chẳng có dhổ, tập, diệt, đạo, chẳng có trí cũng chẳng có đắc.”

Nói tóm lại bồ-đề diệu minh chơn tâm, là tâm như như bình đẳng, là tâm viên dung không sai biệt. Cái tâm nầy đâu có sanh mà nói diệt, đâu có nhơ mà nói sạch, ở nơi Phật cũng chẳng thêm, ở nơi chúng sanh cũng chẳng bớt. Vốn nó là chơn không, bình đẳng, thì đâu thiệt có năm uẩn; đâu thiệt có sáu căn nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Đâu thiệt có sáu trần sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Đâu có sự hội hợp của sáu căn, sáu trần, sáu thức, mà nói là mười tám giới.

Chơn tâm diệu minh, đâu có giác mà nói có vô minh, đâu thiệt có thân mà nói có sanh, lão, bệnh, tử.

Các Sắc pháp và Tâm pháp của thế gian như trên đây đã không thiệt có, thì các pháp xuất thế gian như khổ, tập, diệt, đạo của Thinh văn thừa cũng chẳng thiệt có. Vô minh, hành, thức… của Duyên giác thừa và các món trí của Đại thừa cũng là Không nốt.

Tại làm sao tâm của chúng sanh còn ngăn ngại, còn e sợ, còn mộng tưởng điên đảo? Cái nguyên do phát động như vậy, cũng chẳng qua có hai cái chướng ngại, là phiền não chướng (bởi có ngã chấp) và sở tri chướng (bởi có pháp chấp).

Bồ-đề diệu minh chơn tâm, bản thể rỗng rang, vắng lặng, thường tịch mà quang chiếu, nên không ngăn ngại; quang chiếu mà thường tịch, nên không e sợ, sáng suốt tỏ thông, thì có cái gì mà gọi là điên đảo mộng tưởng, như vậy là đến chỗ cứu cánh là niết-bàn vậy. Bởi cái lý ấy, cho nên Bồ-tát mới nói: “Các vị Bồ-tát nương theo Trí-Huệ-Bờ-Kia, nên tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không e sợ, xa lìa sự điên đảo mộng tưởng, đến chỗ cứu cánh là Niết-bàn.”

Trí-Huệ-Bờ-Kia tức là vô thượng chánh đẳng chánh giác, vô thượng chánh đẳng chánh giác tức là Như Lai, chơn tánh Như Lai là chơn tâm thường trụ diệu minh. Chư Phật ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) nương theo bồ-đề diệu minh chơn tâm mà thành tựu được đạo quả. Bởi vậy Quán Tự Tại Bồ-tát mới nói: “Chư Phật trong ba đời, nhờ nương theo Trí-Huệ-Bờ-Kia mà đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bởi vậy mới biết Trí-Huệ-Bờ-Kia là thần chú Lớn, là thần chú Cực Sáng Tỏ, là thần chú Không Gì Cao Hơn, là thần chú Không Gì Bằng Được, hay trừ cả thảy khổ, rất chơn, rất thiệt, chẳng phải giả dối. Vì vậy mới nói Trí-Huệ-Bờ-Kia là câu chú.”

Xem những lời nói trên đây, thì còn gì nữa mà nghi ngờ? Đó là những lời suy tôn diệu minh chơn tâm, tức là xưng tụng Đại Trí-Huệ-Bờ-Kia vậy.

Phải! Chỉ có chơn tâm thường trụ diệu minh mới là chỗ kết quả của đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chỉ có bồ-đề diệu minh chơn tâm mới là chơn thiệt không giả dối, tối tôn, tối thượng, không gì cao hơn, không gì bằng được như Bồ-tát đã nói.

Hiệu nghiệm và thành công, linh ứng và hiển hiện đến đỗi ví dụ Trí-Huệ-Bờ-Kia như câu thần chú. Trí-Huệ-Bờ-Kia chẳng phải thiệt là câu thần chú theo nghĩa đen, mà là thần chú theo nghĩa bóng, tức là sự hiệu nghiệm của nó không lường được.

Vả chăng chữ Ba-la-mật chẳng phải chỉ có nghĩa là đến bờ kia mà thôi, nó cũng có nghĩa là thành công nữa, thế thì thần chú (Trí-Huệ-Bờ-Kia) có năng lực thành công nữa.

Quán Tự Tại Bồ-tát bèn đọc chú rằng: “Độ đi! Độ đi! Rốt ráo độ qua bờ kia đi! Rốt ráo độ chúng giải thoát đi! Cho đặng giác ngộ mau thành tựu. Câu chú nầy có ý khuyến khích, thúc giục người tu hành sau khi xem Tâm Kinh nên tự độ và độ tha, hay là tự giác giác tha, để cùng nhau giải thoát. Tâm Kinh tức là kinh nói về Chơn tâm, mà chơn tâm thì chúng ta đã thấy thảo luận nhiều lần rồi, cũng không có gì lạ.

 PHỤ GIẢI NGHĨA LÝ TÂM KINH

 MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH: Dịch là TÂM KINH ĐẠI TRÍ HUỆ ĐÁO BỈ NGẠN (đến bờ kia).

Tâm kinh là sách giảng giải về lý nghĩa của Chơn tâm.

Bát-nhã Tông nói về Tâm, Pháp Tướng Tông nói về Tánh. Vậy thì Tâm kinh thuộc về Tông Bát-nhã, cũng như Kim Cang vậy. Tỏ ngộ được chơn tánh, tức là tỏ ngộ được chơn tâm. Vậy thì Chơn tâm Đại Trí-Huệ-Bờ-Kia, cái lý của nó cũng như cái lý kiến tánh của Thiền tông chẳng khác.

Do theo cái tựa MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH, chúng ta thử tìm hiểu mấy cái danh từ trong tựa ấy.

Ma-ha: Ma-ha là tiếng Phạn, dịch là “Đại,” nghĩa là rộng lớn hơn cả hư không, chẳng cùng chẳng tột, không ngằn mé, không đông tây nam bắc, không trên dưới vắn dài, không qua lại tới lui, v.v… Đó là chỉ cái thể lượng rộng lớn của Chơn tâm, tuyệt đối chẳng có sự vật nào so sánh được.

Hư không đã rộng lớn vô cùng vô tận, mà kinh Thủ Lăng Nghiêm lại nói: “Hư không sanh trong chơn giác, như khóm mây giữa trời.” Thế thì chơn tâm thể lượng trùm cả hư không thế giới, chẳng khá nghĩ bàn đặng.

Tánh thể Ma-ha không có màu sắc tiếng tăm, không có vuông tròn lớn nhỏ, nói tắt là không cả thảy đối đãi. Bồ-đề diệu minh chơn tâm, tánh thể cũng y như vậy.

Bát-nhã: Bát-nhã tức là Trí Huệ, nghĩa là khôn ngoan, sáng suốt, biện biệt. Trí Huệ có nhiều thứ:

Lấy theo giai cấp tu chứng của Tiểu thừa và Đại thừa mà nói, thì Tiểu thừa chứng được Quyền trí bát-nhã, dùng trí huệ phá ngã chấp, chứng được Nhơn không bát-nhãVì cái lẽ phá được ngã chấp, nên cũng nói chứng được Sanh không chơn như.

Còn Đại thừa Bồ-tát, tu hành đến chỗ thâm sâu, chứng được Thiệt trí Bát-nhã, dùng trí huệ quán chiếu, thấy được các pháp đều bất sanh bất diệt, nên không chấp trước các pháp. Phân biệt pháp chấp và cu sanh pháp chấp đã dứt, chứng được Pháp không bát-nhã. Vì cái lẽ chẳng có pháp chấp, nên cũng gọi là chứng được Pháp không chơn như.

Công dụng của Bát-nhã, có hai thứ: thứ nhứt kêu là Văn tự bát-nhãtức là tướng ngôn ngữ văn chương do trí huệ phát biểu. Thứ nhì kêu là Quán chiếu bát-nhã, tức là trí huệ dùng để soi xét, thấu triệt được tánh, tướng, thể, dụng như như bình đẳng của các pháp.

Lấy theo trí đức của Bát-nhã mà nói, thì có hai thứ: một là Căn bản trí bát-nhã, tức là trí huệ cội gốc, chúng sanh đều có, nhưng vì mê mà không tự biết mình có sẵn. Căn bản trí bát-nhã nầy tức là Đại Trí-Huệ-Bờ-Kia, hay là bồ-đề diệu minh chơn tâm chẳng khác.

Hai là Hậu đắc trí bát-nhã, là cái trí sau khi tu chứng mới hiện ra. Trí Bát-nhã nầy, chỉ có Bồ-tát và chư Phật mới có mà thôi.

Pháp Ma-ha bát-nhã là một pháp do Phật nói ra cho hàng Đại thừa Bồ-tát để xa lìa pháp tướng, chỉ rõ pháp tánh như như bình đẳng, chứng được nhị không chơn như, tức là sanh không chơn như và pháp không chơn như vậy.

Sanh không chơn như là nhơn ngã không thiệt có, pháp không chơn như là danh tướng tiêu trừ. Chừng đó thể chơn không hiện rõ, xa lìa cả thảy pháp tướng, mới rõ được bản thể viên dung bình đẳng, tức là rõ được bồ-đề diệu minh chơn tâm vốn thường trụ, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, …

Mặt nhựt mặt nguyệt không thể sánh với trí bát-nhã được, bởi nhựt nguyệt còn bị vật chất ngăn che, còn trí bát-nhã quán chiếu, tỏ thấu khắp cả Hằng sa thế giới, không có một năng lực nào che lấp được.

Luận về trí bát-nhã, thì chúng ta cũng nên tìm hiểu, tại sao Tâm kinh nói: “Sắc chẳng khác gì không, mà không cũng chẳng khác gì sắc. Sắc tức là không, mà không cũng tức là sắc.” Tại sao nói chẳng có năm uẩn, chẳng có sáu căn, sáu trần, mười tám giới, chẳng có vô minh, chẳng có khổ, tập, diệt, đạo, chẳng có trí, chẳng có đắc, v.v…

Trước hết chúng ta cần phải biết lối tu hành của mỗi thừa: Thinh văn thừa chấp có thân ngũ uẩn nầy thọ quả báo rất khổ. Trong thân lại có sáu căn, tiếp xúc với sáu trần, rồi sanh ra sáu thức, cộng lại là mười tám giới. Vì xét như vậy nên Thinh văn dùng bốn thánh đế, là khổ, tập, diệt, đạo để tu cho thoát khổ.

Còn Duyên giác thừa cho rằng sở dĩ có thân nầy, sở dĩ có sự già sự chết, là do vô minh phát nghiệp, trừ được vô minh tức là dứt được cái nguồn gốc sanh tử luân hồi, chứng quả hoàn diệt.

Trái với hai thừa trên đây, Bồ-tát thừa cho rằng chẳng thiệt có năm uẩn, chẳng có mười tám giới, chẳng có khổ, tập, diệt, đạo cần phải tu, chẳng có vô minh cùng là sự già sự chết cần phải dứt như Nhị thừa.

Do cái chơn lý nào mà Bồ-tát không nhận có những món như vậy? Tức là do Trí huệ quán chiếu, soi tỏ chơn lý muôn sự muôn vật, toàn thể tức dụng, toàn tướng tức tánh. Thể dụng tánh tướng như như bình đẳng, bất sanh bất diệt. Toàn sự tức lý, toàn lý tức sự, toàn tâm tức cảnh, toàn cảnh tức tâm, lý sự vô ngại, tâm cảnh dung thông, không một không hai, không riêng không khác.

Chơn lý của muôn sự muôn vật là như vậy, mà bồ-đề diệu minh chơn tâm cũng là như vậy.

Bồ-tát thừa dùng trí huệ quán chiếu, thấy chẳng có khổ và tập để trừ, chẳng thấy có đạo và diệt để tu chứng (cái lý nầy đã có giải nhiều lần về pháp Lục độ rồi). Thấy chẳng có vô minh cùng là lão tử để trừ diệt, thấy chẳng có cái quả hoàn diệt để chứng.

Nói tắt là Bồ-tát dùng trí huệ để quán chiếu, thấy rằng chúng sanh không thiệt có mê, không thiệt có ngộ, không thiệt có sanh tử, cho đến Niết-bàn cũng chẳng thiệt có. Bởi các pháp do duyên khởi như huyễn, như huyễn sanh diệt, như huyễn mê lầm, như huyễn giác ngộ, nghĩa là như huyễn thành Phật.

Rõ cái lý sắc không của Tiểu thừa và Đại thừa rồi, thì Bát-nhã Tâm Kinh không có gì là khó hiểu nữa.

Cứ theo chỗ sắc, không mà phân tách ra, thì sự nhìn nhận từ phàm phu cho tới bực Đại thừa Bồ-tát, chẳng giống nhau như vầy:

Phàm phu chấp thiệt có sanh, còn Nhị thừa thì thấy thiệt có diệt.* Thấy chẳng thiệt có sanh, chẳng thiệt có diệt, nghĩa là thấy huyễn sanh, huyễn diệt** như không hoa (hoa đốm giữa hư không) là Sai Biệt Trí của Bồ-tát. Thấy chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhiễm chẳng tịnh, thấy các pháp đều là viên dung bình đẳng,*** là Căn Bản Trí của Đại thừa Bồ-tát.

Ba-la-mật: Đã có giải nhiều lần, xin miễn bàn thêm.

Tâm Kinh: Tâm Kinh là kinh nói về chơn tâm. Hai tiếng Tâm Kinh, nếu giải thích theo lý vô tướng, thì chơn tâm của mình là kinh vô tự, chẳng dùng chữ nghĩa theo trên mặt giấy.

Tất cả các pháp, mười hai bộ kinh, trong tâm mình sẵn có đủ. Hễ tâm sanh thì các pháp đều sanh, tâm diệt thì các pháp đều diệt. Chẳng có một pháp nào ngoài tâm của mình mà thành lập được.

Tâm Kinh Đại Trí-Huệ-Bờ-Kia (Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh) là minh cái lý của Bồ-đề diệu minh chơn tâm. Khi đã tỏ ngộ được Bồ-đề diệu minh rồi, thì suốt thông giáo lý của nhà Phật, cũng như đức Lục Tổ Huệ Năng chẳng biết một chữ mà đặng làm Tổ. Ngài thuyết pháp giảng kinh làm cho những bực văn hay chữ giỏi, lảu thông kinh luận thảy đều kính phục.

__________________________

* Chơn lý sắc không tương đối.

** Chơn lý sắc không như huyễn.

*** Chơn lý sắc không viên dung bình đẳng.

__________________________

(1) Cả thảy pháp đều là không-tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt:

Trong năm uẩn, chia ra làm tinh thần và vật chất. Sắcthuộc về thân thể hình chất, kêu là sắc pháp, nghĩa là cái pháp vật chất thuộc về hữu hình. Thọ, Tưởng, Hành, Thứcthuộc về tinh thần, tức là thuộc về tâm pháp. Sắc pháp và tâm pháp là tướng phần và kiến phần của A-lại-da thức. Thức A-lại-da là chơn vọng hoà hợp, chẳng thiệt có, cho nên Bồ-tát Quán Tự Tại mới nói: “Cả thảy pháp đều là Không-tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng thêm chẳng bớt, chẳng nhiễm chẳng tịnh, trong cái Không đó, chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức.”

Lấy theo khoa học ngày nay mà phân chất thân thể con người mới biết được cái thuyết nhơn duyên hội hợp là đúng, trong đó gồm các phân tử của các chất vôi, chất diêm, chất đường, chất sắt, v.v…

Sách Triệu Luận có nói; “Cả thảy các pháp do nhơn duyên hội hợp mà sanh. Nếu đã do nhơn duyên hội hợp mà sanh, vậy lúc chưa sanh nguyên không có các pháp. Nhơn duyên chia lìa thì tiêu diệt, nếu các pháp thiệt có thì không thể nào tiêu diệt cho được. Lấy đó mà suy xét thì biết rõ rằng: Tuy bây giờ đương có các pháp, nhưng tự tánh của nó hằng không, cái tánh hằng không ấy, kêu là tánh không, tánh của các pháp cũng y như vậy.” (Nhứt thiết chư pháp duyên hội nhi sanh, duyên hội nhi sanh tắc vị sanh vô hữu. Duyên ly tắc diệt, như kỳ chơn hữu, hữu tắc vô diệt. Dĩ thử nhi suy, cố tri tuy kim, hiện hữu nhi tánh thường tự không, vị chi tánh không, pháp tánh như thị).

Cả thảy pháp đều là Không (chơn không), chẳng sanh chẳng diệt, cái nghĩa của nó cũng như bài kệ trong Trung Luận nói về danh và pháp.

Nghiên cứu kinh luận, tu học giáo pháp của nhà Phật, thì phải dứt trừ những thói mê lầm, là HỌC ĐẠO.

Khi kiến tánh, chứng được Bát-nhã thiệt tướng, thấy được chơn lý viên dung bình đẳng của muôn sự muôn vật, là KIẾN ĐẠO (kiến tánh).

Hằng ngày y theo chơn lý KIẾN ĐẠO mà phát khởi diệu dụng trong chỗ đi, đứng, nằm, ngồi, là HÀNH ĐẠO.

Đến khi công và hạnh của chơn lý ấy hoàn toàn viên mãn là THÀNH PHẬT ĐẠO.

Ý kiến thiển cận, lời lẽ non nớt, nếu có chỗ nào sơ sót, xin các bực cao minh chỉ giáo, rất đa tạ./-

NHƯ PHÁP Cư Sĩ