Khái quát về Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam

Vào những năm đầu thế kỷ 20, làn sóng chấn hưng đạo Phật ở Việt Nam nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các giới Phật tử. Từ Sài Gòn, Gia Định, phong trào chấn hưng lan rộng tới các vùng nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số tôn giáo mới được hình thành dưới hình thức mới, vừa hoạt động tôn giáo, vừa giúp đỡ dân nghèo. Một số tôn giáo phát triển trên nền tảng giáo lý nhà Phật, nhưng được cải tiến ngắn gọn và dễ hiểu để phù hợp với sinh hoạt và trình độ của người dân Nam bộ lúc bấy giờ. Điển hình của một trong những tôn giáo mới xuất hiện trong giai đoạn này là Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam.

Người sáng lập ra TĐCSPHVN có tộc danh là Nguyễn Văn Bồng, sinh năm Bính Tuất 1886 tại xã Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Thuở nhỏ theo Nho học, nhờ nền tảng này cộng với tư chất thông tuệ, ngài tinh thông nghề Y dược cổ truyền Việt Nam. Ở tuổi trung niên, ngài đã sớm tỏ ngộ đạo mầu. Đến khi chính thức thành lập Giáo hội năm 1934, một năm sau (1935) ngài được toàn thể giáo đồ suy tôn là Đức Tông Sư Minh Trí, Giáo chủ TĐCSPHVN.

Trước phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà, ngài đã ứng dụng việc chuyển tải giáo lý nhà Phật qua ngôn ngữ của thơ ca, văn vần, và kinh sách dưới dạng đối đáp ngắn gọn dễ hiểu, để đi vào lòng người, để mọi người đến được với giáo lý Phật đà, đồng thời hướng mọi người vào hoạt động phước thiện để giúp đỡ người nghèo khó. Với hoạt động Phật pháp gắn với từ thiện nhơn đạo, giúp đỡ người nghèo bệnh tật bằng thuốc Nam, số người theo về TĐCSPHVN ngày một đông.

TĐCSPHVN trở thành một tôn giáo, và chính quyền thuộc Pháp lúc bấy giờ đã cấp giấy phép số 619 ngày 20-2-1934 để TĐCSPHVN hoạt động (lúc đó chỉ có sáu chữ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, chưa có hai chữ Việt Nam). Thời Việt Nam Cộng Hoà xác định tính hợp pháp của Giáo hội bằng Nghị định số 83/MI/DAP ngày 22-12-1953. (Bấy giờ có đủ tám chữ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam).

Từ khi ra đời năm 1934, TĐCSPHVN theo tôn chỉ Lục Phương Tông, chủ trương pháp môn niệm Phật và hành Lục Độ (xem thêm nội dung tờ phái trong bài Lược sử truyền giáo của Giáo hội TĐCSPHVN). Đến năm 1950 chính thức lấy tôn chỉ hành đạo là Phước Huệ Song Tu, lấy Pháp môn niệm Phật làm căn bản.

Tu Phước là đóng góp công sức, trí tuệ, tài vật để xây dựng, phát triển ngành Y dược dân tộc (Phòng Thuốc Nam phước thiện) để chữa bệnh miễn phí giúp người đời. Đây được xem là phương tiện để tạo cơ hội cho người nghèo khó có cơ duyên đến với Phật pháp.

Tu Huệ là học Kinh–Luật–Luận của Phật đạo để nâng cao trí tuệ, nâng cao sự hiểu biết để đạt tới giải thoát, an vui. Qua tu huệ để giác ngộ trong việc tu phước, phước và huệ nương nhau, thúc đẩy lẫn nhau phát triển trong một con người, từ đó phát triển rộng ra xã hội, nhằm xây dựng một xã hội đoàn kết, thân ái và tương trợ nhau lúc khó khăn cũng như lúc ốm đau.

  1. Về Giáo Lý tu học, TĐCSPHVN lấy giáo lý Phật đà làm gốc, song được diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu cho phù hợp với đời sống của đa số người dân lao động ở Nam bộ. Trong giáo lý của TĐCSPHVN có nhiều nội dung, song tập trung ở 6 quyển kinh, luật, luận căn bản :

LỄ BÁI LỤC PHƯƠNG : Đây là quyển kinh xuyên suốt toàn bộ giáo lý của người tu theo TĐCSPHVN. Nội dung kinh hướng về người cư sĩ tại gia, sống tích cực nhập thế giữa đời thường mà không đánh mất tâm tính bản nhiên thanh tịnh.

PHU THÊ NGÔN LUẬN : Dùng hình thức đối đáp giữa hai vợ chồng nhằm đạt tới sự diễn dịch “ý nghĩa ở ngoài lời nói.” Quyển Luận này nhằm khuyến khích người tu hành từ tư tưởng đến hành động đều phải quả quyết, không thoái chuyển. ĐẠO ĐỨC : Đây là quyển kinh ghi lại lời thuyết giảng ý nghĩa và phương pháp thực hành đạo đức của Đức Tông Sư Minh-Trí, nội dung chủ trương đạo đức là cái then chốt của văn minh cũng như của khoa học.

GIỚI LUẬT : Thuyết minh quan điểm của người tu Phật, nhất là người cư sĩ tại gia, nêu rõ tính chất nghiêm minh, cẩn trọng mà người cư sĩ tại gia nếu phát tâm thọ trì Bồ tát giới cũng có thể đạt được những thành tựu như người xuất gia.

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP : Là bộ Phật học phổ thông bao quát nhiều trình độ, trong đó thuyết minh rõ về Giáo hội Tăng già, vấn đề Tam qui, chơn lý tu học, xác định giá trị cũng như vị trí vững chắc của người cư sĩ tại gia trong Phật đạo.

PHƯƠNG PHÁP KIẾN TÁNH : Quyển sách thể hiện nội dung nâng cao trình độ tu học, trình bày từng giai đoạn của quá trình tu học để đạt được Kiến Tánh. Người Kiến Tánh thì sẽ xa lìa được thiên kiến để thực hành trung đạo. Ví như một nhân tố tích cực, có thể làm cho người đạt tới những lợi ích hữu dụng hơn.

  1. Giáo luật : là những qui định của Giáo hội TĐCSPHVN (còn gọi là Điều lệ Nội qui) trong việc phân công, phân nhiệm cụ thể cho các hàng chức sắc, chức việc, hội viên, tín đồ. Tóm tắt như sau :

— Chức sắc, chức việc : đứng đầu Ban Trị sự Trung ương là ông Chánh Hội trưởng lãnh đạo chung. Đứng đầu các Ban Trị sự Tỉnh hội là ông Hội trưởng. Đứng đầu các ban cấp quận, huyện hội gọi là Trưởng ban Y tế phước thiện. Mỗi ban gồm có 12 vị với những chức danh và nhiệm vụ cụ thể, được tín đồ, hội viên bầu trực tiếp, nhiệm kỳ một năm.

— Cơ sở thờ tự của Giáo hội TĐCSPHVN được gọi là hội quán, mỗi hội quán đều có Phòng Thuốc Nam phước thiện. Hội quán là tài sản chung của Giáo hội TĐCSPHVN, không thuộc về quyền hạn của bất cứ cá nhân nào.

— Trong hội quán, những cư sĩ hội viên làm công tác lãnh đạo các cấp gọi là chức sắc, chức việc. Có sáu sắc hội viên : hội viên sáng lập, hội viên phước thiện, hội viên tán trợ, hội viên hành sự, hội viên huấn đạo. Tín đồ là những người theo đạo và có qui y. Các chức sắc, chức việc, hội viên tín đồ phải tuân theo Điểu lệ Nội qui của Giáo hội.

  1. Giáo Lễ : TĐCSPHVN hành lễ tuy đơn giản nhưng thành kính. Hằng năm có hai ngày lễ lớn :

— Ngày 8-4 âm lịch : Lễ Phật đản và Đại hội thường niên ngành Y tế phước thiện, đồng thời bầu Ban lãnh đạo Trung ương.

— Ngày 23-8 âm lịch : Lễ kỷ niệm ngày viên tịch của Đức Tông Sư Minh Trí—Giáo chủ TĐCSPHVN, và Đại hội thường niên ngành Đạo đức.

Hằng tháng vào ngày mùng một và 15 âm lịch là những ngày lễ sóc vọng, làm lễ qui y cho tín đồ mới nhập đạo và thuyết giảng giáo lý. Ngoài ra còn tổ chức những ngày lễ chung của đạo Phật, như rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng 10 v.v…

Hành lễ công phu tứ thời : Theo qui định lễ Phật 24 lạy (giản chính theo Lễ Bái Lục Phương), lễ Đức Quán Thế Âm 12 lạy, lễ Đức Tông Sư Minh Trí 6 lạy.

  1. Cơ cấu tổ chức Giáo hội : TĐCSPHVN chính thức thành lập năm 1934, khi đó có 7 hội quán. Năm 1956 có 110 hội quán, năm 1971 có 181 hội quán, năm 1975 có 185 hội quán. Năm 2006 có 206 hội quán. TĐCSPHVN quản lý theo hệ thống từ Trung ương xuống đến các Tỉnh/Thành hội. Tỉnh/Thành hội trực tiếp quản lý Quận/Huyện, Phường/Xã và Ấp hội. Có 4 cấp quản lý, đến nay vẫn giữ nguyên mô hình này.

Hiện tại TĐCSPHVN có 206 hội quán, mỗi hội quán đều có Phòng Thuốc Nam phước thiện, hiện diện ở 23 tỉnh, thành phố từ Khánh Hoà (Nha Trang) tới Cà Mau ; trụ sở chính đặt tại Tổ đình Hưng Minh Tự, số 45 đường Lý Chiêu Hoàng phường 10 quận 6 TP Hồ Chí Minh.

  1. Đạo kỳ : có biểu tượng chữ Nhứt viết theo cổ tự. Nhứt có nghĩa là chung nhứt, tất cả đều qui về Một. Một là đối với huynh đệ coi như anh em một nhà, nên Nhứt Tâm, Nhứt Trí đồng lao cộng tác chung lo việc Giáo hội, không phân chia nhơn ngã, một lòng một dạ, tương thân tương ái giúp đỡ khuyến khích lẫn nhau lo tu hành.

Tiêu chí của TĐCSPHVN là Tu học, hành thiện, ích nước lợi dân, thực sự lợi đạo, ích đời, đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội. Vào tháng 9 năm 2006, TĐCSPHVN được Nhà nước cấp phép đăng ký hoạt động tôn giáo. Qua năm 2007, Nhà nước trao Quyết định Công nhận với QĐ số 207/QĐ-TGCP ngày 27-11-2007.

BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *