Pháp Bửu Đàn Kinh Biên Giảng – Phần bốn


“Kinh Pháp Bửu Đàn” Cư sĩ Như Pháp biên giảng năm 1991 (phần bốn) 
.

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

PHÁP BỬU ĐÀN KINH BIÊN GIẢNG

(Phần bốn)

Môn nhân Pháp Hải đời Đường ghi chép

Đại sư Khế Tung biên tập, 1291

Cư sĩ Như Pháp biên giảng, 1991

PHẨM THỨ TÁM

ĐỐN TIỆM

  1. Thuở ấy Huệ Năng Đại sư ở chùa Bửu Lâm thuộc Tào Khê, ở cách phía đông thành Thiều Châu ba mươi lăm dặm, còn Thần Tú Đại sư thì ở chùa Ngọc Tuyền thuộc về phủ Kinh Nam. Thuở bấy giờ hai tông phái hoá độ người đời rất thạnh hành, thiên hạ gọi là Nam Năng, Bắc Tú. Từ đó thành Nam Bắc hai tông Đốn Tiệm, khiến người học đạo chẳng rõ được tông thú.
  2. Đại sư vì đại chúng nói: Pháp vốn một tông, mà người lại chia Nam Bắc. Pháp chỉ một giống, nhưng tại người thấy có chậm có mau.

Thế nào gọi là Đốn giáo và Tiệm giáo? Thật ra thì pháp không có Đốn Tiệm, nhưng vì có kẻ lợi căn và người chậm lụt khác nhau, do đó mà thành ra có cái tên Đốn và Tiệm đó thôi.

  1. Song vì các đồ chúng của sư Thần Tú thường chê tổ sư Nam tông chẳng biết một chữ, có gì là hay?
  2. Sư Thần Tú có nói rằng: Kia đặng cái trí vô sư nên đã tỏ ngộ giáo pháp đại thừa một cách thâm sâu, tôi không thể nào bì kịp. Vả lại, thầy của tôi là Ngũ Tổ, chính Ngài đã truyền y pháp, há phải dễ lắm sao? Hiềm vì xa xôi cách trở, tôi không thể đi đến đó được, lại luống chịu cái ơn nước. Vậy các thiện tri thức, chớ có câu chấp tình thầy trò mà diên trì tại đây, khá mau qua Tào Khê tham học để giải quyết các nghi vấn.
  3. Một ngày nọ, sư Thần Tú bảo Chí Thành là môn nhân thân tín rằng: Ngươi rất thông minh lại nhiều trí, khá vì tôi mà đến Tào Khê để nghe pháp. Nên hết lòng ghi nhớ, khi trở về đây thuật lại cho tôi nghe.
  4. Chí Thành vâng mạng đến Tào Khê, cùng các chúng đến tham vấn Tổ rồi im lặng nghe, chẳng nói là mình ở đâu đến.
  5. Khi ấy Tổ nói cùng các chúng rằng: Hôm nay có kẻ trộm pháp, lén lút ở trong hội chúng.
  6. Chí Thành bèn bước ra đảnh lễ Tổ và thuật hết tự sư.
  7. Tổ rằng: Ngươi ở chùa Ngọc Tuyền đến đây, tất là kẻ do thám rồi.
  8. Thưa Hoà thượng, chẳng phải vậy.
  9. Còn gì nữa mà nói chẳng phải?
  10. Bạch Hoà thượng, lúc chưa nói là phải, khi nói rồi thì chẳng phải.
  11. Tổ rằng: Thầy của ngươi dạy đồ chúng như thế nào?
  12. Bạch Hòa thượng, thầy tôi hằng chỉ dạy trong đại chúng “trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi chẳng nằm.”
  13. Tổ nói: Trụ lòng quán tịnh, là bịnh chớ chẳng phải thiền, còn ngồi mãi thì bó buộc vóc mình chớ có ích chi với lý đạo đâu? Hãy nghe kệ của tôi đây:

Khi sống ngồi chẳng nằm,

Lúc chết nằm chẳng ngồi.

Đó là bộ xương thúi,

Công phu vậy sao rồi?

  1. Chí Thành lạy tạ bạch rằng: Bạch Hoà thượng, kẻ đệ tử này ở với đại sư Thần Tú học đạo đã chín năm trường, mà chẳng tỏ ngộ được, nay nghe pháp lý của Hoà thượng khế hợp với bổn tâm mình.

Bạch Hoà thượng, đệ tử vì vấn đề sanh tử là việc lớn, nên ra công học đạo, mong Hoà thượng mở lòng từ bi, chỉ dạy cho đệ tử.

  1. Tổ nói: Tôi nghe thầy của sư giảng dạy môn nhơn pháp Giới, Định, Huệ. Vậy sư thuật lại cho tôi nghe thử.
  2. Chí Thành bạch rằng: Thầy tôi dạy các điều ác chớ làm, gọi là Giới, các điều lành vâng làm, gọi là Huệ, mình tự thanh tịnh ý của mình, gọi là Định. Thầy tôi dạy Giới Định Huệ như thế, chưa biết Ngài dùng phép chi để dạy các chúng.
  3. Tổ nói: Nếu nói rằng tôi có pháp để dạy đạo, tức là tôi dối sư vậy. Tôi chỉ tuỳ theo phương tiện mà mở chỗ trói buộc cho người đời, bèn giả danh là tam muội.(1)Như thầy sư dạy Giới, Định Huệ đó, thật là sâu xa khó nghĩ bàn. Song chỗ kiến giải Giới, Định, Huệ của tôi lại khác.
  4. Bạch Hoà thượng, đã nói là Giới Định Huệ, tức chỉ có một giống pháp, dĩ nhiên là in nhau, tại sao chẳng đồng?
  5. Giới Định Huệ của thầy sư nói đó là dành để tiếp cho bực đại thừa, còn Giới Định Huệ của tôi nói đây, là để tiếp cho bực tối thượng thừa. Bởi vì chỗ tỏ ngộ có sâu cạn, nên chỗ giảng giải mới có cao thấp, rộng hẹp khác nhau.

Sư nghe tôi nói có giống Đại sư Thần Tú chăng? Pháp tôi nói không bao giờ lìa tự tánh. Nếu lìa thể tánh mà thuyết pháp, gọi là tướng ngôn thuyết. Có tướng ngôn thuyết, tức là tánh mình còn mê, chưa được sáng suốt vậy. Sư nên biết rằng: “Tất cả muôn pháp đều do tự tánh khởi ra dụng tướng, mới thiệt là pháp Giới Định Huệ.

  1. Hãy nghe kệ của tôi đây:

Tâm địa không quấy, tự tánh giới,

Tâm địa không mê, tự tánh huệ,

Tâm địa không loạn, tự tánh định.

Chẳng thêm chẳng bớt, tự Kim Cang,  

Thân lui thân tới, vốn Tam muội.(2)

  1. Chí Thành nghe kệ xong, sám hối tạ ơn rồi trình kệ rằng:

Năm uẩn giả thân,

Giả đâu cứu cánh.

Quày về chơn như, 

Pháp lại chẳng tịnh.(3)

  1. Tổ khen là đúng. Ngài nói rằng: Giới, Định, Huệ của thầy sư hợp với người căn trí nhỏ. Trái lại, Giới, Định, Huệ tôi nói cho người căn trí lớn.

Phải biết rằng: Nếu tỏ ngộ được tự tánh, thì chẳng cần phải lập Bồ đề Niết bàn và Tri kiến giải thoát.(4) Không có một pháp tu nào (chứng đắc) mới gọi là cái tri kiến lập được muôn pháp. Nếu ngộ giải được cái ý ấy thì gọi là thân Phật, gọi là Bồ đề Niết bàn, cũng gọi là tri kiến giải thoát.(5) Hễ người kiến tánh rồi, muốn lập ra hay chẳng lập ra Giới Định Huệ cũng được, không ngăn trệ, không quái ngại, gặp việc làm thì tuỳ duyên mà làm việc, gặp việc hỏi thì tuỳ duyên mà trả lời[61] hiện khắp hoá thân, chẳng lìa tự tánh, tức là đặng thân tự tại du hí tam muội, đó gọi là kiến tánh.

  1. Bạch Hoà thượng, thế nào là nghĩa chẳng lập?
  2. Tự tánh không dối quấy, không si mê, không tán loạn, niệm niệm hằng dùng trí bát nhã quán xét, hay lìa được pháp tướng, tự do tự tại, dọc ngang chẳng ngại, thì cần chi phải lập ra các pháp.

Tánh mình tự ngộ, chóng ngộ, chóng tu, cần chi phải theo thứ lớp từng bực mà tu hành. Do lẽ này mà chẳng cần phải lập ra các pháp. Hơn nữa, các pháp đều vắng lặng, nào có thứ lớp chi.

  1. Chí Thành lạy tạ, bèn xin ở lại hầu hạ sớm khuya, chẳng bao giờ giải đãi.

 

====

 

CHÍ TRIỆT

 

  1. Có một kẻ pháp danh là Chí Triệt, người Giang Tây, tên tộc là Trương Hành Xương, thuở nhỏ vốn là một hiệp khách.

Từ khi chia Nam Bắc đôi đường, mạnh ai nấy lo giáo hoá mở đạo. Tuy hai vị Tông chủ cầm đầu Bắc Nam quên lòng phân biệt bỉ ngã, nhưng các đệ tử của Đại sư Thần Tú lại sanh lòng thương ghét.

  1. Thuở ấy, các đệ tử miền Bắc cùng nhau tôn Đại sư Thần Tú lên làm Tổ thứ sáu, nhưng nhiều người trong lòng đố kỵ Tổ Huệ Năng được truyền y-pháp, thiên hạ đều nghe danh, bèn cậy Hành Xương đi hành thích Tổ sư.
  2. Lòng đã tỏ thông, Tổ biết trước chuyện sắp xảy ra, liền lấy mười lạng vàng để ngay tại chỗ ngồi.
  3. Một đêm nọ, Hành Xương lén đột nhập vào trong liêu của Tổ, quyết ra tay hành thích. Tổ sư đã đợi sẵn, đưa cổ cho chém, Hành Xương liền huơi đao chém đủ ba lần, nhưng chẳng hề hấn chi cả.
  4. Tổ nói: Gươm chánh chẳng làm được việc tà, gươm tà chẳng hại được kẻ chánh. Tôi chỉ mắc nợ vàng của người, chớ chẳng mắc nợ mạng.
  5. Hành Xương kinh hồn té xỉu, giây lát tỉnh lại ăn năn lạy lục, cầu khẩn xin xuất gia tu hành.
  6. Tổ lấy vàng đưa cho và nói: Ngươi hãy lập tức đi liền, đừng diên trì ở đây, e đồ chúng của tôi hay được sẽ có chuyện không tốt. Ngày sau hãy trở lại đây, tôi sẽ thâu nạp.
  7. Hành Xương vâng lời, lập tức trốn khỏi. Về sau, Hành Xương xuất gia làm sãi. Một ngày nọ, Hành Xương trực nhớ lời dặn của Tổ, bèn từ phương xa đi đến, kính cẩn đảnh lễ ra mắt Lục Tổ.
  8. Tổ rằng: Tôi trông người đã hèn lâu, tại sao lại đến trễ quá vậy?
  9. Bạch Hoà thượng! Ngày trước mang ơn Hoà thượng xá tội, nay tuy đã xuất gia đầu Phật, lập khổ hạnh, nhưng không biết bao giờ mới đền đáp được ơn đức cao dày, chỉ biết một việc là ra công truyền pháp độ sanh, đáp ân trong muôn một.

Đệ tử có xem kinh Niết Bàn mà chưa rõ nghĩa lý thế nào là “Thường” là “Vô Thường.” Xin Hoà thượng thể lượng từ bi, ra công giảng giải cho đệ tử rõ.

  1. Tổ đáp: Vô thườngtức là Phật tánh, còn Hữu thườngtức là tâm phân biệt cả thảy các pháp thiện ác, cả thảy hai tướng đối đãi.
  2. Bạch Hoà thượng, chỗ nói như vậy thật là sai với văn tự trong kinh Phật.
  3. Tôi được truyền tâm ấn của Phật, đâu dám nói sai kinh Phật.
  4. Bạch Hoà thượng, trong kinh có nói tánh Phật là Thường, thế mà Hoà thượng lại nói là Vô thường. Còn các pháp thiện ác, cho tới tâm bồ đề đều là Vô thường, mà Hoà thượng lại cho là Thường,(6)thế là trái ngược nhau, làm cho kẻ học đạo này tăng thêm lòng nghi pháp.
  5. Tổ nói: Kinh Niết Bàn khi trước tôi có nghe cô vãi Vô Tận Tạng đọc qua một bận, tôi bèn vì cô mà giảng giải, không một chữ, một nghĩa nào chẳng hạp với văn tự trong kinh. Đến ngày nay đối với người, lời nói của tôi trọn chẳng hai thuyết.
  6. Bạch Hoà thượng, chỗ hiểu biết của kẻ học đạo này hãy còn nông cạn mù mịt, cầu xin Hoà thượng khai thị cặn kẽ rành mạch, đệ tử mới lãnh hội đặng.
  7. Người có biết chăng, nếu Phật tánh là thườngthì cần chi phải bàn đến các pháp thiện ác! Hơn nữa, nếu Phật tánh mà thường, thì cùng kiếp chẳng có người nào phát tâm bồ đề. Bởi vậy tôi nói vô thường, chính là cái đạo “chơn thường” của Phật nói.
  8. Lại nữa, nếu tất cả các pháp là vô thườngthì tức là vật vật đều có tự tánh, mà lại gồm chịu sự sanh tử, thành ra tánh chơn thường chẳng châu biến khắp pháp giới. Bởi vậy tôi nói là thường,chính là cái nghĩa của Phật nói “chơn vô thường” vậy.
  9. Xưa kia,đức Thế Tôn vì kẻ phàm phu và ngoại đạo hay chấp nơi tà thường, còn hàng Nhị thừa thì nơi thường lại cho là vô thường, cộng thành tám thứ ngược.(7)Vì vậy mà trong kinh Niết Bàn mới dạy cái nghĩa rốt ráo để phá những chỗ biên kiến thiên trệ một bên, đặng hiển cái nghĩa chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh.
  10. Ngày nay, tuy người y lời trong kinh văn, nhưng mà trái nghĩa của Phật, dùng cái nghĩa vô thường đoạn diệt để xác định cái nghĩa tử thường,[62]thành ra hiểu biết sai lầm chơn lý vi diệu viên mãn của Phật thuyết pháp lần cuối cùng. Thế thì, dầu người xem kinh Niết Bàn đến ngàn bận cũng chẳng ích gì.
  11. Hành Xương tỏ ngộ, bèn trình kệ rằng:

Bởi mê chấp tâm vô thường,

Nên Phật nói tánh hữu thường phá mê.

Phương tiện sao lại chấp nê,

Ao xuân lượm gạch si mê thay là,(8)

Tôi nay chẳng nhọc công mà,

Thấy đặng Phật tánh hiện ra rõ ràng.

Ơn thầy chỉ dạy lời vàng,    

Ta không sở đắc là đàng thoát mê.

  1. Tổ nói: Nay người đã thông triệt, xứng danh Chí Triệt mới phải cho.
  2. Chí Triệt lạy tạ rồi lui ra.
  3. Một ngày kia Tổ thấy các giáo đồ nhóm lại một chỗ vấn nạn lẫn nhau, làm cho ai nấy đều khởi lòng ác. Tổ thấy vậy động lòng thương, gọi lại giảng rằng: Phàm kẻ học đạo, nên trừ hết thảy những niệm thiện ác, không có danh gì khá gọi là danh ở nơi tự tánh. Cái tánh không hai, mới danh là thiệt tánh. Do trên thiệt tánh mà gây dựng cả thảy giáo môn, dưới lời nói pháp mình phải tự thấy lấy tánh mình.
  4. Các chúng nghe nói, cả thảy đều đảnh lễ, xưng tụng đại sư làm thầy.

 

CHÚ GIẢI

 

(1) Nếu nói rằng có pháp để dạy đạo, tức là tôi dối sư vậy. Tôi chỉ tuỳ theo phương tiện mà mở chỗ trói buộc cho người đời, bèn giả danh là tam muội.

Pháp của Phật ví như thuốc dùng để trị bịnh, chỉ tuỳ theo chứng mà lập phương. Thật ra thì bịnh chẳng thiệt có, mà thuốc cũng chẳng thiệt có, nếu thiệt có bịnh, thì thuốc nào chuyên trị cho dứt được. Thuốc cũng vậy, tuỳ chứng mới có lập ra thang danh. Đó là giả lập không nhứt định (Phật pháp bất định pháp). Trong Kim Cang có câu: “Như Lai thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp.” Nghĩa là, pháp của đức Như Lai nói ra thí dụ như chiếc bè, Phật pháp còn phải xả bỏ không trụ chấp, huống chi chẳng phải Phật pháp. Hễ bịnh còn thì thuốc còn, bịnh dứt thì bỏ thuốc, đó là cái lý Phật pháp còn phải bỏ…

Có một vị sư hỏi Ngài Huệ Hải rằng:

— Chẳng hay Hoà thượng nói pháp chi để độ đời?

— Vốn thiệt tôi chưa từng có một pháp chi để độ đời cả. Còn các đại đức nói pháp chi để độ đời?

— Chúng tôi giảng kinh Kim Cang Bát nhã.

— Pháp sư giảng được mấy trang rồi?

— Hơn hai mươi trang.

— Chẳng hay kinh Kim Cang ai nói? Ngài Huệ Hải hỏi.

— Hoà thượng khéo giễu cợt chúng tôi hay sao? Ai lại chẳng biết kinh Kim Cang do Phật nói ra, lại đi hỏi lạ lùng như vậy?

— Nầy đại đức! Nếu nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là chê Phật, người ấy chẳng hiểu rõ cái nghĩa của Phật nói. Trái lại, cho rằng Kim Cang chẳng phải Phật nói, thì là chê pháp.

Chỗ trả lời của Ngài Huệ Hải cũng chẳng khác với Lục Tổ vậy.

(2) Tâm địa không quấy tự tánh Giới.

Nếu bo bo giữ từng điều, từng khoản trong giới luật, đó là giới tướng, trái lại, hễ lòng mình không sai quấy, đó là tự tánh giới. Giới tướng dùng để kềm lái cho những người lòng chưa thanh tịnh. Trái lại, nếu đã thanh tịnh mà còn chấp giữ từng điều từng khoản, thì giới tướng trói buộc, cũng như mới học viết thì kẻ hàng đôi sợ lội bậy, chớ đã viết giỏi rồi mà cứ gạch hàng mãi thành ra trói buộc. Giới luật để dìu dắt người tu hành đến chỗ thanh tịnh, tất cả kinh luận cũng thế, cùng hướng về một mục đích chung là làm cho lòng mình thanh tịnh. Thanh tịnh là Phật, không thanh tịnh là chúng sanh. Thế thì dầu có lập ra Chơn như, Niết bàn, Pháp thân v.v… cũng hướng về thanh tịnh, nghĩa là hướng về Phật thừa. Chúng sanh giữ giới Phật, bèn vào địa vị Phật, giới Phật là thanh tịnh giới chớ không có gì lạ.

Tâm địa không mê, tự tánh Huệ.

Có tối mới dùng sáng, có mê mới dùng ngộ, có ngu mới dùng trí. Nếu không tối thì cần chi phải dùng sáng; không mê, không ngu, thì cần chi phải dùng ngộ, dùng trí. Thế thì, sở dĩ có thuốc, là tại có bịnh, nếu không bịnh thì cần chi phải uống thuốc. Chơn tâm không có bịnh, nên không cần thuốc. Thuốc chỉ cần cho vọng tâm mà thôi. Bởi vậy mới nói: Chơn tâm không có mê, ngộ, không có ngu, trí, v.v… nghĩa là không có hai tướng đối đãi.

Ở đây Chí Thành đã tỏ ngộ, tự tánh không mê đó là Huệ, không cần phải tìm kiếm trí huệ ở đâu nữa.

Tâm địa không loạn, tự tánh Định.

Chơn tâm siêu việt ngoài vòng đối đãi của các pháp, nó không ở trong hai tướng. Sở dĩ giả lập ra pháp thiền định, để đối trị bịnh tán loạn là tại chúng sanh mê lầm, để cho tâm chấp trước ngoại cảnh sáu trần, do đó mới có tâm phan duyên leo chuyền theo cảnh. Hễ cảnh sanh thì tâm sanh, cảnh diệt thì tâm diệt, cảnh vui thì tâm vui, cảnh khổ thì tâm khổ v.v… bèn gọi là tâm sanh diệt, là tâm loạn động, nhơn đó mới có giả lập pháp thiền định.

Bực minh tâm kiến tánh, tỏ ngộ được bồ đề diệu minh chơn tâm, vốn thường tịch mà quang chiếu. Nếu tự tánh đã tịch tịnh thì tu thiền định để làm gì? Nếu tự tánh quang chiếu, thì dụng trí huệ tu cái chi? Nghĩa là bịnh vốn không thì chẳng dùng thuốc vậy.

Giới Định Huệ của Tổ nói đây, không lìa tự tánh là như vậy.

Chẳng thêm chẳng bớt tự Kim Cang.

Kim Cang, cái nghĩa của nó là chẳng biến đổi, chẳng hư hoại, chẳng thêm, chẳng bớt. Chẳng biến đổi, chẳng hư hoại, tức là như như. Đó là định nghĩa tối thiểu của bồ đề diệu minh chơn tâm, dầu ở chúng sanh đoạ lạc luân hồi, tâm ấy chẳng bớt, dầu ở các vị thánh, tự do tự tại trong cảnh giới Niết bàn tâm ấy cũng không thêm. Ý Tổ muốn nói tự tánh Kim Cang chẳng thêm chẳng bớt.

Thân lui thân tới vốn tam muội.

Tam muội là chánh định. Khi tỏ được tự tánh Giới, Định, Huệ rồi, thì dầu có đi tới đi lui, dầu có nằm ngồi, cùng là đứng, hoặc hành động việc chi cũng là tịnh định, chẳng phải đợi lúc ngồi lim dim trong tịnh thất mới tịnh định.[63]

(3) Năm uẩn giả thân, giả đâu cứu cánh, quày về chơn như, pháp lại chẳng tịnh.

Chí Thành sau khi nghe kệ xong, bèn trình kệ lại. Đại ý Chí Thành nói rằng thân ngũ uẩn là giả hiệp, tuy là giả hiệp, nhưng đó là phương tiện để cho Phật tử hành đạo, đừng lầm phương tiện với cứu cánh. Dùng phương tiện đến chỗ cứu cánh, cũng như mượn bè qua biển, khi tới bờ chẳng dùng bè. Thân người học đạo ví như cái bè, tuy biết nó là giả, nhưng ngoài cái giả, không có cái thiệt, nghĩa là ngoài sắc thân không có pháp thân, ngoài sắc pháp không có tâm pháp.

Biết thân là giả, rồi bỏ giả để quay lại tâm chơn như, đó là một sự mê lầm mà hầu hết người tu Phật lúc ban sơ ai cũng mắc. Phải do nơi cái giả mà tầm cái thiệt, nghĩa là do thân ngũ uẩn mà chứng dặng chơn như. Bằng như lìa thân ngũ uẩn mà tầm chơn như, thì cái chơn như ấy trở thành vọng tưởng, chớ chẳng phải là pháp thanh tịnh, vì vậy mới nói: quày về chơn như pháp lại chẳng tịnh.

(4) Nếu tỏ ngộ được tự tánh, thì chẳng cần phải lập bồ đề Niết bàn và tri kiến giải thoát.

Đức Thế Tôn sở dĩ lập ra bồ đề, niết bàn, lập ra tri kiến giải thoát và tất cả các pháp khác, cũng chỉ vì muốn cho người tu hành tỏ ngộ được tự tánh. Thế thì, tất cả giáo lý trong kinh luật luận, toàn là giả lập, dùng để chỉ tự tánh của chúng sanh, chẳng khác nào dùng ngón tay để chỉ món đồ. Nếu mê chấp ngón tay thì chẳng thấy được món đồ. Cũng như thế, nếu mê chấp kinh luật luận, mê chấp cái danh từ trong kinh luận, có khác nào mê chấp ngón tay đâu. Bởi vậy, Tổ mới nói «Nếu tỏ ngộ được tự tánh, thì chẳng cần phải lập Bồ đề, Niết bàn… »

(5) Không có một pháp nào chứng đắc, mới gọi là cái tri kiến lập được muôn pháp. Nếu ngộ giải được cái ý ấy, gọi là bồ đề, niết bàn, cũng gọi là tri kiến giải thoát.

Như trên đã nói, sở dĩ đức Thế Tôn lập ra các pháp, nào bồ đề, nào niết bàn, nào pháp thân, bát nhã v.v… cũng chỉ vì người chưa tỏ ngộ tự tánh. Cái ý nghĩa lập ra các pháp là như thế. Vậy mà người tu hành chẳng biết, lại chấp có pháp này pháp nọ, chấp có tu, có chứng, có đắc, chấp có Niết bàn, có Phật, chấp có chơn như, có pháp thân v.v… để rồi chạy theo những danh từ ấy đặng cầu đắc đạo, cầu tỏ đạo, đều là mê lầm cả. Bởi vì các pháp ấy không ngoài tự tánh mà có, nó là cái chơn ngã của ta, ta đi tìm cầu ta, ta đi chứng đắc cái ta, có phải là vô lý chăng? Nếu ngộ giải được cái ý vì sao mà Phật lập ra các pháp và biết rằng không có một pháp nào chứng đắc, thì gọi là bồ đề, niết bàn, cũng gọi là tri kiến giải thoát.[64]

(6) Trong kinh có nói tánh Phật là Thường thế mà Hoà thượng lại nói là Vô thường. Còn các pháp thiện ác cho tới tâm bồ đề là Vô thường, mà Hoà thượng lại cho là Thường.

«Thường» nghĩa là hằng như vậy không biến đổi. «Vô thường» tức biến đổi. Chí Triệt cho Phật tánh là thường, còn tâm bồ đề là vô thường, thật là lạ. Tất cả danh từ, nào chơn như, niết bàn, pháp thân, bát nhã, tâm bồ đề v.v… tuy khác tên mà đồng nghĩa. Những danh từ ấy là cưỡng danh để chỉ bản thể tự tánh vậy. Chí Triệt dám nhận tâm bồ đề là vô thường, sao lại không dám nhận Phật tánh là vô thường? Vả chăng, Phật, Tổ nói thường hay vô thường chỉ là để phá chấp cái danh để hiển cái nghĩa mà thôi.

(7) Xưa kia, đức Thế Tôn vì kẻ phàm phu và ngoại đạo hay chấp nơi tà thường, còn hàng Nhị thừa thì nơi thường lại cho là vô thường, cộng thành tám thứ ngược

Phàm phu có bốn thứ điên đảo, Nhị thừa cũng có bốn thứ điên đảo, cộng lại là tám món điên đảo, nó mâu thuẫn với Niết bàn của Đại thừa, nên gọi là tám thứ trái ngược.

Bốn thứ điên đảo của phàm phu là:

  1. Các pháp trên đời là vô thườngmà cho là thường.
  2. Các pháp trên đời là khổmà cho là lạc.
  3. Các pháp trên đời là vô ngãmà cho là hữu ngã.
  4. Các pháp trên đời là bất tịnhmà cho là tịnh.

Bốn thứ điên đảo của Nhị thừa là:

  1. Niết bàn là chơn thườngmà cho làkhông thường.
  2. Niết bàn là chơn lạcmà cho là không lạc.
  3. Niết bàn là chơn ngãmà cho là không ngã.
  4. Niết bàn là chơn tịnhmà cho là không tịnh.

Nên biết rằng Niết bàn của Nhị thừa là tịch diệt, do chứng được «Tam pháp ấn»: 1. Các hành vô thường, 2. Các pháp vô ngã, 3. Niết bàn tịch diệt. Còn Niết bàn của Đại thừa là thanh tịnh. Cảnh giới thanh tịnh rất khác nghĩa với cảnh giới tịch diệt. Niết bàn Đại thừa do chứng được “Thiệt tướng ấn” mà có bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

(8) Bởi mê chấp tâm vô thường,

Nên Phật nói tánh hữu thường phá mê.

Phương tiện sao lại chấp nê,

Ao xuân lượm gạch si mê thay là.

Người tu hành chưa đến mức rốt ráo, khi xem kinh, thấy Phật nói sao, thì chấp cũng y như vậy, không dè Phật tuỳ duyên mà thuyết pháp. Đối với người chấp có, Phật nói không, còn với người chấp không, Phật lại nói có. Với người chấp đoạn, Phật nói thường, với người chấp thường, Phật nói đoạn v.v…

Sở dĩ Phật phá chấp như vậy để cho Phật tử tỏ ngộ bổn tánh của mình mà xa lìa hai bên biên kiến (xa lìa hai tướng đối đãi). Bởi vì, bổn tánh của chúng sanh siêu việt ngoài vòng tương đối, không thường, không đoạn, không có, không không v.v…

Chí Triệt đã tỏ ngộ mới nói kệ được như vậy, và sư cho rằng lời của Phật không nên chấp, vì Phật tuỳ duyên phương tiện mà thuyết pháp sao lại chấp nê. Nếu chấp nê, đó là lượm gạch sỏi ao xuân, mà lầm nhận là ngọc Kim cương, khác nào kẹt trong Hoá thành mà lầm tưởng là Bảo sở.

 

Chú thích:

[61] Trong lòng chẳng chấp, chẳng câu nệ có làm, có vấn đáp.

[62] Hằng chết.

[63] Xin xem lại những đoạn chú giải về Giới Định Huệ để tăng sự hiểu biết ở nơi đây.

[64] Xin đọc lại các tiết từ 24 đến 26 để hiểu thêm đoạn nầy.

 

=======================

 

 

PHẨM THỨ CHÍN

H Ộ   P H Á P

 

  1. Niên hiệu Thần Long năm thứ nhứt,[65]ngày thượng nguơn, vua Tắc Thiên cùng với vua Trung Tôn hạ lời chiếu rằng: Trẫm thỉnh Sư An và Tú, hai vị Đại sư về trong cung viên cúng dường, đặng thừa lúc triều chánh rảnh rang, hầu nghiên cứu đạo Nhứt thừa. Cả hai vị Đại sư đều nhân nhượng giới thiệu rằng: Hiện nay ở miền Nam, có Huệ Năng Đại sư, một vị được Hoằng Nhẫn Đại sư mật trao y-pháp và truyền tâm ấn của Phật, nên thỉnh tới mà hỏi đạo.

Do lời giới thiệu ấy, nay trẫm khiến quan nội thị là Tiết Giản đệ tờ chiếu này lên Đại sư, xin thỉnh Đại sư dũ lòng từ bi, mau mau lên kinh đô.

  1. Tổ bèn dâng biểu từ chối rằng: Vì bịnh hoạn, xin tình nguyện trọn đời ở nơi lâm lộc.
  2. Tiết Giản bạch rằng: Bạch Hoà thượng, các vị đại đức thiền sư ở kinh thành đều nói rằng: “Muốn đắc đạo, tất phải ngồi thiền tập định, nếu chẳng nhờ thiền định mà được giải thoát, thì là một việc xưa nay chưa từng có.” Vậy chỗ nói pháp của đại sư như thế nào, xin Ngài từ bi giảng giải.
  3. Đại sư rằng: Đạo do nơi tâm mà tỏ ngộ, đâu phải do cái ngồi. Trong kinh Kim Cang có nói: “Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, ấy là theo đạo tà.”(1)Vì sao? Vì Như Lai không từ đâu mà tới, cũng không có chỗ nào mà lui. Không sanh, không diệt, là Như Lai thanh tịnh thiền, các pháp đều vắng lặng, ấy là Như Lai thanh tịnh toạ, rốt ráo không có chi gọi là chứng đắc, huống chi là ngồi.
  4. Giản rằng: Bạch Hoà thượng, khi đệ tử trở về kinh đô, thế nào chúa thượng cũng hỏi lại. Vậy xin Hoà thượng từ bi chỉ bảo những chỗ tâm yếu, đặng đệ tử tâu lại hai cung và tỏ lại cho những người học đạo ở kinh thành rõ, chẳng khác nào nhờ một ngọn đèn thắp ra cả trăm cả ngàn ngọn, tất cả chỗ tối nhờ đó mà sáng sáng chẳng cùng.
  5. Tổ nói: Đạo không có sáng tối, sáng với tối là cái nghĩa luân phiên thay đổi. Còn sáng sáng chẳng cùng, cũng có ngày cùng, ấy là do các pháp tương đối mà thành danh. Bởi vậy kinh Tịnh Danh có nói: “Pháp không có so sánh, vì không tương đối lẫn nhau.”
  6. Giản rằng: Sáng ví với trí huệ, tối ví với phiền não. Nếu người học đạo chẳng dùng trí huệ để chiếu phá phiền não, thì nương đâu mà thoát khỏi nghiệp sanh tử từ vô thỉ đến nay?
  7. Đại sư rằng: Phiền não tức bồ đề.(2)Không một, không hai, không riêng không khác. Nếu dùng trí huệ để soi chiếu đánh dẹp phiền não, ấy là chỗ kiến giải của hàng Nhị thừa. Còn như bực thượng căn đại trí, thì chẳng phải như vậy.
  8. Giản rằng: Thế thì chỗ kiến giải của bực Đại thừa như thế nào?
  9. Sáng và không sáng, kẻ phàm phu chấp là hai. Trái lại, bực trí huệ hiểu rõ chẳng phải hai, cái tánh không hai ấy, mới gọi là thiệt tánh.(3)Cái thiệt tánh đó, ở nơi kẻ phàm phu ngu mê chẳng bớt, mà ở nơi hiền thánh sáng suốt cũng không thêm, ở nơi phiền não tánh ấy chẳng rối loạn, ở nơi thiền định, tánh ấy chẳng vắng lặng. Tánh ấy chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, chẳng tới, chẳng lui, chẳng ở chính giữa, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ, chẳng biến hoá dời đổi, tánh ấy cưỡng danh là Đạo vậy.
  10. Bạch Đại sư, nếu nói chẳng sanh chẳng diệt, thì có khác gì lý thuyết của ngoại đạo đâu?
  11. Tổ đáp: Cái nghĩa chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo là dùng cái “diệt” để dứt cái “sanh,” và dùng cái “sanh” để hiển cái “diệt.” Như thế có nghĩa là diệt mà nói chẳng diệt, sanh mà nói chẳng sanh.(4)Trái lại, cái lý chẳng sanh chẳng diệt của tôi nói đây là gốc của nó xưa vốn chẳng sanh nên nay cũng chẳng diệt, vì vậy chẳng đồng với ngoại đạo.

Nay người muốn biết chỗ tâm yếu, thì nhứt thiết các việc thiện ác đều chớ nghĩ lường, tự nhiên vào đặng cái tâm thể thanh tịnh y nhiên thường hằng vắng lặng, diệu dụng nhiều như cát sông Hằng.

  1. Tiết Giản nhờ ơn chỉ dạy, lòng đã tỏ ngộ, lạy tạ từ giã, dâng biểu tấu mấy lời của Tổ nói.
  2. Cũng trong năm ấy, tháng chín, ngày mùng ba, vua có xuống chiếu, khen tặng Tổ sư rằng: “Sư cố từ chối vì già yếu bịnh hoạn và vì Trẫm mà lo tu hành, đó là ruộng phước của nước nhà vậy. Sư cũng như Ngài Tịnh Danh thuở xưa, thoái thoát vì tật bịnh ở nơi thành Tỳ-xá-ly lo xiển dương giáo lý Đại thừa, truyền lại tâm ấn của chư Phật bằng cách giảng nói pháp môn chẳng hai.

Tiết Giản vâng giữ mấy lời của Sư chỉ dạy để truyền lại chỗ tri kiến Như Lai. Trẫm nhờ tu nhơn tích đức nhiều kiếp, sớm gieo căn lành như thế, nên ngày nay hân hạnh gặp Sư ra đời, nghe được giáo pháp, liền chóng tỏ nghĩa lý Thượng thừa, thật là cảm ơn Sư biết mấy.

Vậy trẫm xin dâng Ma-nạp cà sa và cái bát thuỷ tinh cung kính cúng dường.”

  1. Sau đó, vua lại sắc cho quan Thứ sử ở Thiều Châu sửa sang ngôi chùa lại và sắc tứ hiệu chùa của Tổ ở, tên là chùa Quốc Ân.

 

CHÚ GIẢI

 

(1) Nếu nói Như Lai hoặc ngồi, hoặc nằm, ấy là theo đạo tà.

Như Lai là một danh hiệu của Phật, đó là nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì chỉ cái bản tánh chơn như. Ở đây Tổ dùng nghĩa bóng nói với Tiết Giản. Trong kinh Kim Cang, đức Thế Tôn có nói với ông Tu Bồ Đề rằng: “Này Tu Bồ Đề, nếu có kẻ nào nói Như Lai là hoặc đi, hoặc lại, hoặc ngồi, hoặc nằm, thì người ấy không hiểu ý nghĩa chỗ Ta nói đó. Bởi cớ sao? Như Lai là không tuỳ theo chỗ mà lại, cũng không chỗ nào lui đi, ấy mới gọi là Như Lai.” (Tu Bồ Đề, nhược ngôn Như Lai nhược khứ nhược lại, nhược toạ nhược ngoạ, thị nhơn bất giải sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai).

Thế thì, Như Lai là Phật tánh, là chơn tâm, là chơn như, là Bồ đề, là Niết bàn, là pháp thân, thiệt tướng v.v…

Bản thể của muôn pháp cưỡng danh là chơn như, tuỳ duyên mà sanh ra muôn pháp, muôn pháp hoàn về chơn như. Chơn như là bản thể, muôn pháp là hiện tượng, bản thể với hiện tượng xứng lý mà nói, thì viên dung bình đẳng. Nếu hiện tượng của các pháp là viên dung bình đẳng với bản thể, thì Như Lai ấy, các pháp đều như. Nếu các pháp đều là Như Lai, thì các pháp đều tịch diệt (vắng lặng), ấy là Như Lai thanh tịnh toạ. Nếu các pháp đều tịch diệt, thì các pháp không tới không lui, không qua không lại, không trên dưới, không vắn dài, nghĩa là không hai tướng, đó là Như Lai thanh tịnh thiền. Do đó mà Tổ nói: “Các pháp không sanh, không diệt, là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp đều vắng lặng, ấy là Như Lai thanh tịnh toạ. Rốt ráo không có chi gọi là chứng đắc, huống hồ là ngồi.”

(2) Phiền não tức bồ đề.

Phiền não là vọng tâm, bồ đề là chơn tâm. Vọng tâm ví như sóng, chơn tâm ví như nước. Nước với sóng chỉ có một thể. Thế thì phiền não với bồ đề, tên tuy hai mà thể đồng có một. Chơn như không tuỳ duyên, đó là bồ đề. Chơn như tuỳ duyên, đó là phiền não. Thế thì, bồ đề là chơn như đã đành, mà phiền não cũng là chơn như nữa.

Khi mê thì thấy in tuồng thiệt có phiền não, khi ngộ thì phiền não vốn không. Do cái lý này mới biết rằng, còn dùng trí huệ để chiếu phá phiền não, là bởi đương khi mê, thấy in tuồng thiệt có phiền não. Cái lý này cũng như kẻ đau mắt thấy có hoa đốm ở hư không.

(3) Cái tánh không hai ấy, mới gọi là thiệt tánh.

Thiệt tánh, là tánh chơn thiệt, tức là Phật tánh, là chơn như, bổn tánh v.v… Cái thiệt tánh này, nó không có tánh thiện, tánh ác, không có tánh chơn, tánh vọng, không có tánh hơn, tánh thua v.v… Nghĩa là nó không có hai tướng đối đãi. Muốn hiểu thêm cho rành cái thiệt tánh chơn như, xin xem trọn phẩm pháp môn không hai trong kinh Duy Ma. Ở đây xin trích lục vài câu cho dễ hiểu.

— Cái lành và cái chẳng lành là hai. Nếu lòng chẳng dấy việc lành, và cũng chẳng dấy việc chẳng lành, đó là cảnh giới vô tướng, suốt thông các pháp, đó là vào được pháp môn chẳng hai. (Phật Sa Bồ-tát).

— Cái tội và cái phước là hai. Nếu hiểu thấu tánh tội vẫn không, thì đối với cái phước, chẳng có chỗ gì sai biệt. Dùng trí huệ Kim Cang mà ngộ nhập cái tướng vô sai biệt ấy, thì tâm không bị ràng buộc, khỏi tháo mở, đó là vào đặng pháp môn chẳng hai.

— Tâm hữu lậu và tâm vô lậu là hai. Nếu tỏ được các pháp đối đãi vốn viên dung bình đẳng chẳng có hai tướng hữu lậu và vô lậu, thì lòng chẳng dính nơi hữu tướng, mà cũng chẳng trụ nơi vô tướng, đó là vào được pháp môn chẳng hai. (Sư Tử Ý Bồ-tát).

— Pháp hữu vi và pháp vô vi là hai. Nếu lìa cả thảy các sở (lìa hai tướng đối đãi) thì tâm vắng lặng, được trí huệ thanh tịnh vô ngại, đó là vào được pháp môn chẳng hai. (Tịnh Giải Bồ-tát). v.v…

Xem những lời giải thích về pháp môn chẳng hai của các vị Bồ tát trên đây, thì biết rằng cái thiệt tánh chơn như của mình không trụ, không chấp, nghĩa là không dính mắc hai bên biên kiến, cả thảy các tướng đối đãi đều xa lìa, đó là pháp môn chẳng hai, đó là cái thiệt tánh chẳng hai mà Tổ đã giải thích.

Nên biết rằng: Các pháp trên thế gian nhờ đối đãi nhau mà thành lập. Như âm đối với dương, phải đối với quấy, thiện đối với ác v.v… cho đến Phật pháp cũng do hai tướng mà giả lập, nên vọng đối với chơn, mê đối với giác, tịnh đối với uế, phiền não đối với bồ đề, sanh tử đối với Niết bàn v.v…

Các pháp do tướng đối đãi mới có bàn luận nói năng và nghĩ lường được. Vì lẽ ấy trong khi các vị Bồ-tát ai nấy đều giải thích thế nào là pháp môn chẳng hai, riêng chỉ có ngài Duy Ma Cật nín thinh. Thế mà ngài Văn Thù lại ngợi khen vô cùng.

Tuy nhiên, nếu không nói năng thì cũng không thể khai thị được, nếu không khai thị thì người tu Phật do đâu mà ngộ nhập. Vì lẽ ấy, mới nói pháp để tuỳ duyên. Nếu chấp chỗ tuỳ duyên, đó là tà kiến điên đảo vậy.

Pháp môn chẳng hai là Tuyệt đãi Trung đạo, nó không có hai tướng, nên không thể lầm cho là pháp môn có một không hai. Bởi vì có một tức là có hai, có hai là nghĩa đối đãi chớ chẳng phải nghĩa tuyệt đãi.

(4) Cái nghĩa chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo là dùng cái diệt để dứt cái sanh, và dùng cái sanh để hiển cái diệt. Như thế, có nghĩa là diệt mà nói chẳng diệt, sanh mà nói chẳng sanh.

Tổ giải thích cái thiệt tánh chẳng hai, nó không có hai tướng đối đãi, nên nó chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng tới chẳng lui, chẳng ở chính giữa, chẳng ở trong chẳng ở ngoài, tánh ấy chẳng vì thiền định mà vắng lặng, chẳng vì phiền não mà rối loạn, chẳng vì làm chúng sanh mà có bớt, chẳng vì làm thánh mà có thêm, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng biến hoá đổi dời, tánh ấy cưỡng danh là Đạo vậy.

Tiết Giản nghe vậy, lầm hiểu cái nghĩa chẳng sanh chẳng diệt của Phật đạo, nên nói rằng: “Bạch Đại sư! Nếu nói chẳng sanh chẳng diệt thì có khác gì lý thuyết của ngoại đạo đâu?”

Tổ đáp rằng: “Cái nghĩa chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo, là dùng cái diệt để dứt cái sanh, dùng cái sanh để hiển cái diệt.” Trái lại, cái lý chẳng sanh chẳng diệt của Tổ nói đây, đó là cái thiệt tánh như như bất động, xưa nó chẳng sanh, thì nay nó cũng chẳng diệt, nghĩa là nó thường trụ.[66]

Cái nghĩa chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo, đồng với cái nghĩa các hàng Phật tử mới tu hành, tu theo cách sát tâm sanh. Hễ có một niệm nào vọng khởi, bèn giết chết cái niệm ấy đi, đó là dùng “tâm diệt” mà dứt “tâm sanh,” rốt cuộc rồi chỉ còn cái “tâm diệt,” bèn cho là Niết bàn tịch diệt, lại an trụ vào đó, cũng như con tằm xây ổ kén, tự giam hãm lấy mình. Chẳng khác nào hàng Nhị thừa giam mình vào hoá thành, nên không tiến lên được, thì đời đời kiếp kiếp chẳng gặp bảo sở. Con tằm cũng thế, cứ ở trong kén mãi mãi, không tiến lên thành bướm, thì rốt cuộc rồi bỏ thây trong ổ kén mà thôi.

Sở dĩ dùng tâm diệt mà giết chết tâm sanh, là vì lầm tưởng thiệt có hoa đốm. Phải biết rằng, chơn như tuy tuỳ duyên mà thể của nó vẫn bất biến. Thế thì tâm sanh đâu có mà dùng tâm diệt giết nó. Nếu chơn như chẳng có tâm sanh thì nó cũng chẳng có tâm diệt, đó là cái nghĩa chẳng sanh chẳng diệt của đạo Phật.

 

Chú thích:

[65] Năm 705.

[66] Không biến hóa dời đổi.

 

=======================

 

PHẨM THỨ MƯỜI

CHÚC LỤY

 

  1. Một ngày nọ, Tổ đòi cả hàng môn nhơn là: Pháp Hải, Pháp Đạt, Chí Thành, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như mà dạy rằng: Bọn ngươi chẳng phải người tầm thường trong đời. Sau khi ta diệt độ rồi, mỗi người đều đi làm thầy mỗi phương. Hôm nay ta dạy các người nói pháp chẳng lìa mất tông chỉ căn bản. Trước hết phải đem 3 khoa pháp môn ra dùng theo 36 đối, lặn mọc lìa cả đôi bên. Trong sự thuyết giảng nói tất cả pháp chớ lìa tự tánh. Thoạt nếu có người hỏi pháp, thì các ngươi hãy tới lui nương nhau, rốt ráo thì hai pháp đều dứt trừ, không có chỗ nào là chỗ đi tới.
  2. Ba khoa pháp môn là Ấm, Giới, Nhập.

ẤM là 5 ấm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

GIỚI là 18 giới, gồm 6 Căn, 6 Trần, 6 Thức.

NHẬP là 12 nhập: ngoài thì 6 trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; trong thì 6 cửa: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý.

ß

 

  1. Tự tánh là gốc, gồm cả muôn pháp, gọi là Hàm Tàng thức. Nếu dấy tâm lo lường, tức là chuyển thức, nó chuyển từ trong ra ngoài, ra đến 6 thức, ra 6 cửa, thấy 6 trần. Cả 18 giới như vậy, đều từ trong tự tánh mà khởi ra dụng.

Nếu tự tánh mình tà thì khởi 18 pháp tà, tự tánh mình chánh thì khởi 18 pháp chánh. Hễ khởi ác, thì chính mình chất chứa thâu nạp cái dụng của chúng sanh. Hễ khởi thiện, tức là chính mình chất chứa thâu nạp cái dụng của Phật. Dụng bằng cách nào? Bằng cách nơi tự tánh có đối pháp.

 

Lược giải:

Đoạn kinh văn này Tổ nói về Hàm Tàng thức, tức A-lại-da thức, nó hàm chứa muôn pháp dưới hình thức chủng tử (hạt giống).[67] Nếu dấy tâm lo lường tức là chuyển thức. Khi thức chuyển biến nó thành tâm sở, xuất hiện ra các sự hình thành tri giác của căn, trần, thức. Kinh Lăng Nghiêm cho rằng: Nói căn tức nói thức, kẻ mê không phân biệt được căn với thức. Căn, trần, thức tuy ba mà một, tuy một mà ba, chúng vốn viên dung bình đẳng vô sai biệt bất khả phân. Tác dụng của thức là nương nơi căn để thị hiện Kiến Văn Giác Tri. Thế thì, tất cả tác dụng sanh tâm vật lý đều từ bên trong tâm tánh của mình mà dấy khởi. Trái lại, nếu tâm tánh của mình tà thì phát sanh 18 pháp tà. Trong sự phát khởi ra tác dụng đó, hễ là ác, thì chính mình chứa để cái dụng của chúng sanh. Còn như nó khởi ra tác dụng thiện, thì chính mình chứa để cái dụng của Phật. Chứa để như vậy, là chứa để cái gì? Duy thức học đáp rằng, nó là chủng tử sanh tâm vật lý. Nghĩa là mỗi lần chủng tử hiện hành sanh khởi, đều cùng lúc hình thành chủng tử. Chủng tử này là hạt giống các pháp, nó được cái thức thứ bảy là Mạt-na thức truyền tống nó vào Tạng thức (A-lại-da thức) để cất giấu vào đó khỏi sợ hư hao mất mát.

Chúng tử nằm yên trong tạng thức, khi gặp ngoại duyên kéo níu kích thích thì các thức trú đóng nơi các căn mời mọc, thúc đẩy các chủng tử hiện hành với tư cách là Tâm sở. Những Tâm sở này tuỳ thuộc vào Tâm vương, chịu cho Tâm vương sai khiến trong các công tác tâm sanh vật lý.

Đến đây chúng ta thấy thức là Tâm vương, còn chủng tử là Tâm sở. Tâm sở phục tùng Tâm vương giống như bầy tôi tùng phục vua chúa, Tâm sở không có quyền chống đối.

Mỗi lần Tâm sở hiện hành sanh khởi đều có sanh thêm chủng tử mới, mỗi lần có chủng tử mới, là mỗi lần nhờ Mạt-na thức truyền vào Tạng thức để dành. Toàn thể chủng tử bao gồm tốt hay xấu, đức hạnh hay lưu manh, ngay thẳng hay gian tham, lợi người hay hại người, v.v…

Chủng tử hiện hành qua hai hình thức: Chủng tử sanh hiện hành – Hiện hành sanh chủng tử.

Đến đây chúng ta thấy rằng: Tâm vương sanh khởi, chẳng qua đó là một dòng Tâm sở liên tục hiện hành đó thôi, chớ chẳng phải cái gì khác.

 

=======================

 

  1. Cảnh vật vô tình ở bên ngoài có 5 pháp đối: Trời đối với Đất, Nhựt đối với Nguyệt, Sáng đối với Tối, Âm đối với Dương, Nước đối với Lửa.
  2. Pháp tướng có 12 đối: Ngữ đối với Pháp, Có đối với Không, Sắc đối với Vô sắc, Hữu tướng đối với Vô tướng, Hữu lậu đối với Vô lậu, Sắc đối với Không, Động đối với Tịnh, Trong đối với Đục, Phàm đối với Thánh, Tăng đối với Tục, Già đối với Trẻ, Lớn đối với Nhỏ.
  3. Trong tự tánh dụng ra có 19 pháp đối: Hay đối với Dở, Tà đối với Chánh, Si đối với Huệ, Ngu đối với Trí, Loạn đối với Định, Từ đối với Độc, Giới đối với Phi giới, Ngay đối với Vạy, Thật đối với Hư, Hiểm đối với Bằng, Phiền não đối với Bồ đề, Thường đối với Vô thường, Bi đối với Hại, Mừng đối với Giận, Bố thí đối với Xan lẫn, Tới đối với Lui, Sanh đối với Diệt, Pháp thân đối với Sắc thân, Hoá thân đối với Báo thân.
  4. Tổ nói tiếp: Ba mươi sáu pháp đối đó, nếu rõ thông, tức là Đạo, thông suốt hết thảy kinh pháp, ra vào lìa cả đôi bên.[68]
  5. Khi tự tánh khởi ra động dụng nói năng với người, ngoài thì ở nơi tướng mà lìa tướng, trong thì nơi không mà lìa không. Nếu hoàn toàn chấp tướng thì tăng trưởng tà kiến, nếu hoàn toàn chấp không thì tăng trưởng vô minh. Kẻ chấp không hay phỉ báng Kinh Phật, cho là chẳng cần văn tự. Nếu đã nói chẳng cần văn tự thì người cũng không nên có lời nói, bởi vì lời nói là tướng của văn tự. Lại nói rằng, phép chỉ thẳng chẳng lập văn tự, mà thật ra hai chữ chẳng lập cũng là văn tự vậy. Thấy người thuyết pháp, bèn phỉ báng cho là dính mắc văn tự, các ngươi phải biết, tự mê còn đỡ, chớ nên trở lại phỉ báng kinh Phật, tạo nhiều tội chướng.
  6. Nếu dính mắc các tướng ở ngoài mà vọng làm cái pháp cầu chơn, hoặc mở rộng đạo tràng thuyết những lời lẽ Có Không lầm lạc, những người như vậy dẫu qua nhiều kiếp cũng chẳng thể thấy tánh. Phải nên nghe rồi y theo pháp mà tu hành, chẳng nên ra công cố dứt cho hết trăm mối nghĩ mà đối với đạo phải bị ngăn che chướng ngại. Nếu nghe pháp mà chẳng tu, khiến cho người trở lại sanh khởi tà niệm. Chỉ y như pháp mà tu hành, còn bố thí pháp thì chẳng nên trụ nơi tướng.
  7. Các ngươi nếu đã ngộ đạo, hãy y theo đó mà nói, y theo đó mà dùng, y theo đó mà thực hành công phu, y theo đó mà làm, tức là chẳng mất bổn tông.
  8. Nếu có người hỏi nghĩa, khi hỏi có thì dùng không mà đáp; hỏi không dùng có mà đáp; hỏi thánh dùng phàm mà đáp; hỏi phàm dùng thánh mà đáp. Hai bên làm nhân cho nhau, sanh ra nghĩa trung đạo. Cứ thế, một hỏi thì một đáp, dù có hỏi nhiều câu khác cũng cứ y theo cách ấy mà đáp, sẽ không thất lý.
  9. Nếu như có người hỏi rằng: ‘Thế nào gọi là tối?’ Đáp rằng: ‘Sáng là nhân, tối là duyên. Sáng hết thời tối.’ Đem lẽ sáng làm rõ lẽ tối, đem lẽ tối làm rõ lẽ sáng. Qua lại làm nhân cho nhau, thành ra nghĩa trung đạo. Dù hỏi thêm nữa, cũng đều như thế mà đáp. Các ngươi về sau này y theo cách ấy mà truyền trao dạy dỗ, đừng bỏ mất tông chỉ.[69]

*

  1. Tháng bảy năm Nhâm Tý,[70]Đại sư bảo môn đồ qua chùa Quốc Ân tại Tân Châu xây tháp,hối thúc thợ làm nhanh, qua cuối mùa hạ năm sau làm lễ khánh thành.
  2. Mùng một tháng bảy, Sư nhóm đồ chúng, dạy rằng: Đến tháng tám này, ta muốn lìa khỏi thế gian. Các ngươi có điều nghi nên hỏi sớm đi, ta phá nghi cho, khiến các ngươi hết mê. Sau khi ta đi rồi, không có người dạy các ngươi.
  3. Pháp Hải cùng các môn đồ nghe lời này thảy đều sa nước mắt khóc. Duy chỉ có Thần Hội là thần sắc không thay đổi, chẳng khóc. Sư nói: Thần Hội tuổi nhỏ mà đã đạt được chỗ thiện, bất thiện như nhau, chê khen chẳng động, buồn vui chẳng sanh.

Còn những người khác chẳng được gì cả, bao năm nay ở chùa, các ngươi tu pháp chi? Nay các ngươi buồn khóc, là vì ai mà lo? Nếu lo vì ta chẳng biết nơi đi, thì ta tự biết nơi đi. Nếu ta chẳng biết nơi đi, thì đã chẳng báo trước với các ngươi.

Các ngươi buồn khóc, vì chẳng biết chỗ ta đi. Nếu biết chỗ ta đi, ắt chẳng nên buồn khóc. Pháp tánh vốn không có sanh diệt, đến đi.

  1. Hết thảy các ông ngồi xuống đây, ta nói cho các ông một bài kệ gọi là “Chơn giả động tịnh.” Với kệ này, các ông hãy tụng lấy là đồng với ta chẳng khác. Y theo kệ này mà tu hành tức là chẳng sai tông chỉ.
  2. Chúng tăng lễ lạy xin thầy đọc kệ.
  3. Hết thảy không có chơn,

Đừng nghĩ thấy cái chơn.

Nếu thấy có chơn hẳn,

Thấy ấy đều không chơn.

 

Lược giải: Tất cả muôn sự muôn vật đều không chơn. Cho đến chơn như cũng chẳng phải chơn, bởi bản tánh của chơn như lìa đối đãi, nên nó chẳng phải vọng mà cũng chẳng phải chơn. Lý do đó, ai chấp chơn thì chơn trở thành vọng. Ngược lại, hiểu rõ vọng thì vọng tức chơn, cũng như hiểu rõ sóng, thì sóng tức nước, hiểu rõ xuyến thì xuyến tức vàng. Nếu sự vật nào mà ta nhận là chơn hẳn, thì cái thấy ấy chẳng phải là chơn.

 

  1. Nếu muốn tự mình có chơn,

Lìa giả, là tâm chơn.

Tâm mình chẳng lìa giả,

Không chơn, chỗ nào chơn?

 

Lược giải: Ai muốn mình có chơn, thì tâm phải lìa cuộc giả trần mới là chơn. Tâm mình chẳng chịu lìa cuộc giả trần, đó là không chơn rồi. Vậy ở đâu mới là chơn?

 

III.   Hữu tình ắt biết động,

Vô tình ắt chẳng động.

Nếu tu hạnh bất động,

Bất động, tức vô tình.

 

Lược giải: Hữu tình là chỉ cho chúng sanh có tri giác, biết động niệm, có thất tình lục dục, biết thương ghét, giận hờn, biết ăn biết học, biết phải biết quấy, biết thiện ác, biết thương người thương vật, biết giúp đỡ lẫn nhau, cho đến biết tu học Phật pháp từ thấp chí cao, biết đâu là phàm, đâu là thánh.

Vô tình là chỉ cho loài vô tri vô giác, chẳng những không có tư tưởng, không thấy nghe hay biết, hầu hết đều không biết xúc động. Nếu ai tu hạnh chẳng động, người này vô ý muốn làm gỗ đá vô tri vô giác mà không dè. Vả chăng, tu là học tập, trau dồi sửa đổi, chớ đâu phải tu thành gỗ đá vô tri vô giác.

Thế thì biết rằng: Tu mà không thấy nghe hay biết gì hết, đó là tự mình giết chết bụng dạ tâm tánh của mình, làm cho tâm tánh của mình là vật linh tri sáng suốt trở thành loài vô tình. Đây là đi lạc đường rồi vậy.

 

  1. Bằng tâm chơn-bất-động,

Là bất động trong động,

Bất động [nếu] thật chẳng động,

Không tình không Phật chủng.

 

Lược giải: Hành giả nào muốn tìm kiếm cái bất động chơn thật, thì phải kiếm chỗ nào có động. Nếu tìm chỗ trơ trơ bất động, thì đó là thuộc loài vô tình như gỗ đá, làm gì có hạt giống Phật.

 

  1. Hành được tướng phân biệt,

Nghĩa thứ nhất chẳng động.

Chỉ cái biết như vậy,

Tức là chơn như dụng.

 

Lược giải: Hành giả nào thực hành cái tướng phân biệt, thế nào là thiện ác, chánh tà, chơn vọng, giác mê, phiền não bồ đề, đúng sai, chơn như hay vọng tưởng…

Trong chỗ phân biệt hai tướng nhị nguyên đó mà tâm của mình chẳng ngả về bên nào, cũng chẳng chấp trung, đó là tâm mình chẳng động lay, đồng thời cũng không chấp bất động. Được như vậy là Đệ nhứt nghĩa tâm bất động.

Hành giả mới kiến tánh, ít người biết sử dụng tâm chơn như, thành ra dù lý luận đúng với chơn lý đại thừa nhưng nhiều khi lạc vào chơn lý tiểu thừa mà không hay. Sử dụng tâm chơn như có nhiều cách. Tổ Huệ Năng nói: “Phân biệt các pháp ra, đừng tưởng nơi phân biệt.” Tức là trong khi đối thoại với người học pháp Thiền, đâu phải toàn là dùng chơn lý đại thừa, nhiều khi muốn giảng dạy cho rõ ràng, người giảng phải dùng ngôn từ vọng tưởng để giảng.

Thế nào là ngôn từ vọng tưởng? Nghĩa là người giảng phải đề cập đến cái lý “phân biệt,” vì phân biệt là vọng, không phân biệt là chơn. Tuy hành giả sử dụng phân biệt mà không được chấp mình có phân biệt. Cũng như trong kinh Kim Cang nhiều lúc Phật nói “có” nhưng Ngài chẳng phải xác nhận là có. Sở dĩ Ngài nói có là để phá những ai chấp không. Lại nữa, Ngài nói “không” mà chẳng phải xác nhận là không, mà chính Ngài muốn phá những ai chấp có. Rốt lại, đối với đại thừa, ai chấp có là sai đã đành, mà chấp không cũng chẳng đúng.

Vả chăng, lý chơn như là tuyệt đối, chấp có là sai đã đành, mà chấp không cũng chẳng đúng. Bản chất của lý tánh chơn như, nó vốn không hai, nếu nhận nó là cái gì, hoặc nói nó tương tợ vật chi, đều sai tất cả. Tại sao vậy? Tại vì chơn như, chơn tâm, Phật tánh vốn vô vi vô tướng, vô sắc vô thinh mà nói nó giống vật gì, tương tợ vật chi, thành ra nó có danh, có tướng rồi. Vật gì có danh có tướng, vật đó là huyễn hoá có sanh có diệt, mộng huyễn bào ảnh, vật đó do nhơn duyên hội hợp hình thành, khi nhơn duyên ly tán thì vật đó tan rã tiêu trầm mất dạng. Chỉ có chơn như, chơn tâm, Phật tánh là tự có và hằng có (tự hữu hằng hữu), không do nhơn duyên hình thành, nên không do nhơn duyên huỷ diệt. Nó vốn bất sanh bất diệt. Vật gì có sanh lẽ đương nhiên có diệt.

 

  1. Tỏ cùng người học đạo,

Rán sức nên dụng ý

Đứng trong cửa đại thừa,

Lại chấp sanh tử trí.

 

Lược giải: Tổ nói người học đạo phải tự mình ráng sức, siêng năng, cần mẫn, dè dặt. Tu hành mà phải dùng lực nhiều, công phu cần khổ thì cũng chưa đúng hẳn. Chính dè dặt quán xét cho ra lý sáng, sáng rồi mới thực hành. Đừng bôn chôn dùng lực thực hành tu chứng. Lý chưa nhập mà vội hành nhập, một là sai, hai là nguy hiểm. Phần lý thuyết chưa suốt thông mà vội hạ thủ công phu, thế nào cũng sa lầy.

Đứng trong cửa đại thừa, là chỉ cho người tỏ lý đạo. Đứng trong cửa đại thừa cũng tỏ rằng “vào được nhà Tổ.” Như Lai thiền gọi là nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toạ cụ Như Lai.

Bậc vào được nhà Tổ, bậc này không được chấp có sanh tử trí. Sanh tử vốn không, niết bàn như mộng, làm gì thật có vấn đề sanh tử. Đối với chơn đế mà nói, dù cho niết bàn cũng là không (chơn không), huống hồ vấn đề sanh tử há thật có hay sao.

Với chơn đế, muôn sự muôn vật đều là huyễn hoá không thật. Nếu muôn pháp là thật có, thì không bao giờ chúng sanh thành Phật được. Không thiệt có Phật, không thiệt có chúng sanh, thì chúng sanh mới thành Phật được, bằng không, Phật vẫn là Phật, chúng sanh muôn kiếp vẫn là chúng sanh.

Hành giả không chấp mình là chúng sanh, hành giả đó mới có can đảm phát tâm Bồ đề cầu Đạo vô thượng. Phật là gì? Là chúng sanh đã thành. Chúng sanh là gì? Là Phật sẽ thành. Không hiểu lý đó, dù tu muôn kiếp cũng không dám phát tâm bồ đề. Trong khi phàm phu nói chúng sanh không bao giờ thành Phật được, thì kinh luận đại thừa nói chúng sanh thành Phật hồi nào đến giờ, đâu phải đợi tu mới thành.

Phật là chơn như, toàn thể các loài hữu tình hay vô tình đều do chơn như sinh khởi. Thế thì, toàn thể loại hữu tình hay vô tình, cả thảy đều là chơn như, tức cả thảy đều là Phật không hơn không kém.

 

VII.  Lời nói nếu tương ứng,

Thì nghĩa Phật chung bàn.

Nếu thật chẳng tương ứng,

Chắp tay khiến vui mừng.

 

Lược giải: Đôi bên bàn luận đạo lý, nếu cùng nhau phù hợp tương ứng, thì nên cùng nhau lý luận bàn bạc. Trái lại, đôi bên không tương ứng, ông nói gà bà nói vịt, thì càng bàn luận chừng nào, càng gay go nặng nề chừng ấy. Rốt lại, lời nói chẳng những vô nghĩa, mà còn to tiếng nặng lời, dùng toàn lời lẽ bất nhã, vô phép vô lễ.

Trên đây là ngừa trước mà nói như vậy. Nếu một vài câu tỏ ý bất đồng rồi thì phải lo trước, là chắp tay xá rồi rút lui, chịu thua, khiến cho đối phương vui mừng vì thắng cuộc.

 

VIII. Tông này gốc không cãi,

Cãi thì mất đạo ý.

Giữ pháp môn tranh cãi,

Tự tánh nhập sanh tử.

 

Lược giải: Tông này thuộc về pháp Thiền Đốn giáo của Phật thừa. Gốc của Tông này là Không, Vô Trước, Vô Tác, nó là pháp môn không hai. Không hai tức là vạn pháp giai không. Bởi vì, vọng niệm khi đã chấm dứt rồi, đương xứ là bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ nghĩ lường. Nói như thế có nghĩa là, nếu còn vọng niệm thì còn ăn nói kình cãi. Xem như Ngài Duy Ma làm thinh mà Ngài Văn Thù khen đáo để.

Do đó biết rằng nếu kình cãi thì đạo ý mất hết. Nếu ai cứ giữ pháp môn trái cãi, người đó quyết đem tâm tánh của mình vào đường sanh tử, luân hồi đời đời kiếp kiếp.

 

  1. Đồ chúng nghe Tổ đọc kệ rồi, thảy đều làm lễ và thể theo ý thầy, mỗi mỗi thâu nhiếp lấy tâm mà y pháp tu hành, chẳng dám trái cãi. Đồ chúng biết Tổ chẳng còn ở thế lâu nữa. Thượng tọa Pháp Hải lạy mà bạch rằng: Sau khi Hoà thượng vào Niết bàn, y-pháp sẽ truyền cho người nào?
  2. Tổ nói: Những lời ta thuyết pháp từ nơi chùa Đại Phạm cho tới nay, biên chép lưu truyền thành quyển, nhan đề là “Pháp Bửu Đàn Kinh,” các ông phải giữ gìn lấy để thay đổi nhau truyền thọ mà độ chúng quần sanh, cứ y theo lời nói đó mà làm, ấy gọi là pháp chánh.
  3. Nay ta vì các ông nói pháp chớ chẳng truyền y, là vì các ông tín căn thuần thục, quyết định không nghi, đủ sức gánh nổi việc lớn. Theo ý kệ “phó thọ” của Tổ trước là Đạt Ma Đại sư, thì y này chẳng nên truyền nữa. Kệ rằng:

             Vốn ta đến cõi này,

             Truyền pháp cứu mê tình.

             Một hoa nở năm cánh,

             Kết quả tự nhiên thành.

  1. Tổ lại nói: Các ông nếu muốn thành được chủng trí thì phải thông pháp Nhứt tướng Tam muội, Nhứt hạnh Tam muội, dầu đối với hết thảy chỗ nào cũng chẳng trụ tướng, ở trong tướng kia chẳng sanh lòng ghét thương, cũng không lấy bỏ, chẳng nghĩ các việc lợi ích nên hư, rảnh rang, êm lặng, rỗng thông, an nhiên đạm bạc, đó gọi là Nhứt tướng Tam muội.

 

Lược giải: Đoạn kinh văn trên đây, chỉ có bậc kiến tánh mới hiểu, mới làm được thôi. Ai hiểu phân nửa cũng là cao lắm rồi. Chủng trí là nói tắt, nói đủ là Nhứt thiết chủng trí. Hàng Nhị thừa chứng được Nhứt thiết trí. Bồ tát thừa chứng được Đạo chủng trí, Phật thừa chứng được Nhứt thiết chủng trí. Trí này thông suốt cả vạn hữu vũ trụ, về đời cũng như về đạo. Nhứt lý minh, vạn lý thông.

Tổ nói rằng: Muốn thành tựu Nhứt thiết chủng trí thì phải thông pháp Nhứt tướng tam muội.

Nhứt tướng tam muội với Nhứt thiết chủng trí có gì sai khác chăng? Thật ra chẳng có gì sai khác, vì đó là Nhứt hạnh tam muội hình thành. Nhứt hạnh tam muội là chỉ cho phép niệm Phật được Nhứt tâm. Hễ hoàn về Duy nhứt tâm chơn như là đắc Nhứt hạnh tam muội. Tam muội dịch nghĩa là chánh định, chánh thọ, chánh tri. Chánh định là định chơn chánh, chánh thọ là thọ lãnh chánh kiến từ chơn như. Chánh tri là tri kiến chơn chánh xuất phát từ huệ giác của Phật. Đó là pháp niệm Phật đạt đến chỗ nhứt tâm, ngoài Duy nhứt tâm chơn như ra, không còn có tâm nào khác.

Duy nhứt tâm chơn như là nền tảng bản thể của muôn sự muôn vật, nó là gốc của muôn pháp. Đạt được gốc của muôn pháp là đạt được muôn pháp. Tỉ dụ như cái lưới chài, nếu nắm được chóp chài, tức là nắm được trọn vẹn chiếc chài. Nói cách khác, nắm được duy nhứt chơn tâm là nắm được cả thảy muôn sự muôn vật. Tâm chơn như là gốc sanh muôn sự muôn vật. Vì tâm chơn như là gốc sanh muôn sự muôn vật. Nắm được cái gốc của muôn sự muôn vật là nắm tất cả muôn sự muôn vật.

Phật pháp Bất định pháp, ở đây nó có tên chơn như, ở kia nó tên chơn tâm, chỗ nọ nó tên Phật tánh, tuỳ theo vị trí và lý luận về bản thể của vạn hữu mà đặt tên.

Bàn đến Nhứt hạnh tam muội, tôi nhớ đến lời nói: “Tịnh kinh dụ như đại địa, chư Phật duy chỉ nhứt tâm, hà pháp bất tùng tâm sở lập.” Nghĩa là: Thanh tịnh ví như đại địa, chư Phật chỉ có một cái tâm thôi, không có pháp nào mà chẳng do tâm sanh ra. Nhứt tâm là chỉ cho hành giả hoàn về chơn như, chứng được lý nhứt tâm. Chúng sanh thì có ngàn ngàn thứ tâm phát sanh,[71] còn Phật chỉ có cái tâm chơn như thôi, dù đứng trước muôn vàn cảnh vật, tuyệt đối Phật không có thứ tâm nào ngoài tâm chơn như. Tâm này gốc cả muôn pháp, phát sanh vô lượng đức tánh tốt, cứu độ chúng sanh qua sông mê bể khổ.

Nhứt tâm là chỉ cho nguyên thể đức tánh chơn như, tâm này dù ở chúng sanh không bớt, ở nơi Phật không thêm, vốn nó thường hằng bất biến bất sanh bất diệt, dù nó có tuỳ duyên nhiễm trước vẫn như như tự tại vô ngại. Do đó mới có câu: “Chơn như tuy thường tuỳ duyên sanh diệt mà vẫn như như bất biến; tuy như như bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên sanh diệt.” Chẳng khác nào nước biển làm hơi, làm băng giá mà không bao giờ mất chất ướt.

Tổ nói rằng: Đối với Nhứt hạnh tam muội, dù đứng trước cảnh vật nào, tình huống ra sao, dù sang hay hèn, giàu hay nghèo, khổ hay vui, siêu hay đoạ, no hay đói, ngon hay dở, phải hay trái, lên voi hay xuống chó v.v… tâm tánh vẫn luôn luôn một mực bình đẳng, không vì nghèo mà đổi chí, không vì sang mà kiêu xa, không vì hoạn nạn mà đau khổ, nói tắt là gặp cảnh thế nào, tâm vẫn như như bất động. Được như vậy, gọi là Nhứt tướng tam muội.

Thế thì Nhứt hạnh tam muội là NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG.[72] Thế thì, Nhứt hạnh tam muội là cái công phu niệm Phật đến chỗ hoàn về nhứt tâm, chứng được Nhứt chơn pháp giới hay Duy nhứt tâm chơn như. Thiền gọi là công phu hoàn về Nhứt tâm.[73]

Chơn như là cái bản thể của vũ trụ vạn hữu, biệt danh của nó là Chơn tâm, Phật tánh, Như lai tánh, Viên thành thật tự tánh, Tự tánh thanh tịnh tâm… Chơn như sanh vạn pháp, cũng gọi tâm sanh muôn pháp. Muôn pháp đối với Chơn như chẳng khác nào đồ gốm đối với đất. Đồ gốm tuy có muôn ngàn thứ khác nhau, nhưng chỉ có một chất căn bản là đất. Muôn sự muôn vật về tinh thần hay vật chất cũng thế, tuy vô vàn sai biệt, nhưng chỉ có một chất Chơn như sanh ra, chớ không có hai hay ba.

Kinh luận cho chúng ta biết rằng các pháp không có tự tánh, tức các pháp không có thể tánh chơn như, chúng mượn chơn như làm thể tánh mới sanh ra được. Nếu các pháp có thể tánh, thì các pháp tự sanh, tự hữu, chúng chẳng cần mượn chơn như làm thể tánh. Vì các pháp không có tự tánh, cho nên chúng không tự sanh tự hữu được vậy.

Nên biết rằng các pháp vì không có tự tánh, cho nên chúng không tự sanh tự hữu được, nghĩa là chúng phải nhờ nhơn duyên mới sanh khởi được. Ví như hạt đậu, bất cứ đậu gì, nếu không có các duyên như: đất, nước, ánh sáng, gieo trồng, chăm sóc, thì không bao giờ sanh ra hoa quả được.[74]

Đến đây chúng ta thấy muôn sự muôn vật có hai phần: một là phần “bản thể” thuộc vô vi, vô hình, vô tướng, vô danh, vô màu sắc; hai là phần “hiện tượng” thuộc hữu vi, hữu hình, hữu tướng, hữu màu, hữu sắc, hữu sanh, hữu hoại. Chính phần bản thể vô hình sanh ra phần hiện tượng hữu hình.

 

  1. Nếu trong hết thảy chỗ đi đứng ngồi nằm, toàn một tâm thẳng, chẳng động đạo tràng mà thành cảnh Tịnh độ, ấy gọi là pháp Nhứt hạnh tam muội.
  2. Người nào đủ cả hai pháp tam muội ấy, cũng như đất kia có giống, ngậm chứa nuôi nấng, thì thành thục đặng trái. Nhứt hạnh tam muội hay Nhứt tướng tam muội cũng lại như vậy, chẳng có gì sai khác. Bản thể và hiện tượng, Nhứt hạnh và Nhứt tướng, ai dám cho là sai biệt bất đồng, khi mà vạn vật đồng nhứt thể, tức là tánh tướng đồng như nhau.

 

Lược giải: Về Nhứt hạnh tam muội và Nhứt tướng tam muội, Tổ dạy thực hành trong cả bốn oai nghi. Theo nguyên tắc tu hành, mình tu pháp nào, mình với pháp đó phải nhứt như, ta là pháp, pháp là ta, ngoài ta không pháp, ngoài pháp không ta. Ta với pháp chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng hai, chẳng sai biệt; tuy một mà khác, tuy khác mà một. Ví dụ như sóng với nước, chẳng thể nói một được mà cũng chẳng thể nói khác được. Chẳng thể nói một, vì hành trạng của nước chẳng đồng với sóng. Chẳng thể cho là hai được, vì sóng với nước đồng một bản chất duy nhứt, ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng, sóng tức nước, nước tức sóng.

Ai tu Nhứt hạnh tam muội và Nhứt tướng tam muội phải hiểu ví dụ trên đây. Ta với Nhứt hạnh tam muội và Nhứt tướng tam muội chẳng khác nào như sóng với nước. Thể tánh tam muội là thể tánh chơn như của ta. Hành tướng tu tập tam muội là hành tướng thân tâm của ta. Thân tướng ví như sóng, tâm tướng ví như nước, nếu sóng tức nước, nước tức sóng thì, thể tướng của ta đồng nhất với thể tánh của ta. Thân tướng ví như sóng, tâm tướng ví như nước, nếu sóng nước nhứt như, thì tánh tướng của ta cũng nhứt như.

Nói cách khác, thân ta là hiện tượng, tâm ta (chơn tâm) là bản thể. Tánh Tướng Thể Dụng như như bình đẳng. Thế thì, bản thể là nhứt tướng, nhứt hạnh, thì hiện tượng cũng nhứt tướng nhứt hạnh. Nói cách khác nữa, nước là nhứt tướng nhứt hạnh, thì sóng cũng nhứt tướng nhứt hạnh theo nguyên tắc nhứt như, đồng như.

Theo Duy thức học, ta nhìn cái gì, ta là cái đó. Ta nhìn xe hơi, ta là xe hơi, đó là do kiến phần biến ra tướng phần để duyên qua. Nhìn mà còn như vậy, huống hồ tu tập nhiều năm cái pháp nào, ta hình thành cái pháp đó. Ta niệm Phật lâu năm, tâm ta tưởng Phật lâu năm, tâm ta là Phật không hơn không kém. Ở trong cái Nhứt hạnh tam muội ấy, ở trong cái Nhứt tướng tam muội ấy, thể tánh của ta là thể tánh Nhứt Chơn pháp giới.

 

  1. Nay Ta nói pháp cũng như mưa nhuận thôi, nhuần khắp cả miền đại địa. Còn Phật tánh của các người ví như hạt giống gặp mưa, dầm thấm thảy đều nảy sanh. Nếu mong theo ý của Ta thì chắc thành đặng Bồ đề, y theo hạnh của Ta thì chắc đặng diệu quả. Hãy nghe Ta kệ đây:

              Cõi lòng chứa các giống,

              Mưa thấm mộng chồi sanh.

              Tỏ đặng hoa tình ấy,

              Bồ đề quả tự thành.

 

Lược giải: Trên con đường tu học Phật pháp, mình tu học cái chi, tức là mình chứa giống đó. Tỏ ngộ được như vậy, quả vị Bồ đề tự thành.

 

  1. Tổ đọc kệ rồi nói: Pháp vẫn không hai, tâm kia cũng vậy. Đạo vẫn thanh tịnh, cũng không các tướng.Bọn ngươi dè dặt, chớ quán tịnhvà chấp không tâm, vì tâm ấy vốn tịnh, chẳng nên lấy bỏ, đều phải rán sức, tuỳ duyên hẳn đi.
  2. Khi ấy đồ chúng đảnh lễ rồi lui.

 

Lược giải: Chơn lý Phật thừa, bất luận vấn đề gì, cả thảy đều lấy pháp môn không hai để kiến giải. Bồ đề, Niết bàn, Chơn như, Phật tánh, Như Lai tánh v.v… đều dùng pháp môn không hai để lý giải. Có hai là chơn lý của nhị thừa, còn nằm trong vòng tương quan sanh diệt. Sanh thì cả hai đồng sanh, diệt thì cả hai đồng diệt. Thí dụ như Sắc với Không, cặp đối đãi này, hễ một cái có thì cả hai cùng có, hễ một cái không thì cả hai cùng không. Tuyệt đối chẳng bao giờ có Sắc mà chẳng có Không, cũng như tuyệt đối chẳng bao giờ có hữu vi mà chẳng có vô vi, và ngược lại.

Kinh A Hàm nói hai tướng đối đãi cùng có, cùng không như sau:

Cái này có thì cái kia cùng có.

Cái này không thì cái kia cùng không.

Cái này sanh thì cái kia cùng sanh.

Cái này diệt thì cái kia cùng diệt.

Hai tướng đối đãi tương quan sanh khởi lẫn nhau, cùng có và cùng không với nhau. Có thì có cả thảy vậy vay, không thì cũng chẳng mảy may nào. Thế nên, có hai là có sanh có diệt, không hai thì không sanh không diệt. Pháp môn không hai trong kinh Duy Ma là chơn lý Nhất thừa thật tướng, nó không hai nên không đối đãi, không đối đãi nên không sanh không diệt. Có đối đãi thì có sanh có diệt, có sanh có diệt là mộng huyễn bào ảnh.

 

  1. Ngày mùng 8 tháng 7, Tổ thoạt nhiên nói với môn nhơn rằng: Ta muốn về Tân Châu, bọn ngươi dọn thuyền chèo cho mau.

Đại chúng ai thiết cầm lại. Tổ nói: Các Phật ra đời hãy còn vào cảnh Niết bàn, hễ có tới thì có đi, lý cũng thường vậy. Hình hài ta đây về ắt có chỗ.

Chúng nói: Thầy đi phen này, về sớm hay muộn?

Tổ nói: Lá rụng về cội, ắt không ngày trở lại.

  1. Chúng lại hỏi: Chánh pháp nhãn tạng truyền phó cho người nào?

Tổ nói: Kẻ hữu Đạo thì đặng, kẻ vô tâm thì không.

  1. Bạch: Chúng con chưa biết từ trên Phật Tổ ứng hiện ra đời tới nay, truyền thọ đã bao nhiêu đời, xin Thầy mở dạy.

Tổ nói: Phật xưa ra đời, đã không số lượng, không thể kể xiết. Nay kể từ bảy đức Phật làm đầu. Trong kiếp Trang Nghiêm về đời quá khứ: Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù. Trong Hiền kiếp về đời hiện tại: Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Văn, ấy gọi là bảy đức Phật.

Thích-ca Văn Phật đầu tiên truyền cho:

  1. Ma-ha Ca-diếp Tôn giả         2. A-nan Tôn giả
  2. Thương-na-hoà-tu Tôn giả    4. Ưu-ba-cúc-đa Tôn giả
  3. Đề-đa-ca Tôn giả                  6. Di-giá-ca Tôn giả
  4. Bà-tu-mật-đa Tôn giả           8. Phật-đà Nan-đề Tôn giả
  5. Phục-đà-mật-đa Tôn giả        10. Hiếp Tôn giả
  6. Phú-na-dạ-xa Tôn giả          12. Mã Minh Đại sĩ
  7. Ca-tỳ-ma-la Tôn giả            14. Long Thọ Đại sĩ
  8. Ca-na-đề-bà Tôn giả            16. La-hầu-đa-la Tôn giả
  9. Tăng-già-nan-đề Tôn giả            18. Giả-da-xá-đa Tôn giả
  10. Cưu-ma-la-đa Tôn giả         20. Xà-da-đa Tôn giả
  11. Bà-tu-bàn-đầu Tôn giả        22. Ma-noa-la Tôn giả
  12. Hạt-lặc-na Tôn giả              24. Sư Tử Tôn giả
  13. Bà-xá-tư-đa Tôn giả            26. Bất Như Mật-đa Tôn giả
  14. Bát-nhã-đa-la Tôn giả         28. Bồ-đề Đạt-ma Tôn giả
  15. Huệ Khả Đại sư                  30. Tăng Xán Đại sư
  16. Đạo Tín Đại sư,                  32. Hoằng Nhẫn Đại sư,
  17. Huệ Năng Đại sư.

Từ trên các Tổ đều có liên hệ nối nhau, còn bọn ngươi về sau, lưu truyền đời này đời khác đừng để sai lầm.

  1. Đồ chúng lại hỏi: Từ đây về sau có nạn chi không?

Tổ phân rằng: Sau khi ta tịch rồi, cách năm sáu năm, sẽ có một người muốn trộm đầu ta. Vậy nghe lời ta truyền ký:

                  Trên đầu nuôi thân,

                  Nơi miệng cần ăn.

                  Gặp nạn tên Mân,

                  Dương Liễu làm quan.

  1. Đại sư lại nói: Bảy mươi năm sau khi ta tịch, sẽ có hai vị Bồ Tát từ Đông Phương đến, một vị xuất gia, một vị tại gia, đồng thời hưng hóa, kiến lập tông phái của ta và tạo dựng Phật tự, nối truyền và xương minh chánh giáo.

* * *

  1. Niên hiệu Tiên Thiên thứ hai năm Quí Sửu,[75]tháng Tám, mồng Ba, (qua tháng chạp trong năm ấy, vua đổi niên hiệu lại là Khai Nguyên), nơi chùa Quốc Ân. Vừa bãi tiệc chay thì Tổ nói với các đồ chúng rằng: Bọn ngươi y theo thứ lớp mà ngồi, Ta cùng các ngươi từ biệt.
  2. Pháp Hải bạch: Hoà thượng còn lưu lại pháp gì để cho những kẻ mê đời sau đặng thấy Phật tánh?
  3. Tổ nói: Bọn ngươi hãy lắng nghe: Người đời sau mê, nếu tỏ biết chúng sanh, tức là Phật tánh. Bằng chẳng tỏ biết chúng sanh thì muôn kiếp tìm Phật không gặp. Nay ta dạy các ngươi biết tự tâm chúng sanh và thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật phải biết chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh mê (không biết) Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh.

 

Lược giải: Đoạn kinh văn này, Tổ dạy thế nào là tánh Phật, thế nào là tánh chúng sanh.  Than ôi! Học pháp Thiền là học minh tâm kiến tánh thành Phật mà không hiểu thế nào là tâm tánh chúng sanh, tâm tánh Phật, thì làm sao minh tâm kiến tánh thành Phật. Ngoài tâm tánh của chúng ta, kiếm không có tâm tánh Phật. Chính tâm tánh chúng sanh là tâm tánh Phật không hơn không kém. Tâm tánh chúng sanh ví như sóng, ví như vọng tâm; còn tâm tánh Phật ví như nước, ví như chơn tâm. Sóng tức là nước, vọng tâm tức chơn tâm, chơn tâm tức Phật tánh. Tâm với tánh chẳng có gì sai khác.

Ngoài vọng tâm không có chơn tánh, ngoài chơn tánh không có vọng tâm, cũng như ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng, sóng tức là nước, vọng tâm tức là chơn tâm, chơn tâm tức Phật tánh. Hành giả chỉ cần đem cái tánh sanh diệt của vọng tâm hoàn lại cái tánh bất sanh bất diệt của chơn tâm là thành Phật ngay. Làm như vậy kinh Phật gọi: “Sanh diệt là mê, không sanh diệt là giác; giác là Phật, mê là chúng sanh.”

Nói rằng “sanh diệt” là mê, vậy thế nào là sanh diệt? Sanh là chỉ cho tâm sanh, tâm phát hiện, dấy khởi. Khi thương ghét, lúc giận hờn, tâm tánh bụng dạ không tịnh định, chẳng khác nào như người có bệnh tâm thần, buồn vui lẫn lộn, không biết đâu là phải quấy, cho quấy là phải, cho phải là quấy. Đó, tâm sanh diệt là như vậy. Người như thế, nếu không biết tu hành, thế nào cũng điên cuồng. Người như vậy, gọi là tâm sanh diệt, mà sanh diệt có nghĩa u mê ám chướng, có nghĩa khờ dại mất sáng suốt, không nhận được điều phải lẽ quấy để gần phải xa quấy, lìa ngu gần sáng. Người như vậy há chẳng phải ngu si mê lầm ư?

Thế nào gọi “Không sanh diệt là giác?” Tâm không sanh diệt là tâm định, bỏ dữ theo lành, lìa ác làm thiện là Phật, tĩnh tâm biết phải biết quấy, biết thế nào là hư, thế nào là nên, thế nào là khôn là dại, thế nào là lợi mình lợi người, thế nào là hại mình hại người.

Nói cách khác: Mê là không biết gì hết, còn giác là sáng suốt, nên cái biết được rộng. Do sanh diệt của tâm không định tĩnh mà thành tâm mê lầm bất giác, gọi là vô minh. Do tâm không sanh diệt tức là tâm định tĩnh thanh tịnh mà thành tâm sáng suốt gọi là trí huệ quang minh. Do trí huệ quang minh mà thấy được Phật tâm, Phật tánh là Huệ giác Bát Nhã của Phật, từ nơi Huệ giác Bát Nhã của Phật mà thành tựu đạo Vô thượng Bồ đề, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề như kinh Kim Cang đã dạy: Tu cả thảy pháp lành vô lậu, tức đặng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tổ nói tiếp: “Nay ta dạy các ngươi, hãy chăm nghe. Người đời sau mê, nếu tỏ biết chúng sanh tức là Phật tánh. Bằng chẳng biết chúng sanh thì muôn đời tìm Phật không gặp.” Câu nói nầy cao siêu nhứt, không y theo đây, dù suốt đời hành khổ cũng không bao giờ minh tâm kiến tánh.

Tổ nói: “Nếu biết chúng sanh là Phật tánh.” Câu nói nầy là Tổ chỉ tánh Phật ở nơi tâm chúng sanh, nghĩa là, ngoài tâm chúng sanh không bao giờ có Phật tánh, cũng như ngoài sóng không bao giờ có nước, ngoài chất chua chát của trái xoài không bao giờ có chất ngọt bùi của trái xoài. Cũng như ngoài tâm sanh diệt không bao giờ có tâm bất sanh bất diệt của Phật. Nói tắt là ngoài phiền não không có bồ đề, ngoài vọng tâm sanh diệt vô thường không bao giờ có tâm bất sanh bất diệt thường trụ của Phật. Nói một cách khác: Nước đã thành sóng, bây giờ làm cho sóng trở lại làm nước, chớ không thể bỏ sóng tìm nước nào khác. Cũng như bỏ vọng tâm cầu chơn tâm, bỏ phiền não cầu bồ đề, bỏ sanh tử cầu niết bàn là kẻ điên.

Chính chơn tâm tùy duyên thành vọng tâm, bây giờ làm cho nó biến chất trở lại, chớ không thể bỏ vọng cầu cái chơn nào khác, cũng như bỏ xuyến đi tìm vàng ngoài xuyến.

Dưới đây là Tổ dạy biến vọng tâm trở lại chơn tâm, cũng như biến chúng sanh trở lại Phật.

 

 

  1. Tự tánh tỏ ngộ, chúng sanh là Phật,

Tự tánh còn mê, Phật là chúng sanh.

Tự tánh bình đẳng, chúng sanh là Phật,

Tự tánh tà hiểm, Phật là chúng sanh.

  1. Nếu các ngươi tâm còn hiểm khúc, thì tức là Phật ở trong chúng sanh. Bằng một niệm bằng thẳng, tức là chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật tự mình là chơn Phật, mình nếu không tâm Phật, chỗ nào tìm chơn Phật?
  2. Bọn ngươi tự tâm là Phật, đừng hồ nghi chi. Ngoài không có một vật gì mà gây dựng được, cả thảy đều do tâm mình sanh ra muôn pháp, cho nên trong kinh nói: “Tâm sanh thì các giống pháp sanh, tâm diệt thì các giống pháp diệt.”

*

  1. Nay ta để lại một bài kệ mà từ biệt cùng bọn ngươi. Kệ ấy gọi là Tự Tánh Chơn Thật. Nếu người đời sau biết được ý nghĩa kệ ấy thì tự thấy bổn tâm, tự thành Phật đạo.
  2.    Tự tánh chơn như là chơn Phật,

Tà kiến tam độc là ma vương.

Hễ lúc ta mê thì ma choán chỗ,

Mà khi chánh kiến Phật tại lòng.

  1. Trong tánh thấy tà ba độc sanh,

Tức là ma vương đến trụ xá,

Chánh kiến dứt trừ ba độc kia,

Ma biến thành Phật, thật không giả.

III.    Pháp thân, Báo thân với Hoá thân,

Ba thân gốc thật một thân này.

Nếu trong tánh mình mình thấy được,

Tức là thành đạo Bồ đề ngay.

  1. Bởi có Hoá thân sanh tánh tịnh,

Tánh tịnh hằng ở trong Hoá thân.

Tánh khiến Báo thân làm Đạo chánh,

Về sau viên mãn thật không ngần.

  1. Tánh dâm vốn là nhơn tánh tịnh,

Nếu trừ dâm là mình tịnh tánh.

Trong tánh lìa xong cả năm dục,

Giây phút thấy tánh tức là chơn.

  1. Đời nay bằng gặp môn Đốn giáo,

Chợt tỏ tánh mình thấy Thế Tôn.

Nếu muốn tu hành cầu làm Phật,

Chỗ nào mà nghĩ để tìm chơn?

VII.  Bằng trong tâm mình thấy chơn được,

Là nhơn thành Phật chẳng hồ nghi.

Không thấy tánh mình cầu Phật khác,

Khởi tâm như vậy tức ngu si.

VIII. Pháp môn Đốn giáo nay truyền lại,

Cứu độ người đời bằng tự tu.

Khuyên người học Đạo ở đời sau,

Chẳng theo thấy ấy lắm tù mù.

 

Lược giải bài kệ “Tự tánh chơn thật”

 

Đoạn I: Tánh chơn như của ta là Phật (chẳng phải Phật giả). Đành rằng tâm chơn như của ta là Phật chơn thật, nhưng lúc nào tâm ta tà kiến nổi dậy, tam độc bùng nổ, lúc ấy tham sân si biến thành ma vương. Nên biết rằng: hễ tâm ta bình thường thì thôi, chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng đến lúc tà kiến thì tam độc nổi dậy, dù mất mạng cũng chẳng biết sợ là gì. Những lúc như vậy, đó là ma vào chiếm trọn thân tâm này. Tuy nhiên, cũng những lúc như vậy, nếu hành giả dùng tri kiến chơn chánh để giác ngộ, chính lúc ấy là Phật vào nhà (vào thân tâm), tâm ta an ổn trở lại (tâm an tức thị thiền).

Đoạn II: Ở nơi tâm tánh mình mà thấy tà kiến phát sanh, đó là tam độc hiện hành sanh khởi. Như thế là ma vương đến nhà ta (thân tâm ta). Phải lập tức dùng tri kiến chân chánh để giải trừ. Ma biến thành Phật thật không phải giả. Thế thì biết rằng: ma vương là tam độc, chỉ cho tà kiến, tri kiến tà. Còn chánh kiến là chỉ cho chánh tri kiến, chỉ cho Huệ giác Bát nhã của Phật.

Đoạn III: Toàn thể chúng sanh đều có ba thân: Một là pháp thân (chơn tâm), hai là thân do quả báo tu phước hình thành (báo thân), ba là thân do tinh cha huyết mẹ sanh ra (ứng hoá thân). Ba thân hoà nhập lẫn nhau, ta chỉ thấy ứng thân thôi. Nếu ai thấy được trí huệ rồi làm theo đó, tức là thành Đạo vô thượng bồ đề vậy.

Đoạn IV: Vì sao Hoá thân (sắc thân) lại phát sanh tánh thanh tịnh? Vì cái tánh thanh tịnh này luôn luôn hằng ở trong hoá thân. Cái tánh thanh tịnh đó ở nơi hoá thân làm cho hoá thân thích nghi được với chánh đạo (con người gần mực thì đen, gần đèn thì sáng). Như vậy về sau viên mãn thật không ngần (lâu ngày chầy tháng thành người đạo đức).

Đoạn V: Bất cứ pháp gì, tịnh hay nhiễm, tinh thần hay vật chất, cả thảy đều do nền tảng bản thể sanh ra, do đó nói rằng “tánh dâm vốn là nhơn tánh tịnh mà phát sanh.” Chính kinh luận xác nhận bản thể sanh ra hiện tượng bằng lời nói: “Chơn như tuy như như bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên sanh diệt nhiễm ô hay tịnh lạc.” Như vậy nếu trừ được lòng dâm tức nhiên tánh tịnh hiển hiện. Nơi tánh đã lìa xong cả năm dục rồi, giây phút thấy tánh mình vốn chơn vậy.

Đoạn VI và VII: Đời nay, ai hữu phước gặp được pháp môn Thiền tông Đốn giáo, thế nào cũng chợt tỏ tánh mình, thấy Thế Tôn (kiến tánh). Ai muốn tu hành cầu làm Phật, hãy xét nghĩ coi mình phải tìm chơn như, (tức là tìm Phật) ở đâu?

Bằng trong tâm mình thấy chơn được, tức là thấy được tự tánh Phật. Tuy nhiên, cái thấy này lìa xa tánh đối đãi, nghĩa là đừng nghĩ đến pháp tướng tương đối với những danh từ đối đãi. Ví dụ như thấy chơn như thì đừng nghĩ đến vọng tưởng, thấy chơn tâm thì đừng nghĩ đến vọng tâm… Cho đến phải lìa có lìa không, lìa tịnh lìa nhiễm, lìa chánh lìa tà. Nói tắt là phải lìa cả hai tướng đối đãi.

Làm sao thấy chơn như được, vì chơn như là vô vi, vô hình, vô tướng, vô danh, vô từ. Thật ra người ta chỉ thấy tánh chất của chơn như mà thôi. Ví dụ như thấy tánh không hai, thấy tánh viên dung bình đẳng, thấy tánh nhứt như, thấy chẳng phải thiện chẳng phải ác, chẳng chánh chẳng tà, chẳng động chẳng tịnh v.v…

Chính những đức tánh mà mình thấy đó, nó là những cái nguyên nhân thành Phật chẳng có gì hồ nghi cả. Không thấy được bổn tánh của mình, trở lại đi tìm Phật khác, ai khởi tâm như vậy thật là ngu si mê lầm.

Đoạn VIII: Đàn Kinh là pháp môn Đốn giáo truyền lại cho người đời sau, cứu độ người đời bằng cách tự giác, tự độ, tự ngộ, tự tu, chớ không thể nhờ cậy ai khác làm cho mình thành Đạo được. Tổ khuyên những kẻ đời sau nếu chẳng theo ấy thì lắm lù mù, mờ mịt.

 

=====

 

  1. Tổ nói kệ rồi, bảo rằng: Bọn ngươi ở lại, sau khi ta diệt độ, chớ nên theo tình đời mà buồn khóc rơi lệ. Chẳng nên chịu lễ điếu viếng của người, mà cũng chẳng được mặc đồ hiếu phục. Nếu làm như vậy, thì chẳng phải là đệ tử của ta, và cũng chẳng thuận chánh pháp. Chỉ nên biết bổn tâm mình, thấy bổn tánh mình, không động không tịnh, không sanh không diệt, không lui không tới, không phải không quấy, không ở không đi.
  2. Ta e bọn ngươi tâm còn mê, chẳng rõ thấu ý ta. Nên ta dặn lại, khiến các người thấy tánh. Sau khi ta diệt độ, cứ y theo đó mà tu hành, thì cũng như ngày ta còn tại thế, bằng trái lời ta, thì dù ta còn tại thế cũng không ích gì!
  3. Tổ dặn rồi bèn nói kệ rằng:

Trơ trơ không tu hành,

Hầm hầm chẳng tạo ác.

Bặt bặt dứt thấy nghe,

Lộng lộng tâm không mắc.

  1. Đọc kệ rồi, Tổ ngồi ngay thẳng đến canh ba, thoạt nhiên nói với môn nhơn rằng: “Thôi ta đi!” Nói rồi im lìm thoát hoá. Thuở ấy mùi thơm đầy nhà, móng bạc chói cả đất, rừng cây biến thành sắc trắng, cầm thú kêu giọng bi ai.
  2. Qua tháng 11, các quan liêu ở trong ba quận Quảng, Thiều, Tân, cùng bọn môn nhơn, kẻ tăng người tục, giành rước chơn thân của Tổ. Quan tài chưa quyết định đưa về đâu, mới cùng nhau thắp hương vái rằng: “Hễ khói hương chỉ xứ nào là chỗ về của Tổ ở nơi đó.” Khi ấy khói hương bay thẳng về Tào Khê.
  3. Qua năm sau, ngày 25, thỉnh xác thân của Tổ xuất khám, đệ tử là Phương Biện lấy keo thơm đem dưng, thì bọn môn nhơn nghĩ nhớ lời sấm ký “thủ thủ” bèn trước lấy thiết diệp, bao vải dầu giữ chặt chỗ cổ của Tổ rồi đưa vào tháp, chợt thấy trong có một lằn bạch quang xuất hiện, xông thẳng lên trời trong 3 ngày mới tan. Quan ở Thiều Châu làm biểu tấu vua, lại vưng sắc vua dựng bia mà ghi lại đạo hạnh của Tổ như vầy: “Tổ xuân thu 76 tuổi. Khi 24 tuổi được truyền y, 39 tuổi xuống tóc, thuyết pháp lợi sanh 37 năm, những kẻ đặng tông chỉ nối giáo pháp được 40 người, còn những người ngộ Đạo siêu phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể.”
  4. Cái tín-y của Sư Tổ Đạt-ma truyền lại đó, là thứ bố khuất quyến bên Tây vức, cái áo Ma-nạp và cái bửu bát của vua Trung Tôn ân tứ, cùng chơn tướng của Tổ mà ngày trước Phương Biện đắp sẵn, với những đồ đạo khí đều giao cho người chủ coi tháp gìn giữ, để vĩnh viễn an trấn nơi đạo tràng Bửu Lâm và lưu truyền quyển Đàn Kinh để hiển rõ tông chỉ của Tổ mà dấy thạnh ngôi Tam Bảo, phổ lợi cho quần sanh.

 

Chú thích:

[67] Hạt giống của muôn sự muôn vật từ tinh thần lẫn vật chất đều tàng trữ trong kho đệ bát thức. Mạt-na thức có công năng truyền tống chủng tử vào bất thức không cho hư mất.

[68] Nếu lìa hai bên biên kiến thì thành tựu pháp môn chẳng hai, tự tánh dùng ra cùng người đối thoại, ngoài thì đối với tướng mà lìa tướng, trong thì đối với không mà lìa không.

[69] Đoạn văn trên đây chúng tôi xin phép không giảng giải, bởi Tổ giảng về pháp đối đặng học trò của Ngài dùng giảng đạo và tu thiền.

[70] Năm 712.

[71] Như tâm giận hờn, tâm thương ghét, tâm hơn thua, tâm phải quấy…

[72] Như như chẳng động, như trong kinh Kim Cang chỗ nói về Tứ cú kệ.

[73] Nhứt tâm niệm Phật là Nhứt hạnh tam muội.

[74] Vấn đề sanh khởi phải đủ ba yếu tố: Nhân (hạt), Duyên (đất, nước, thời tiết v.v…), Quả (bông hay trái). Nói Nhân quả là nói tắt, nói đủ là Nhân duyên quả.

[75] Năm 713.

 

– PHÁP BỬU ĐÀN KINH HẾT –

 

=========================================

 

 

LỜI GHI CHÉP CỦA NGƯỜI GIỮ THÁP

 

Sau khi chơn thân của Tổ vào tháp yên rồi, đến niên hiệu Khai Nguyên thứ 10 năm Nhâm Tuất (722), tháng 8 ngày mùng 3, lúc giữa đêm, chợt nghe trong tháp như tiếng kéo dây sắt, chúng tăng cả kinh chỗi dậy, thấy có một người mặc đồ chế, từ trong chạy ra. Chúng tăng bèn tìm đến coi nơi cổ của Tổ, thấy có một dấu vết, mới đem việc gian trộm ấy mà cáo đến châu huyện.

Quan huyện lệnh là Dương Khang và quan Thứ sử là Liễu Vô Thiêm tiếp đặng các điệp, liền gia tâm tầm nã, qua ngày mùng 5, bắt được kẻ gian trộm nơi làng Thạch Giác, dẫn về Thiều Châu hỏi, thì người ấy cung khai rằng: “Nó là họ Trương tên Tịnh Mãn, người ở huyện Lương, châu Nhữ, thọ lãnh một số tiền mướn hai mươi ngàn quan của tăng nhơn Kim Đại Bi, người đất Tân La ở chùa Khai Nguyên nơi Hồng Châu, bảo lén lấy đầu của Lục Tổ đại sư đem về Hải Đông để cúng dường.”

Quan Liễu thái thú nghe lời cung trạng như vậy, mà chưa vội gia hình, bèn đến Tào Khê hỏi người thượng túc đệ tử của Tổ là Linh Thao rằng: “Thầy muốn buộc tội cách nào?”

Thao nói: “Bằng lấy theo phép nước mà luận tội, thì lý đáng tru di. Nhưng, nếu lấy lượng từ bi của Phật đạo thì kẻ thù với người thân một bực bình đẳng, huống chi kia muốn cầu cúng dường, thì tội ấy nên tha.”

Liễu thái thú khen rằng: “Vậy mới biết là cửa Phật rộng lớn không ngằn.” Bèn tha luôn kẻ ấy.

Niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu, vua Túc Tông khiến sư tới thỉnh y-pháp của Tổ đem về trong cung mà cúng dường. Đến niên hiệu Vĩnh Thái năm đầu, ngày mùng 5 tháng 5, vua Đại Tông chiêm bao thấy Lục Tổ Đại sư đến đòi y bát. Ngày mùng 7 vua xuống sắc cho quan thứ sử là Dương Giám rằng: “Trẫm chiêm bao thấy Huệ Năng thiền sư  đòi y cà-sa của Tổ trước kia truyền lại đó đem về Tào Khê. Nay Trẫm khiến quan Trấn quốc đại tướng quân là Lưu Sùng Cảnh, lãnh đới y ấy đem về. Trẫm gọi là đồ quốc bửu trong tăng chúng, người nào vâng nối tông chỉ của Tổ, thì phải dè dặt giữ gìn, chớ để sai lạc.”

Về sau y ấy hoặc bị kẻ trộm lấy, đem đi chẳng xa đều tìm lại được, đã trót 3, 4 lần như vậy.

Các sự tích khác nữa thì có khắc vào trong các bia của quan Thượng thơ Vương Duy, quan Thứ sử Liễu Tông Nguyên và quan Thứ sử Lưu Võ Tích ở đời nhà Đường.

Kẻ giữ tháp là Linh Thao phụng chép./-

 

HẾT