Lễ bái lục phương

Lễ bái lục phương nghĩa là: lễ lạy sáu hướng. Lễ lạy sáu hướng phát sanh ở núi Kê-túc, thành Vương-xá (Rajāgrila), xứ Ấn Độ, vào thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Gia Tô.

LỄ BÁI LỤC PHƯƠNG

—————

GIÁO LÝ CHƠN GIẢI

     Lễ bái lục phương nghĩa là: lễ lạy sáu hướng. Lễ lạy sáu hướng phát sanh ở núi Kê-túc, thành Vương-xá (Rajāgrila), xứ Ấn Độ, vào thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Gia Tô.

     Tổ sư là đức Thi-Ca-La-Việt (Çigala), ngài là người cùng thời với Đức Phật Thích Ca.

     Nguyên lý của triết học Lễ bái lục phương là để dạy người tu trừ lục căn, diệt lục trần, hành lục độ, cầu phát hiện lục thông, đặng thoát vòng lục đạo.

     Cái chủ nghĩa của Lễ bái lục phương là cốt để phấn khởi lòng người, đặng mau bước lên con đường đạo đức, cùng để hoá dục người được tánh hiền lương trong sạch, tỉnh táo, khắc kỷ, quả quyết, tinh tấn, kiên nhẫn, rộng lượng, thương người. Còn về phần ở đời, phú quí không nên ham, vinh huê chẳng nên đoái, phải làm lành lánh dữ, mở rộng lòng nhơn, thương người, thương vật.

     Tóm lại, học thuyết của đức Thi-Ca-La-Việt điều hoà tất cả hai thuyết nhập thế và xuất thế, hạp với trình độ của mọi người: già trẻ, gái trai, sang hèn đều có thể tu theo được cả.

     Xin nhắc lại nguyên tích của đức Thi-Ca-La-Việt hành Lễ bái lục phương như vầy:

     Khi đức Thích Ca thành đạo rồi, trước hết Ngài thâu phục năm anh em Kiều-Trần-Như ở tại vườn Lộc-Uyển, xứ Ba-nại-la, là môn đệ của Ngài khi trước và thâu luôn ông Gia-Trứ làm đệ tử. Ông Gia-Trứ là người giàu có mà lại đương lúc mê sa tửu sắc. Sau lại thâu ba anh em Ca Diếp (Kacya-pa). Kế Phật nhớ lại lúc trước có hứa với vua Tần-Bà-Ta-La (Bimbisara) ở tại Vương-xá thành, đến khi thành đạo, Ngài sẽ đến độ vua. Phật sang Vương-xá thành thì vua hết lòng cung kỉnh tiếp rước và dâng cảnh rừng Trúc Lâm, xây Tinh xá cho Phật ở thuyết pháp.

     Buổi kia, Phật đi khất thực nơi núi Kê-túc, thấy con ông trưởng giả là Thi-Ca-La-Việt (Çigala) gở đầu, rửa mặt và súc miệng, mặc áo quần sạch sẽ, lạy hướng đông, hướng tây, hướng nam, hướng bắc, hạ phương và thượng phương, mỗi hướng bốn lạy.

     Phật liền vào nhà hỏi rằng: “Ngươi lạy sáu hướng là phép chi? Ngươi có hiểu rõ không?” Đức Thi-Ca-La-Việt đáp rằng: “Bạch Phật, tôi lạy sáu hướng đặng cầu cho gia quyến tôi đặng bình an, khỏi bị ma quỉ khuấy phá. Lúc cha tôi còn sanh tiền, dạy tôi thường bữa giữ tứ thời, lạy sáu hướng, tôi cứ đinh ninh theo lời cha dạy, đến nay tôi không dám trái mạng.”

     Phật nói: “Ngươi có lòng cầu khẩn cho gia quyến đặng bình an, điều đó phải lắm; ngươi vâng theo lời cha mẹ dạy bảo, việc ấy rất tốt. Nhưng không phải cúng kiến cùng vái lạy mà gia đình khỏi tai hoạ được, cần yếu là ngươi phải làm các việc lành, thi ân bố đức, thì mới có thể lánh được những tai nạn.

     Ngươi không hiểu ý nghĩa của “Lễ bái lục phương” là chi, để ta giải rõ cho ngươi tường, hầu có hành theo Chánh pháp, cùng tuyên truyền cho người thông hiểu. Lễ bái lục phương gồm cả nhơn đạo và Phật đạo, trước hết ngươi phải giữ đạo làm người, lo tác phước thiện duyên, cùng lập công bồi đức cho tròn nhơn đạo; sau lại hành theo Phật đạo là phải diệt dứt lòng phàm, trau dồi tâm tánh của mình. Muốn trau tâm tánh thì phải trừ lục căn, diệt lục trần, hành lục độ, phát lục thông, mới đặng siêu phàm nhập thánh, trực vãng Tây phương.”

     Đức Thi-Ca-La-Việt nghe đặng mấy lời của Phật mới biết hành Lễ bái lục phương là một phương pháp diệu mầu, để độ người thoát vòng luân hồi lục đạo, vượt qua biển ái sông mê, tới bến Bồ đề, tức là thành Phật.

     Đức Thi-Ca-La-Việt liền quì xuống chắp tay bạch Phật rằng: “Cầu Phật chỉ dạy phân minh cho tôi được rõ lễ lạy mỗi hướng, tôi nguyện vâng theo lời Phật dạy.”

     Phật nói: Ngươi hãy nghe cho rõ những lời của ta giải theo mỗi hướng:

  1. Lạy hướng Đông, ấy là con thảo thờ cha mẹ có năm điều:
  2. Là con phải giữ tròn hiếu đạo;
  3. Là lúc cha mẹ đau ốm phải săn sóc thuốc thang điều trị;
  4. Là phải cung phụng từ chén cơm, bát nước cho song thân;
  5. Là phải biết ơn cha mẹ mười tháng cưu mang, ba năm bồng ẳm, bú sữa, mớm cơm;
  6. Là phải giữ tròn phận sự làm con cho cha mẹ vui lòng đẹp dạ.

     Bổn phận cha mẹ thương con có năm điều:

  1. Là phải dạy con trung hiếu vẹn toàn;
  2. Là phải cho con gần người hiền nhơn trí giả;
  3. Là phải dạy con học tập kinh luật cho mở mang trí hoá;
  4. Là đến tuổi cặp kê thì phải liệu chừng gả cưới;
  5. Là gia sản, tiền của phải chia cho đồng.
  6. Lạy hướng Tây, là chồng đối với vợ có năm điều:
  7. Là chớ có ỷ quyền áp chế;
  8. Là tiền bạc thâu xuất bình quyền;
  9. Là chẳng đặng làm điều đãng phóng, trai gái, cờ bạc, rượu trà;
  10. Là đối với vợ phải dùng câu nhơn từ đức hạnh;
  11. Là phải dạy vợ điều phải lẽ ngay, dắt dìu vào đường đạo đức.

     Bổn phận làm vợ thờ chồng có năm điều:

  1. Là phải cung kỉnh chồng, chẳng nên dễ duôi khinh bạc;
  2. Là phải cần kiệm, chẳng nên lãng phí bạc tiền, cùng giữ câu tam tùng tứ đức;
  3. Là phải tề gia nội trợ, gầy dựng gia thất cho chồng;
  4. Là phải phụng sự cha mẹ chồng cho hết lòng hết dạ;
  5. Là phải cố khuyên chồng làm điều chánh, lánh điều tà.

III. Lạy hướng Nam, ấy là bổn phận học trò kỉnh trọng thầy có năm điều chấp sự:

  1. Là kính trọng thầy cũng như cha mẹ;
  2. Là phải siêng năng trì chí, việc học hành thì phải cố công;
  3. Là phải phấn chấn cho hơn chúng bạn;
  4. Là phải siêng năng, thức khuya dậy sớm, lo trông nom học tập cho rành;
  5. Là phải bảo tồn danh giá thầy. Khi thầy qui vị rồi cũng phải giữ lời thầy dạy dỗ;

     Bổn phận làm thầy dạy học trò có năm điều:

  1. Là đừng than cực nhọc mỏi mê;
  2. Là dạy học trò cho mau thành công;
  3. Là phải siêng năng hết lòng dạy dỗ;
  4. Là dạy cho nó hơn mình, chớ đừng nệ cố;
  5. Là phải dạy đứa tối cho bằng đứa sáng.
  6. Lạy hướng Bắc, ấy là mình đối với người có năm điều:
  7. Là đối với bà con xóm riềng phải giữ lòng ngay thật;
  8. Là nhịn nhục thuận hoà, giữ tình liên ái;
  9. Là lúc giao thiệp đàm luận cùng người, phải cho có trật tự, lớn nhỏ, trai gái phải phân minh, giữ phẩm hạnh theo địa vị của mình;
  10. Là khi ai bịnh hoạn mình đến săn sóc giùm, như mình có tiền nên giúp cho người làm nghĩa;
  11. Là người có việc khốn khó, mình đến lo giùm, tận tâm giúp đỡ.
  12. Lạy Hậu thổ, ấy là bổn phận của người học đạo có năm điều:
  13. Là muốn thành Phật, Tiên, Thánh, thì phải giữ dạ thảo hiền, trung thứ, từ bi, bác ái nơi lòng;
  14. Là phải giữ một lòng hành Lễ bái lục phương, niệm lục tự Di Đà, trừ lục căn, diệt lục trần, hành lục độ, phát lục thông, cầu cho thoát vòng lục đạo;
  15. Là phải giữ giới luật của nhà Phật cho rành;
  16. Là phải chí tâm lo trau dồi tâm tánh của  mình;
  17. Là phải kiên nhẫn dày công tham thiền, hầu mau đắc đạo.

     Bổn phận thầy chỉ giáo có năm điều:

  1. Là gắng khuyên thiện nam, tín nữ hay là đệ tử làm sáu phép nầy:
  2. a) Bố thí, hết tiếc tham,
  3. b)Giữ luật thì khỏi huỷ phạm,
  4. c) Hiền từ, nhẫn nhục, thì khỏi hờn giận,
  5. d) Tinh tấn, thì không giải đãi,
  6. e) An tâm, định thần thì khỏi rối loạn,
  7. f) Trau dồi trí huệ thì hết tối tăm.
  8. Là đừng bê trễ, phải có oai nghi, lấy chơn lý luận cho người thông hiểu;
  9. Là dạy cho nó lập nhiều hạnh tốt, hơn là lời nói nhiều;
  10. Là dạy niệm lục tự Di Đà, mở rộng lòng nhơn, thương tất cả người cùng các loài động vật;
  11. Là phải chỉ dạy cho mau hiểu thông kinh luật và đức hạnh hoàn toàn, sau đi ta-bà đặng chỉ cho người tu niệm.
  12. LẠY HOÀNG THIÊN, ấy là bổn phận tôi tớ kính trọng chủ có năm điều:
  13. Là thức khuya dậy sớm theo phận sự của mình;
  14. Là phải siêng năng, đừng làm nhọc đến chủ;
  15. Là đối với chủ phải giữ điều cung kính lễ nghi;
  16. Là chớ lấy của chủ đem ra mà phá hoại;
  17. Là phải trung thành với chủ.

     Chủ nhà đối với tôi tớ có năm điều:

  1. Là sai khiến đứa ở đi đâu thì phải liệu sức đường xa gần, mưa nắng, phải coi nó đói hay no;
  2. Là khi nó có bịnh thì mình phải cho tiền thang thuốc;
  3. Là phải thương người như thể thương mình;
  4. Là nó làm điều chi quấy thì dạy biểu nó, chớ đừng đánh đập;
  5. Là mình có ăn vật thực chi thì phải chia cho nó.

     Phật giải rõ Lễ bái lục phương vừa rồi, đoạn dạy tiếp rằng: “Nếu ngươi hành theo các phép của ta đã giải, mới gọi là kỉnh thuận mạng cha, mới gọi là lễ lạy sáu hướng, bằng chẳng vậy, dầu ngươi có lạy cũng không ích chi, lại khiến ác danh đồn khắp.” (*)

     Đức Thi-Ca-La-Việt bạch rằng: “Tôi nguyện hành y theo giáo lý của Phật trọn đời, chẳng dám đơn sai.”

     Phật dạy tiếp rằng: “Mỗi bữa khuya, trưa, chiều, sáng, rửa mặt súc miệng, mặc áo quần sạch sẽ, định tâm cho yên lặng, đoạn dưng hương đảnh lễ Phật, gắng một lòng tinh tấn siêng năng, đừng trễ nãi.”

     Đức Thi-Ca-La-Việt nghe những lời của Phật dạy, thì chẩm hẫm vui mừng, làm lễ vưng chịu.

TRỪ LỤC CĂN

     Phật tổ Thích Ca Mưu Ni ngài cho cuộc đời là khổ: sanh ra là khổ, tật bịnh là khổ, già là khổ, chết là khổ. Bốn cái khổ ấy nó đeo đuổi con người hoài, khiến đời nầy chuyển sang đời khác, đời nọ truyền đến đời kia, còn làm người là còn chịu khổ.

     Cái kiếp con người sanh ra chịu trăm cay ngàn đắng để trả cho rồi nghiệp chướng, bởi người tạo nghiệp nên phải luân hồi đời đời, không biết đâu là giới hạn.

     Mà nguyên nhân những cái khổ ở đời, chính là thân ta gây nên cả. Thân ta lại có “lục căn”, sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, xác thịt và y, tức là lòng.

     Lục trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc là cái có thể thấy được, Thinh là cái có thể nghe được, Hương là cái có thể ngửi được, Vị là cái có thể nếm được, Xúc là cái mà thân thể biết được như nóng, lạnh, cứng, mềm, v.v… Pháp là cái pháp trần như những cái có thể tưởng tượng được. Sáu trần ấy làm cho ta gây ra thất tình là: Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục, nghĩa là bảy tình: Mừng, Giận, Buồn, Vui, Thương, Ghét, Muốn, rồi nó khuấy rối tâm ta, không lúc nào buông tha ra.

     Người tu hành muốn tìm con đường giải thoát hầu đến cái thế giới “bất diệt,” thì phải trừ lục căn và hành lục độ.

     Trừ lục căn tất nhiên không nhiễm lục trần. Ý nói ngăn cấm sáu căn đừng cho thâu thập sáu trần, để tâm được trong sạch. Ví như cái nhà (là xác thân) có sáu cửa (là lục căn), đóng chắc sáu cửa ấy (tức là trừ lục căn), thì làm sao bụi bặm (là lục trần) bay vào, mà làm lấm dơ đồ vật trong nhà đặng; đồ vật ấy tức là “tâm” của ta vậy.

     Có câu: “Mục tiền vô sắc, túng giao liễu lục đào hồng, nhĩ bạn vô văn nhất niệm oanh đề yến ngữ.” Nghĩa là: Bao nhiêu màu sắc rực rỡ trước mắt, mà lòng ta không ham chuộng, thì màu sắc ấy không khi nào khoe tốt với ta đặng, khoe quí báu với ta đặng; giọng phù trầm lời tao nhã bên tai mà lòng ta không ái mộ, dẫu cho khẩu tài cách mấy đi nữa cũng không động tâm ta. Đặng như vậy mới gọi là trừ Lục Căn. Tâm ta không bị trần bợn vùi lấp, tự nhiên sáng như gương không bụi, tất nhiên không lờ; người đặng trí huệ, bởi tâm trong sạch.

     Ông Xuyên Thuyền Sư có lời tụng rằng: “Như minh cảnh đương đài vạn thượng cư.” Nghĩa là: Đài gương tỏ rạng, hình dạng gì cũng rọi vào cả. Lại có câu: “Thuỷ cảnh trần phong bất đáo, thời ứng hiện vô hà chiếu thiên địa.” Nghĩa là: Nước không có gió tất nhiên không sóng, gương không bụi tất nhiên không lờ, lòng người không phát sanh tam ác “Tham, Sân, Si”, không phân biệt tứ tướng “Nhơn tướng, Ngã tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng.” Không mê mết lục trần “Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp” thì tâm mình trong sạch, tất nhiên lục thông phát hiện, bao nhiêu chuyện quá khứ, vị lai cùng hiện tại, đều rõ đặng, thấy đặng. Ấy là chứng đặng quả A-la-hán.

     Lục trần, cũng gọi là lục tặc, lục kiếm, lục thỉ, lục ác tặc, danh gọi tuy nhiều, chớ không ngoài cái phạm vi của sáu trần. Lục tặc là sáu tên ăn cướp chơn tánh người, nên gọi là tặc. Nếu rờ tới thì chết, cũng như mua gươm bén về đâm mình, bằm thây mình, gọi là lục kiếm. Như mũi nhọn bắn yết hầu mình, xuyên tâm mình, nên gọi là lục thỉ.

     Sắc: là sắc thân, hình sắc, nói tóm lại những cái hình dạng coi xinh đẹp, quí báu đều gọi là sắc. Mắt thấy cái giả sắc ấy cho rằng tốt đẹp, sanh lòng tham muốn, làm cho tâm ta rối loạn, nên kêu là trần (bụi trần).

     Thinh: là tiếng, như giọng nói, lời ca hát, tiếng đờn, tiếng quyển, tiêu tao thanh nhã, làm cho tai nghe tới, tinh thần phải mê mệt, làm cho tâm ta rối loạn. Ta cứ ưa nghe nó hoài, thì cái chơn thân mờ ám, ngày kia ắt sa vào lục đạo.

     Hương: là các mùi thơm tho như dầu thơm, phấn thơm, vân vân… Mũi hít vào bắt tinh thần ưa mến, cũng như bướm kia đói hoa khát nhuỵ, mà phải đổ đường tìm hoa, xúi ta mua sắm cho thoả lòng dục vọng, làm vậy nên tinh thần u ám.

     Vị: là mùi ngon trong vật ăn uống. Cách cư xử của người đạo đức, ăn no bụng thì đủ, chẳng cần cao lương mỹ vị. Phật nói: “Thực thiểu vô cầu”, nghĩa là ăn ít không tham. Nếu ăn ngon miệng tốn kém nhiều, phải sanh lòng tham ác.

     Xúc: là đụng chạm vào xác thân và tinh thần. Xúc vào xác thân như: nóng, lạnh, cứng, mềm. Xúc vào tinh thần như hơi thơm, thúi, vân vân… Vậy thời ăn mặc miễn phương tiện thời đủ, cách giản tiện đó là cao thượng hơn cách xa hoa mỹ lệ.

     Pháp: là cái pháp trần, như những cái có thể tưởng tượng được, như tưởng đến việc công danh, phú quí, và các điều lợi mình, hại người cùng những việc trái với đạo lý, đều hại cho tinh thần cả. Có bài thi rằng:

                 Sắc tướng đừng xem giữ tánh không,

                 Thinh âm nghe đến khiến xao lòng.

                 Hương nồng ngào ngạt xin đừng mến,

                 Vị thấm ngọt ngon dặn chớ trông.

                 Xúc cảm cao sang sanh dục vọng,

                 Pháp cầu danh lợi chớ nên mong.

                 Sáu điều hư thiệt bày rành rẽ,

                 Giữ đặng ngày sau thoát cõi hồng.

HÀNH LỤC ĐỘ

     Hành lục độ: Hành là làm; Lục là sáu; Độ là đò. Lục độ là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Bát nhã (Trí huệ).

     Người tu hành phải dùng sáu chiếc đò ấy đặng vượt qua sông mê biển khổ. Tiếng Phạn “Paramita” đọc là Ba-la-mật-đa. Tàu dịch là đáo bỉ ngạn, nghĩa là từ bờ sanh tử bên nầy, mà qua tới cảnh giới Niết Bàn bên kia, tức là bến Bồ đề, nghĩa là thành Phật. Người mà hành Lục độ được hoàn toàn, tức là Bồ Tát.

  1. BỐ THÍ (Dana): là đem tiền của cho người, bố thí thì trừ đặng lòng tham lam, rít rắm.

     Bố thí có ba cách là: Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí.

     – Tài thí: là đem tiền của ra làm việc phải, việc nhơn; người đói cho người ăn, người lạnh cho người mặc, giúp người già yếu bịnh hoạn, trợ kẻ mồ côi. Vì lòng nhơn ái, thương người cùng khổ tật bịnh, động lòng mà bố thí. Sa di luật có nói: “Vị nhơn thí, nhứt thiết đắc phước như đại dược, vị kỷ thí, nhứt thiết đắc phước như giải tử.” Nghĩa là: Vì người mà bố thí bất hạn cách nào, thì đặng phước lớn bằng địa cầu, còn vì mình mà bố thí thì là giúp người trông người trả ơn. Tỷ như đem tiền của ra thí, mà có ý muốn cho người người đều biết mình là người thí chủ, ấy là bố thí hữu bố thí (hữu lậu).

     Kinh Kim Cang có câu: “Bất trụ tướng bố thí kỳ phước đức bất khả tư lượng.” Nghĩa là bố thí mà không chấp tướng, thì đặng phước đức rộng lớn chẳng thể nghĩ lường.

     – Pháp thí: Là thấy người buồn rầu thất vọng mà khuyên lơn an ủi, giảng đạo đức, luận pháp tu hành cho người tỉnh ngộ, hoặc dịch kinh, viết sách phổ thông cho người được giác tỉnh, nhưng chẳng nên cậy mình học rộng tài cao, cùng là làm cho người biết mình là người có đạo đức.

     – Vô uý thí: Nghĩa là bố thí cái không sợ. Phàm người tu hành phải coi thân mạng như không, không sợ chết, không sợ đau, không sợ khổ, không chấp cái ta, để giữ lòng nhơn dõng mà cứu mạng người đời khỏi điều tai hại. Như gặp nhà cháy thì xông vào cứu chữa, đem người khỏi hoả tai; gặp người sẩy chơn chết ngộp, nhảy theo cứu vớt người; tóm lại cứu người khỏi tai nạn mà không chút nào uý tử tham sanh, ấy là vô uý thí.

  1. TRÌ GIỚI (Çila) Đọc là thi-la, Tàu dịch là trì giới. Trì giới là dặn dò lấy lòng mình đừng làm những điều phạm giới luật.

     Năm giới là:

     1) Không được sát hại sanh linh, 2) không được trộm cắp, 3) không được tà dâm, 4) không được nói dối, 5) không được uống rượu.

     Mười điều lành là:

     1) Thường phóng sanh, 2) Thường bố thí, 3) Thường tiết dục, 4) Thường nói lời chơn thiệt, 5) Thường nói lời ngay thẳng, 6) Thường nói lời dịu ngọt, 7) Thường nói lời phân giải, 8) Thường giải thoát ra ngoài vòng tham ái, 9) Thường nhẫn nhục, 10) Thường suy nghĩ chánh lý.

     Vậy người tu hành phải giữ giới luật làm căn bổn. Có bài tụng rằng:

     “Thi-la đắc thanh tịnh, vô lượng kiếp lai nhân, vọng tưởng như oán tặc; tham si nhược sâm thần, tại dục nhi vô dục, cư trần bất nhiễm trần, quyền y ly cấu địa, hương chứng Pháp vương thân.”

     Nghĩa là: Người tu hành giữ giới cho hoàn toàn thì tâm thần đặng mát mẽ, bình an thơ thới, đặng hưởng quả thanh tịnh vô số kiếp sắp đến, chứng quả A-la-hán. Lúc đó những điều vọng tưởng nó xa lánh ta, bao nhiêu sự tham ái nó xa cách ta, cũng như sao hôm với sao mai mọc lặn không thấy nhau vậy. Hiện giờ ta tuy ở chung lộn trong cõi tham dục, mà lòng ta không tham dục, ta ở trong chốn bụi trần, mà thân ta chẳng nhiễm trần, ví như bông sen mọc chỗ bùn lầy, mà vẫn sạch vẫn thơm.

  1. NHẪN NHỤC:(Ksānti) đọc là sằn đề. Nhẫn nhục là gắng chịu điều sỉ nhục. Nhẫn nhục là một phương thuốc hay, để trừ lòng hờn giận. Người đời vì điều danh lợi mà làm trái ý nhau, rồi sanh ra hờn giận, ngậm cay nuốt đắng, gây thù kết oán, mà phải tạo nghiệp về sau. Vậy phải thường nhẫn nhục.

     Nhẫn nhục có hai cách là: sanh nhẫn và pháp nhẫn:

     – Sanh nhẫn là mình nhẫn với người: như người bày điều đặt chuyện nói xấu mình, mắng chưởi mình, vu oan giá hoạ cho mình, chẳng những mình không hờn giận, mà còn dùng lời đạo đức, tư cách ôn hoà, mà khuyên giải người trở nên hiền đức. Đến như loài súc vật mà mình không làm hại đến nó, thì cũng là sanh nhẫn đó.

     Có bài tụng về sanh nhẫn như vầy: “Bách mâu tập thể, bách phước tướng sanh, vạn não xích thân, vạn đức cơ lập.” Nghĩa là: Trăm mũi nhọn (việc hung dữ) chích vào thân mình mà mình vẫn vui lòng chịu thì cái phước mỗi lần mỗi lên; muôn điều phiền não vấn vít thân mình, mình vẫn tự nhiên chẳng nao núng, thì nền phước đức càng bền vững.

     Nhà nho có dạy rằng: “Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận.” Nghĩa là: Nhịn, nhịn, nhịn, đặng như vậy thì việc oan trái tiền khiên dứt hết.

     – Pháp nhẫn là chịu lạnh, nóng, gió, mưa, đói, khát, bịnh hoạn vân vân… dẫu cho đến cảnh nào mình cũng vẫn an lòng lãnh chịu, chẳng hề phiền não, ấy là pháp nhẫn.

     Có câu: “Sự năng thường nhẫn đắc thân an, nhứt thiết chư phiền não, giai tùng bất nhẫn sanh, bất nhẫn bất giới tiểu sự thành đại.” Nghĩa là nếu gặp việc thất tình mà quá mừng, quá giận, quá buồn, quá vui, quá thương, quá ghét, quá muốn, thì đều có hại cả, ráng nhẫn, ráng dằn. Vậy mỗi lần cảnh ngộ phiền não đến thì phải nhịn nhục cho nó tiêu đi, các điều phiền não vì chẳng nhẫn mà có. Chẳng nhẫn chẳng dằn, thì việc nhỏ thành việc lớn.

     Đức Khổng Tử có dạy rằng: “Thiên tử bất nhẫn quốc không hư, chư hầu bất nhẫn tán kỳ xu, quan lại bất nhẫn hình phạt tru, huynh đệ bất nhẫn các phân cư, phu phụ bất nhẫn tình ý sơ, tự thân bất nhẫn hoạn bất trừ.” Nghĩa là Thiên tử chẳng nhẫn thì nước phải nghèo, vua nước nhỏ chẳng nhẫn phải hư mình, quan lại chẳng nhẫn bị tù tội, anh em chẳng nhẫn phải xa cách, vợ chồng chẳng nhẫn ý tình lợt lạt ắt phân rẽ, bổn thân mình chẳng nhẫn hoạn nạn đến hoài không dứt.

  1. TINH TẤN (Virya) đọc là tì-lê-da, Tàu dịch là Tinh tấn, nghĩa là siêng năng, sấn sướt, không ngã lòng.

     Ở đời muôn việc đều nhờ sự siêng năng mà đắc thành. Người tu hành cần phải siêng năng, lập chí rộng lớn, không kể lâu mau, khó nhọc không nhàm, không chán, chí quyết tu sấn sướt tới hoài đặng đem Phật pháp ra truyền cho người đời thọ hưởng, dầu gặp việc khó khăn trở ngại cũng không ngã lòng, chỉ một lòng tinh tấn. Tinh tấn có hai cách là: Bị giáp tinh tấn và Nhạo lợi tinh tấn.

     – Bị giáp tinh tấn là mang cái giáp sắt đại lực của Bồ Tát vào, cương quyết đi tới hoài, đừng sợ khó nhọc, dầu gặp điều trắc trở cũng đừng ngã lòng.

     – Nhạo lợi tinh tấn: Nhạo là ham, lợi là ích lợi về đạo đức, như siêng năng giảng kinh luật cho người nghe, hoặc lập hạnh tốt cùng hành công phu cho sốt sắng, hiến thân làm sự phải với người không hề trễ nãi, ấy là nhạo lợi tinh tấn.

     Mình muốn làm cho tròn nghĩa vụ nhạo lợi thì phải đại hùng đại lực, đại từ bi, có dõng cảm lớn, có nghị lực to mới độ người đặng.

  1. THIỀN ĐỊNH (Dhyana) đọc là thiền-na, Tàu dịch là thiền định.

     Thiền định là lẳng lặng ngẫm xét, chủ ý để cái tâm an tịnh. Người tu hành bước đầu nhập định, thì phải xem việc giả trần như một nắm tơ vò, hãy dụng cái tâm như dao bén cắt một cái cho đứt lìa; chỉ phải quyết đoán, dẫu có điều chi trở ngại cũng không ngã lòng. Ông Xuyên Thuyền sư có lời tụng rằng: “Thiền hà tuỳ lảng tịnh, định thuỷ trực ba thanh, trường thần sanh giác tánh, túc tự diệt mê tình.” Nghĩa là chơn thần mình định, cái vọng tâm tiêu, cũng như gió lặng thì tức nhiên sóng lặng.

     Tóm lại, bởi tâm loạn động, nên phải dùng phép định đặng buộc tâm viên ý mã.

  1. BÁT-NHÃ:(Prajnā) đọc là bát-nhã, dịch là Trí huệ, nghĩa là sáng suốt. Người tu hành nhờ phép thiền định mà đặng sáng suốt.

     Trí huệ: Xuất thế gian trí huệ hay là quán chiếu trí huệ, soi thấu khắp cùng, cho nên gọi là tri quá khứ trí huệ, tri hiện tại trí huệ, tri vị lai trí huệ cho là vô thắng trí huệ.

     Được đến bực trí huệ nầy, tất nhiên chuyện gì cũng thông hiểu cả, và chuyện gì trừ khử cũng đặng.

     Có câu: “Dĩ trí huệ lực, tạc nhơn ngã sơn, dĩ trí huệ tham thủ phiền não khoán, dĩ trí huệ hoả luyện thành Phật tánh.” Nghĩa là dùng sức trí huệ phá tan hòn núi nhơn ngã, dùng xuổng trí huệ đào hết cái hầm phiền não chứa từ vô số kiếp trong lòng, dùng lửa trí huệ thét hết tam ác.

              Ra ơn Bố thí giúp cùng nhau,

              Trì giới nghiêm mình vẹn trước sau.

              Nhẫn nhục thương người cơn thống khổ,

              Giải mê cho kẻ buổi lao đao,

              Tánh tâm ví chẳng hồng trần bợn,

              Tinh tấn càng thêm phẩm giá cao.

              Thiền định lặng trong thâu diệu pháp,

              Độ điều Bát-nhã khá mau mau.

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

     Tịnh nghĩa là trong sạchĐộ nghĩa là Quốc độ, cõi Tịnh Độ là cõi cực lạc trong sạch. Phật Thích Ca tả cảnh Tịnh Độ (trong Kinh A Di Đà Tiểu bổn) như vầy: “Từ đây qua hướng tây xa lắm, có một thế giới kêu là Cực lạc, là chỗ của đức Phật A Di Đà ở và đương thuyết pháp. Người trong cõi ấy toàn là vui sướng, thanh nhàn, muốn chi đặng nấy, không điều cực khổ. Nơi ấy không có ác đạo, thật là một phước địa đẹp đẽ trang nghiêm, và người ở được cõi đó, đời đời kiếp kiếp khỏi phải luân hồi.”

     Phật Thích Ca thấy chúng sanh chịu nhiều điều khổ não, nào là sanh, lão, bịnh, tử, nên đem lòng từ bi, truyền chỉ pháp môn Tịnh Độ là tu trong một đời người sẽ đặng thành Đạo.

     Pháp môn Tịnh Độ của Ngài dạy đây, chẳng có chi khác hơn là niệm sáu chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật.” Thiệt là một phép dễ tu, dễ chứng và rất hạp với hoàn cảnh của mỗi người, già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, đều có thể tu được cả, nhưng chủ yếu có một điều là phải giữ lòng cho đặng thuỷ chung như nhứt, kính tin cho đặng chắc chắn đến cùng, thì được vãng sanh về Cực lạc.

     Trong Phật thuyết A-Di-Đà kinh có nói: “Ở thế gian, nếu trai lành gái tín phát tâm tu hành, gần lúc lâm chung, nhờ trì niệm danh hiệu của đức Phật A-Di-Đà, hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, tâm không rối loạn, thì Ngài và thánh chúng đến tiếp dẫn chẳng sai.” Lại cũng trong kinh trên đây, đức Thích Ca có nói rằng: “Ai có lòng tin Phật thường niệm danh hiệu của Đức A-Di-Đà, phát nguyện sanh về Cực lạc, thì người ấy quyết chắc thành Phật, không phải đoạ lạc nơi tam đồ lục đạo nữa.” Còn nhiều kinh điển làm bằng cớ về sự lợi ích của phép niệm Phật, như Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, kinh A Hàm, kinh Phương Đẳng, kinh Bát Nhã, kinh Niết Bàn, kinh Hoa Nghiêm, v.v…

     Đức A-Di-Đà, vì lòng thương chúng sanh vô hạn, nên lập ra 48 điều thệ nguyện độ tận chúng sanh và thề rằng: Nếu còn một điều nguyện của Ngài mà không thành tựu, quyết không làm Phật. Hiện nay Ngài ở tại Tây phương Cực lạc thế giới, đệ tử của Ngài là bực Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát, dân của Ngài đều là người trí huệ, an nhàn tự tại, lại nhờ các vị Bồ tát, La hán chỉ phép tu hành không hề thối chuyển.

     Vậy chúng ta hãy tin chắc chắn nơi lời vàng ngọc của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và nơi nguyện lực tiếp dẫn của đức A-Di-Đà mà cầu sanh về Tịnh Độ, thọ trì qui giới, tịnh tam nghiệp, và tập niệm lần lần sáu chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật” thường giờ, thường ngày, hằng tháng, hằng năm, một lòng tưởng niệm; cho đến lúc đi đứng, nằm ngồi, đừng quên, thì đặng phần vãng sanh về Cực Lạc. Được như vậy mới đúng câu: “Nhứt cú Di-Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây phương.” Nghĩa là: một câu Di-Đà không tưởng khác, chẳng nhọc khảy tay đến Tây phương.

THỌ TAM QUI

     Thọ Tam Qui: Thọ là lãnh, vưng chịu, Tam là ba, Qui là tuân theo, giữ theo; chữ qui cũng có nghĩa là trở về, nghĩa là sửa đổi lòng vọng ra chơn, đặng y theo giáo lý của Phật.

     Tam qui là: qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.

QUI Y PHẬT

     Qui y Phật nghĩa là tuân theo Phật, nguyện y theo Phật…

     Phật là bực đã toàn giác, toàn minh, thoát ly ra ngoài biển khổ, còn chúng sanh thì say mê nơi bể ái trầm luân, chịu luân hồi đời đời kiếp kiếp. Bởi không biết khổ là khổ, mà trở lại cho khổ là vui, nên phải vơ vẩn trong biển luân hồi, đời đời chịu khổ: sống khổ, đau khổ, già khổ, chết khổ.

     Nay ta muốn lướt qua biển khổ mà đến bến bồ đề, thì ta phải tuân theo Phật, phải làm y theo Phật, mà Phật tức là Đức Thích Ca Mâu Ni, ngài là Giáo chủ cõi ta bà nầy.

     Ta làm y theo Phật, thì không chấp tướng ta với người, không chia rẽ kẻ lạ người quen, giống này da khác, cũng không phân biệt giai cấp, sang hèn, quyền quới chi cả, chỉ giữ một lòng bình đẳng mà giúp đời, vì người người đều có Phật tánh. Kinh Niết Bàn có câu: Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Ta giúp đời thì phải có lòng từ bi như Phật. Có câu: Từ giả năng phổ chúng sanh chi lạc, bi giả năng bạt chúng sanh chi khổ. Nghĩa là: lòng lành rải khắp sự vui cho chúng sanh, lòng thương hay vớt khổ cho chúng sanh.

     Vậy ta phải có lòng từ thiện, yêu nhơn loại, bố thí, giúp đỡ kẻ đói rách khốn nàn, phải tịnh tâm, nhẫn nhục, độ lượng, khoan dung, phải an vui với đời mà chịu những điều cực nhọc; phải học theo hạnh Phật Thích Ca lo cứu người thoát khổ, phải coi cái nghiệp duyên chung của quần chúng là trọng đại hơn nghiệp duyên của cá nhơn. Như vậy mới trúng lý nhiệm mầu và khỏi trái lòng từ bi của Phật. Vậy là Qui Y Phật.

QUI Y PHÁP

     Qui Y Pháp, nghĩa là tuân theo pháp (phép) của Phật dạy, tức là Kinh, luật, luận.

     Khi Phật còn tại thế (nghĩa là chưa nhập Niết Bàn) Ngài đi ta-bà giảng dạy chúng sanh trong 49 năm, gọi là thuyết pháp, hoặc Ngài bảo các vị Bồ tát giảng, Rồi sau các đệ tử tu hành đắc đạo, gia công biên chép lại những lời giáo huấn của Phật (có đủ nghĩa lý thấp cao, rộng hẹp) ra từng tập, lưu truyền cho đến ngày nay, gọi là Kinh Phật.

     Luật là giới luật, như ngũ giới, thập giới v.v… Phật chế giới luật rõ ràng, tuỳ theo phương tiện cho các đệ tử tu hành, đặng để cho người người đều làm lành lánh dữ. Rồi các đệ tử tu hành đắc đạo cũng chép lại, gọi là giới luật. Người tu hành muốn khỏi phạm nhằm tội lỗi, thì cần phải giữ theo giới luật.

     Luận là luận bàn. Sau khi Phật tịch rồi, có nhiều vị cao tăng tu hành đắc đạo vì thấy Phật pháp cao sâu mầu nhiệm, phần nhiều người hiểu lầm, hành sái, nên ra công viết sách mà giải nghĩa lý cho rõ ràng minh bạch, gọi là tạng Luận.

     Nhà Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng không phải là số nhứt định, vì tục ngữ bên Ấn Độ kêu tám muôn bốn ngàn thế cho tiếng nhiều lắm, khôn xiết kể. Lập pháp môn nhiều như vậy là tuỳ theo căn cơ, phương tiện cho chúng sanh, ai tu pháp nào cũng đặng.

     Vậy người tu hành cần phải suy nghĩ cho biết rõ chân lý mà tu hành để khỏi lầm lạc sái đường, thì mới có thể thoát vòng khổ hải.

QUI Y TĂNG

     Qui y Tăng là tuân theo ông thầy học Phật. Tiếng Phạn kêu là Sangha, dịch lại là tăng gia, nghĩa là hoà hiệp, tức là những thầy dạy đạo chơn tu, đã thông suốt đạo lý.

     Nay ta được biết Phật, biết giáo pháp mà tu hành, là nhờ ông thầy học Phật. Vậy người tu hành theo Phật giáo phải noi theo gương của ông thầy và phải vưng chịu những điều chỉ bảo. Nhưng mỗi người đều có lương tri, lương năng, biết phân biệt chơn giả; nếu biết là chơn là phải, thì cứ thiệt hành đi, không để ý chần chờ, không mơ hồ nữa, rồi lần lần tìm tòi triết lý cao xa, cho thấu cái lý “sanh tuỳ hà xứ lai, tử tùng hà xứ khứ,” nghĩa là mình bởi đâu mà sanh ra, rồi chết sẽ về đâu, lão thông cái nghiệp trái trần duyên, chừng ấy thì trong tâm mình thường thanh, thường tịnh, không động, không xao, mới mong siêu xuất tam giới, đặng chứng quả Phật.

 TRÌ NGŨ GIỚI

     Trì là cầm, nắm, giữ gìn; ngũ là năm, giới là răn, dặn dò. Ý nói ta dặn dò lòng, ta phải nắm giữ bo bo cái lòng răn dè đó, đừng cho nó hở ra, như khi ta nắm giữ châu báu trong tay, sợ rớt mất vậy. Có câu “Đắc nhứt thiện, quyền quyền phục ưng, phất thất như giả.” Nghĩa là: Đặng một điều lành, bo bo nắm giữ vào lòng, đừng để rớt mất.

     Người mà phát tâm tu hành, trước hết phải giữ tròn năm điều răn: 1- không được sát hại sanh linh; 2- không được trộm cắp; 3- không được tà dâm; 4-không được nói dối; 5- không được uống rượu.

     Người mà giữ trọn năm điều răn ấy tức là giữ trọn năm nhơn cách, ở trong đời cũng là khỏi khổ.

Giới thứ nhứt: cấm sát sanh

     Cấm người giết hại lẫn nhau, cùng loài động vật; các giống ấy đều có tánh như người, nó cũng tham sống sợ chết, nó cũng đôi bạn, cũng sanh đẻ, cũng biết khát uống, đói ăn, biết lạnh trốn gió, biết nực dầm nước, biết đau, biết nhức, sợ đánh, sợ đâm, nó cũng biết ơn đền nghĩa trả, mà nỡ nào sát hại sanh mạng nó cho đành.

     Người cùng loài vật cũng đồng một thể, cũng một tinh hoa, nếu chúng nó có tu cũng thành Phật như ta vậy.

     Các tông phái nhà Phật đều đề xướng lên cái chủ nghĩa vạn vật nhứt thể, cho rằng vạn vật có một nguồn gốc chung là chơn như (Bhutatathātā).

     Kinh Niết Bàn nói: “Chúng sanh đều có Phật tánh.”

     Theo luật thế gian, hễ giết người thì phải thường mạng, còn luật nhơn quả của tạo hoá thì lại gây cuộc oan trái, nối tiếp luân hồi quả báo cho hậu thân. Cái phép để tránh tội sát hại sanh linh thì không chi bằng ăn chay. Ăn chay có nhiều bực như là: ăn chay theo sóc vọng là mỗi tháng 2 ngày, lục trai là 6 ngày, thập trai là 10 ngày, vân vân… Những người ăn chay theo đây thì cũng giảm được đôi ít sự sát sanh, rồi lần lần ăn trường trai.

Giới thứ hai: Cấm trộm cắp

     Không đặng cướp giựt, lập mưu kế lường gạt mà đoạt của người.

     Người đời thường coi của tiền quá trọng, túi tham không đáy, tham muốn không cùng, nên mới sanh ra cái tội trộm cắp lường gạt. Thử hỏi mình mất tiền của có biết ưu sầu tiếc nuối không? Dẫu cho ai cũng trả lời rằng “có” vậy. Thế thì tất nhiên ai mất của tiền lại không ưu sầu tiếc nuối như mình? Như vậy thì nỡ nào sanh lòng trộm cướp lường gạt mà lấy của người cho đành. Có lắm người vì bị trộm cắp mà phải khốn cùng, có nhiều người vì bị lường gạt mà phải quyên sanh. Thánh nhơn có dạy rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn,” nghĩa là điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người. Làm lành thường bữa an vui, gây dữ có ngày mang hại, đó là lẽ cố nhiên ai ai cũng biết. Nếu mỗi người đều phát tâm tu hành, chẳng màng ăn ngon, mặc tốt, ở đẹp, thì tất phải tuyệt đặng lòng tham, lại còn tu hạnh bố thí, có tiền của cho người, giúp người, cho đến lời nói cũng hằng khuyên người hướng thiện, được toàn cả như vậy thì sẽ đặng thái bình.

Giới thứ ba: Cấm tà dâm

     Tà dâm là tội lấy vợ, con người. Gian dâm vợ người, rủi bị chồng người bắt đặng, vì ghen tương mới có sự đâm chém, giết hại lẫn nhau. Gian dâm con của người, làm cho gia đình người bị nhục, đến nỗi phải trầm mình hay là tự tử vì bị danh nhơ. Vậy người giữ giới tà dâm không nên sanh lòng tà  ngoại; chồng phải giữ phận chồng, vợ phải lo tròn phận vợ, rốt lại nam nữ phải giữ chánh lễ.

     Vả lại ở thế gian nầy, từ loài người cho đến loài cầm thú, đều cũng bởi sự dâm dục mà gây nên các việc, tạo nghiệp sanh tử. Kinh Phật gọi thế gian nầy là cõi dục giới. Nếu người tu hành hằng làm lành lánh dữ, hàm dưỡng tinh thần, để cầu cho thần thức nhẹ nhàng, tránh khỏi vòng sanh tử, thì có đâu phạm đến điều dâm dục, hà huống là sự tà dâm.

Giới thứ tư: Cấm nói dối

     Nói dối là một sự rất ác độc; nói dối chẳng qua là muốn lợi cho mình, đặng phần mình. Hễ nói thêm thì dư cho người cũng hại, còn bớt thì thiếu của người cũng nguy.

     Thường ở đời có lắm người bị đổ thừa nói thêm hoặc bị dối trá lường gạt, mà bậu bạn phải chia lìa, cửa nhà tan nát, làm cho cha xa con, vợ rẽ chồng, đến nỗi có lúc phải quyên sanh tánh mạng, thiệt là hại thay, độc ác thay !

     Sách có câu: “Bán cú phi ngôn, ngộ tổn bình sanh chi đức” nghĩa là nửa câu nói quấy thì gặp sự mất đức của mình. Vì vậy Phật cấm không được nói dối. Thấy sao, nghe sao, phải lặp lại y lời, đừng thêm đừng bớt. Nếu người người đều tu hành, biết sợ “khẩu nghiệp” thì tất nhiên tránh đặng cái tội vọng ngữ.

Giới thứ năm: Cấm uống rượu

     Rượu là một thứ thuốc dễ làm say người, tốn của người. Uống nó vào bụng thì người khôn lanh hoá ra khờ dại; hễ rượu vào thì lời ra, sanh lắm điều tác tệ, việc gì ác đức cũng dám làm, dầu cho mẹ, vợ con, bậu bạn cũng không kể đến. Nó làm cho con người mê muội quên tất cả bổn tánh.

     Rượu uống thì hừng chí, ngũ tạng xao động, lửa lòng phừng lên, tâm tánh rối loạn, không phân biệt chánh tà, mất gương trí huệ. Vì vậy Phật cấm uống rượu, để được tâm tánh vững vàng, yên thần lặng trí. Ngũ giới cấm lập thành là do đức Văn Thù Bồ tát. Ngài bạch cùng Phật Thích Ca, xin lập ngũ giới cấm đặng chế phục kẻ hạ đẳng chẳng làm quấy, e khi đức Phật Thích Ca thành đạo rồi thì thiên hạ theo đông lắm, phần nhiều người còn trong bực hạ đẳng, không làm đặng trọn lành. Từ ấy lưu truyền đến nay (do theo kinh Huệ mạng).

TỊNH TAM NGHIỆP

     Tịnh là trong sạch, Tam là ba, Nghiệp theo tiếng Phạn kêu là “Karma”. Tàu dịch là tạo tác, tiếng ta có thể dịch là hành động. Có câu: “Pháp môn tuy vô lượng, nhứt từ bao quát tịnh tam nghiệp”, nghĩa là kinh luật tuy nhiều, nhưng mà có một câu Tịnh tam nghiệp gồm trọn hết.

     Thân có làm, miệng có nói, ý có suy nghĩ gọi là nghiệp cả. Tam nghiệp là: 1- thân mình làm ra thì gọi là thân nghiệp; 2- miệng nói ra thì gọi là khẩu nghiệp; 3- ý mình suy nghĩ ra thì gọi là ý nghiệp.

     Trong các nghiệp, có nghiệp lành, có nghiệp dữ, nên quả báo khác nhau. Cả đời làm dữ thì phải chịu quả báo dữ (phi phước nghiệp). Cả đời làm lành thì được quả lành (phước nghiệp). Chưởng qua huờn đắc qua, chưởng đậu huờn đắc đậu, nghĩa là trồng dưa đặng dưa, trồng đậu có đậu. Nên người tu hành cần phải tịnh tam nghiệp: thân, khẩu và ý.

     Thân nghiệp tịnh: Thân nghiệp tịnh là không giết hại người cùng loài thú vật, không làm điều trộm cắp, lường gạt của người, không tà dâm lang chạ, mà trái lại phải cứu nạn phóng sanh, giúp kẻ khó, trợ kẻ nghèo. Tóm lại, ta cứ hiến thân vào việc phải là đủ.

     Khẩu nghiệp tịnh: Khẩu nghiệp tịnh là không chửi mắng, rầy la, hăm doạ, không nói sự trái lẽ làm buồn lòng người, không nói láo xược, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không nói thêu dệt, mà lại thường nói chơn thật hiền lành, lời ngay thẳng, lời dịu ngọt, lời phân giải.

     Ý nghiệp tịnh: Ý nghiệp tịnh là không vọng tưởng điều quấy, không tham danh lợi, không tham tài sắc, không tưởng phú quí công danh, ăn ngon mặc tốt, không tưởng đến điều hờn giận, oán thù, cố chấp, ích kỷ hại nhơn.

ù

     Vậy ai là người quyết chí tu hành, muốn cho được trong một kiếp nầy khỏi đường sanh tử, rảnh nợ luân hồi, thì phải kính tin chắc chắn nơi lòng từ bi bác ái của Phật và vưng y theo lời thầy dạy. Nghĩa là trước phải giữ giới hạnh cho hoàn toàn nghiêm chỉnh, sau lo trau dồi tâm tánh mình, vì Phật đạo là tâm đạo. Muốn học đạo Phật phải học hỏi lấy tâm, trau dồi lấy tâm. Việc chi cũng đều do nơi tâm mà ra cả (vạn pháp do tâm). Phật cũng tâm, phàm cũng tâm, ngạ quỉ cũng tâm, súc sanh cũng tâm. Hễ chơn là Phật, vọng làm chúng sanh.

     Trong kinh Niết Bàn có nói: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh,” Nghĩa là hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật. Chỉ vì quên mất Phật tánh của mình đi, rồi trở lại tạo nghiệp chúng sanh, vọng tưởng nào là danh lợi, tài sắc, thương ghét, giận hờn, ham muốn, nên phải chịu luân hồi đời đời kiếp kiếp trong sáu nẻo ba đường.

     Tóm lại, chúng ta muốn về cõi Phật, phải xa lánh nghiệp chúng sanh, làm y tánh Phật (tự tánh chơn không), là không ham danh lợi, tài sắc, thương ghét, giận hờn, ham muốn, lại còn làm thêm các hạnh lành; tu tập được như vậy, thì tâm ta mới đặng thường thanh thường tịnh, trong sạch làu làu, trong ngoài vắng lặng (ấy là hết vọng huờn chơn), chứng bực vô sanh, thể đồng với Phật.

     Muốn được như vậy, dầu ở nhà tu cũng được, chẳng cần phải xuất gia. Ở chùa mà giới hạnh không được tinh nghiêm, thì chẳng bằng ở nhà mà lòng thường trong sạch vắng lặng.

     Đức Lục Tổ Huệ Năng có nói: “Bằng muốn tu hành thì ở nhà tu cũng được vậy, chẳng cần phải ở chùa. Ở nhà mà tu được, cũng như người Đông phương lòng lành. Trái lại, ở chùa mà chẳng tu hành, cũng như người Tây phương lòng ác. Nếu lòng của mình trong sạch không ô nhiễm, tức là tánh mình Tây phương vậy.”

     Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng có nói tiếp một bài kệ và khuyên rằng: Nếu không chín chắn tu hành theo bài kệ ấy, dầu có thí phát xuất gia cũng không có ích chi cho Đạo. Đại ý bài kệ rằng: Nếu cái lòng của mình ngay thẳng, thì chẳng cần phải tập thiền. Đối với ơn cù lao cúc dục của cha mẹ, thì đạo làm con phải nuôi dưỡng cho hết lòng. Đối với kẻ trên người dưới, thì phải có nghĩa tương liên. Muốn cho lớn nhỏ được hoà thuận, thì phải nhường nhịn lẫn nhau, như vậy các việc dữ đều không xảy ra (chỗ xung đột trong gia đình). Ráng tu học cũng như bền chí trong sự cưa cây lấy lửa, thì bùn lầy trổ hoa sen. Còn như lòng của mình biết cải quá tự tân, thì sanh ra trí huệ. Trái lại, giấu diếm những điều dở dang của mình, thì lòng dạ của mình thật là chẳng hiền. Hằng ngày mở lòng rộng lượng, thành đạo chẳng phải tại bạc tiền. Đạo bồ đề tự nơi lòng của mình tìm thấy, chớ chẳng phải nhọc công chạy theo những sự tướng bề ngoài. Ráng tu hành theo những lời giảng dạy trên đây, thì Thiên đường trước mắt chẳng xa.

     Việc tu hành của người tại gia cư sĩ, đã lược giải trong quyển Lễ bái lục phương nầy như vậy, còn sự hành lễ thì do quyết nghị của Ban Trị sự Trung ương, thể theo Tôn ý của đức Tông Sư, cải cách cho phương tiện như dưới đây:

     Các cuộc lễ cúng nơi chánh điện, thì hướng vào bàn Phật chính giữa, lạy 24 lạy. Khi xá thì xá phía trong, phía ngoài, và xoay vô phía trong xá một lần nữa là đủ lễ.

Biên tập:                           TRẦN XUÂN LÝ

Trình bày:                          LÊ ĐỨC THẮNG

Bìa:                                    TỊNH ĐỘ

Sửa bản in:                        TRẦN XUÂN LÝ

(*) Lạy sáu hướng có năm điều chấp sự, nếu không biết rõ năm điều ấy mà làm theo, thì lạy sáu hướng nào có ích gì (Lễ bái lục phương việc hữu ngũ sự, bất tri ngũ sự Lễ bái lục phương hà ích).