Lược sử truyền giáo của Giáo Hội Tịnh Độ

Năm 1931 (Tân Mùi) Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời. Hội Phật Học nầy có tờ tạp chí nguyệt san là Từ Bi Âm làm cơ quan, Hội quán và toà soạn tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Đu-ô-mông (Douaumont), hiện nay là đường Cô Giang ở quận 1..

CƠ DUYÊN THÀNH LẬP GIÁO HỘI

Lúc bấy giờ miền Trung và miền Bắc cũng có các Hội Phật lần lượt ra đời, Hội Phật Học nào cũng có cơ quan để truyền bá Giáo lý Phật đà. Đó là cơ duyên chấn hưng Phật giáo đã suy tàn quá lâu.

Thật ra, đây là một cơ duyên chung cho đạo pháp nhà Phật, chẳng phải riêng cho một nhóm nào. Làn sóng chấn hưng Phật giáo đẩy mạnh ba miền Trung, Nam, Bắc, miền nào cũng có nhiều Hội Phật Học ra đời và có nhiều cơ quan lãnh đạo giáo lý.

Đức Tông Sư Minh Trí (giữa) và hai ông Lương Văn Đường, Lâm Văn Hậu

Lúc bấy giờ, tại Chợ Lớn, học trò của Đức Minh Trí đã nhiều, khắp miền Nam cũng chẳng ít.

Năm 1933 (Quí Dậu) Đức Minh Trí lên Chợ Lớn (Ngài đã đi nhiều lần rồi), bàn tính với học trò của Ngài, đa số là công tư chức, thương gia… một mặt thì thảo điều lệ, một mặt thì thành lập một Ban Sáng lập để đứng tên trong giấy phép. Mặt khác, lo kiếm một cái chùa Phật nào để tạm làm Hội quán (Siège sociale).

Thành phần Ban Sáng lập thuở ấy, có tên dưới đây :

  1. Hội trưởng :                   Ông Lương Văn Đường
  2. Phó Hội trưởng :           Ông Nguyễn Văn Sang
  3. Thơ ký :                         Ông Trần Văn Nhân
  4. Thủ bổn :                       Ông Lê Văn Chim
  5. Cố vấn :                         Ông Vương Thới Trí
  6. Cố vấn :                         Ông Lại Văn Giáo.
Con dấu và chữ ký của Đức Tông Sư

 Đầu năm 1934 (Giáp Tuất), Ông Hội trưởng Lương Văn Đường được giấy phép của chính phủ Pháp phê chuẩn ngày 20-2-1934 (Giáp Tuất). Kể từ đây, Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ được chánh thức thành lập.

Trong buổi đầu chưa kiến thiết được một ngôi chùa để làm Hội quán, nên quí ông trong Ban Sáng lập điều đình với ông trụ trì chùa Hưng Long, tạm mượn một thời gian. Hiện nay, chùa nầy vẫn còn sau bao lần sửa chữa, ngày nay trở thành khang trang. (Đường Ngô Gia Tự, vào thời Pháp thuộc có tên là Le Myre de Villers).

Sau khi giấy phép ban hành, Ban Sáng lập mới lo đến vấn đề hợp thức hoá bằng cách triệu tập Đại hội để bầu cử Ban Quản trị chánh thức, thay mặt Ban Sáng lập đặng lèo lái công tác Phật sự.

Con dấu thời kỳ lập giáo và chữ ký của ông Lương Văn Đường

Đại hội lần thứ nhứt ngày 13-3-1934 (Giáp Tuất) mở ra tại Hội quán Hưng Long Tự, bỏ thăm bầu cử Ban Trị sự đầu tiên. Lúc bấy giờ, soạn giả mới 24 tuổi, cũng tập tễnh đi nhóm với tư cách quan sát để học hỏi thêm, hầu sau nầy thành lập chi nhánh.

Bốn tháng sau, ngày 25-7-1934, Ban Trị sự Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội có triệu tập phiên nhóm bất thường. Đại hội nầy có tánh cách hết sức quan trọng, là suy tôn một vị Tông Sư để chủ trì công tác dạy Đạo cho toàn thể Hội viên, Thiện tín.

Điều quan trọng thứ hai, là Đại hội trên đây đặt hết đức tin vào một bậc Tông sư, chẳng những về mặt giáo lý để dạy Đạo, để truyền bá, mà còn có quyền tuyệt đối tối thượng, bao gồm cả mọi công tác Phật sự có liên quan đến Giáo hội.

Trong cuộc suy tôn một bậc Thượng thủ cho Giáo hội, Đức Minh Trí có thừa tài đức để cho toàn thể Đại hội tôn sùng kính cẩn. Nhưng, lúc ấy Ngài cũng nhiêm nhượng, xin Đại hội tìm người khác, bởi sức khoẻ của Ngài không bằng ai, sợ lãnh nhiệm vụ lớn lao không được.

Toàn thể Đại hội tha thiết khẩn cầu, ai nấy hết dạ kính xin Ngài đảm nhiệm, nên Ngài phải làm vui lòng tất cả mọi người mà lãnh chức Tông sư của Giáo hội.

Cũng năm 1934 (Giáp Tuất), Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội được chánh quyền phê chuẩn (ngày 30-7-1934) cho Đức Tông Sư Minh Trí, hiệp với phái đoàn Ban Trị sự đi khắp lục tỉnh để phát phái qui y cho Hội viên, Thiện tín.

Điệp phái qui y có hai phần đối chiếu nhau : một bên thì chữ Quốc ngữ và một bên chữ Hán. Chúng tôi xin phép, chỉ chép lại phần Việt ngữ mà thôi.

Nhìn vào lòng phái, chúng ta thấy Đức Minh Trí dạy Đạo từ thấp lên cao. Lối dạy Đạo của Ngài, chẳng phải chỉ có niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, mà còn tu chứng thánh quả đặng giải thoát hiện tiền nữa.

Năm 1935 (Ất Hợi), Giáo hội khởi sự xây cất Hội quán Trung ương tại Phú Định, do giấy phép ngày 8-8-1935. Điều nên ghi ân là : Đất cất chùa do bà Quách Thị Mười, điền chủ tại Phú Định cúng cho Hội.

Thật ra, nền móng đã đúc sẵn bằng bê tông cốt sắt, tất cả mọi vật liệu kiến trúc đều đã có từ lâu, các cây cột lớn bằng danh mộc, bề cao gần sáu thước cũng hoàn thành, chỉ còn chờ giấy phép là dựng lên.

Hội quán Tân Hưng Long Tự tại Phú Định năm 1936. Nay là Tổ đình Hưng Minh Tự

Đại hội mùng 8 tháng tư năm Bính Tý (28-5-1936), Giáo hội làm lễ lạc thành Hội quán mới Tân Hưng Long Tự, hộ 16 Chợ Lớn. Từ đây Giáo hội TĐCSPHVN đã có chùa làm Hội quán Trung ương, nhờ vậy mới đủ sức chứa hàng ngàn Hội viên, Thiện tín trong những ngày Đại hội từ bốn phương ở lục tỉnh kéo về.

Năm 1937 (Đinh Sửu), Giáo hội đã hoàn tất thêm Đông lang, đồng thời, tờ tạp chí Pháp Âm Phật học xuất bản mỗi tháng một số. Số đầu tiên nhằm tháng Giêng 1937.

Gặp năm thất mùa, tài chánh kinh tế bị khủng hoảng lây, tờ Pháp Âm Phật học ráng đến số 12 (tháng Chạp năm 1937) đã đuối sức. Thấy cơ nguy hiện ra có thể làm tắt ngọn đuốc lãnh đạo giáo lý toàn quốc, buộc lòng tôi phải rời ban biên tập trong tòa soạn, cùng với chiếc xe đạp, đi khắp lục tỉnh để cổ động độc giả mới, đồng thời thâu tiền độc giả cũ.

Năm 1938 (Mậu Dần) là năm thứ hai của tờ Pháp Âm Phật học, tình hình kinh tế trong nước càng nguy ngập thêm, độc giả mới thêm vô 20 phần trăm, độc giả cũ mất đi 60 phần trăm. Vì vậy, năm thứ nhứt (1937) tạp chí Pháp Âm ra đều đều đúng kỳ hẹn mỗi tháng một số. Đến năm thứ hai (1938), cứ hai tháng một số mà cũng chịu không nổi.

Theo luật pháp [lúc đó], tạp chí xuất bản hàng tháng mà không ra được trong thời gian liên tiếp ba tháng, tạp chí kể như tự ý đình bản.

Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ cố gắng lắm, năm thứ nhì (1938), tờ Pháp Âm xuất bản đến số 16, thì ngọn đuốc lãnh đạo đã tắt ngấm.

Ngọn đèn nào cũng vậy, trước khi tắt nó cũng phựt lên coi sáng rỡ. Tờ Pháp Âm Phật học cũng thế, từ nội dung cho đến hình thức đều tiến bộ khả quan, ai xem cũng đều khen cả.

Điều đáng ghi nhớ là : Năm 1935, ông Hội trưởng Lương Văn Đường (1893-1945, Hội viên sáng lập) đã từ trần tại Mỹ Tho ngày 9-3-1945, hồi 7 giờ sáng. Tất cả chúng ta, Hội viên hay Thiện tín hãy ghi ân tạc dạ một bậc công thần của Giáo hội trong buổi khai sơn lập giáo.

Niên khoá 1945-1946 (Ất Dậu – Bính Tuất), ông Lâm Văn Hậu làm Hội trưởng thay thế ông Lương Văn Đường. Đây là một niên khoá khó khăn nhứt trong lịch sử truyền giáo của TĐCSPH.

Năm 1947 (Đinh Hợi), tình hình thời cuộc càng thêm phần nghiêm trọng. Trước ngày Đại hội năm nầy, chính soạn giả vâng lời ông Hội trưởng Lâm Văn Hậu xuống Sa Đéc cung thỉnh Đức Tông Sư Minh Trí lên Trung ương để chứng minh đại lễ.

Đại hội thường niên bắt đầu vào lễ ngày mùng 7 tháng tư năm Đinh Hợi (nhằm 26-5-1947). Đại hội năm ấy hết sức đơn sơ, hoa quả không có, nấu nướng cũng không, quang cảnh lạnh ngắt của tình hình chiến sự bao phủ khắp mọi nơi.

Đúng 5 giờ chiều ngày 7 tháng tư âm lịch năm Đinh Hợi (1947), trước khi về Sài Gòn nghỉ ngơi, Đức Tông Sư khuyên tất cả Hội viên, Thiện tín, ai không có bổn phận hãy về châu thành nghỉ đêm, tình hình nước nhà nghiêm trọng, không nên ở lại Hội quán đông đảo.

Lúc ấy, tôi (soạn giả) mắc giữ chức trưởng ban Diễn giảng, nên không thể vâng lời Đức Tông Sư được. Bởi vì, theo chương trình cuộc lễ, tối bữa đó tôi phải lên diễn đàn thuyết pháp.

Mười một giờ khuya, rạng mặt mùng 8 tháng tư âm lịch Đinh Hợi, sau khi thuyết pháp xong, trên diễn đàn tôi vừa bước xuống, mới cởi xong áo dài khăn đống, thì xảy ra biến cố làm cho ông Hội trưởng, ông Chánh Thơ ký với hai tín đồ phải tử nạn.

DỜI HỘI QUÁN VỀ CHỢ LỚN

Đầu năm 1948 (Mậu Tý), Hội quán Tân Hưng Long Tự bị thiêu huỷ. Văn phòng tạm thời dời về nhà riêng của ông Lê Văn Hơn, số nhà 154 đường Lareynière, hiện nay là đường Lương Nhữ Học.

Kể từ đây, tôi mới thật sự dự vào Ban Trị Sự Trung Ương. Lúc ấy tôi tạm trú tại Bàn Cờ, mỗi ngày đạp xe vô Chợ Lớn để làm việc cho Giáo hội.

Một cái nhà dù rộng cách mấy cũng không thể làm Hội quán được, vì vậy, cuối năm 1949, Giáo hội đã hoàn tất một ngôi Chánh điện tại đường Lacaze, gần Ngã sáu (Chợ Lớn). Sau nhiều lần đổi tên, hiện nay là đường Nguyễn Tri Phương quận 10, số 282.

Hội quán trung ương Tân Hưng Long Tự năm 1950

 Ngày Đại hội là ngày bầu cử Ban Trị sự tân niên, chưa kịp bầu cử đã gãy hết một ông Hội trưởng, cuộc bầu cử không thành. Khi ấy, do sự chỉ định của Đức Minh Trí, ông Lê Văn Hơn làm Hội trưởng.

Năm 1950 (Canh Dần), Hội quán Trung ương thành lập Phòng thuốc Tây phước thiện, do bác sĩ Nguyễn Văn Thình đảm nhiệm, giấy phép số 957-SA ngày 29-7-1950 do bác sĩ Trần Văn Đôn, Quận trưởng địa phương Saigon – Cholon phê chuẩn.

Đức Tông Sư thăm Phòng thuốc Tây Phước thiện

Niên khoá 1952-1953, ông Huỳnh Văn Dơn đắc cử Hội trưởng. Kể từ đây Giáo hội phát triển mạnh, các Chi hội trong toàn quốc lần lượt được thành lập với điều kiện là : Phải có Phòng thuốc Nam Phước thiện, phải có Y sĩ đảm nhiệm phòng thuốc.

Năm 1953 (Quí Tị), Giáo hội nhận thấy bản điều lệ cũ không được rộng rãi, nên thảo lại cái khác, được chánh quyền phê chuẩn ngày 22-12-1953, số 83-MI/DAP.

Đức Tông Sư và ông Huỳnh Văn Dơn

Năm 1956, Đại hội mùng 8 tháng tư năm Bính Thân, Giáo hội Trung ương có mở cuộc triển lãm cây cỏ dược thảo nước nhà trong 10 ngày, đa số là các cây sống do các Chi hội gieo trồng rồi mang về Trung ương trưng bày.

Cũng năm nầy, ngày 28-11-1956, Đức Tông Sư Minh Trí ban hành nội qui Ban Đạo Đức để triển khai tôn chỉ Phước Huệ Song Tu.

Năm 1957, Đức Tông Sư Minh Trí đi khắp lục tỉnh để từ giã Hội viên, Thiện tín mà không ai dè.

Cuối năm 1957, bắt đầu kiểm điểm Đông Y sĩ toàn quốc vào tháng 11, do lệnh của Bộ Y Tế. Kể từ đây, toàn thể Y sĩ của Giáo hội phải điều chỉnh tình trạng Đông Y sĩ, khi có giấy phép mới chính thức được hành nghề.

Cũng năm 1958, Đại hội ngày mùng 8 tháng tư năm Mậu Tuất, Ngài ban hành Huấn Từ, khuyến nhủ hậu sự, không ai ngờ rằng đó là lời di huấn.

TANG CHUNG ĐẠI GIA ĐÌNH TỊNH ĐỘ

Khuya ngày 22, rạng mặt 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (5-10-1958), đúng 23 giờ, Đức Tông Sư viên tịch. Năm đó Ngài 73 tuổi. Lễ an táng nhằm ngày 30 tháng 8 năm Mậu Tuất tại Phú Định (Chợ Lớn).

Toàn quốc Hội viên, Thiện tín đổ xô về Trung ương chịu đại tang, đồng thời các Chi hội trong toàn quốc cũng làm lễ thọ tang.

LỜI THỀ TRƯỚC KIM QUAN

Trong bảy ngày quàn linh cữu, Giáo hội Trung ương tiên liệu việc mai hậu không người lèo lái (vì Ngài không lập chưởng tử), e rằng tinh thần đoàn kết sứt mẻ, nên Ban Trị sự Trung ương lập lời thệ nguyện dưới đây cho toàn quốc trước khi thọ tang.

Điều thứ nhứt : Từ nay chúng con thệ nguyện đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau dung hoà, cố thực hiện cho được Phước Huệ Song Tu, do Huấn từ của Ngài ban ra.

Điều thứ hai : Từ nay chúng con xin thệ nguyện bỏ hẳn tư hiềm, tư kiến, đồng lao cộng tác, chung vai đâu cật, cùng nhau lo việc Đạo hội, không phản Đạo, không phản Thầy, không phản bạn, không ghét nghịch lẫn nhau.

Điều thứ ba : Từ nay chúng con xin thệ nguyện noi gương lành cao quí của Đức Tông Sư trên con đường hoằng dương Chánh pháp, phổ độ quần sanh, thệ nguyện cùng chúng sanh tổng giai thành Phật đạo.

Cầu xin Đức Tông Sư chứng minh lời thệ nguyện của chúng con.

Nam Mô Tông Sư Minh Trí tác đại chứng minh.

GHI CHÚ : Lược sử truyền giáo của TĐCSPHVN chỉ ghi chép đến ngày viên tịch của Đức Tông Sư Minh Trí mà thôi, thế hệ đàn em sẽ tiếp tục thêm mãi mãi.

Cư sĩ Như Pháp

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ TANG ĐỨC TÔNG SƯ MINH TRÍ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *